Không có tiền mua smart phone học online, mẹ xót xa nhìn 3 con phải đi học "ké"

01/10/2021 06:29
Nguyễn Nhất
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không có tiền mua điện thoại, máy tính cho 3 con học online, các con của chị Bến phải đi học nhờ hàng xóm, bạn bè.

Những ngày cuối tháng 9, trong cái nắng gắt hanh khô giữa trưa của Hà Nội, chị Hoàng Thị Bến (43 tuổi, trú tại thôn Đông Cứu, Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội) vẫn đang ở nhà văn hóa thôn tước rơm buộc gọn gàng, phơi khô để bán cho người dân buộc rau hoặc đốt tro bốc bát hương.

Nước da đen sạm với khuôn mặt khắc khổ của người phụ nữ này khiến chị già hơn so với tuổi thật. Mà chị khổ thật, khổ nhất cái thôn, cái xã này khi chồng mắc bệnh tâm thần, 3 con nhỏ đang tuổi ăn học. Gánh nặng kinh tế dồn lên đôi vai của chị khi cuộc sống mưu sinh chỉ bằng bằng mớ rau, cây lúa, cộng thêm với Covid, Hà Nội giãn cách xã hội thời gian quá khiến việc mưu sinh của chị càng thêm khó khăn.

Chị Bến tại Nhà văn hóa thôn để phơi thóc và tước rơm.Chị Bến tại Nhà văn hóa thôn để phơi thóc và tước rơm.

Hoàn cảnh éo le

Trong căn nhà cấp 4 nằm gần ngã ba con ngõ ở cuối làng, chiếc cổng nhà phủ rêu phong được xây từ năm 1988. Cánh cửa cổng bằng gỗ đã mục nát mở ra vào khó khăn là nơi sinh sống của 5 thành viên gia đình chị Bến.

Người phụ nữ ngoài 40 tuổi này chia sẻ, chồng chị mắc bệnh về thần kinh từ lúc nhỏ, cái duyên cái số đưa đẩy nên chị lấy anh cách đây 13 năm. Lấy được vợ, đầu óc của anh Việt vẫn không “sáng” lên chút nào, anh vẫn nói năng lảm nhảm, có lúc còn chửi nhau với mọi người và bị họ đánh.

Lúc lấy nhau, anh chị sống trong căn nhà trát đất của các cụ để lại, mối mọt, kiến bò lổm ngổm. Năm 2012, chị được chính quyền địa phương cho vào hộ nghèo và hỗ trợ tiền sửa sang lại căn nhà.

Mọi đồ dùng trong nhà, từ cái xe đạp đến cái tủ lạnh hoen gỉ cũng được dân làng cho. May ra, chị sắm được cái điện thoại “cục gạch” để tiện liên lạc khi làm thuê làm mướn

“Điện thoại thì tôi chỉ có mỗi cái cục gạch này để mọi người liên lạc, chứ làm gì có tiền mà mua smartphone”, chị Bến nói và đưa chiếc điện thoại ra.

Chị Bến sinh được 3 đứa thì cả 3 đều phải đẻ mổ, cộng với hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ lúc nhỏ đến lớn, chúng đều còi cọc so với bạn cùng trang lứa.

Ngoài những ngày bận rộn với thóc lúa, chị Bến còn chăm ruộng rau để hái bán, giúp gia đình có thêm thu nhập khoảng 20.000-30.000 đồng/ngày.

Xót xa vì có lục bị đuổi khi đi học online nhờ

Vợ chồng chị Bến có ba đứa con, đứa con gái lớn đang học lớp 6, cậu con trai thứ hai học lớp 4 và con gái út học lớp 2. May mắn là cả 3 đứa đều phát triển tâm sinh lý bình thường như bao đứa trẻ khác, hơn nữa chúng còn học giỏi.

Chị Bến lấy tệp giấy khen năm học 2020-2021 của ba đứa con được cất giữ kĩ trong một chiếc hòm như là báu vật. Giấy khen và phần thưởng được bọc trong túi nilon cẩn thận.

