Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được một số bản tham luận gửi Hội thảo Giáo dục 2018: Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 17/8 tại Hà Nội.
Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bản tham luận đầu tiên của Thạc sĩ Nguyễn Hồng Quý. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.
Tóm tắt
Trong bối cảnh sự phát triển của giáo dục đại học thế giới chủ yếu diễn ra ở khu vực tư, nếu không dành sự quan tâm đầy đủ đến khu vực giáo dục đại học này chúng ta sẽ không thể hiểu hết các nội dung trong báo cáo của UNESCO.
Giáo dục đại học tư nhân đã có một tác động đáng kể đến các cuộc thảo luận về chất lượng, công bằng, chế độ học tập mới, và có lẽ nhiều nhất là về quyền tiếp cận giáo dục đại học.
Tuy nhiên, giáo dục đại học tư ít được chú ý khi đề cập đến các chủ đề như kiến tạo tri thức, nghiên cứu lập kế hoạch, nhưng các chính phủ và các tổ chức quốc tế, bao gồm UNESCO đang tìm nhiều cách để thích hợp và định hình khu vực tư nhân này khi nhận ra vai trò ngày càng tăng của nó.
Giáo dục đại học tư nhân đã có một tác động đáng kể đến các cuộc thảo luận về chất lượng, công bằng, chế độ học tập mới. Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn |
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo thông tin của UNESCO trong cuộc Tổng đánh giá giáo dục đại học toàn cầu gần đây, khu vực giáo dục đại học tư đã phát triển mạnh trên khắp thế giới.
Hiện nay, khu vực tư vẫn tiếp tục lan rộng tới nhiều khu vực và quốc gia.
Ngày nay, khoảng 30% sinh viên trên toàn thế giới đang theo học tại các trường đại học tư (Guruz, 2008; Prophe, 2008).
Thêm vào đó, mức độ phát triển và tầm quan trọng của khu vực giáo dục đại học tư nhân cũng thu hút được nhiều sự quan tâm hơn dù vẫn chưa đủ so với cách đây 10 năm (Altbach và D.C. Levy, 2005).
Trong giáo dục đại học, khái niệm tư nhân hóa được hiểu theo nhiều cách khác nhau.
Trong khi đại học công được hiểu một cách rộng rãi là những cơ sở đào tạo nhận tài trợ từ nguồn ngân sách nhà nước (địa phương, tỉnh, hoặc quốc gia), thì các trường tư không có một mô hình nhất quán.
Các trường tư có thể hoạt động hoàn toàn dựa trên tài sản tư hoặc một phần dựa vào tài trợ công, đó có thể là các trường lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận, nó có thể chịu trách nhiệm trước chính phủ hoặc hoạt động hoàn toàn ngoài khuôn khổ của luật định, nó có thể có chủ sở hữu hoặc người đầu tư hoặc hoạt động như một quỹ.
Xu hướng tư nhân hóa cũng có nghĩa là các trường tại khu vực công được khuyến khích (nếu không muốn nói là bắt buộc) giảm phụ thuộc vào đầu tư công để trở nên “doanh nghiệp hóa” hơn, cạnh tranh hơn và chứng minh được hiệu quả quản trị tốt hơn.
Cách đây một vài thập kỷ, những ý tưởng trên có thể bị xem là kỳ cục, nhưng ngày nay nó đã trở thành nền tảng cho nhiều kế hoạch chiến lược cũng như chính sách mới tại nhiều nơi trên thế giới.
Vai trò của các đại học tư ngày càng tăng và xu hướng tư nhân hóa khu vực công đang trở thành các xu hướng chính trên toàn cầu.
Thậm chí hai xu hướng này có sự tương hỗ và ảnh hưởng lẫn nhau.
2. NỘI DUNG
2.1. Sự tăng trưởng tại hai khu vực
Ở đầu thế kỷ 20, các trường đại học công vẫn là hình thức chủ yếu của giáo dục đại học, nếu xem xét phạm vi tuyển sinh, vị trí pháp lý, quy định chuẩn về quản lý tập trung ở cấp chính phủ, tài chính và định hướng chủ đạo.
Trong thực tế, giáo dục đại học vốn mang tính chất “công” trong suốt một thời gian dài.
