Trường Đại học Điện lực: Rộng mở cánh cửa xét tuyển đại học

28/08/2021 09:20
Nguyễn Nhất
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 27/8/2021, Trường Đại học điện lực tổ chức buổi giao lưu trực tuyến tư vấn tuyển sinh cho các thí sinh.

“Thí sinh đặc cách tốt nghiệp: Rộng mở cánh cửa xét tuyển đại học” là chủ đề Chương trình giao lưu trực tuyến do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức, từ14h00 – 15h00 ngày 27/8/2021.

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- Tiến sĩ Lê Trung Đạo - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài Chính – Marketing;

- Tiến sĩ Trịnh Văn Toàn - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Điện lực

Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh đủ điều kiện nhưng không thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021 vì nằm trong vùng dịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương căn cứ các quy chế hiện hành, xét đặc cách tốt nghiệp cho các thí sinh này.

Bộ Giáo dục cũng yêu cầu các trường đại học tính toán tỷ lệ, dành chỉ tiêu, bảo đảm công bằng và quyền lợi cho thí sinh đặc cách. Theo đó, hàng loạt trường đại học đã điều chỉnh đề án tuyển sinh, gia hạn thời gian xác nhận nhập học cho các thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Năm học 2021-2022, Trường Đại học Điện lực dự kiến tuyển 3.640 chỉ tiêu đại học chính quy với 3 phương thức xét tuyển (ảnh tư liệu).

Năm học 2021-2022, Trường Đại học Điện lực dự kiến tuyển 3.640 chỉ tiêu đại học chính quy với 3 phương thức xét tuyển (ảnh tư liệu).

Tại chương trình giao lưu trực tuyến “Thí sinh đặc cách tốt nghiệp: Rộng mở cánh cửa xét tuyển đại học”, khách mời đến từ các trường đại học sẽ giải đáp những thắc mắc của phụ huynh và học sinh về các phương thức tuyển sinh mới, những điều kiện để tham gia xét tuyển cho thí sinh thuộc diện đặc cách tốt nghiệp vào các trường đại học, cao đẳng. Những tư vấn của các khách mời sẽ giúp thí sinh có được sự lựa chọn phù hợp, tăng cơ hội trúng tuyển.

Câu hỏi: Thầy cho hỏi hiện Trường Đại học Điện lực dự kiến còn dành bao nhiêu chỉ tiêu tuyển sinh các ngành? Phương thức tuyển sinh mới có dự kiến tăng thêm?

TS Trịnh Văn Toàn - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Điện lực: Xin kính chào các vị khách mời và quý bạn đọc.

Trước tiên, tôi xin cảm ơn lời mời của Ban biên tập Báo GD&TĐ đã cho tôi cơ hội được chia sẻ trong chương trình giao lưu hôm nay.

Trường Đại học Điện lực có 3 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển bằng kết quả học bạ, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục.

Cụ thể: Đối với phương thức tuyển sinh bằng xét kết quả học bạ năm 2021 Trường Đại học Điện lực dành 1.395 chỉ tiêu xét tuyển cho 19 ngành đào tạo. Điều kiện xét tuyển là thí sinh có tổng điểm trung bình trung của 3 năm học 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 tương ứng với các tổ hợp xét tuyển từ 18 điểm trở lên.

Đối với phương thức Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thực hiện theo khoản 2, Điều 7 của Quy chế tuyển sinh ban hành theo Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ngày 07/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 thực hiện theo quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT. Năm 2021 Nhà trường dành 2.245 chỉ tiêu cho phương thức này.

Câu hỏi: Năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường được bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh cho mỗi ngành/chương trình đào tạo này tương ứng tỉ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng (thuộc khu vực xét tuyển chủ yếu của cơ sở đào tạo). Thầy có thể cho biết dự kiến chỉ tiêu Trường sẽ điều chỉnh ra sao?

TS Trịnh Văn Toàn: Chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo tại trường được giữ nguyên.

Năm học 2021-2022, Trường Đại học Điện lực dự kiến tuyển 3.640 chỉ tiêu đại học chính quy với 3 phương thức xét tuyển.

Nam nay, ngưỡng điểm sàn xét tuyển vào các ngành của Trường Đại học Điện lực (Mã trường: DDL) Đợt 1 năm 2021 từ 15 đến 18 điểm. Trong đó, 3 ngành cao điểm nhất là Ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Ngành Công nghệ thông tin và Ngành Quản trị kinh doanh cùng lấy 18.00 điểm. Dưới đó là Ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa 17.00 điểm.

Các ngành: Kế toán, Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, Tài chính - Ngân hàng, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Quản lý công nghiệp, Kiểm toán... đều có ngưỡng điểm xét tuyển từ 15 đến 16 điểm.

Đối với thí sinh đặc cách, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng phương thức học bạ vào trường.

TS. Trịnh Văn Toàn - Trưởng phòng đào tạo trao quà cho các tân sinh viên năm 2020 đến nhập học đầu tiên (ảnh tư liệu).