Nguyễn Kiêm Hoàng (lớp 1B) và Nguyễn Hoàng Ngọc Như (lớp 5D) được nhận giấy khen với thành tích hoàn thành xuất sắc nội dung học tập và rèn luyện các môn học, Nguyễn Lâm Chúc (lớp 3B) được nhận Giấy khen về hoàn thành tốt nội dung học tập môn Toán.

Đứa con út của chị Bến đi học nhờ nhà hàng xóm, khi đi học thì bé vác cái hòm để làm bàn học (Ảnh: Nguyễn Nhất)Đứa con út của chị Bến đi học nhờ nhà hàng xóm, khi đi học thì bé vác cái hòm để làm bàn học (Ảnh: Nguyễn Nhất)

Chị Bến giở những tờ tiền 10 nghìn và 20 nghìn đồng được thưởng của các cháu ra khoe với chúng tôi đầy tự hào. “Các cháu được nhà trường tặng thưởng vài chục nghìn đồng đều cất đi và về nhà đưa mẹ. Bất kể ai cho chúng vài nghìn, bọn nhỏ cũng làm như vậy. Có lẽ, các con hiểu được hoàn cảnh của gia đình, hiểu được nỗi vất vả của mẹ".

Năm học 2021-2022, cả ba cháu phải học online do dịch Covid-19, nhà không có điện thoại smartphone, chị Bến cũng định bấm bụng đi mua một chiếc, nhưng hỏi người nhà thì nó có giá tận hơn 3 triệu đồng.

Vậy là chị đành phải sang nhờ hàng xóm, phụ huynh, bạn học của con để cho 3 đứa đi học "ké".

Cô con gái út của chị Bến vất vả khiêng chiếc hòm từ nhà hàng xóm về, sau khi kết thúc buổi học online.

Cô con gái út của chị Bến vất vả khiêng chiếc hòm từ nhà hàng xóm về, sau khi kết thúc buổi học online.

Nhắc lại chuyện học online, chị Bến không khỏi chạnh lòng, vì vào đợt học online của năm học trước, cô con gái Nguyễn Hoàng Ngọc Như đến nhà bạn cùng lớp để học “ké”, nhưng phụ huynh của em này không đồng ý cho Như học cùng con họ. Vậy là chị Bến đành phải đèo con gái về nhà trên chiếc xe đạp cũ nát, trong lòng tâm trạng nặng trĩu.

“Cháu lớn đến nhà bạn cùng lớp học nhưng phụ huynh không cho học và đuổi về. Thấy con tủi thân, tôi động viên cháu là về mẹ đưa con đi nhà khác học nhờ”, chị Bến chia sẻ.

Giấy khen của ba đứa con chị Bến, cùng những phần thưởng là 20-30 nghìn đồng được chị cất giữ cẩn thận. (Ảnh: Nguyễn Nhất)

Giấy khen của ba đứa con chị Bến, cùng những phần thưởng là 20-30 nghìn đồng được chị cất giữ cẩn thận. (Ảnh: Nguyễn Nhất)

Trong lúc ngồi trò chuyện với phóng viên vào cuối giờ chiều, đứa con gái út vất vả ôm cái hòm sắt cồng kềnh to gần bằng người nó từ nhà hàng xóm về. Đó là chiếc hòm được em dùng để làm bàn học, khi học online nhờ nhà hàng xóm. Thấy thế, đứa anh liền chạy ra đỡ giúp em gái.

“Nó tên giống con trai là khi xưa trước khi sinh nó, thì vợ chồng tôi tưởng nó là con trai. Nó nói với tôi là ước mơ làm cô giáo, còn chị lớn thì muốn làm bác sĩ”, chị Bến chia sẻ.

Theo người phụ nữ này, đứa con lớn và đứa con gái út hiện đi học nhờ nhà hàng xóm, còn đứa con trai thứ hai thì học tại nhà bạn cùng lớp.

Chị Bến chia sẻ, dù hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nhưng chị vẫn luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng hết sức để nuôi các con ăn học đàng hoàng, để chúng có tương lai tốt đẹp hơn bố mẹ.

Nguyễn Nhất