Sự phát triển của giáo dục đại học từ tinh hoa thành hiện đại diễn ra đầu tiên và rõ rệt ở các nước phát triển, chủ yếu ở khu vực công, trừ trường hợp ngoại lệ là Nhật Bản.
Ngược lại, tại các nước đang phát triển và các nước trước đây thuộc khối xã hội chủ nghĩa, sự chuyển dịch chủ yếu diễn ra ở khu vực đại học tư.
Đây cũng là nơi mà đại học tư phát triển nhanh nhất.
Ngày nay, có ít quốc gia (Bhutan, Cu Ba, Triều Tiên) hoàn toàn không có giáo dục tư.
Ngược lại, ở nhiều quốc gia khác, sinh viên đại học trong khu vực tư nhân chiếm số đông.
Chúng ta sẽ xem xét chủ đề này ở cấp độ khu vực và theo thứ tự giảm dần, bắt đầu từ châu Á, khu vực có giáo dục đại học tư nhân lớn nhất (Prophe, 2008).
Đông Á là nơi tập trung đông nhất các nước có tỷ lệ giáo dục đại học tư lớn hơn công.
Các quốc gia có tỷ lệ sinh viên trong khu vực giáo dục đại học tư lớn hơn 70% bao gồm Indonesia, Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc.
Tại Malaysia tỷ lệ này là 50%, còn tại Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á (Campuchia, Việt Nam), tỷ lệ này vẫn dưới 15% nhưng cũng đang tăng rất nhanh, mặc dù ở các nước này sinh viên vẫn đạt tỷ lệ thấp trong độ tuổi học đại học.
Thái Lan và New Zealand có tỷ lệ dưới 15% và một chút, còn tại Australia tỷ lệ này là 3%.
Giáo dục đại học tư ở Nam Á cũng đang tăng nhanh, Ấn Độ trên 30% (Gupta, Levy và Powar, 2008) và Pakistan thấp hơn một chút.
Số liệu ở Tây Á không được đầy đủ, nhưng tỷ lệ tương ứng ở Kazakhstan và Cộng hòa Hồi giáo Iran là gần 50%.
Châu Mỹ Latinh có lịch sử lâu đời hơn châu Á trong việc phát triển cùng lúc hai khu vực giáo dục công và tư.
Vào những năm 1970, tỷ lệ sinh viên đại học tư ở khu vực Mỹ Latinh (D.C. Levy, 1986) là 35%, ngày nay, tỷ lệ này là 45%.
Hai dẫn chứng buộc chúng ta phải thay đổi quan điểm về hệ thống trường tư |
Một lần nữa, chúng ta thấy có sự khác biệt giữa các nước, nhưng ở khu vực này ít có trường hợp tỷ lệ sinh viên đại học tư dưới 20%.
Các nước có khu vực giáo dục đại học tư lớn gồm: Brazil, Chile, El Salvador, Guatemala, Peru.
Trong khi đó, tại một số nước, điển hình là Colombia thì khu vực giáo dục đại học tư đang mất dần thị phần.
Điều này không phải do khu vực giáo dục đại học tư không tăng trưởng, mà do sự tăng đột biến của khu vực giáo dục đại học công, đặc biệt với việc một số trường mới nâng cấp được xếp vào danh mục “đại học”.
Achentina là nước duy nhất trong số các nước lớn ở khu vực này vẫn giữ tỷ lệ lớn đại học công.
So với châu Á, châu Mỹ Latinh có tỷ lệ đại học tư ổn định hơn, nhưng quốc gia ổn định nhất là Hoa Kỳ, với tỷ lệ tương ứng dao động từ 20 – 25% trong nhiều thập kỷ (so với tỷ lệ tương ứng gần 50% vào khoảng thời gian giữa thế kỷ 20).
Tỷ lệ khu vực tư tại Hoa Kỳ giảm, trong khi tỷ lệ này trên toàn thế giới lại tăng, làm cho tỷ lệ giáo dục đại học tư tại Hoa Kỳ thấp hơn so với trung bình thế giới.
