Dứt khoát phải công bằng
Một trong những kiến nghị tiếp theo được Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập gửi tới Thủ tướng Chính phủ là: Đổi mới một số chính sách, cơ chế tài chính đảm bảo sự công bằng xã hội cho giáo dục đại học ngoài công lập và người học.
Cụ thể, hiện nay vẫn còn một số cán bộ ở các cơ quan quản lý TƯ, địa phương và của xã hội đối với trường ngoài công lập đã và đang còn có biểu hiện thiếu thiện cảm, dẫn đến đối xử chưa công bằng: xem nhà trường thuần túy như doanh nghiệp; không cho sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài công lập được tham dự thi tuyển chọn vào cơ quan công quyền, một số cấp quản lý không thực sự quan tâm kịp thời giúp các trường tháo gỡ vướng mắc, khó khăn
Thêm nữa, chính sách ưu đãi chưa đến được với trường: chưa được cấp đất sạch như trường công, vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế như doanh nghiệp đến khi có Quyết định 693/2013/QĐ-TTg thay cho Quyết định 1466/2008/QĐ-TTg.
Cạnh tranh trong khi thế và lực yếu, kém: sinh viên trường ngoài công lập phải trả 100% chi phí đào tạo, nên học phí cao hơn trường công, câu chuyện này đã đề nghị rất nhiều lần và nhiều năm nhưng chưa có biểu hiện thay đổi.
Quy chế tuyển sinh bất cập: xác định sai điểm sàn làm cạn nguồn tuyển sinh, cho phép trường đại học tuyển, đào tạo cả cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, không phân tầng trong tuyển sinh, đánh giá chất lượng đào tạo phiến diện, quá coi trọng đầu vào, xem nhẹ quá trình đào tạo và đầu ra, gây ra những bất lợi cho trường ngoài công lập. Thậm chí còn nhầm lẫn rằng 14% sinh viên ngoài công lập là nguyên nhân chủ yếu tạo nên sự yếu kém về chất lượng của giáo dục đại học của ta hiện nay.
Chính sách với các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập thời gian tới phải được đối xử công bằng, trong ảnh là Trường đại học dân lập Hải Phòng. |
Ngoài những bất cập trên, các trường đại học ngoài công lập còn lâm vào bế tắc vì chính sách học phí. Tại mục 7 thuộc các nhiệm vụ về giải pháp của Nghị quyết TW 8 đã đề cập đến việc “Hoàn thiện chính sách học phí” và “Đối với các ngành đào tạo có khả năng xã hội hóa cao, ngân sách nhà nước chỉ hộ trợ các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và khuyến khích tài năng. Tiến tới bình dẳng về quyền được hỗ trợ của nhà nước”. Những việc này nếu được xử lý kịp thời sẽ tháo gỡ bế tắc cho cả hệ thống đại học, nhất là các trường ngoài công lập.
Trong những năm qua, ở phổ thông, con em các dân tộc ít người, vùng nông thôn, nhà nghèo không được thụ hưởng sự giáo dục như con em nhà giầu và học sinh ở đô thị. Rút cục những thí sinh này có điểm thi vào đaị học thấp, cơ hội học tập chủ yếu ở các trường đại học ngoài công lập. Điều này đồng nghĩa với việc phải nộp học phí cao. Vậy là người nghèo đóng thuế cho người giầu thụ hưởng- một sự “bất bình đẳng ngầm” cần phải được giải tỏa.
Về học phí ở giáo dục đại học đã và đang có sự không công bằng giữa sinh viên trường công lập và sinh viên trường ngoài công lập. Sinh viên ngoài công lập phải trả chi phí đào tạo 100%. Còn sinh viên công lập chỉ phải trả khoảng 30-40% chi phí đào tạo, phần còn lại do Nhà nước bao cấp.
Với tinh thần đó, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đề nghị Thủ tướng: “Ngoại trừ một số ngành đặc biệt, phục vụ công ích và hỗ trợ cho các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, không dùng ngân sách Nhà nước bao cấp chi phí đào tạo cho sinh viên giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập như bấy lâu nay. Theo đó, sẽ có sự công bằng cả về nghĩa vụ và quyền lợi, tránh được những hệ lụy tiêu cực, mà người học và xã hội lâu nay từng mong muốn”.
