Già rồi lẩm cẩm, thôi thông cảm cho thầy, cô ấy

02/06/2019 07:21
Trúc Hạ
(GDVN) - Khổ nỗi, mỗi khi trái gió trở trời họng thầy đã “phát tác” đến mức thầy chỉ có thể “lắc” và “gật” với học sinh.

Những câu chuyện mắt thấy tai nghe trong thực tế

Vừa bước vào lớp, cô bé lớp trưởng đứng lên mách cô liền “Cô ơi, hôm nay thầy M. cho tụi con bài toán gì mà khó quá trời luôn. Lớp mình chẳng ai làm được và thầy làm sẵn trên bảng cho chép vào”.

Thực tế, có nhiều giáo viên nữ muốn nghỉ hưu trước tuổi. Ảnh mang tính minh hoạ: Baotayninh.vn

Thực tế, có nhiều giáo viên nữ muốn nghỉ hưu trước tuổi. Ảnh mang tính minh hoạ: Baotayninh.vn

Cầm cuốn vở có bài làm của học sinh, tôi thật sự tá hỏa vì bài toán giải bằng 4 phép tính.

Chỉ đọc lướt qua, tôi biết đây là toán lớp 4 trong khi học sinh của mình mới lớp 3.

Tôi hiểu liền có thể thầy lại quên vì nghĩ mình đang dạy lớp 4 (vì thầy thường hay thế).

Nói thầy quên có vẻ buồn cười nhưng đó là sự thật.

Thầy quên chương trình các lớp, đôi khi quên mình đang dạy khối lớp nào (vì có ngày thầy phải dạy 2-3 khối) nên mới lấy kiến thức lớp 4 dạy cho lớp 3 và đôi khi dạy lớp 3 mà cứ ngỡ là lớp 4.

Thầy năm nay 58 tuổi cũng đã lẩm cẩm và hay sao nhãng ít nhiều. Bởi thế nhà trường không cho thầy làm chủ nhiệm mà phần công dạy dự khuyết cho 3 khối 3,4 và 5.

Trong trường cũng có vài ba thầy cô cũng gần độ tuổi về hưu đảm nhận việc dạy dự khuyết như thầy.

Giáo viên chúng tôi cứ nói với nhau “Già rồi lẩm cẩm, thôi thông cảm cho thầy, cô giáo ấy”.

Thế là, mỗi khi chúng tôi vào lớp, đa phần các giáo viên chủ nhiệm thường phải dạy lại những bài học mà những giáo viên dự khuyết lớn tuổi mới vừa dạy.

Nhiều nhà giáo xin nghỉ hưu trước tuổi

Không đãng trí, lẩm cẩm như thầy M. Cô L. 54 tuổi vẫn còn tinh anh lắm.

Có điều hai chân cô bị giãn tĩnh mạch không thể đứng lâu. Vào lớp, cô chỉ ngồi một chỗ, giảng bài xong là để học sinh tự làm bài.

Khổ nỗi học theo Mô hình mới VNEN giáo viên không đi từng nhóm hỗ trợ học sinh sao có thể biết các em làm sai hay đúng thế nào?

Các em cần sự giúp đỡ, tư vấn, sữa sai ra sao?

Nhiều em đã lợi dụng việc cô không đi xuống các nhóm để tranh thủ ngồi chơi, nói chuyện và chẳng học hành gì cả.

Đợi đến khi các bạn có kết quả thì chép vội vào là xong.

Cũng chẳng riêng thầy M. cô L. còn thầy N. cũng không đãng trí, không bị đau chân, thầy lại bị viêm họng mãng tính.

Khổ nỗi, mỗi khi trái gió trở trời họng thầy đã “phát tác” đến mức thầy chỉ có thể “lắc” và “gật” với học sinh.

Những lần như thế, giáo viên chủ nhiệm chúng tôi luôn động viên thầy bằng cách “Thầy vào trông lớp nhắc học sinh làm bài ôn tập, kiến thức mới để tụi em dạy cho”.

Phần đông giáo viên trẻ chẳng ai so đo, tính toán với những thầy cô giáo đã cao tuổi trong trường.

Vì chúng tôi thường nói với nhau, mươi mười lăm năm nữa mình cũng thế.

Đó chính là hình ảnh của mình sau này. Và lớp giáo viên trẻ cũng sẽ giúp cho mình như thế, âu cũng là cái nợ đồng lần với nhau.

Vài năm gần đây, ngành giáo dục có áp dụng chế độ cho giáo viên về hưu trước tuổi nhưng điều kiện phải là 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ.

Thế là không ít thầy cô giáo từ 50 tuổi đã xin được về hưu non và chấp nhận đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ để được về.

Lý do những thầy cô giáo này xin về hưu trước tuổi chỉ là sức khỏe yếu không đảm bảo công việc với cường độ trách nhiệm cao.

Giáo viên lớp tuổi sao có thể đáp ứng được chương trình mới?

60 tuổi thì giáo viên mầm non, tiểu học sao dạy hát múa cho trẻ?

Theo quy định cũ nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi là về hưu nhiều thầy cô giáo đã không còn đủ sức để giảng dạy.

Nay, đề nghị tăng tuổi hưu cho nữ 60 và nam 62 tuổi chẳng biết nhiều thầy cô giáo sẽ dạy dỗ ra sao chứ nói gì đến việc đáp ứng tốt công cuộc thay đổi chương trình.

Hiện nay trong thực tế, không ít giáo viên lớn tuổi chưa biết sử dụng vi tính (mặc dù họ đã có chứng chỉ).

Chỉ hạn chế này làm sao có thể lên mạng học, tham khảo chương trình bồi dưỡng thay sách?

Làm sao có thể soạn và giảng những bài giảng điện tử để tăng sự tương tác giữa giáo viên và học sinh?

Tuổi cao, thâm niên nhiều và lương càng cao nhưng hiệu quả công việc lại thấp.

Trong khi đó, một bộ phận giáo viên trẻ có ngoại ngữ, vi tính, sự năng động, lòng nhiệt huyết lại không có cơ hội được tuyển vào (dù lương của họ chỉ bằng 1/3 lương những thầy cô giáo lớn tuổi) há chẳng phải là sự thiệt thòi quá lớn hay sao?

Trúc Hạ