Vụ trưởng GDTH: kiểm tra lớp 1,2 trực tiếp để tránh chất lượng ảo, ngồi nhầm lớp

15/12/2021 06:36
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trước khi tổ chức kiểm tra định kỳ trực tiếp thì Nhà trường phải tiến hành ôn tập, bổ sung kiến thức chứ không phải đùng cái gọi học sinh đến kiểm tra.

Ngày 13/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học phù hợp với tình huống dạy học thích ứng với dịch COVID-19.

Trong đó học sinh lớp 1, lớp 2 sẽ phải làm bài kiểm tra định kỳ tại trường, còn các lớp khác có thể linh hoạt giữa nhiều hình thức. Điều này làm thầy cô, nhiều phụ huynh lo ngại trong tình hình dịch COVID vẫn đang diễn biến phức tạp mà các cháu là đối tượng chưa tiêm vắc-xin.

Để hiểu rõ hơn về tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, bối cảnh ra văn bản hướng dẫn này có 2 lý do.

Thứ nhất, thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một số văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học trong điều kiện, ứng phó với dịch COVID.

Gần đây, bối cảnh thay đổi khi vắc xin được tiêm trên diện rộng, phương án phòng dịch được thực hiện theo Nghị quyết 128, do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo ra văn bản này hướng dẫn cho nhà trường, địa phương tổ chức dạy học theo tinh thần Nghị quyết 128.

Thứ hai, phạm vi quy mô của văn bản này là hướng dẫn cho toàn quốc chứ không phải dành riêng cho địa phương nào và có những yêu cầu trong điều kiện đặc biệt.

Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học Thái Văn Tài (ảnh: Thùy Linh)

Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học Thái Văn Tài (ảnh: Thùy Linh)

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, đối với học sinh tiểu học nói chung và học sinh lớp 1, lớp 2 nói riêng thì việc tổ chức dạy học là cả một quá trình vì vậy trách nhiệm của giáo viên trong quá trình tổ chức dạy học đã có đánh giá thường xuyên được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT Quy định đánh giá học sinh tiểu học. Khi đó đánh giá thường xuyên nhằm khuyến khích, khích lệ sự tiến bộ hàng ngày của học sinh chứ không phải học sinh tiểu học chỉ có bài kiểm tra đánh giá định kỳ.

“Chính vì vậy, hướng dẫn ngày 13/12 của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm đầy đủ kỹ năng, kỹ thuật để giáo viên có thêm nhiều phương án lựa chọn khi đánh giá thường xuyên dù học sinh học trực tiếp, học trực tuyến hay học qua truyền hình. Đồng thời giáo viên- gia đình – nhà trường có sự phối hợp nhiều hơn trong đánh giá thường xuyên học sinh. Đó là phần nội dung rất quan trọng của văn bản này”, Vụ trưởng Tài nói.

Khi đánh giá thường xuyên như thế mới đặt ra đánh giá định kỳ và đánh giá định kỳ chỉ thực hiện khi học sinh đã được học nội dung chương trình các môn học/hoạt động giáo dục tương ứng; đã được giáo viên tổ chức thực hiện đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập và được tổng hợp kết quả đánh giá tại các thời điểm theo quy định (giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học).

Khi đặt ra chuyện tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ, những nơi đảm bảo an toàn dịch theo Nghị quyết 128 thì thực hiện nhiều giải pháp để đưa học sinh đến trực tiếp tại trường để làm nhiều nhiệm vụ như ôn tập, làm quen với trường lớp để xác định nội dung bài kiểm tra đánh giá định kỳ đó.

Đối với học sinh lớp 1, lớp 2 chỉ thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với môn Toán, môn Tiếng Việt để đánh giá học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học. Khi đó Hiệu trưởng nhà trường là người đánh giá công bằng, khách quan về kết quả của quá trình tổ chức dạy học thời gian qua của học sinh và giáo viên, từ đó xác nhận kết quả này cho các em.

Tuy nhiên trong trường hợp bất khả kháng theo tinh thần Nghị quyết 128, nếu trong lớp có học sinh nào đang bị cách ly thì Nhà trường trao đổi với phụ huynh để phối hợp các kiểm tra đánh giá và xác nhận hình thức tổ chức là trực tuyến (nhà trường gửi đề bài, với thời gian làm bài trong bao nhiêu phút thì phụ huynh cho con làm đúng thời gian như vậy, khách quan- PV). Đồng thời phụ huynh phải xác nhận với giáo viên kết quả mà con đạt được là thực chất, chính xác.

Còn nếu trong trường hợp một địa bàn nào đó bị phong tỏa thì gia đình – nhà trường phải thống nhất cách thức kiểm tra trực tuyến và nhà trường - gia đình phải xác nhận việc kiểm tra đó đảm bảo đánh giá kết quả thực. Khi đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm kiểm tra kết quả đó một cách công bằng.

Nói như vậy để thấy, kết quả của bài kiểm tra định kỳ sẽ đảm bảo quyền lợi học tập, giá trị chất lượng thực về năng lực của học sinh, tránh chất lượng ảo, học sinh ngồi nhầm lớp. Còn nếu em nào chưa đạt thì có kế hoạch bổ sung kiến thức cho em đó, nếu phải học lại phần nào của lớp 1 thì học lại đã.

Cuối cùng, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học nhấn mạnh, trước khi tổ chức kiểm tra định kỳ trực tiếp thì Nhà trường phải tiến hành ôn tập, bổ sung kiến thức cho các em trước khi kiểm tra, chứ không phải đùng cái là gọi các em đến để làm bài kiểm tra.

Cụ thể, nhà trường cần lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ; tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện. Các trường chia nhỏ số học sinh/lớp để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung “cốt lõi” trước khi thực hiện bài kiểm tra định kỳ.

Thùy Linh