Đừng gây sức ép vô lý lên Bộ Y tế, làm méo mó Sữa học đường của Chính phủ

19/07/2019 09:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu nói Bộ Y tế "lòng vòng hơn 3 năm chưa ra quy chuẩn" sản phẩm sữa học đường, các tỉnh căn cứ vào đâu để đấu thầu với hàng nghìn tỉ vốn ngân sách?

Ngày 18/7/2019, có một sự bất ngờ khi Báo Thanh niên có bài viết "Bao giờ Bộ Y tế ban hành được quy chuẩn sữa học đường?", được một số tờ dẫn lại, như Báo Kinh tế và Đô thị [1], Báo Thanh tra [2], trang Gia đình và pháp luật [3], Báo VTC News [4] và một số tạp chí điện tử khác.

Cùng ngày, Báo điện tử Thương hiệu và công luận cũng đăng bài "Bao giờ Bộ Y tế ban hành được quy chuẩn sữa học đường?" với nội dung không khác gì bài viết trên Báo Thanh niên, nhưng tác giả ghi là PV (phóng viên?) [5]

Quy chụp cho Bộ Y tế "lòng vòng hơn 3 năm chưa ra quy chuẩn" 

Tác giả bài viết cho rằng, sau 3 năm từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 phê duyệt Chương trình Sữa học đường, "Bộ Y tế vẫn chưa ban hành quy chuẩn".

Theo đó, muốn tham gia đấu thầu chương trình sữa học đường, các doanh nghiệp phải tự tìm tòi, tự hỏi các nơi do Bộ Y tế vẫn chưa ban hành quy chuẩn.

Điều này hoàn toàn sai sự thật.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chủ trì cuộc họp về sữa học đường ngày 27/5/2019, ảnh: moh.gov.vn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chủ trì cuộc họp về sữa học đường ngày 27/5/2019, ảnh: moh.gov.vn.

Bởi chưa đầy 3 tháng sau khi có Quyết định 1340/QĐ-TTg, ngày 28/9/2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/QĐ-BYT quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường.

Ngay Điều 1, Quyết định số 5450/QĐ-BYT đã nêu rất rõ: 

Các sản phẩm sữa tươi thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT đáp ứng với các Quy định về kỹ thuật và Quy định về quản lý của Quy chuẩn này được sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.

4 loại sữa tươi theo QCVN 5-1:2010/BYT được phép sử dụng cho Chương trình Sữa học đường gồm: sữa tươi nguyên chất thanh trùng; sữa tươi thanh trùng; sữa tươi nguyên chất tiệt trùng; sữa tươi tiệt trùng. [6]

Đây chính là các sản phẩm sữa tươi vẫn được lưu thông trên thị trường từ nhiều năm qua.

Vinamilk pha vượt quy định 14 loại vitamin, khoáng chất vào Sữa học đường Hà Nội


Có mấy loại sữa tươi được phép sử dụng cho Chương trình Sữa học đường quốc gia?

Và ngay Điều 1 (Phạm vi điều chỉnh) thuộc mục I (Quy định chung), QCVN 5-1:2010/BYT quy định rõ: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng không áp dụng đối với thực phẩm chức năng.

Ngoài ra, một thực tế hiển nhiên là nếu Bộ Y tế chưa ban hành quy chuẩn như bài viết trên khẳng định, các tỉnh căn cứ vào đâu để tổ chức đấu thầu sữa học đường hàng ngàn tỉ đồng vốn ngân sách?

Điều 2, Quyết định số 5450/QĐ-BYT, Bộ Y tế giao Viện Dinh dưỡng chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu vitamin, khoáng chất ở trẻ em Việt Nam và quy định quốc tế, đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho Chương trình sữa học đường phù hợp...

Đến nay Bộ Y tế chưa phê duyệt, hẳn có lý do về mặt chuyên môn, đặc biệt là với vấn đề sức khỏe trẻ em trước những khuyến cáo của các chuyên gia độc lập.

Theo một chuyên gia của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, sở dĩ Bộ Y tế nhiều lần dự thảo mà chưa thể ban hành được tiêu chuẩn Sữa học đường mới thay cho các tiêu chuẩn tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT là bởi vấn đề khoa học.

Cụ thể, một số cơ quan tham mưu về dinh dưỡng có tham mưu về việc cho thêm các vi chất vào Sữa học đường nhưng căn cứ khoa học không chuẩn, thậm chí thiếu cả lâm sàng nên sự việc mới kéo dài như vậy.

Chuyên gia khuyến cáo

Báo Đại biểu Nhân dân ngày 6/11/2018 dẫn lời Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết:

Bản thân sữa tươi đã hoàn thiện về mặt dinh dưỡng.

Do vậy, nếu nghiên cứu bổ sung vi chất để trẻ tăng chiều cao thì không phải tất cả trẻ đều có nhu cầu này. 

Thực tế, các hãng sữa đã sản xuất các sản phẩm sữa công thức để tác động tới các nhóm trẻ nhất định như còi xương, mắc một chứng bệnh nào đó… 

Các quy định pháp lý liên quan đến bổ sung vi chất vào Sữa học đường
Các quy định pháp lý liên quan đến bổ sung vi chất vào Sữa học đường

Sữa dùng trong đại trà sẽ rất khó làm được điều này.

Muốn làm, phải tiến hành nghiên cứu trên từng nhóm đối tượng cụ thể như ở thành thị, nông thôn, nhóm tuổi để quyết định sẽ uống sữa nào, bổ sung những chất gì chứ không thể uống đồng loạt cùng một loại sữa với các vi chất được bổ sung như nhau.

Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam Trần Quang Trung bổ sung:

"Theo thông lệ quốc tế thì chẳng nước nào có quy chuẩn riêng cho sữa học đường. Tôi đã sang Hàn Quốc và Thái Lan, họ chỉ dùng sữa tươi hoàn toàn. 

Riêng Thái Lan chỉ đưa ra quy định hàm lượng tối thiểu protein, canxi trong sữa là bao nhiêu. 

Còn ở Hàn Quốc, nếu trẻ bị dị ứng đường lactose trong sữa động vật sẽ được uống sữa đậu nành thay thế, tức về mặt tâm lý thì không có gì khác biệt. 

Chúng ta cứ loay hoay phải tạo loại sữa khác biệt là không nên. 

Chưa kể, nếu cho phép bổ sung vi chất vào sữa tươi thì đâu còn là sữa tươi nữa! Khi đó, chúng ta sẽ gắn mác cho sữa là gì? Có phải thực phẩm bổ sung không?” [7]

Tại hội thảo về sữa học đường ngày 31/10/2018, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam Trần Quang Trung nhấn mạnh:

Việc đưa ra tiêu chuẩn sữa tươi đặt nặng vấn đề bổ sung vi chất sẽ hạn chế các nhà máy, trang trại tại một số địa phương không thể cung cấp được cho các trường học trong khu vực. [8]

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến tại lễ phát động Chương trình Sữa học đường năm 2019 trên địa bàn Thủ đô. Hà Nội muốn làm một loại sữa riêng cho học sinh Thủ đô, ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến tại lễ phát động Chương trình Sữa học đường năm 2019 trên địa bàn Thủ đô. Hà Nội muốn làm một loại sữa riêng cho học sinh Thủ đô, ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.

Trong bài viết "Mỗi ngày, uống bao nhiêu sữa thì tốt", một hãng sữa có tham gia chương trình Sữa học đường cũng khẳng định:

"Sữa tươi là nguồn thực phẩm có đầy đủ các nhóm dinh dưỡng như chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống sữa đều đặn giúp cơ thể phát triển toàn diện về cả thể chất và trí não...".

Với những khuyến cáo rõ ràng như thế này từ các chuyên gia độc lập, sự thận trọng của Bộ Y tế trong việc cân nhắc bổ sung vitamin và khoáng chất vào sữa tươi, chúng tôi nghĩ là rất cần thiết và có cơ sở khoa học.

Chỉ cần làm đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, giữ được ly sữa tươi đúng quy chuẩn từ nguyên liệu đầu vào theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đầu ra theo Quyết định 5450/QĐ-BYT đã là tốt lắm rồi.

Tiếc rằng mới chỉ bấy nhiêu thôi không phải địa phương, doanh nghiệp nào cũng làm được khi tham gia Chương trình Sữa học đường.

Vẫn có một số địa phương, doanh nghiệp bất chấp quy định

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cần hành động ngay để bảo vệ ngành chăn nuôi bò sữa
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cần hành động ngay để bảo vệ ngành chăn nuôi bò sữa

Thủ tướng Chính phủ quyết định lựa chọn sữa tươi làm sản phẩm phục vụ Chương trình Sữa học đường, Bộ Y tế cũng đã ban hành quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường.

Tuy nhiên một số địa phương và doanh nghiệp vẫn sử dụng sản phẩm sữa bột pha lại hoặc các loại thức uống khác không phải sữa tươi, cho chương trình sữa học đường ở địa phương mình.

Thậm chí đã có một số nơi xảy ra ngộ độc vì sử dụng sản phẩm không đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế cho chương trình sữa học đường, làm ảnh hưởng xấu đến chương trình giàu ý nghĩa nhân văn, giá trị thực tiễn này.

Ngay tại Hà Nội, quy định về sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường đã được nêu rõ trong Quyết định 5450/QĐ-BYT và QCVN 5-1:2010/BYT, nhưng người ta vẫn cố đi tìm một loại sữa riêng cho Thủ đô, nơi khác không có.

Vì vậy, bất chấp quy định tại Khoản 1, Điều 3, Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Điều 1, Quyết định 5450/QĐ-BYT và ngay chính hồ sơ mời thầu (trong Văn bản số 3976/SGDĐT-KHTC ngày 21/9/2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), Hà Nội vẫn để sản phẩm thực phẩm bổ sung 17 loại vi chất vào chương trình Sữa học đường.

Phải chăng bài viết trên nhằm gây sức ép lên Bộ Y tế để "chữa cháy" cho những điều đã làm không đúng?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://kinhtedothi.vn/bao-gio-bo-y-te-ban-hanh-duoc-quy-chuan-sua-hoc-duong-348160.html

[2]http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/bao-gio-bo-y-te-ban-hanh-duoc-quy-chuan-sua-hoc-duong_t57c34n151463

[3]http://giadinhvaphapluat.vn/bao-gio-bo-y-te-ban-hanh-duoc-quy-chuan-sua-hoc-duong-p68016.html

[4]https://vtc.vn/bao-gio-bo-y-te-ban-hanh-duoc-quy-chuan-sua-hoc-duong-d487705.html

[5]https://thuonghieucongluan.com.vn/bao-gio-bo-y-te-ban-hanh-duoc-quy-chuan-sua-hoc-duong-a78434.html

[6]http://www.fsi.org.vn/pic/files/qcvn-5-1_2010-byt-sua-dang-long_ruot.pdf

[7]//daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=412875

[8]https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nong-chuyen-sua-hoc-duong-co-can-them-sua-dang-long-khac-20181031160201548.htm

Hồng Thủy