Giảng viên Học viện Báo chí nêu một số lưu ý khi viết tin/bài về đề tài miền núi

23/11/2022 16:23
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Phạm Chí Trung cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

Chiều ngày 23/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kỹ năng tuyên truyền chính sách, pháp luật cho công chức, viên chức các sở thông tin và truyền thông và phóng viên, biên tập viên báo/đài Trung ương và địa phương”.

Chương trình có sự tham gia của ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Phạm Chí Trung - Phó Vụ trưởng Chính sách, Ủy ban Dân tộc; Tiến sĩ Nguyễn Quang Hòa - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều chương trình phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Dân tộc cũng như Báo/đài Trung ương, địa phương làm công tác truyền thông về công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyên Phương)

Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyên Phương)

Đây là một nội dung vô cùng quan trọng trong vấn đề tiếp cận đưa thông tin đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, nhằm giảm khoảng cách tiếp cận thông tin.

Hội nghị cung cấp cho các cán bộ, công chức, viên chức sở thông tin và truyền thông cũng như các phóng viên về chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến dân tộc thiểu số, miền núi. Bên cạnh đó, chia sẻ các kỹ năng để tuyên truyền đối với vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng với các phóng viên sát cánh trong công tác tuyên truyền, truyền thông trong hoạt động xóa đói giảm nghèo, thực hiện mục tiêu, chương trình theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Quan điểm của Đảng trong việc thực hiện công tác dân tộc chính sách dân tộc trong tình hình mới

Tại Hội nghị, ông Phạm Chí Trung - Phó Vụ trưởng Chính sách, Ủy ban Dân tộc đã có những chia sẻ về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc trong tình hình mới.

Ông Trung cho biết, ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã xác định giải quyết vấn đề dân tộc là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam; vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta.

Ngay từ cương lĩnh đầu tiên, Đảng đã đề ra chủ trương, đường lối về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc; qua các kỳ đại hội, chủ trương, đường lối này tiếp tục được bổ sung, phát triển phù hợp với từng giai đoạn lịch sử.

Ông Phạm Chí Trung - Phó Vụ trưởng Chính sách, Ủy ban Dân tộc chia sẻ tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyên Phương)

Ông Phạm Chí Trung - Phó Vụ trưởng Chính sách, Ủy ban Dân tộc chia sẻ tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyên Phương)

Những năm gần đây, Quốc hội đã có nhiều cố gắng trong thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, nội dung của Hiến pháp thành các quy định trong các luật khung và chuyên ngành nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho việc đảm bảo và thúc đẩy các quyền cũng như chính sách hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo ông Phạm Chí Trung, hiện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc, cụ thể khó khăn liên quan đến công tác xây dựng, ban hành hệ thống chính sách dân tộc; nhiều chính sách có nội dung trùng lặp; cơ chế chính sách còn nhiều bất cập; nguồn lực chưa thể hiện rõ được tính ưu tiên đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức thực hiện một số chính sách còn bất cập, chồng chéo; và khó khăn về điều kiện kinh tế -xã hội của vùng.

Chia sẻ về quan điểm của Đảng trong việc thực hiện công tác dân tộc chính sách dân tộc trong tình hình mới, Phó Vụ trưởng Chính sách, Ủy ban Dân tộc cho biết, các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc thể hiện trong Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc và các Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, XI, XII đến nay về cơ bản vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc nhất quán của Đảng ta, đó là: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển”.

Bình đẳng giữa các dân tộc là quyền ngang nhau của các dân tộc, không phân biệt dân tộc đó là đa số hay thiểu số, trình độ văn hóa, dân trí cao hay thấp, là bình đẳng trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và được bảo đảm bằng pháp luật.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển đất nước. Đó là cơ sở để thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, là động lực mạnh mẽ của tiến trình phát triển đất nước hiện nay.

Tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc là quan điểm xuyên suốt của Đảng trong thời kỳ đổi mới; thể hiện rõ mục tiêu trong chính sách dân tộc của Đảng ta là không ngừng nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị của từng dân tộc; làm cho mỗi dân tộc được phát triển một cách toàn diện và bền vững; đồng thời, qua đó, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc.

Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị khẳng định: “Kiên trì thực hiện các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc trong Nghị quyết 24 và các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII; xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị”.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

6 giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 về việc thực hiện công tác dân tộc chính sách dân tộc trong tình hình mới, là phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đến năm 2025 tăng trên 02 lần so với năm 2020; đến năm 2030 bằng 1/2 bình quân chung của cả nước.

Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; đến năm 2030 giảm hộ nghèo xuống dưới 10%.

Đến năm 2025 hoàn thành cơ bản công tác sắp xếp, ổn định dân cư ở nơi cần thiết; đến năm 2030 phấn đấu 70% số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; phấn đấu đến hết năm 2025 có 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống, hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ; bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương.

Về cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030.

Ông Phạm Chí Trung chia sẻ 6 giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân tộc trong tình hình mới.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, đồng bộ hoá hệ thống chính sách dân tộc và các văn bản hướng dẫn thực hiện

Thứ ba, đổi mới nội dung, cơ chế chính sách dân tộc giai đoạn 2021 – 2030

Thứ tư, tập trung huy động và sử dụng hợp lý nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc.

Thứ năm, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

Thứ sáu, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số theo Quyết định 1719/QĐ-TTg.

Những lưu ý khi đưa tin về đề tài miền núi

Trao đổi về về kỹ năng viết bài, thông tin tuyên truyền về vùng đồng bào dân tộc, miền núi, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hòa - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô cho biết, đề tài về miền núi rất phong phú, chỉ cần các phóng viên sâu sát cơ sở. Tuy nhiên, quan trọng là phải biết viết như thế nào để có hiệu quả nhất.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Hòa - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: Nguyên Phương)

Tiến sĩ Nguyễn Quang Hòa - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: Nguyên Phương)

Ví dụ về cách suy nghĩ và xây dựng chiến lược truyền thông về bình đẳng giới, tìm hiểu những vấn đề tồn tại về bình đẳng giới ở Việt Nam, nguyên nhân, hệ quả của bất bình đẳng giới và chúng ta cần phải làm gì để thay đổi. Trong đó phải chú ý những con số ý nghĩa, câu nói ấn tượng, bức ảnh ấn tượng, số phận con người.

Để hoạt động truyền thông thu được sự đồng cảm và nhất trí của mọi người, cần có chiến lược, bước đi rõ ràng, chứ không phải làm lấy lệ một việc nào đó, không làm kiểu được chăng hay chớ đến đâu thì đến.

Về trình tự xây dựng chiến lược, cần làm rõ các câu hỏi: Tuyên truyền tới ai, tuyên truyền cái gì, để đạt được điều gì, tuyên truyền như thế nào?

Kế hoạch truyền thông phải được xây dựng theo chu trình liên tục : Đặt mục tiêu, lập quy trình thực hiện – Thực hiện truyền thông theo kế hoạch – Đo lường và phân tích kết quả.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Hòa cũng nêu ra một số lưu ý khi viết về đề tài miền núi.

Thứ nhất, các thể loại có thế mạnh về đề tài miền núi là Ký sự pháp đình, Phóng sự, Bình luận. Thể loại tin không hiệu quả, và bài phản ánh nông – hiệu quả thấp.

Thứ hai, nên viết ngắn, bài phản ánh ngắn (khoảng 600-800 từ), câu đơn giản (mỗi câu dài nhất 60 từ). Phóng sự từ 1.200 – 1.500 từ, 3-5 ảnh và Hộp thông tin.

Thứ ba, ngôn ngữ báo chí cần trong sáng, giản dị, dễ hiểu, không đa nghĩa. Dùng lối ví von, so sánh quen thuộc của người dân tộc trong các bài viết khi dùng ngôn ngữ nhân vật.

Thứ tư, tiêu đề ngắn gọn, rõ ràng và đúng nội dung phản ánh, sapo làm rõ thêm tít chính, gợi mở nội dung bài. Nội dung bài có các ý phong phú, đủ làm rõ vấn đề tít đã nêu. Hình ảnh cần rõ ràng, không bố trí, tất cả các ảnh phải có chú thích chi tiết, cụ thể và ảnh phải có tên người chụp.

Cuối cùng, sau khi viết bài xong nhớ đọc lại kỹ để sửa hết các lỗi đánh máy, chính tả,…

Nguyên Phương