TS. Trịnh Văn Toàn - Trưởng phòng đào tạo trao quà cho các tân sinh viên năm 2020 đến nhập học đầu tiên (ảnh tư liệu).

Câu hỏi: Với sự điều chỉnh thời gian và mốc xét tuyển đại học, cao đẳng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, xin thầy cho biết kế hoạch điều chỉnh tuyển sinh của Trường Đại học Điện lực như thế nào?

TS Trịnh Văn Toàn: Đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ, Trường Đại học Điện lực đã gia hạn hoàn thiện xác nhận nhập học cho thí sinh do ảnh hưởng của dịch Covid -19.

Hiện nay phương thức xét tuyển bằng học bạ đợt 1 đã kết thúc, các thí sinh đã và đang làm các thủ tục xác nhận nhập học. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, Nhà trường đã điều chỉnh thời gian xác nhận nhập học cho các thí sinh đến ngày 15/9.

Đối với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trường Đại học Điện lực thực hiện theo đúng lịch trình của Bộ GD&ĐT.

Tôi là phụ huynh có con thuộc diện xét tuyển đặc cách ở Hưng Yên, con tôi muốn xét tuyển vào ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử của trường được không? Có phải cháu chỉ có thể xét tuyển bằng phương thức học bạ THPT. Thầy có thể chia sẻ về ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử?

TS Trịnh Văn Toàn: Đối với các thí sinh xét tuyển đặc cách theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh có thể xét tuyển bằng kết quả học bạ vào các ngành đào tạo của Trường; không chỉ riêng ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử.

Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết để sau thời gian học tập, người tốt nghiệp có khả năng thực hiện các công việc của kỹ sư điện ở các môi trường làm việc khác nhau.

Học ngành này, các sinh viên sẽ học 151 tín chỉ với thời gian 4,5 năm. Sau khi tốt nghiệp ngành, sinh viên có thể tham gia các vị trí việc làm như: Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết để sau một vài năm làm việc, người tốt nghiệp có khả năng thực hiện các công việc của kỹ sư điện ở các môi trường làm việc khác nhau.

Kỹ sư giám sát, lắp đặt, thi công, tư vấn thiết kế, vận hành, chế tạo các hệ thống điện, điện tử tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc tại đơn vị về điện như: Các nhà máy điện, các công ty truyền tải điện, các công ty phân phối điện, các doanh nghiệp tư nhân về thi công, tư vấn thiết kế, vận hành, bảo dưỡng các hệ thống điện, các đơn vị thí nghiệm điện, các khu công nghiệp…

Câu hỏi: Thầy có thể cho biết tổng chỉ tiêu, điểm chuẩn trúng tuyển xét học bạ THPT ngành Quản lý năng lượng, Kỹ thuật nhiệt. Điểm học bạ như thế nào thì có cơ hội trúng tuyển vào các ngành này?

TS Trịnh Văn Toàn: Năm 2021 các ngành Quản lý năng lượng, Kỹ thuật nhiệt của trường Đại học Điện lực có điểm chuẩn xét tuyển theo kết quả học bạ là 18 điểm.

Chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Quản lý năng lượng là 60, còn Kỹ thuật điện là 160.

Năm nay dự kiến điểm chuẩn của các ngành xét theo phương thức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có thể tăng từ 1 đến 3 điểm so với năm 2020.

Ngành Quản lý năng lượng, Kỹ thuật điện là những ngành được học sinh rất quan tâm, cơ hội việc làm phong phú sau khi tốt nghiệp.

Câu hỏi: Con tôi có học lực giỏi 2 năm lớp 10 và 11, học lực khá năm 12. Cháu được xét đặc cách tốt nghiệp, vậy cháu có được xét tuyển thẳng vào trường không? Nhà trường có chính sách gì tạo điều kiện cho trường hợp đặc cách tốt nghiệp?

TS Trịnh Văn Toàn: Đối với phương thức tuyển sinh bằng xét kết quả học bạ năm 2021, Trường Đại học Điện lực dành 1.395 chỉ tiêu xét tuyển cho 19 ngành đào tạo.

Với điều kiện xét tuyển là thí sinh có tổng điểm trung bình chung của 3 năm học 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 tương ứng với các tổ hợp xét tuyển từ 18 điểm trở lên. Xét theo tiêu chí này thì thí sinh hoàn toàn có khả năng trúng tuyển vào trường Đại học Điện lực.

Đối với các thí sinh xét tuyển đặc cách theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh có thể xét tuyển bằng kết quả học bạ vào các ngành đào tạo của Trường.

Thầy có thể cho biết chỉ tiêu ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng năm nay là bao nhiêu, có bao nhiêu chỉ tiêu xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và cơ hội cho các thí sinh khác thế nào?

Năm nay tổng chỉ tiêu của ngành Kế toán là 200. Trong đó, 140 chỉ tiêu xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, còn chỉ tiêu xét theo kết quả học tập THPT (học bạ) là 40.

