“Gia tài đồ sộ” của người thầy hơn 20 năm “gieo chữ” trên bản khó

01/02/2022 07:06
Ngân Chi
GDVN- Thầy giáo Phùng Thế Tùng có một “tài sản” vô cùng quý giá, tích lũy được sau hơn 20 năm.

Động lực để vượt qua “thử lửa”

Huyện biên giới Mường Khương (Lào Cai) là mảnh đất còn nhiều khó khăn. Suốt nhiều năm qua, biết bao thế hệ giáo viên từ mọi miền đã “gùi chữ lên non” và lặng thầm gắn bó với mảnh đất này, hy vọng “gieo chữ” cho trẻ em nơi đây, mở ra một tương lai tươi sáng.

Nhắc đến ký ức xưa, thầy Phùng Thế Tùng (Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chảy) nhớ lại: “Quê tôi ở Phú Thọ. Sau khi ra trường, năm 1998, tôi lên nhận nhiệm vụ đầu tiên ở trường vùng cao, trong suy nghĩ của mình, tôi chưa bao giờ hình dung là huyện Mường Khương lại khó khăn và vất vả đến thế. Ngày đầu đi làm, gần như tất cả anh em đi bộ hết, thậm chí không có đường mà đi, chỉ có những lối mòn băng qua đồi, qua núi, chúng tôi cứ vừa đi vừa hỏi thăm.

Thầy Phùng Thế Tùng. (Ảnh: Ngân Chi).

Thầy Phùng Thế Tùng. (Ảnh: Ngân Chi).

Nhiều lúc, do bất đồng ngôn ngữ nên có hỏi thăm, bà con nói mình cũng không hiểu, đi lạc lên tận một cái nương nào đấy không thấy dấu chân người qua lại, có những lúc, đi bộ có hơn 10km mà mất cả một ngày mới mò được đường. Trước đây, tôi chưa bao giờ phải đi bộ nhiều như ở đây, đúng là một sự “thử lửa” cho giáo viên lên vùng cao dạy chữ. Chúng tôi về đến nhà để nghỉ ngơi là chân cứng hết, căng cơ, không đi lại được”.

Một thử thách nữa đối với các thầy cô “cắm bản” ở mảnh đất Mường Khương này, chính là thiếu nước sinh hoạt: “Hồi trước, mặc dù người dân có hệ thống nước suối, nhưng không có bể chứa hay ống dẫn, chỉ có máng tre. Hôm đầu tiên sau khi đi bộ mười mấy cây số về đến điểm trường thì trời cũng đã tối. Tôi đi tắm, càng tắm lại càng thấy bẩn, sờ lên đầu, thấy toàn cát với rác, cứ thắc mắc không biết vì sao... Sáng hôm sau, chạy lên xem “nguồn nước”, tôi mới thấy một đàn vịt 40-50 con đang bơi lõm bõm”.

Một số bức thư tay trong “gia tài đồ sộ” của thầy Tùng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Một số bức thư tay trong “gia tài đồ sộ” của thầy Tùng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Hồi đó, cũng chưa có điện thoại, nên muốn liên lạc về nhà, chỉ có viết thư. Sau khi nhận nhiệm vụ xong, tôi gửi thư về cho bố mẹ vào tháng 9, thì tháng 10 mẹ mới nhận được thư, xong mẹ viết thư hồi âm, đến tháng 11, thư mới đến tay tôi.

Trong thư, tôi “ôn nghèo kể khổ” với mẹ, có gì nói hết, thể hiện rõ sự chán nản, muốn bỏ cuộc. Mẹ tôi vốn cũng là giáo viên, liền động viên tôi. Bà bảo, giờ con đi làm phục vụ công việc của nhà nước, theo nghề con đã chọn rồi, thì phải biết nỗ lực. Ngày xưa, chiến tranh, bố con khó khăn, vất vả biết bao nhiêu, chỉ mong sống sót trở về với người thân, thế hệ bố và các bác, các chú là bộ đội còn chịu được, huống chi là mình. Đó là động lực lớn nhất để tôi bám trụ lại vùng cao suốt hơn 20 năm qua”, thầy Tùng bộc bạch.

