Bộ trưởng Bộ Giáo dục: dạy thêm trực tuyến cần phải lên án, ngăn chặn

11/11/2021 09:47
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc dạy thêm học thêm trong trạng thái bình thường đã cần ngăn chặn, trong bối cảnh học trực tuyến đã rất căng thẳng thì việc này càng phải lên án.

Sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường Quốc hội.

Tại phiên họp, đại biểu Nàng Xô Vi (Kon Tum) chất vấn Bộ trưởng nội dung giải pháp để chấm dứt, ngăn chặn tình trạng văn mẫu đối với môn Ngữ văn là gì?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc hình thành nhân cách, tâm hồn cho học sinh qua việc giảng dạy môn ngữ Văn (đối với bậc tiểu học là môn Tiếng Việt).

Việc chúng ta tăng cường các ngoại ngữ là vô cùng quan trọng nhưng trước tiên học trò phải giỏi tiếng Việt. Chính vì vậy, việc dạy môn ngữ Văn theo hình thức đọc, chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc là rất tai hại, không phát huy được tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc chân thực của học sinh. Bộ đã có chương trình để chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng này từ công tác kiểm tra đánh giá, biên soạn học liệu…

Trong khi đó đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về giải pháp chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến trong mùa dịch; bảo đảm sức khỏe, tâm lý cho học sinh, giáo viên, chất lượng dạy và học do tác động của dịch bệnh...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Về dạy thêm trực tuyến, Bộ trưởng nêu rõ, việc dạy thêm học thêm trong trạng thái bình thường đã cần ngăn chặn, nhất là trong bối cảnh học sinh phải học trực tuyến đã rất căng thẳng thì việc thêm giờ dạy, thêm nội dung càng phải lên án.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương bám sát Thông tư 09 về dạy và học trực tuyến trong đó có quy định số giờ được dạy cho các cấp, các lớp là bao nhiêu. Nếu thấy nhà trường dạy quá số giờ theo Thông tư thì địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

Trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cùng toàn xã hội đã dành nhiều sự quan tâm đến giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng cho biết, gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống, trong đó giáo dục và đào tạo chịu ảnh hưởng nặng nề; hơn 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường trong thời gian dài; hơn 70.000 sinh viên không ra trường đúng hạn.

Theo Bộ trưởng: “Việc học tập trực tuyến, học truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài, những việc đau lòng đã diễn ra khó có thể kể xiết...”

Toàn ngành đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm để bảo đảm việc dạy – học không bị gián đoạn.

Dịch bệnh đang dần được kiểm soát, ngành Giáo dục sẽ bắt đầu với chặng đường mới, với những khó khăn, thách thức vẫn còn nguyên. Việc khắc phục hậu quả không thể một sớm một chiều. Những ảnh hưởng bởi đại dịch không thể cân đong, đo đếm được.

Bộ trưởng bày tỏ, các ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội chắc chắn sẽ giúp ngành giáo dục rõ thêm những việc cần làm, phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, và nhân dân giao phó.

Thùy Linh