Hiệp hội cũng thấy rằng, chất lượng đào tạo của giáo dục đại học, cao đẳng ngoài công lập nói riêng, của giáo dục đại học nói chung đã và đang bất cập so với yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, rất cần có cái nhìn thực chất và đầy đủ để từ đó tìm ra được cách khắc phục.
Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ra đời với những cơ hội và thách thức, từng thời điểm, từng giai đoạn khác nhau, từ năm 1993 đến nay. Trong số hơn 80 trường hiện nay gần thì có 30 trường ra đời trước năm 2000, với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bằng tâm huyết, trách nhiệm của những người sáng lập, hầu hết các trường này đã trưởng thành và khẳng định được tên tuổi.
Còn lại đa số là ra đời từ năm 2006 trở đi (53 trường). Với tuổi đời từ 2 đến 7 năm, các trường chưa thể nào có đủ điều kiện mọi mặt để đảm bảo có được chất lượng như mong muốn. Nhưng không phải vì thế mà cho rằng tất cả sinh viên (14%) học trường ngoài công lập đều là diện yếu kém và đó là nguyên nhân chủ yếu tạo nên cái yếu kém của chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.
Trong Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, GS. Trần Hồng Quân –Chủ tịch Hiệp hội còn khẳng định, hầu hết lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đều ý thức được vai trò quyết định của chất lượng đối với việc tồn tại và phát triển của trường trong môi trường cạnh tranh. Muốn tồn tại và phát triển bền vững các trường phải nâng cao được chất lượng đào tạo để tự định đoạt lấy thương hiệu cho mình. Được tự chủ cao, tổ chức gọn nhẹ, lại năng động, sáng tạo sẽ là lợi thế tốt để các trường ngoài công lập có thể sớm vươn lên, cạnh tranh và khẳng định được thương hiệu của mình cùng với thời gian tối thiểu cần thiết.
Nhiều văn bản bất cập với các trường ngoài công lập
Phải thừa nhận, giáo dục đại học ngoài công lập được hình thành và phát triển trên cơ sở hành lang pháp lý đã được ban hành trong 20 năm qua. Tuy nhiên một số những nội dung bất cập của một số văn bản đã ít nhiều hạn chế sự phát triển cũng như hiệu quả đóng góp của khối trường này.
Vì vậy, muốn tổ chức quản lý, quản trị có hiệu quả, hạn chế được phức tạp, phát huy được ưu thế của giáo dục đại học ngoài công lập cần phải có một hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, phù hợp và một chế tài thực thi nghiêm túc, đủ mạnh. Đây chính là công việc rất bức thiết để giáo dục đại học ngoài công lập có thể phát triển và thể hiện sứ mệnh của mình.
Trong kiến nghị của mình, Hiệp hội đề nghị Chính phủ ban hành ngay các văn bản mới, không để tái diễn tình trạng Luật đã có hiệu lực mà vẫn bị ách tắc, không được thực thi được vì chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện, Nghị định 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục đại học, vừa mới được công bố và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2013.
Song các trường còn phải tiếp tục chờ đợi các văn bản hướng thực hiện các điều khoản quan trọng khác của Luật giáo dục đại học, như về tuyển sinh, về thành lập tổ chức kiểm định độc lập và thực thi kiểm định chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng. Thiếu các văn bản hướng dẫn đồng nghĩa với việc cản trở việc thực thi pháp luật (Luật Giáo dục đại học) đối với sự nghiệp đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục.
Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh kịp thời một số nội dung chưa phù hợp trong các văn bản đã ban hành. Cần tách bạch rõ ràng 2 loại hình trường ngoài công lập: vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Tương ứng với các loại hình trường này phải có các quy chế riêng biệt, nếu nhập 2 quy chế làm một không chỉ khó thực hiện mà còn có thêm những phức tạp khi cần điều chỉnh, bổ sung và sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tế vận hành của loại hình trường./.
Xuân Trung