Tài chính – Ngân hàng là một trong những ngành được sinh viên quan tâm. Năm nay trường Đại học Điện lực tuyển sinh với chỉ tiêu là 180. Trong đó, có 120 chỉ tiêu xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, còn 60 chỉ tiêu xét theo kết quả học tập THPT (học bạ).

Đối với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, trường thực hiện theo đúng lịch trình của Bộ GD&ĐT.

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Điện lực (ảnh tư liệu).

Câu hỏi: Thưa thầy, thời gian học cụ thể của Chương trình đào tạo chính quy các ngành của trường bao lâu?

TS Trịnh Văn Toàn: Chương trình đào tạo chính quy đối với khối kỹ thuật là 4,5 năm; đối với khối kinh tế là 4 năm.

Trường Đại học Điện lực là một trường đại học công lập đa cấp, đa ngành có nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cung cấp cho Ngành và phục vụ nhu cầu kinh tế xã hội đồng thời là một trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ hàng đầu của Ngành.

Trường Đại học Điện lực hiện có 19 ngành đào tạo đại học đại trà, 7 ngành đào tạo tiến sĩ, 10 ngành đào tạo thạc sỹ với quy mô hơn 11.000 sinh viên.

Câu hỏi: Xu hướng và cơ hội việc làm từ ngành kế Toán và Tài chính - Ngân hàng của trường sẽ giúp ích gì cho sinh viên khi ra trường, thưa thầy?

TS Trịnh Văn Toàn: Ngành Kế toán là một ngành luôn thu hút đông đảo sinh viên theo học. Lý do đơn giản là nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này vẫn rất cần thiết trong bất cứ cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nào. Thị trường việc làm của ngành ngày càng rộng lớn, cơ hội tìm việc cho sinh viên kế toán dễ dàng hơn và mức thu nhập cũng khá ổn định.

Tốt nghiệp ra trường, các em có thể đảm nhận rất nhiều vị trí khác nhau mà hầu hết các lĩnh vực đều cần từ sản xuất, kinh doanh đến bảo hiểm, ngân hàng, từ cơ quan quản lý tài chính Nhà nước, các doanh nghiệp đến các tổ chức phi lợi nhuận như các đơn vị hành chính sự nghiệp, các trường học, bệnh viện,… Vì thế, nhu cầu nhân lực ở ngành này luôn ở mức cao và cơ hội nghề nghiệp luôn ổn định trong xã hội.

Cùng với đó, ngành Tài chính- Ngân hàng vẫn là nhóm ngành được sinh viên lựa chọn nhiều nhất. Bởi cơ hội việc làm sau ra trường của ngành này rất rộng mở, cao và thăng tiến. Ngày nay, nền kinh tế trong nước đang rất sôi động với rất nhiều thành phần kinh tế, nhiều doanh nghiệp, nhiều mối quan hệ hợp tác cũng như cạnh tranh thi đua nhau phát triển không ngừng. Từ đó kéo theo các hạng mục liên quan tài chính ngân hàng tăng mạnh như chứng khoán, bất động sản…

Câu hỏi: Thưa thầy, ngoài thời gian học tập, các em có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa không?

TS Trịnh Văn Toàn: Trường có rất nhiều câu lạc bộ dành cho các sinh viên như câu lạc bộ tình nguyện, ghitar, nhảy, hát múa, tiếng Anh… để các sinh viên có thể tham gia trong quá trình học tập tại trường.

Tham gia các câu lậc bộ, sinh viên sẽ được rèn giũa rất nhiều các kỹ năng trong cuộc sống giúp sinh viên có được sự tự tin, tính chủ động cao trong học tập và công việc sau khi ra trường.

Câu hỏi: Sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Điện lực thì cơ hội việc làm sau này ra sao? Nhà trường có hoạt động gì hỗ trợ việc làm cho sinh viên không, thưa thầy?

TS Trịnh Văn Toàn: Theo khảo sát độc lập, tỷ lệ ra trường đạt hơn 95% số lượng có việc làm vơi lương hơn 10 triệu đồng/tháng.

Hiện tại, Trung tâm hỗ trợ và khởi nghiệp của trường Đại học Điện lực đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn học tập và hướng nghiệp cho sinh viên của trường; tổ chức các hoạt động huấn luyện kỹ năng và xúc tiến việc làm, định hướng khởi nghiệp giúp sinh viên tiếp cận với các nguồn lực của nhà trường cũng như của xã hội.

Trung tâm là đầu mối kết nối giữa các Doanh nghiệp, Nhà tài trợ với sinh viên thông qua các hoạt động quan hệ Doanh nghiệp, tìm kiếm nguồn tài trợ, Tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tư vấn khởi nghiệp, tìm kiếm và trao các suất học bổng cho sinh viên.

Tính đến thời điểm hiện tại, mỗi năm Trung tâm đã hỗ trợ cho hàng trăm sinh viên tại trường có được việc làm tại các công ty nước ngoài và tập đoàn lớn tại Việt Nam.

Nguyễn Nhất