Phó Giáo sư Trần Đăng Sinh: Từ người lính đến người thầy mê Triết học

29/06/2022 06:45
Ngô Hiển
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1972, Trần Đăng Sinh đã xung phong vào Nam chiến đấu. Đất nước hòa bình, ông xin đi học và trở thành nhà khoa học.

Cách đây 50 năm, vào năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra vô cùng quyết liệt, Trần Đăng Sinh, chàng sinh viên năm nhất khóa K16 khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xếp bút nghiên ra chiến trường.

Trong 10 năm ở quân đội, ông luôn khát khao có ngày trở về đi học, được cầm bút. Nhờ ý chí không ngừng vươn lên học tập và nghiên cứu, từ một người lính ông đã trở thành Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ nhiệm khoa Triết học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Sinh. Ảnh: Ngô Hiển

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Sinh. Ảnh: Ngô Hiển

Xếp bút nghiên ra trận

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Sinh sinh năm 1954 ở xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội trong một gia đình nông dân nghèo.

Sinh ra trong cảnh đất nước chiến tranh, anh đã phải trải qua những năm tháng vừa học tập, lao động và sẵn sàng chiến đấu trước sự phá hoại của không quân Mỹ.

Năm 1971, Trần Đăng Sinh tốt nghiệp trường cấp II-III Tây Mỗ và đăng ký thi vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. May mắn, chàng trai Đăng Sinh khi đó đã đỗ vào khoa Lịch sử, nơi có các người thầy nổi tiếng như Giáo sư Trần Văn Giàu, Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Trần Quốc Vượng… mà bản thân luôn ngưỡng vọng.

Năm 1972, hưởng ứng lời kêu gọi thanh niên lên đường nhập ngũ, Trần Đăng Sinh cùng nhiều sinh viên tạm xếp bút nghiên vào Nam chiến đấu chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, Trần Đăng Sinh hoàn thành nghĩa vụ của một người con với đất nước. Lúc này, khát vọng được trở lại giảng đường đã thôi thúc người lính trẻ. Ông trình bày nguyện vọng được tiếp tục đi học với đơn vị nhưng bị từ chối.

Mỗi lần đi qua Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chàng thanh niên ấy lại thoáng buồn vì ước mơ đi học vẫn còn dang dở.

Không lâu sau, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (tháng 12/1978) rồi chiến tranh biên giới phía Bắc (tháng 2/1979) nổ ra, Trần Đăng Sinh lại theo đơn vị lên đường chiến đấu.

Đến tháng 7/1981, Trần Đăng Sinh được đơn vị cử đi học lớp huấn luyện sĩ quan ở Đà Lạt. Lần này, ông từ chối và xin ra quân để trở lại học tập dưới mái trường Tổng hợp Hà Nội, tiếp nối ước mơ còn dang dở. May mắn là nguyện vọng của ông được chấp thuận.

Dưới mái trường đại học

Trở về Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trần Đăng Sinh lúc này 28 tuổi vào học khóa K27 khoa Lịch sử do thầy Lương Gia Tĩnh làm chủ nhiệm.

“Lúc đó, trong lớp có cả cán bộ đi học và học sinh thi đỗ đại học nên chênh lệch tuổi tác. Các bạn trẻ khoảng 18, 19 tuổi, học rất giỏi và thông minh, còn tôi thì đã gần 30 tuổi với 10 năm trong quân đội nên kiến thức đã hổng nhiều” – Phó Giáo sư Trần Đăng Sinh tâm sự.

Muốn bắt kịp các bạn càng phải cố gắng ngày đêm học tập bởi ông tự nhận bản thân không phải là người thông minh nhưng được cái chịu khó và rất thích học, học có mục đích.

“Nhờ cần cù bù thông minh” kết thúc năm học đầu tiên, Trần Đăng Sinh là người có thành tích học tập xuất sắc nhất khoa và được cử đi học đại học ở Liên Xô.

Khoảng tháng 9/1982, ông chuyển sang học tiếng Nga tại Trường Đại học Ngoại ngữ một năm. Bắt đầu học ngoại ngữ là điều không đơn giản, nếu bạn học một thì ông phải phấn đấu gấp hai ba lần. Có những từ mới cần học và dịch thì phải tra từ điển nhiều lần để nhớ. Những năm tháng đất nước đang trong thời bao cấp còn nghèo, ăn cơm trộn hạt bo bo mà đói không có sức để học. Trước khi sang Liên Xô, ông phải nằm viện một thời gian do học hành vất vả và suy nhược cơ thể.

Tháng 7/1984, Trần Đăng Sinh lên đường sang Liên Xô học đại học. “Ở đây, cuộc sống khác hoàn toàn với Việt Nam, mọi thứ đều hiện đại và đầy đủ, cảm xúc đúng là khó mà tưởng tượng được” – Phó Giáo sư Trần Đăng Sinh chia sẻ.

Được sống trong điều kiện đầy đủ ở Liên Xô càng khiến ông nghĩ về quê hương, gia đình vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là động lực để ông càng quyết tâm vươn lên trong học tập.