Trong khi rõ ràng giáo dục đại học tư tại Hoa Kỳ có vai trò quan trọng nhất trên thế giới, với số lượng tuyệt đối lớn nhất đồng thời vượt trội so với các đại học tư ở các nước khác về số lượng sinh viên sau đại học, hoạt động nghiên cứu và tiềm lực tài chính.
Các nước ở Trung Âu và Đông Âu như Estonia Georgia, Ba Lan, Latvia và đặc biệt là Ba Lan, đã vượt qua tỉ lệ 20% (Slancheva và Levy, 2007).
Bước nhảy vọt từ chỗ hoàn toàn chỉ có khu vực công tới chỗ có một khu vực tư đáng kể trong vòng 5 năm sau khi khối xã hội chủ nghĩa tan rã, đánh dấu một sự tăng trưởng cao hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới.
Trong thực tế, một vài quốc gia trong khu vực này, giáo dục đại học tư đã không tăng dù chỉ vài phần trăm bé nhỏ (Wells, Sadlak và Vlasceanu, 2007).
Vấn đề quan trọng ở đây là sự trì trệ đã kéo dài suốt nhiều năm qua, và một số quốc gia thực tế bị sụt giảm số lượng tuyển sinh cho khu vực giáo dục tư.
Có những thách thức xuất phát từ vấn đề nhân khẩu học, khi nhóm người ở độ tuổi học đại học giảm, nhiều trường đại học tư phải thu hẹp hoặc đóng cửa.
Mặc dù trước đây đã có một số trường đại học tư (bao gồm cả các trường từ thời kỳ thuộc địa) khu vực giáo dục đại học tư tại Nam sa mạc Sahara ở Châu Phi phát triển khá muộn, nhưng có mức độ tăng trưởng rất ấn tượng (Mabizela, Levy và Otieno).
Những bước đột phá chỉ thực sự bắt đầu từ những năm 1980, nhưng phải đến những năm 1990 thì tốc độ và sự tăng trưởng mới thực sự đáng kể.
Trong số các nước có giáo dục đại học tư thì ở các nước nói tiếng Anh khác xa so với các nước nói tiếng Pháp.
Kenya, Nigeria, Uganda là các nước có khu vực đại học tư lớn nhất trong khi phần lớn các nước còn lại, tỷ lệ đại học tư vẫn còn khá nhỏ.
Kenya, với tỷ lệ sinh viên khu vực tư so với khu vực công là 1/5, là trường hợp hiếm tại Châu Phi đang bị chững lại, không phải bởi lý do nhân khẩu học, mà bởi các đại học công cũng đang mở ra các hệ đào tạo “tư” thu học phí (Otieno và Levy, 2007).
Những nút thắt pháp lý cản trở giáo dục đại học ngoài công lập |
Hiện nay tại Châu Phi, hơn 1/4 quy mô tuyển sinh là khu vực đại học tư (Mabizela, 2007).
Khu vực đại học này ngày càng phát triển và thu hút được sự chú ý.
Tây Âu là khu vực kinh tế phát triển nhưng mức độ mở rộng của giáo dục đại học tư khá khiêm tốn.
Quá trình tư nhân hóa trong những năm qua chủ yếu diễn biến trong chính giáo dục đại học công.
Bồ Đào Nha là trường hợp đặc biệt ngoại lệ, với 30% quy mô tuyển sinh là cho khối đại học tư.
Tây Ban Nha là quốc gia có truyền thống giáo dục đại học tư uy tín về mặt học thuật.
Hà Lan (chủ yếu là đại học tư) và Bỉ (rất ít đại học tư) cũng được xem là các trường hợp đặc biệt từ lâu.
Nhưng khu vực tư tại các nước này vẫn nhận kinh phí từ chính phủ và vẫn phải chịu sự chi phối của các quy định của chính phủ.
Tất nhiên, ở Tây Âu vẫn tìm thấy những nơi có sự thay đổi đáng kể.
Từ một trường đại học tư duy nhất vào năm 1981 tại Anh, danh sách các trường đại học tư được bổ sung thêm bởi các trường vốn không có danh xưng “đại học”.
Xu hướng này cũng diễn ra tại Na Uy. Từ một khía cạnh khác, một số nhà kinh doanh giàu có tại Ý và Đức bất ngờ thông báo về các dự án từ thiện đầu tư cho giáo dục đại học.
