Khó khăn bộn bề khi các trường vùng cao dạy học môn Tiếng Anh và Tin học

03/07/2022 07:00
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường cố gắng đảm bảo về nhân lực nhưng cơ sở vật chất như phòng chức năng, máy vi tính để học sinh thực hành phải cần sự hỗ trợ từ nhiều nguồn khác.

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3.

Để triển khai, tổ chức dạy học 2 môn học này ở những vùng thuận lợi cũng không gặp khó khăn gì nhưng với những trường vùng khó, vùng sâu sẽ gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt là khó khăn về cơ sở vật chất đối với việc giảng dạy môn Tin học.

Thiếu giáo viên dạy tiếng Anh, tin học nên phụ huynh đóng tiền hợp đồng giáo viên thỉnh giảng (Ảnh: CTV)

Thiếu giáo viên dạy tiếng Anh, tin học nên phụ huynh đóng tiền hợp đồng giáo viên thỉnh giảng (Ảnh: CTV)

Thiếu giáo viên ngoại ngữ, tin học nên phải ký hợp đồng giáo viên thỉnh giảng

Hiện một số trường tiểu học ở Đắk Lắk thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học. Vì thế, nhà trường muốn dạy ngoại ngữ, tin học phải ký hợp đồng giáo viên bên ngoài vào thỉnh giảng.

Dù mức đóng không cao (ngoại ngữ 93.000 đồng/năm học đối với lớp 1 và 2, còn lớp 3, 4 và 5 đóng 33.000 đồng/năm; Tin học 62 ngàn đồng/năm) nhưng vẫn tạo thêm gánh nặng về tài chính cho nhiều gia đình học sinh khó khăn.

Ngoài ra, số lượng máy vi tính cũng không đủ cho học sinh. Cô giáo H. giáo viên một trường tiểu học ở Đắk Lắk (đề nghị không nêu tên) cho biết phòng tin học của nhà trường chỉ có 15 máy, trong khi sĩ số học sinh là trên 30 em/lớp.

Vì thế, cứ 2 em (hoặc hơn) ngồi chung một máy. Chưa kể những lúc máy tính có sự cố thì nhiều em phải học chung một máy là bình thường.

Tại huyện miền núi Kỳ Sơn thuộc tỉnh Nghệ An, còn tình hình còn khó khăn hơn khi triển khai dạy ngoại ngữ và tin học theo chương trình mới.

Một số giáo viên cho biết, thiếu trầm trọng giáo viên ngoại ngữ, năm nào cũng tuyển mà không có nguồn.

Vẫn có những điểm trường đến nay chưa có điện lưới, phần đông các trường học nơi đây chưa có phòng tin học.

Không chỉ thiếu về nhân lực mà còn thiếu trầm trọng về vật lực. Vì thế, dù toàn ngành có nỗ lực bao nhiêu cũng rất khó đáp ứng được yêu cầu.

Cả huyện Tương Dương, huyện Kỳ Sơn thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Nghệ An nên rất khó tuyển dụng giáo viên dạy tiếng Anh.

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Tương Dương, Phòng đã nhiều lần thông báo tuyển dụng thêm giáo viên Anh văn nhưng vẫn chưa tuyển được.

“Học tin không thể "học chay". Muốn học có chất lượng phải có phòng máy”, thầy giáo Th. (giáo viên một trường trung học cơ sở tại Kỳ Sơn) khẳng định. Thầy Th. cho biết thêm: “Trường mình cấp 2 còn chưa có được phòng tin học thì nói gì đến tiểu học?”.

Thầy cho biết, năm 2021-2022, học sinh lớp 6 phải học môn Tin học bắt buộc. Toàn huyện có 19 trường cấp 2 nhưng chỉ có khoảng 4 đến 5 trường là có phòng tin thôi.

Không có phòng máy nên giáo viên chỉ dạy lý thuyết thôi chứ chẳng có hiệu quả gì nhiều.

Nỗ lực để dạy học trò

Giải quyết bài toán thiếu giáo viên ngoại ngữ, nhiều trường học tại Đắk Lắk đã hợp đồng với giáo viên để triển khai dạy tiếng Anh.

Cô Võ Thị Tuyết Chinh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã chia sẻ giải pháp để giáo dục huyện Tương Dương đáp ứng tốt chương trình mới trong việc dạy ngoại ngữ và tin học cho học sinh.

Theo đó, Phòng sẽ thực hiện gom điểm trường như cho toàn bộ học sinh lớp 3 về điểm trường chính (tổ chức bán trú luôn) hoặc các điểm trung tâm và bố trí phòng máy để dạy cho học sinh.

Nói về việc chuẩn bị các phòng máy vi tính, cô Tuyết Chinh cho biết thêm: "Một số phòng máy do Sở Giáo dục cấp, một số thực hiện xã hội hóa còn lại đang làm tờ trình xin huyện mua. Chắc chắn đầu năm học sẽ có đủ phòng máy để dạy".

Với học sinh lớp 4, 5 thực hiện biện pháp dạy tăng cường như việc mỗi tuần một buổi, cử giáo viên ngoại ngữ, tin học ở điểm trường chính về các điểm trường lẻ để dạy.

Đối với huyện Kỳ Sơn, lại khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tin học bằng cách chọn trong mỗi trường học những giáo viên có kiến thức cứng về tin học và cử đi tập huấn chuyên môn tin học trong thời gian hè để sẵn sàng về dạy cho học sinh.

Ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết: “Chúng tôi cố gắng đảm bảo về nhân lực nhưng cơ sở vật chất như phòng chức năng, máy vi tính để các em thực hành phải cần sự hỗ trợ từ nhiều nguồn khác”.

Theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Ngoại ngữ 1 (Tiếng Anh) và Tin học là môn bắt buộc được tổ chức dạy học từ lớp 3 năm học 2022 – 2023.

Để chuẩn bị đủ điều kiện nhân lực, vật lực đáp ứng hiệu quả chương trình mới, ngày 09/03/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra văn bản hướng dẫn yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện một số nội dung về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Về đội ngũ giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp tuyển dụng, kí hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng theo hướng dẫn tại Công văn số 371 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học dạy tiểu học bắt đầu từ năm học 2022 – 2023 bảo đảm đủ giáo viên để tổ chức dạy học môn Tiếng Anh và môn Tin học theo lộ trình quy định.[1]

Năm học mới cũng đã cận kề, hiện ngành giáo dục ở những vùng khó như Tương Dương, Kỳ Sơn vẫn đang gấp rút chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu, mục tiêu của chương trình mới đặc biệt đối với 2 môn học Ngoại ngữ và Tin học.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-gd-huong-dan-to-chuc-day-hoc-tieng-anh-tin-hoc-bat-buoc-doi-voi-lop-3-post225139.gd?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết