In sách “bắt quân sĩ cởi truồng”, NXB giáo dục kỷ luật nhân viên

15/01/2015 15:19
Phương Thảo
(GDVN) - Nhà xuất bản Giáo dục cho rằng, những thông tin trên mạng xã hội về sách “Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh" là có cơ sở.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 15/1, đại diện Ban truyền thông Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng, cuốn sách nằm trong  bộ sách được xuất bản năm 2009 từ kết quả cuộc thi “Biên soạn truyện tranh lịch sử theo sách giáo khoa lịch sử hiện hành”. Đây là cuộc thi với  mục đích góp phần  đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí và giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ, tác phẩm dự thi được xuất bản thành truyện tranh.

Nội dung bức tranh vẽ cảnh đánh giặc chưa phù hợp với trẻ em. Ảnh Internet
Nội dung bức tranh vẽ cảnh đánh giặc chưa phù hợp với trẻ em. Ảnh Internet

Sau khi phát hành, Nhà xuất bản nhận thấy có một số chi tiết chưa thực sự xác đáng, hình ảnh chưa phù hợp với đối tượng độc giả nhỏ tuổi nên đã ngừng xuất bản cuốn sách và kèm theo đó đã nghiêm túc kiểm điểm các biên tập viên liên quan. Từ đó tới nay Nhà xuất bản không tái bản cuốn sách này.

Trước đó, thông tin trên mạng xã hội và một số phụ huynh cho biết họ đọc được cuốc sách Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh, trong đó phần tranh vẽ những hình ảnh quân lính cởi truồng và tại trang 30-31 có ghi: “Thấy khí thế Hai Bà Trưng quật cường, khó bề thắng, Mã Viện liền hạ kế bắt quân sỹ cởi truồng mà giao chiến. Các đội nữ binh của hai Bà trông thấy rất xấu hổ, ngượng ngùng quay đi, nhuệ khí vì thế mà suy giảm rất nhiều. Lợi dụng tình hình đó, Mã Viện thúc quân xông lên làm cho quân Hai Bà phải thua. Trưng Vương buộc phải rút quân về giữ Cấm Khê (nay thuộc Vĩnh Phúc). Lực lượng quân Mã Viện quá lớn, lại giở trò quỷ quyệt khiến các đội nữ binh phải bỏ chạy. Mã Viện thừa thế xua quân truy đuổi ráo riết…”.

Ngay sau đó, Giáo sư Sử học Phan Huy Lê đã lên tiếng cho rằng, “Tất cả các sách nghiên cứu về chính sử từ trước đến nay chưa từng có chi tiết nào như truyện tranh Lịch sử của NXB Giáo dục phản ánh. Có chăng chỉ là những câu chuyện truyền miệng nhau thôi, nhưng câu chuyện ấy lại nói về Bà Triệu chứ không phải Hai Bà Trưng và không được sử sách ghi chép. Chi tiết phản cảm kia không có cơ sở lịch sử nào để NXB Giáo dục đưa vào sách, càng không nên đưa vào sách cho các em học sinh đọc…”.

Phương Thảo