Đức là quốc gia có sự phản ánh xu hướng khu vực giáo dục đại học tư phát triển nhưng lại nằm ngoài hệ thống các trường có danh xưng “đại học”.
Hoặc một hình thức khác đó là có một số chương trình MBA (Thạc sĩ Quản trị kinh doanh) hoàn toàn không gắn với một trường cụ thể nào.
Trung Đông và Bắc Phi mới bắt đầu hình thành khu vực giáo dục đại học tư.
“Các đại học Hoa Kỳ” đặt cơ sở tại Ai Cập, Jordan, Libăng và nhiều nơi khác, vùng lãnh thổ Kurd cũng mới tham gia vào nhóm này.
Israel là một trong những nước đầu tiên trong khu vực cho phép thành lập giáo dục đại học tư.
Thổ Nhĩ Kỳ có giáo dục đại học tư từ những năm 1970, nhưng sau đó họ quyết định đóng cửa khu vực này, cho đến gần đây mới cho phép mở cửa lại.
Chính phủ các nước Ả Rập có kế hoạch xây dựng và phát triển đại học tư, thường thông qua sự hợp tác với các đại học tại châu Âu và Hoa Kỳ.
Đáng ngạc nhiên nhất là làn sóng phát triển các trường tư tại các quốc gia có liên minh chính trị với nhau, như các trường hợp của Ai Cập, Oman, Ả Rập Saudi và Syria.
2.2. Các loại hình giáo dục đại học tư
Giáo dục đại học tư đã tăng trưởng rất nhanh, bất chấp sự khác biệt giữa các khu vực. Tuy vậy, giáo dục đại học tư còn xa mới là một khu vực đồng nhất.
Để hiểu được hiện tượng này, cần phải xác định được các loại hình chính của nó.
Ở đây có một nhóm bao gồm: tinh hoa và bán tinh hoa, có nguồn gốc tôn giáo, đào tạo đáp ứng nhu cầu và vì lợi nhuận, mặc dù đôi khi các khái niệm này bị lẫn lộn.
Trong một số trường hợp, người ta có thể nhầm lẫn khi phân loại các mối hợp tác xuyên biên giới và quan hệ đối tác giáo dục công – tư.
Hạn chế các hình thức hợp tác chính giữa chính đại học tư và công cho thấy một xu hướng coi cao đẳng (College) là trường tư còn đại học (University) là trường công.
Một ví dụ rõ ràng là ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và một số nước khác, thậm chí xu hướng hợp tác giữa trường trong nước và ngoài nước còn bị bỏ qua.
2.2.1. Các trường đặc thù (Identity)
Phần lớn trên thế giới, các trường thuộc nhóm “Identity” đều là các trường có liên quan đến tôn giáo.
Trong thực tế, như với nhiều lĩnh vực phi lợi nhuận trong giáo dục và rộng hơn, làn sóng đầu tiên của các tổ chức thường có nền tảng tôn giáo.
Hơn nữa, các tổ chức tôn giáo thường thực sự là phi lợi nhuận so với rất nhiều các tổ chức tư nhân khác.
Ở các khu vực Châu Mỹ Latinh, Châu Âu và sau này là Châu Phi, các đại học tư đầu tiên thường là đại học Thiên Chúa giáo.
Cơn “thoi thóp” của Đại học ngoài công lập, lỗi không chỉ do cơ chế! |
Tại Hoa Kỳ, các đại học tư đầu tiên như Harvard hay Columbia cũng gắn với đạo Tin Lành.
Ngoài ra, các trường dành riêng theo giới tính cũng thuộc nhóm này.
Mặc dù trước đây có các trường dành riêng cho nam và trường dành riêng cho nữ, nhưng ngày nay chỉ còn rất ít trường dành riêng cho nam và số trường dành riêng cho nữ cũng đang giảm.
Mặc dù tôn giáo nắm giữ một khu vực chủ yếu trong giáo dục đại học tư, gần đây bức tranh đã có những thay đổi.
Một là sự phát triển của các tôn giáo hỗn hợp, bao gồm cả những tôn giáo theo phái Phúc âm hay đạo Hồi.
Hai là liên quan đến đạo Hồi. Ở những nơi người Hồi Giáo là thiểu số, các trường tư là một lựa chọn hấp dẫn, ở nơi họ chiếm đa số, tôn giáo này có cơ hội phát triển ở khu vực đại học công.
Một hệ giá trị có thể khiến các đại học tư có định hướng dân tộc hoặc tôn giáo trở nên hấp dẫn hơn.
Những giá trị của một bộ phận dân chúng nhất định hoặc một nhóm nhỏ người trong xã hội có thể xung đột với giá trị chung tại các đại học công.
Khi những giá trị này nhấn mạnh đề cao quyền lực, sự an toàn một ý tưởng đạo đức cụ thể, và sự “giống nhau”, nó khiến cho các trường thuộc nhóm này trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhóm bảo thủ, nhất là phụ huynh có con gái.
Các trường tư thường có xu hướng tuyển sinh viên nữ hơn là sinh viên nam (Prophe, 2008).
Trong thực tế, các trường dành riêng cho nữ là một thể loại trường quan trọng khác.
Trường đại học tư dành riêng cho nữ là truyền thống lâu đời tại Hoa Kỳ, tương tự như vậy là ở Châu Á (Purcell, Helms và Rumbley, 2005).
2.2.2. Các đại học tinh hoa và bán tinh hoa
Ngoại trừ tại Hoa Kỳ, sự kết hợp giữa đại học tư và tinh hoa nói chung không thành hiện thực.
Cần nhấn mạnh rằng, trong các đánh giá trên quy mô toàn thế giới thì rõ ràng Hoa Kỳ là trường hợp đặc biệt.
Hệ thống giáo dục đại học Hoa Kỳ là hệ thống duy nhất trên thế giới có đại học tư chiếm lĩnh các vị trí dẫn đầu.
Rất ít nơi khác có thể tìm thấy các đại học tư tinh hoa.
Trong 2 bảng xếp hạng đại học toàn cầu uy tín nhất, có 63 trường đại học cùng nằm trong Top 100 ở cả hai bảng, và 21 trong số đó là trường tư, và tất cả 21 trường tư đó là của Mỹ.
Đó là bảng xếp hạng đại học thế giới của Times Higher Education và bảng xếp hạng Academic Ranking of World Universities của Đại học Shanghai Jiao Tong.
Sau các trường thuộc nhóm đầu là một số các đại học tư không đến từ Hoa Kỳ, chủ yếu là ở Châu Âu những trường có danh xưng đôi khi nhập nhằng, nửa công nửa tư và một vài đại học tư ở Nhật Bản.
Sự xuất hiện ít ỏi đại diện khu vực tư trong hai bảng này cho thấy đại học công đang chiếm đa số tại các nước phát triển (ngoại trừ Nhật Bản và Hoa Kỳ).
Với các chuẩn mực tại các bảng xếp hạng đại học tinh hoa hay “đẳng cấp quốc tế” (Altbach và Balán, 2007), đại học tư ngoài nước Mỹ khó lòng chen chân vào được.
Khu vực tư xuất hiện nhiều hơn tại các nhóm các đại học bán tinh hoa.
Đó có thể là các đại học thuộc nhóm đầu tại một số nước, được thể hiện qua bảng xếp hạng cấp quốc gia.
Dưới các trường hàng đầu, các đại học bán tinh hoa cạnh tranh với các đại học công có chất lượng tốt nhưng không thuộc nhóm đỉnh cao.
Bangladesh, Pakistan, Ba Lan, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ là các quốc gia thuộc nhóm này.
Thực tế, một số đại học tư tinh hoa tại Châu Mỹ Latinh thu hút được nhiều sinh viên giỏi hơn so với các đại học công, ít nhất là vào một số ngành nhất định (D.C. Levy, 1986), thậm chí ngày càng tham gia nhiều hơn vào nghiên cứu và đào tạo sau đại học.
Các đại học bán tinh hoa ở giữa đại học tinh hoa và không phải tinh hoa, đồng thời, về mức độ chọn lọc và danh tiếng, đứng ở mức trên trung bình.
