Nguyên Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Hồ Văn Long đã sai phạm những gì?

28/10/2020 06:38
Phương Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Phạm Vĩnh Phú, nguyên Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Hồ Văn Long, quận Bình Tân đã bị kết luận là có hàng loạt sai phạm.

Như Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, ông Phạm Vĩnh Phú – Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Hồ Văn Long, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh đã bị lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận Bình Tân kỷ luật giáng chức.

Nguyên nhân của việc này là do trong quá trình điều hành, quản lý nhà trường, ông Phú đã để xảy ra nhiều sai phạm trong việc thu, chi tài chính không đúng quy định, gây bức xúc cho giáo viên, làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị.

Việc này đã vi phạm vào điều 11, Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ ra ngày 18/9/2020.

Vậy, ông Phạm Vĩnh Phú đã sai phạm những gì, dẫn đến việc bị xử lý kỷ luật?

Căn cứ vào văn bản trả lời đơn phản ánh của giáo viên trường, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Tân - ông Đỗ Đình Thiện ký hồi cuối tháng 8/2020 (nay ông Thiện đã nghỉ công tác) đã nêu rõ:

Để ngoài sổ sách kế toán nhiều tỷ đồng

Tổng số tiền thu được từ hoạt động tăng tiết, ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 trong 3 năm học (2017 – 2018, 2018 – 2019 và học kỳ 1 của năm học 2019 – 2020) là hơn 4 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền mà nhà trường chi trả cho giáo viên chỉ là hơn 2 tỷ đồng.

Sau khi có đơn phản ánh của giáo viên, thì ngày 25/6/2020, nhà trường chi trả thêm cho giáo viên hơn 577 triệu đồng, Trong văn bản của quận Bình Tân trả lời cho giáo viên hôm 31/8/2020, quận đã kết luận nhà trường đã chậm trễ trong việc chi tiền cho giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Số tiền tồn trước ngày 22/5 của hai nguồn thu trên là hơn 1,8 tỷ đồng. Cụ thể, trong năm học 2017 – 2018 là hơn 670 triệu đồng, hai năm học kế tiếp là hơn 730 triệu và hơn 450 triệu đồng.

Tiền này đã được ông Phú khi đó giao cho thủ quỹ giữ không đúng quy định. Khi đoàn kiểm tra của quận đến làm việc, thì trường mới nộp số tiền này vào kho bạc, đồng thời thực hiện việc chi đủ 65% cho giáo viên giảng dạy.

Trường trung học cơ sở Hồ Văn Long, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: CTV)

Trường trung học cơ sở Hồ Văn Long, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: CTV)

Quận Bình Tân yêu cầu nhà trường phải bổ sung nguồn thu chi vào Quy chế chi tiêu nội bộ, đưa vào sổ sách kế toán theo dõi, khi thu tiền của người học thì phải xuất hóa đơn cho từng học sinh, thực hiện đúng Quy chế chi tiêu nội bộ.

Tiền thu được phải nộp vào tài khoản tiền gửi của trường, chấm dứt việc hiệu trưởng và thủ quỹ giữ tiền, không để tiền mặt quá lớn tại trường.

Cũng theo kết quả làm việc của tổ công tác quận Bình Tân, trong 3 năm học nói trên, tổng số tiền từ nguồn thu dạy thêm học thêm, tin học, ghế ngồi, quản lý học sinh, phục vụ vệ sinh, dò bài, dạy nghề phổ thông…là hơn 6,1 tỷ đồng.

Trừ đi các khoản chi trả cho giáo viên, hoàn trả lại cho học sinh, thì còn tồn lại số tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Trong 3 năm học đó, số tiền này đã được để ngoài sổ sách kế toán, chưa được hạch toán vào sổ sách kế toán của trường. Nguồn này do thủ quỹ theo dõi riêng.

Hiệu trưởng giao cho thủ quỹ giữ 4 sổ tiết kiệm, đứng tên cá nhân thủ quỹ với số tiền lên đến hơn 1,3 tỷ đồng, bao gồm cả gốc lẫn lãi.

Trường Hồ Văn Long còn tự ý thu 10 khoản thu (Tin học, ghế ngồi, quản lý học sinh, phục vụ vệ sinh, đề kiểm tra, nước uống, ôn thi tuyển sinh 10, ôn thi nghề, dò bài, dạy thêm học thêm) mà không xin phép quận, thu chi để ngoài sổ sách kế toán, không lập hóa đơn thu tiền, phiếu thu, phiếu thu, phiếu chi 10 khoản nói trên (Riêng nguồn thu đề thi, giấy thi và nước uống năm học 2019-2020 có hạch toán với sổ sách kế toán của nhà trường).

Việc này đã vi phạm vào khoản 3, điều 13 của Luật Kế toán năm 2015.

Năm 2018, trường công khai tổng chi cho chuyến đi Thái lan của giáo viên nhà trường (34 giáo viên đi, mỗi người được chi tiêu chuẩn 5 triệu đồng) là 210 triệu đồng. Sau khi tính toán thì con số chênh lệch cần phải thu hồi là 32 triệu đồng, cần nộp vào tài khoản tiền gửi của trường, vì đây là tiền phúc lợi của trường.

Thu của học sinh mà dùng không hết, vẫn thu tiếp

Tháng 12/2018, tháng 1,4,5/2019, dù dạy không đủ tiếp nhưng vẫn thu đủ học phí tiếng Anh với người nước ngoài. Số tiền dùng không hết lên đến hơn 327 triệu đồng, nhưng không hoàn trả lại cho học sinh.

Trường còn tự ý thu tiền học vi tính của học sinh, khi chưa nhận được sự đồng ý, thống nhất của quận, cũng không hạch toán vào sổ sách kế toán của nhà trường. Quận yêu cầu nhà trường phải trả lại cho học sinh tiền thừa học tiếng Anh với người nước ngoài, tiền học vi tính.

Trong trường hợp không hoàn trả được cho học sinh, thì phải nộp số tiền còn lại vào ngân sách.

Dù khoản thu nước uống, giấy và đề thi kiểm tra học kỳ còn tồn quỹ nhiều, nhưng các năm học sau này nhà trường vẫn tiếp tục thu, để ngoài sổ sách kế toàn nên năm 2018, bảng công khai tài chính và báo cáo thu hộ - chi hộ của trường không có hai khoản thu này.

Quận đề nghị phải trả lại số tiền tồn hơn 419 triệu đồng cho học sinh, không thì phải nộp vào ngân sách.

Phương Linh