Tôi chưa thấy trường hợp nào 'chạy', 'lót tay' để bảo vệ luận án TS ở Đài Loan

16/05/2022 07:00
Thiên Nhi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Trần Thị Lan cho biết, ở Đài Loan, người học tiến sĩ không nhiều vì thi khó, học khó, đầu ra khó.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Lan, giảng viên Đại học Quốc gia Cao Hùng (Đài Loan) cho biết:

"Tôi từng có thời gian học tiến sĩ ở Đại học Quốc gia Thành Công (Đài Loan). Riêng đối với ngành Giáo dục học, hàng năm nhà trường chỉ tuyển khoảng 5 - 7 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ.

Nghiên cứu sinh vừa học vừa làm báo cáo và phải đọc rất nhiều tài liệu, các bài đăng trên tạp chí khoa học để thu thập những thông tin của ngành học, phục vụ quá trình làm báo cáo, bài luận. Chương trình đào tạo có khoảng 36 học phần, bao gồm môn lựa chọn và môn bắt buộc. Các học phần được dạy bằng tiếng Anh còn phần báo cáo trên lớp, nghiên cứu sinh phải thể hiện bằng tiếng Trung.

Tiến sĩ Trần Thị Lan, giảng viên Đại học Quốc gia Cao Hùng (Đài Loan). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tiến sĩ Trần Thị Lan, giảng viên Đại học Quốc gia Cao Hùng (Đài Loan). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sau khi hoàn thành các môn học, nhà trường sẽ đưa ra những điều kiện bắt buộc để tốt nghiệp như phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế Toeic, Toefl đạt ngưỡng quy định. Đặc biệt, các nghiên cứu sinh phải trải qua kỳ thi tư cách với 4 môn thi, trong đó 2 môn chung là phương pháp luận nghiên cứu và tâm lý giáo dục.

Tại Đại học Quốc gia Thành Công, 2 môn này nổi tiếng là khó học và khó thi qua bởi mỗi môn có 5 giảng viên tham gia giảng dạy. Mỗi giảng viên sẽ cung cấp các tài liệu khác nhau để nghiên cứu sinh đọc và nghiên cứu. Không ai hay biết giảng viên nào ra đề thi cuối môn. Đã có rất nhiều người trượt và bỏ cuộc ở kỳ thi tư cách".

Cũng theo Tiến sĩ Trần Thị Lan, tại Đài Loan, để được bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải có ít nhất 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học. Đối với ngành khoa học xã hội, yêu cầu này không quá khó, nhưng với khối ngành khoa học kỹ thuật, đa phần các nghiên cứu sinh đều đăng bài trên các tạp chí lớn, nổi tiếng thuộc danh mục ISI, Scopus.

"Đến phần công bố bài báo, cũng có người bị đánh trượt vì không có bài đăng tải trên các tạp chí khoa học. Cho đến ngày bảo vệ luận án, cả khóa chỉ còn lại 2-3 người", Tiến sĩ Trần Thị Lan nói.

Nữ giảng viên cho biết, trong thời gian viết và hoàn thành đề tài nghiên cứu, nghiên cứu sinh sẽ tham gia, phát biểu tại các hội thảo khoa học. Ở Đài Loan, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ tài trợ kinh phí đi lại, ăn nghỉ cho các nghiên cứu sinh.

Tiến sĩ Trần Thị Lan nhận định, quá trình bảo vệ luận án tiến sĩ của các trường đại học tại Đài Loan rất chặt chẽ. Từ khâu bảo vệ đề cương, hội đồng sẽ chất vấn ứng viên chi tiết từng nội dung, cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu đề tài. Nếu bảo vệ đề cương thành công, ứng viên mới được tiếp tục triển khai đề tài và bảo vệ luận án chính thức. Nếu không thành công, ứng viên phải làm lại cho đến khi được hội đồng phê duyệt.

Đối với buổi bảo vệ luận án chính thức, đề tài nghiên cứu sẽ được chấm bởi hội đồng gồm 5 giáo sư, thường sẽ chỉ có 2 giáo sư trong trường, còn lại là giáo sư ngoài trường.

"Tại buổi bảo vệ, ngay cả giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh cũng tham gia chất vấn, phản biện nếu như trong quá trình thực hiện luận án có những vấn đề nghiên cứu sinh và giáo sư chưa thực sự thống nhất. Thực tế, người hướng dẫn sẽ không bảo vệ nghiên cứu sinh trước hội đồng. Không ít buổi bảo vệ diễn ra từ sáng đến chiều, rất căng thẳng.

Sau khi bảo vệ, hội đồng sẽ đưa ra những nội dung cần phải chỉnh sửa, bổ sung, ứng viên dựa vào đó để chỉnh sửa luận án. Nếu bản chỉnh sửa được hội đồng thông qua thì ứng viên mới được trao bằng”, nữ giảng viên này chia sẻ.

Tiến sĩ Trần Thị Lan cho hay, người học tiến sĩ ở Đài Loan không nhiều vì thi khó, học khó, đầu ra khó. Quá trình đào tạo tiến sĩ thường kéo dài trong vòng 6 năm. Có trường hợp bảo vệ đề cương, bảo vệ luận án không đạt phải làm lại từ đầu, song cũng nhiều nghiên cứu sinh muốn đăng bài trên các tạp chí nổi tiếng sẽ phải chờ rất lâu mới được xuất bản bài.

"Đặc biệt, tại Đài Loan, tôi chưa từng thấy trường hợp nào "chạy" hay "lót tay" để bảo vệ luận án tiến sĩ, quá trình học cũng như quá trình bảo vệ luận văn đều rất nghiêm túc. Gần như tất cả nghiên cứu sinh khi được giáo sư nhận lời hướng dẫn sẽ có rất nhiều điều kiện thuận lợi như được làm dự án cùng thầy, được trả lương hàng tháng.

Nghiên cứu sinh không phải lo lắng quá nhiều về mặt tài chính, ngược lại họ còn được giáo sư hướng dẫn hỗ trợ chi phí học tập, chi phí sinh hoạt cuộc sống trong suốt thời gian học", Tiến sĩ Trần Thị Lan cho biết thêm.

Thiên Nhi