Đặc điểm nổi bật của các đại học này là tập trung vào hoạt động giảng dạy và chất lượng đào tạo tốt, không tập trung vào nghiên cứu như các đại học đẳng cấp quốc tế (mặc dù họ cũng có thực hiện các nghiên cứu ứng dụng tốt).
Địa vị xã hội của sinh viên tại trường này có thể ở mức khá cao, thường bao gồm các học sinh tốt nghiệp phổ thông, và cả thành phần có khả năng trả học phí cho đại học tư.
Một số, nếu không muốn nói là gần như tất cả, đại học bán tinh hoa là các tổ chức thích hợp để tập trung vào một lĩnh vực nhất định hoặc một nhóm các lĩnh vực có liên quan, đặc biệt là kinh doanh.
Hầu hết các trường bán tinh hoa thành công trong định hướng nghề nghiệp cụ thể.
Các trường bán tinh hoa thường khá bảo thủ trong vấn đề tài chính và chính trị, định hướng theo phương Tây thậm chí là theo kiểu Hoa Kỳ.
Các trường này thường tìm kiếm các kết nối và công nhận từ nước ngoài, và giảng dạy bằng tiếng Anh.
Họ hoạt động theo cơ chế thị trường và không muốn phụ thuộc vào nhà nước.
Rất nhiều trường có định hướng khởi nghiệp và một số có mục tiêu học tập nghiêm túc.
Đây là các trường tư nhân, thu nhập hoàn toàn không liên quan đến nhà nước, chủ yếu là từ học phí, họ tự hào với phong cách quản trị theo kiểu doanh nghiệp và họ đặt mục tiêu phục vụ những người theo đuổi lợi ích cá nhân hợp lý.
Trong bối cảnh khu vực đại học tư không xuất hiện trong nhóm các đại học đẳng cấp quốc tế (ngoài Hoa Kỳ), sự phát triển nhanh của các đại học bán tinh hoa là rất đáng chú ý, đặc biệt là nó lại diễn ra ở mọi khu vực.
2.2.3. Các trường đáp ứng yêu cầu thị trường
Mặc dù các trường đại học bán tinh hoa ngày càng quan trọng, nhưng trong khu vực đại học tư phát triển nhanh nhất là các trường không kinh hoa.
Các trường này ra đời chủ yếu để “đáp ứng nhu cầu thị trường”, vì nhu cầu được tiếp cận với giáo dục đại học của sinh viên hiện vượt quá khả năng cung ứng của các đại học công và tư, mặc dù bản thân khu vực này cũng đang phát triển.
Một trong những nguyên nhân tạo ra sự phát triển nhanh chóng của khu vực đại học tư không kinh hoa là do môi trường pháp lý lỏng lẻo ở nhiều nước.
Tại phần lớn các quốc gia có khu vực đại học tư đóng vai trò chính yếu (và cả một số nước khác khu vực tư dù có vai trò thứ yếu nhưng đủ lớn), số lượng các đại học nhắm đến nhu cầu thị trường là đáng kể.
Đây cũng là nhóm các đại học tư lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
Khu vực tư này thường bao gồm các trường không có nhãn mác “đại học”.
Ngoài ra, một số trường tư dù có nhãn mác “đại học” nhưng là các trường kỹ thuật và dạy nghề, nhập nhằng ở ranh giới giữa vì lợi nhuận và phi lợi nhuận.
Các trường đại học tư đáp ứng nhu cầu thị trường thường bị lên án khá gay gắt.
Phần lớn các vấn đề cáo buộc đều có cơ sở, nhưng đôi khi những cáo buộc này cũng đúng với các đại học công ở đẳng cấp thấp.
Mặc dù vậy, để đầy đủ thông tin cho việc xây dựng chính sách học phí, cần phân biệt hai nhóm nhỏ thuộc nhóm các đại học không tinh hoa này.
Nhóm nhỏ thứ nhất có quy mô lớn hơn, khá mơ hồ về chất lượng chuyên môn, về sự nghiêm túc, nỗ lực và minh bạch.
Nhóm không kinh hoa còn lại nghiêm túc, có trách nhiệm và thường định hướng nghề nghiệp tốt (Cao, 2007).