Uống một bát rượu, hút một điếu thuốc, phụ huynh mới cho con đi học

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của vị Hiệu trưởng này, có lẽ là những ngày “mòn gót” cùng đồng nghiệp đi vận động học sinh ra lớp: “Tên các em thường cứ na ná nhau, rất khó nhớ, nên hôm nào trót quên danh sách thì chẳng thể tìm được học sinh, vì có đến được nhà, cũng cứ 5-6 đứa sàn sàn nhau.

“Thầy giáo đến nhà, không có nước, thì mời thầy uống rượu”, đó là câu mà tôi được nghe thường xuyên từ phụ huynh học sinh. Sáng sớm, thầy cô thì muốn nhanh chóng đưa được học sinh đến lớp, phụ huynh lại đưa cho một bát rượu cùng chiếc điếu cày: “Thầy giáo uống một bát rượu, hút một điếu thuốc, thì mới cho con đi học”.

Dù lúc ấy, chưa biết uống rượu, chưa thử hút thuốc lào, tôi cũng cố gắng nhận lấy. Cứ như vậy, các thầy cô gần như hôm nào cũng phải đi vận động học sinh”.

Giáo viên “cắm bản”, dường như ai cũng phải tự mình học hỏi ngôn ngữ ở địa phương, để có thể giao tiếp và tương tác với phụ huynh và học sinh: “Hồi đầu, bất đồng ngôn ngữ cũng là một trở ngại rất lớn. Nếu chúng tôi chỉ nói tiếng Việt, rất ít người tiếp chuyện, dù nhiều người biết tiếng Việt”, thầy Tùng kể lại.

Thầy Phùng Thế Tùng và học trò. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thầy Phùng Thế Tùng và học trò. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Những ngày đầu, do mới làm quen, học sinh thấy thầy cô nói gì thì sẽ nói theo như thế, gần như là câu nhại lại chứ trong suy nghĩ, các em chưa ý thức được chuyện dạy học.

Học sinh ở vùng xuôi thì thường “Vâng, dạ” khi nghe người lớn nói chuyện, còn ở trên này, các em chỉ có đúng một từ khi nhận thông tin từ thầy giáo, là “Nhớ!”. Thầy nói gì, học sinh cũng “Nhớ!”. Thầy hỏi “Ăn cơm chưa?” cũng “Nhớ!”, thầy dặn “Về nhà, các em làm bài tập nhé”, cùng “Nhớ”...

Sau đó, tôi dặn “Các em phải bảo “Vâng ạ” chứ không phải “Nhớ”. Các em nghe rõ chưa?”. Học sinh lại đáp một lèo: “Vâng ạ. Các em nghe rõ chưa? Nhớ!”.

Phải mất rất nhiều thời gian để rèn kỹ năng giao tiếp, vì ở trên này vốn tiếng Việt vẫn còn hạn chế. Cách giao tiếp truyền thống ở đây đã in sâu thành nếp, nên việc thay đổi cũng không hề dễ dàng gì”, thầy Tùng lý giải.

Trong mắt học sinh, thầy Hiệu trưởng Phùng Thế Tùng có những lúc vô cùng nghiêm khắc, nhưng cũng lại vô cùng ấm áp. Có lẽ vì thế, thầy Tùng sở hữu một “tài sản” vô cùng lớn.

“Trước đây, tôi công tác tại một trường tiểu học khác. Đến khi chuyển trường, tôi xin phép bàn giao lại cho nhà trường “gia tài đồ sộ” của mình, hơn 1kg giấy là thư viết tay của học sinh trong những dịp đặc biệt. Các em tự vẽ hình, tô màu, tự thiết kế cả phong bì bằng giấy ô ly, rồi viết nội dung thư lên đó, tâm sự những điều thật nhất. Các em nhắc cả “những hôm thầy quát em, mắng em”, hay “đêm hôm, thầy đi kiểm tra các em ra sao”... từ những việc nhỏ nhất xảy ra cách mấy năm, các em vẫn còn nhớ mà tâm sự thật với thầy.

Mỗi bức thư là một tình cảm, không quan trọng của học sinh ngoan hay học sinh còn nghịch ngợm, không quan trong chữ đẹp hay xấu, tôi đều trân trọng.

Tôi xin thầy Hiệu trưởng mới, lưu giữ lại những bức thư ấy trong phòng truyền thống của Đội, để những thế hệ học sinh sau này có thể cảm nhận về những anh chị đã từng học ở đây”, vị Hiệu trưởng chia sẻ.

Ngân Chi