Ngày 15/6/2022, Quốc hội ban hành ban hành Luật số 06/2022/QH15 Luật Thi đua, Khen thưởng. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.
Vấn đề mà người lao động, giáo viên đặc biệt quan tâm chính là những quy định mới trong Luật như sắp tới sáng kiến không còn là tiêu chí bắt buộc trong việc xét các danh hiệu thi đua như chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hay các hình thức khen thưởng như bằng khen Bộ, ngành, tỉnh; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh minh họa: Phạm Linh |
Sáng kiến không còn là tiêu chí bắt buộc trong đánh giá viên chức, chiến sĩ thi đua cơ sở
Hiện nay, theo Luật Thi đua, Khen thưởng hiện hành và Nghị định 91/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi đua, Khen thưởng, giáo viên muốn đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, muốn đạt bằng khen tỉnh, Chính phủ,…bắt buộc phải có sáng kiến đạt cấp huyện trở lên.
Nhiều giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi đạt cấp tỉnh, quốc gia hay đạt danh hiệu giáo viên giỏi nhưng không có sáng kiến vẫn không được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở, không được đề nghị tặng bằng khen các cấp.
Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 có hiệu lực 01/01/2024, có sáng kiến được công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu (gọi chung là sáng kiến) vẫn là một trong những tiêu chí trong xét các danh hiệu thi đua như chiến sĩ thi đua cơ sở; bộ, ngành, tỉnh; toàn quốc và là cơ sở để xét các hình thức khen thưởng.
Nhưng, điểm mới của Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 được giáo viên hoan nghênh chính là việc không còn quy định bắt buộc phải có sáng kiến mới được tặng chiến sĩ thi đua cơ sở, các hình thức khen thưởng.
Cụ thể, tại Điều 23 Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 quy định Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:
“1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;
2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.”
Với Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 có hiệu lực từ 01/01/2024, giáo viên chỉ cần đạt danh hiệu lao động tiên tiến, công tác tốt, đạt các thành tích khác được Hiệu trưởng đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có thể sẽ được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở mà không cần có sáng kiến kinh nghiệm.
Điều này được đa số giáo viên vui mừng, hoan nghênh vì tính hợp lý của nó.
Để được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cũng không cần có sáng kiến đạt giải.
Cụ thể, tại khoản 1, 2 Điều 12 quy định việc đánh giá viên chức không giữ chức vụ được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như sau:
"1. Viên chức không giữ chức vụ quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
a) Thực hiện tốt các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Nghị định này;
b) Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao, trong đó ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức…."
Tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Nghị định này quy định về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; tác phong lề lối làm việc; ý thức tổ chức, kỷ luật.
Nói chung, để đánh giá viên chức trong đó có giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không có quy định nào cần phải có tiêu chuẩn sáng kiến.
Do đó, quy định tại Luật mới, giáo viên không cần đạt sáng kiến chỉ cần đạt lao động tiên tiến, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được đề nghị công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Không cần sáng kiến có thể nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Như đã trình bày ở trên, việc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hay được đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rất quan trọng trong xét thi đua danh hiệu cao hơn hay được đề nghị tặng bằng khen các cấp.
Người viết xin được trình bày trường hợp cụ thể giáo viên có thể không cần sáng kiến kinh nghiệm vẫn có thể được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Tại điểm b khoản 1 Điều 73 Quy định “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
“…b) Đã được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh và có liên tục từ 05 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có 03 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;…”.
Giáo viên để được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ phải hội tụ đủ 2 yếu tố: phải được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh và 5 năm tiếp theo được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (trong 5 năm đó ít nhất có 3 lần được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở).
Tại điểm d khoản 1 Điều 74 quy định Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
“…d) Có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ sở;…”.
Như vậy, giáo viên có thể được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh với 2 trường hợp:
Trường hợp 1: có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” (không cần có điều kiện đạt sáng kiến).
Hoặc trường hợp 2: có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận... (cần có sáng kiến).
Như vậy, người viết cho rằng nếu giáo viên cố gắng phấn đấu trong công tác, đạt nhiều thành tích được hiệu trưởng đánh giá hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ, được danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở thì vẫn có thể được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, người viết liệt kê trường hợp giáo viên không có sáng kiến vẫn có thể được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ theo Luật Thi đua, Khen thưởng mới như sau:
Năm 2023-2024, giáo viên đạt lao động tiên tiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (không cần sáng kiến) đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở lần 1.
Năm 2024-2025, giáo viên đạt lao động tiên tiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (không cần sáng kiến) đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở lần 2.
Năm 2025, được tặng bằng khen của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (do 2 lần liên tiếp đạt chiến sĩ thi đua cơ sở).
Năm 2025-2026, giáo viên đạt lao động tiên tiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (không cần sáng kiến) đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở lần 1 – giai đoạn 2.
Năm 2026-2027, giáo viên được hiệu trưởng đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Năm 2027-2028, giáo viên đạt lao động tiên tiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (không cần sáng kiến) đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở lần 2 – giai đoạn 2.
Năm 2028-2029, giáo viên được hiệu trưởng đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Năm 2029-2030, giáo viên đạt lao động tiên tiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (không cần sáng kiến) đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở lần 3 – giai đoạn 2.
Năm 2030, giáo viên trên có thể được đề nghị tặng bằng khen rất cao quý của Thủ tướng Chính phủ do hội đủ 2 yếu tố là “Đã được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh và có liên tục từ 05 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có 03 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”
Sắp tới đây có thể những giáo viên giỏi, công tác tốt đạt nhiều thành tích không cần sáng kiến vẫn có thể được xét các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng. Điểm mới của Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 sẽ tạo được động lực cho đội ngũ người lao động, cán bộ, công chức, viên chức cố gắng phấn đấu trong công tác, tạo công bằng trong thi đua, khen thưởng.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.