Nhóm nhỏ thứ hai này thường có nhiều cơ hội để phát triển và cải tiến.
Các trường thuộc nhóm này thường được quản lý tốt và có nhiều đặc tính của các đại học bán tinh hoa.
Đối tượng các đại học không tinh hoa này cần được nghiên cứu cụ thể hơn.
Trong mọi trường hợp, các trường hợp nghiêm túc và cả trường bị nghi ngờ về chất lượng thuộc nhóm đáp ứng nhu cầu thị trường này đều hướng tới đối tượng sinh viên năng lực kém.
2.2.4. Khối vì lợi nhuận
Phần lớn các trường vì lợi nhuận có thể được xếp vào nhóm không kinh hoa.
Tại Châu Phi, khu vực đại học tư thường được chia thành các nhóm: tôn giáo, vì lợi nhuận và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Các nhóm này có thể trùng lặp với nhau, ví dụ như các trường tôn giáo thuộc Mozambique và trường vì lợi nhuận ở Nam Phi đều thuộc nhóm các đại học theo nhu cầu thị trường (Mabizela, 2007).
Các loại học vì lợi nhuận thường không phải đại học tinh hoa về học thuật, mặc dù cũng có mộtsố tính chất giống như đại học bán tinh hoa.
Nhiều đại học vì lợi nhuận theo chủ trương tận thu, cung cấp dịch vụ có chất lượng thấp.
Một cách chính thức, các trường vì lợi nhuận chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong khu vực giáo dục đại học, nhưng lại có tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng ở tất cả các nước đang phát triển.
Ngoài ra, khu vực vì lợi nhuận cũng có tốc độ phát triển nhanh nhất trong giáo dục đại học Hoa Kỳ, với tốc độ tăng trưởng tuyển sinh từ 8 - 10%, còn nếu chỉ tính trong các đại học tư, thì tỷ lệ này là hơn 1/3, mặc dù sinh viên tại các trường này tập trung vào các chương trình kéo dài từ 1 đến 2 năm.
Thêm vào đó, một bộ phận đại học vì lợi nhuận đang phát triển ở quy mô toàn cầu, vượt ra khỏi biên giới các quốc gia.
Laureate là công ty lớn nhất hoạt động trong thị trường này (Kinser và D.C. Levy, 2006).
Có mặt khắp nơi tại châu Mỹ Latinh, Laureate đã mua cổ phần của rất nhiều trường đại học.
Whitney International và Apolo Group (chủ sở hữu của Đại học Phoenix) cũng hoạt động ở nước ngoài.
Các đại học vì lợi nhuận khác, ví dụ như Kaplan hay Cortinthian Colleges tìm kiếm thị trường tại Hoa Kỳ.
Ngoài các đại học vì lợi nhuận được vận hành bởi các tập đoàn còn có các hình thức sở hữu khác.
Một số trường đại học vì lợi nhuận là thuộc sở hữu và được quản lý bởi một gia đình.
Một mô hình phi lợi nhuận khác đang rất phát triển ở Hoa Kỳ, Anh, Úc và một số nước khác là các trường đại học thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác tư nhân ở nước ngoài.
Các đại học này có thể là trường công ở trong nước của họ nhưng lại là công ty tư nhân ở nước ngoài.
Khu vực đại học tư vì lợi nhuận phản ánh nhiều đặc tính của lĩnh vực công nghiệp thương mại, thu phí dịch vụ và hầu như không bao giờ được nhận hỗ trợ từ nhà nước.
Nếu không thuộc sở hữu của gia đình, các trường này thường vận hành như một doanh nghiệp, với quyền lực và quyền quyết định tập trung hoàn toàn trong bộ máy quản lý, đội ngũ giảng viên có rất ít quyền và ảnh hưởng, và sinh viên được xem là khách hàng.
2.3. Tư nhân hóa
Quá trình tư nhân hóa diễn ra trong mọi lĩnh vực giáo dục sau trung học, có liên quan nhưng không hoàn toàn giống như sự phát triển của khu vực đại học tư.
Tư nhân hóa ở đây được hiểu là những biện pháp của một trường hoặc hệ thống tìm kiếm thêm thu nhập để chi trả ít nhất là một phần cho hoạt động của họ.
