Nghe thầy giáo hơn 50 tuổi kể chuyện đi...trông trẻ

19/01/2020 06:00
Thùy Linh
(GDVN) - Khi mới bước chân vào nghề, thầy Hiệu không được phụ huynh ủng hộ, thậm chí nhiều phụ huynh còn viết đơn yêu cầu nhà trường phải để cô giáo dạy con họ.

Tôi có dịp trò chuyện với thầy Trần Quốc Hiệu hiện đang là giáo viên Trường Mầm non Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa khi thầy ra Hà Nội nhận Bằng khen của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong chương trình Giao lưu, tôn vinh những tấm gương điển hình tiên tiến cấp học mầm non.

Thầy Hiệu cảm thấy rất phấn khởi, vui mừng khi được Bộ trưởng tận tay trao Bằng khen. 

Dù đã bước sang tuổi 52 nhưng đến nay thầy Hiệu mới công tác trong ngành giáo dục mầm non vẻn vẹn 12 năm. Khi hỏi về quá trình học tập thì điều khiến tôi bất ngờ đó là bước vào tuổi 37 thầy Hiệu mới bắt đầu đi học mầm non tại trường Cao đẳng sư phạm Hưng Yên. 

Khi mới bước chân vào nghề, thầy Hiệu không được phụ huynh ủng hộ, thậm chí nhiều phụ huynh còn viết đơn yêu cầu nhà trường phải để cô giáo dạy con họ. (Ảnh: Thùy Linh)
Khi mới bước chân vào nghề, thầy Hiệu không được phụ huynh ủng hộ, thậm chí nhiều phụ huynh còn viết đơn yêu cầu nhà trường phải để cô giáo dạy con họ. (Ảnh: Thùy Linh)

Thầy kể: “Tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi thi vào Cao đẳng Nhạc họa Trung ương nhưng sau đó nghỉ. 

Kể từ đó tôi bắt đầu học và làm công việc may quần áo, thậm chí cả comple nhưng bản thân nhận thấy mình rất thích trẻ con, vì sự hồn nhiên, vô tư, đáng yêu nên bắt đầu suy nghĩ đến việc sẽ trở thành giáo viên mầm non và quyết tâm đi học để được dạy trẻ”. 

Từ 01/7/2020, giáo viên sẽ được miễn học phí học nâng chuẩn trình độ đào tạo
Từ 01/7/2020, giáo viên sẽ được miễn học phí học nâng chuẩn trình độ đào tạo

Thầy Hiệu cũng chia sẻ thêm, thời điểm đó có trao đổi với gia đình về lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, thầy được gia đình ủng hộ đặc biệt là vợ. 

Thế nhưng bẵng đi một thời gian dài không đụng vào sách vở nên năm đầu tiên ở mái trường cao đẳng chẳng hề dễ dàng gì bởi lẽ chương trình học nhiều lý thuyết nhưng khi chuyển sang giai đoạn học thực hành như nhảy múa, hát ca, tạo hình đồ chơi, chăm sóc trẻ khiến thầy Hiệu càng thêm yêu nghề giáo viên mầm non hơn. 

Bước vào cái tuổi 40, thầy Hiệu cầm hồ sơ đi xin việc, mất 2 năm đầu tiên đi dạy hợp đồng với đồng lương ít ỏi 600.000-700.000 đồng/ tháng chỉ đủ tiền xăng. “Đồng lương thấp khiến đôi lúc tôi cảm thấy nản nhưng rồi tự nhủ với bản thân phải cố gắng”, thầy Hiệu nói. 

Hơn nữa, khi mới bước chân vào nghề, thầy không được phụ huynh ủng hộ, thậm chí nhiều phụ huynh còn viết đơn yêu cầu nhà trường phải để cô giáo dạy bởi họ không yên tâm giao con cho thầy. 

Song, vượt qua tất cả những định kiến đó, thầy vẫn ân cần, chịu khó, yêu thương các cháu, chăm sóc, dạy dỗ trẻ bằng cả tấm lòng và tình yêu thực sự để trẻ yêu mến thầy, trẻ đến trường nhiều hơn nên sau 1 tuần dạy dỗ thì cứ mỗi khi thầy đến trường là học sinh chạy ra đón, cứ như vậy phụ huynh dần tin tưởng thầy chứ không như lúc đầu. 

Nhắc đến phái mạnh theo ngành mầm non, nhiều người không khỏi bất ngờ, bởi nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, sự chịu khó, khéo léo... Nhưng với thầy Hiệu đó là lựa chọn đúng đắn và không quá đặc biệt bởi “tôi có khả năng dỗ trẻ tuyệt vời, trẻ cứ khóc mà được tôi dỗ dành là sẽ nín”, thầy tâm sự. 

Yêu thích công việc, nên thầy luôn làm tốt nhất mọi điều dành cho trẻ và liên tục trở thành giáo viên giỏi cấp tỉnh trong 10 năm liên tục.

Trong những giờ học, người thầy giáo mầm non duy nhất của trường Cẩm Ngọc, duy nhất của huyện Cẩm Thủy đã hơn 50 tuổi nhưng vẫn hàng ngày lặng lẽ chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho học trò. Mỗi ngày qua, cứ quen dần với công việc nên càng yêu mến các con và muốn gắn bó với nghề hơn.

Thùy Linh