Nhiều trường xây dựng “ATM điện thoại, laptop” giúp học sinh học trực tuyến

01/09/2021 06:20
Phan Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng các “ATM điện thoại, laptop” để giúp các học sinh khó khăn chưa có thiết bị học trực tuyến.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh, thì giải pháp dạy và học trực tuyến là phù hợp nhất. Hiện ngành giáo dục thành phố cũng đã xác định, có thể sẽ phải kéo dài hình thức học như vậy

Mở “ATM điện thoại thông minh”

Vì có nhiều lý do khác nhau, nên nhiều học sinh đã không thể trang bị cho mình thiết bị, phương tiện để phục vụ cho việc học trực tuyến.

Trước tình hình này, giáo viên của Trường trung học cơ sở Minh Đức, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho các học sinh khó khăn khi học trực tuyến trong mùa dịch, có tên là “ATM điện thoại thông minh”.

Cô Trần Thúy An – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Minh Đức cho hay, qua thống kê sơ bộ thì trường có khoảng 100 học sinh không đủ thiết bị để phục vụ cho việc học trực tuyến.

Tại buổi họp hội đồng sư phạm của trường mới đây, các thầy cô giáo cũng đã trao đổi, nêu ý kiến cũng như bày tỏ sự lo lắng về việc này.

Các thầy cô đều không muốn “bất cứ học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, nên đã cùng nhau bàn bạc, trao đổi và thảo luận kỹ lưỡng, cùng nhau đưa ra ý kiến xin điện thoại thông minh cũ, laptop cũ…từ phía các mạnh thường quân, phụ huynh, học sinh hay bất cứ ai.

Thư ngỏ của trường trung học cơ sở Minh Đức, quận 1 (ảnh: P.N)

Thư ngỏ của trường trung học cơ sở Minh Đức, quận 1 (ảnh: P.N)

Do đó, “ATM điện thoại thông minh” của trường ra đời từ đó. Cụ thể, nhà trường sẽ tạo ra một đường link kêu gọi đến phụ huynh, học sinh hay mạnh thường quân có các điện thoại thông minh cũ, máy điện thoại để bàn hay laptop cũ (kèm theo dây sạc) có thể đăng ký để gửi tặng lại cho phụ huynh.

Nhà trường sẽ trực tiếp đứng ra tiếp nhận, kiểm tra lại các thiết bị và sẽ lên kế hoạch chuyển tới tận tay học sinh.

Cho tới nay, nhà trường đã tiếp nhận được một khoản tiền ủng hộ tương đương có thể mua khoảng 20 điện thoại thông minh, với giá tiền phù hợp.

Bên cạnh đó cũng có một số điện thoại cũ đăng ký qua link, nhưng do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nên giáo viên cũng chưa thể đến nhà để tiếp cận với phụ huynh được.

Về phương án vận chuyển những thiết bị này tới tay học sinh, lãnh đạo nhà trường đã bàn bạc, có nhiều phương án khác nhau để đưa đến tay học sinh.

Thế nhưng, nếu các phương án này thực hiện quá khó khăn thì có thể sau ngày 15/9, những thiết bị này mới có thể tới tay các em, các em phải chấp nhận trễ học một thời gian ngắn.

Quyên góp máy tính tặng học sinh

Tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), ông Đỗ Minh Hoàng – Giám đốc Trung tâm cho biết, qua khảo sát thì cơ bản học viên của trung tâm này có đủ thiết bị di động thông minh hoặc laptop phục vụ cho việc học trực tuyến.

Thế nhưng, theo ông Hoàng thì về lâu về dài, việc học trực tuyến với thời lượng nhiều trên điện thoại vẫn sẽ có nhiều bất cập, ít nhiều ảnh hưởng đến mắt.

Thư ngỏ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, quận 5 (ảnh: P.N)

Thư ngỏ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, quận 5 (ảnh: P.N)

Việc học thực hiện trên máy vi tính sẽ giúp các học viên làm quen, thành thạo thêm nhiều kỹ năng, trong đó có môn Tin học là môn nằm trong chương trình.

Chính vì vậy, Ban Giám đốc trung tâm đã thống nhất, thực hiện thư ngỏ tới toàn thể quý phụ huynh và học viên của trường, quý mạnh thường quân về việc quyên góp máy tính đã qua sử dụng để tặng lại cho học viên có khó khăn của trường.

Số máy tính cũ này sẽ được một công ty máy tính tiến hành bảo trì, nâng cấp, sửa chữa và sẽ vận chuyển đến tay học sinh phục vụ cho việc học tập.

Tính đến ngày 30/8 thì đã có 5 máy vi tính được mạnh thường quân đăng ký, xác nhận trao tặng. Tuy nhiên, cũng giống như trường trung học cơ sở Minh Đức, do thành phố đang giãn cách, thì Trung tâm Chu Văn An cũng sẽ tiến hành nhận máy sau.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Phan Nga