Tư nhân hóa, như đã đề trong bài viết này có thể bao gồm học phí cao hơn và các loại phí khác sinh viên phải chi trả như một cách chia sẻ chi phí đào tạo.
Tư nhân hóa cũng bao gồm nguồn thu từ hoạt động tư vấn, chuyển nhượng, bán tài sản tri thức theo nhiều hình thức, các mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học để tạo ra thu nhập, cho thuê tài sản của trường và các nguồn thu khác.
Tư nhân hóa trở nên cần thiết với nhiều trường và hệ thống xuất phát từ nguyên nhân khủng hoảng ngân sách do quá trình đại chúng hóa kết hợp với giảm đầu tư công, điều này đã được hợp pháp hóa một phần bởi luận điểm coi giáo dục là hàng hóa công.
Một số quốc gia như Australia hay Trung Quốc đã quyết liệt yêu cầu các trường đại học tìm cách kiếm thêm nguồn thu phục vụ hoạt động của mình.
Một số nước khác tác động lên quá trình tư nhân hóa một cách gián tiếp thông qua việc cắt giảm nguồn lực cho các trường tư và thúc ép các trường tìm kiếm các nguồn thay thế khác.
Tư nhân hóa có vẻ đã trở thành một xu hướng mạnh trên toàn thế giới.
Một số ý kiến chỉ trích rằng việc tập trung vào các hoạt động tạo ra thu nhập có thể ảnh hưởng đến vai trò truyền thống của giáo dục đại học, ví dụ như tác động tiêu cực tới hoạt động giảng dạy và nghiên cứu.
Một số ý kiến khác lại cho rằng sẽ là có lợi nếu giới học thuật có động lực và biết nắm lấy cơ hội của thị trường, cũng như giáo dục đại học cần phải tự trang trải các chi phí hoạt động.
3. Kết luận
Mặc dù có sự khác biệt rõ ràng giữa các loại hình đại học tư, vẫn có thể nhận thấy một số điểm khái quát chung.
Sự tăng trưởng sẽ tiếp tục trong toàn bộ khu vực này. Tăng trưởng chủ yếu sẽ diễn ra ở các nước đang phát triển so với các nước phát triển.
Các đại học không tinh hoa và hoạt động vì lợi nhuận sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất, đại học bán tinh hoa cũng sẽ phát triển nhưng với tốc độ chậm hơn.
Những mô hình đại học tư khác không có tiềm năng rõ ràng.
Giáo dục đại học tư ngày nay không giống như 10 hay 25 năm trước, và cũng không có gì chắc chắn trong tương lai nó sẽ tiếp tục như hiện nay.
Tuy vậy, một số thể loại và mô hình cơ bản sẽ vẫn tồn tại.
Sự tăng trưởng của khu vực này cả về số lượng tuyệt đối lẫn tỷ lệ tuyển sinh trong toàn hệ thống giáo
dục đại học là điều gần như chắc chắn./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Guruz, K. (2008), Higher educations and international student mobility in the global knowledge economy. Albany: State University of New York Press.
[2] Prophe, (2008), Program for Research on Private Higher Education.
[3] Altbach và D.C. Levy, (2005), The private higher education revolution, Rotterdam Press.
[4] Gupta, Levy và Powar, (2008), Private higher education: Global trends and Indian perspectives, New Delhi Press.
[5] Slancheva và Levy, (2007), Private higher education in postcommunist Europe: In search of legitimacy. New York: Palgrave Macmillan.
[6] Mabizela, Levy và Otieno, Forthcoming Private surge amid public dominance: Dynamics in the private provision of higher education in africa. Journal of higher education in Africa.
[7] Purcell, Helms và Rumbley, (2005), Women’s colleges and universities in international perspective: An overview, Rotterdam: Sense.
[8] Altbach và Balán, (2007), World class worldwide: Transforming research universities in Asia and Latin America. Baltimore: Johns Hopkins University Press.
[9] Kinser và D.C. Levy, (2006), For – profit higher education: United States tendencies, international echoes. In International handbook of higher education. Ed.J.J.F. Forest an P.G. Altbach. Dordrecht, Netherlands: Springer.