Sau 1 năm học tiếng Nga ở thủ đô Moskva, Trần Đăng Sinh được phân về học ở khoa Triết học, trường Đại học Tổng hợp Kiev trong 5 năm.

Giáo dục của Liên Xô ở bậc đại học là tự đọc, tự tìm hiểu là chính, khác với Việt Nam nặng về cách thầy đọc trò ghi.

Nhờ kiến thức được học ở Liên Xô đã giúp ông có tri thức nền tảng để khi về Việt Nam đi sâu nghiên cứu và giảng dạy triết học, đặc biệt là triết học với tôn giáo.

Mê Triết học bởi sự thông thái

Tháng 11/1990, Trần Đăng Sinh tốt nghiệp đại học và trở về Việt Nam sau 6 năm học tập. Xuống sân bay Nội Bài, hình ảnh đầu tiên ông nhìn thấy là người nông dân vác cày ra ngoài đồng.

Trời đang mùa đông, cánh đồng khô nứt, người dân rất vất vả, lam lũ nhưng trên môi họ cười rất tươi.

Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi người khi đất nước bắt đầu đổi mới, nghiên cứu và giảng dạy Triết học cũng hòa chung vào sự nghiệp đó.

Tháng 1/1991, ông Trần Đăng Sinh được nhận vào giảng dạy ở bộ môn Triết học, khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Càng đi sâu nghiên cứu triết học, ông càng đem lòng đam mê, yêu thích bởi “Triết học là sự thông thái”.

Nhờ triết học gắn liền với tư duy lý luận, giúp con người nhận thức những vấn đề chưa biết của thế giới.

Theo Phó Giáo sư Trần Đăng Sinh: ‘‘Khác với triết học phương Tây, triết học phương Đông thường gắn với tôn giáo và các học thuyết chính trị đạo đức. Ở Việt Nam cũng như vậy, tư tưởng triết học được ẩn nhiều trong các hình thức khác nhau như: đạo đức, tôn giáo, phong tục, lối sống…’’.

Từ đó, ông đi sâu vào nghiên cứu triết học với tôn giáo.

Bởi tôn giáo là một thành tố văn hoá, mà văn hoá là nguồn lực đảm bảo đời sống tinh thần, do đó tôn giáo cũng là nguồn lực của xã hội.

Khi đứng trên giảng đường dạy sinh viên về các vấn đề tôn giáo, ông nhận thấy cần phải có giáo trình để cho người học.

Ông tâm sự: “Khi đó cơ sở vật chất giảng dạy của trường còn thiếu thốn, sách tham khảo nghiên cứu hạn chế. Nhưng tình yêu với triết học, bằng sức trẻ và sự nhiệt huyết, tôi vẫn quyết tâm viết cuốn giáo trình Tôn giáo học”.

Năm 2001, cuốn sách hoàn thành với 3 nội dung chính: Những vấn đề lý luận chung; Những vấn đề lịch sử tôn giáo; Những vấn đề thực tiễn.

Trong đó, cuốn sách đã nghiên cứu một số khái niệm về tôn giáo, tín ngưỡng, cuồng tín… và làm rõ sự khác biệt của nó.

Ông cho rằng: ‘‘Không đồng nhất tôn giáo với các mặt xấu như mê tín, mê tín dị đoan. Từ đó bảo vệ và phát huy giá trị tốt đẹp như thờ cúng vua Hùng, ông bà tổ tiên, người có công với Tổ quốc.

Chính nhờ niềm tin tôn giáo, tin vào cái đức, thiện… mà con người đã vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống".

Năm 2011, khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được thành lập, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Sinh được bổ nhiệm là Chủ nhiệm khoa.

Bên cạnh công tác quản lý, giảng dạy, ông còn đi sâu vào nghiên cứu khoa học. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về tôn giáo.

Trong đó có các đề tài ông làm chủ nhiệm như: “Đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam – cơ sở triết học và vai trò trong lịch sử dân tộc”, Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ, 2012-2016; “Hiện tượng Tôn giáo mới và sự tác động của nó đến đời sống xã hội tại miền Bắc Việt Nam hiện nay”, Bộ Khoa học và Công nghệ, 2017-2019…

Các công trình sách gồm: Nghiên cứu và giảng dạy Triết học trong thời đại ngày nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2012; Đạo làm người trong văn hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, 2014; Giáo trình triết học Mác - Lênin nâng cao, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2014; Đạo lý uống nước nhớ nguồn – Cơ sở triết học và giá trị lịch sử dân tộc, Nhà xuất bản Giáo dục, 2017…

Hiện nay, dù nghỉ công tác quản lý nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Sinh vẫn tiếp tục gắn bó với sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu.

Mỗi thế hệ sinh viên khoa Triết học ra trường trở thành nhà khoa học, người nghiên cứu giảng dạy hay làm các công việc phục vụ xã hội thì ông đều hạnh phúc bởi nó góp phần lan toả tình yêu triết học ra xã hội.

Ông quan niệm rằng: ‘‘Triết học không phải cái gì quá cao siêu và trừu tượng. Triết học luôn hiện hữu trong chính những gì đang diễn ra ở cuộc sống này’’.

Ngô Hiển