GĐ Sở GD Huế mong có chính sách riêng đủ mạnh hơn với GV vùng sâu, xa, khó khăn

01/01/2023 06:42
Linh An (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thừa Thiên Huế được biết đến là “điểm sáng” của cả nước trong triển khai chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số.

LTS: Nhân dịp ngày đầu năm Quý Mão, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế - Nguyễn Tân để lắng nghe chia sẻ, kỳ vọng của ông trong năm mới 2023.

Toà soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này.

Phóng viên: Được biết, Thừa Thiên Huế là một trong những đơn vị dẫn đầu của cả nước về thực hiện chuyển đổi số. Theo đó, ngành giáo dục có những thuận lợi gì khi thực hiện chuyển đổi số, thưa ông?

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế: Những năm gần đây, Thừa Thiên Huế liên tục có những bước tiến đột phá trong các bảng xếp hạng liên quan đến chính quyền số và được biết đến là “điểm sáng” của cả nước trong triển khai chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số.

Chuyển đổi số thực sự đang là hướng đi tạo động lực giúp Thừa Thiên Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội trong tiến trình thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Nhờ đó, giáo dục Thừa Thiên Huế nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh giúp ngành có nhiều thuận lợi trong việc triển khai chuyển đổi số như:

Thứ nhất, ngành giáo dục xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung và đảm bảo tính liên thông, kết nối từ trường, Phòng đến Sở Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, thực hiện số hoá kết quả tốt nghiệp, hồ sơ trường, lớp, cơ sở dữ liệu thiết bị dạy học, hồ sơ học sinh, giáo viên, sổ sách, học bạ,… phục vụ tốt việc thực hiện các quy trình dịch vụ công trực tuyến (triển khai 63 dịch vụ hành chính công mức độ 4), đăng ký tuyển sinh trực tuyến, báo cáo số,...

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế - Nguyễn Tân (ảnh: NVCC)

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế - Nguyễn Tân (ảnh: NVCC)

Thứ hai, ngành thuận lợi khi có Hue-S làm nền tảng, thông qua đó, ngành giáo dục Thừa Thiên Huế tăng cường sự kết nối giữa chính quyền với người dân, giữa phụ huynh với nhà trường, giữa đội ngũ giáo viên với học sinh qua việc triển khai sổ liên lạc điện tử trên Hue-S.

Thứ ba, tổ chức xây dựng bài giảng điện tử, bài giảng trên truyền hình, thí nghiệm mô phỏng,… góp phần hoàn thiện kho học liệu ngành giáo dục, tạo thuận lợi cho giáo viên tổ chức dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới thông qua hệ thống trực tuyến.

Thứ tư, tất cả các hoạt động hội thảo, hội nghị hầu hết tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến thuận lợi, tiện ích và tiết kiệm.

Thưa ông, vậy trong quá trình thực hiện, ngành giáo dục Thừa Thiên Huế có gặp khó khăn nào trong quá trình triển khai chuyển đổi số không?

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế: Hiện nay nhận thức của xã hội, mọi người về chuyển đổi số vẫn còn chưa đồng nhất, đâu đó vẫn thấy nhận thức của giáo viên, phụ huynh chưa đầy đủ, chính vì thế chúng tôi tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân, đơn vị của mình về chuyển đổi số. Chúng tôi quan niệm nhận thức là cái đầu tiên quyết định, không nhận thức thì công nghệ cũng chỉ là “đồ chơi”; cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nhận thức về chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kỹ năng số, năng lực số.

Ngoài ra, các điều kiện hạ tầng phục vụ chuyển đổi số vẫn còn khó khăn, trong điều kiện cho phép thì ngành giáo dục Thừa Thiên Huế đã thực hiện được ở cấp độ vừa phải. Tuy nhiên để thực hiện chuyển đổi số thuận lợi hơn cần có các thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin và băng thông phục vụ cho các quy trình thực hiện chuyển đổi số một cách đầy đủ.

Sở dĩ Thừa Thiên Huế thành công trong thực hiện chuyển đổi với giáo dục đào tạo vì đã thành lập được ban chỉ đạo chuyển đổi số từ cấp Sở đến cấp Phòng, cấp trường. Theo đó, từng trường có tổ về chuyển đổi số, ở đó hiệu trưởng là tổ trưởng và mời các giáo viên giỏi về công nghệ thông tin, có chuyên môn về công nghệ thông tin tham gia vào tổ này.

Tuy nhiên liên quan cơ chế hoạt động vận hành vẫn còn khó khăn, trong điều kiện như vậy chúng tôi quan niệm chuyển đổi số là xã hội hoá, những hoạt động từ dịch vụ của chuyển đổi số sẽ phục vụ lại cho tổ chuyển đổi số, từ đó kinh phí và tạo động lực cho tổ chuyển đổi số này dành thời gian nghiên cứu và triển khai để hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên, phụ huynh, học sinh toàn trường thực hiện đầy đủ các phần mềm sử dụng vào chuyển đổi số.

Hiện nay nhiều địa phương đang lúng túng trong việc triển khai học bạ điện tử vì hành lang pháp lý chưa đầy đủ. Vậy tại Thừa Thiên Huế, học bạ điện tử đã triển khai ra sao, thưa ông?

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế: Chúng tôi đang thực hiện tinh giản hồ sơ, sổ sách cho đội ngũ thầy cô. 3 năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế số hoá tất cả hồ sơ, sổ sách thầy cô, chuyển đổi thành hồ sơ, sổ sách điện tử, kể cả sổ theo dõi và đánh giá học sinhi, sổ điểm cá nhân.

Theo đó, học bạ điện tử đang thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Hồ sơ học bạ điện tử áp dụng trực tiếp vào tuyển sinh trực tuyến đã giúp khắc phục được khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh COVID và học bạ điện tử yêu cầu về chữ kí số để quản lý dữ liệu đặc biệt là gắn chặt với trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường. Theo đó, hiệu trưởng chịu trách nhiệm về dữ liệu trên học bạ điện tử, chính điều này giúp việc tuyển sinh đầu cấp, theo dõi điểm của phụ huynh chưa xảy ra sai sót về điểm số.

Thừa Thiên Huế triển khai song hành học bạ điện tử và học bạ giấy vì nhiều địa phương vẫn đang yêu cầu học bạ giấy đối với học sinh chuyển trường từ địa phương này sang địa phương khác nên chúng tôi phải sử dụng song hành để đảm bảo thuận lợi khi học sinh chuyển từ Thừa Thiên Huế sang tỉnh khác hoặc nếu xảy ra sự cố trên học bạ điện tử thì vẫn có hồ sơ giấy để xử lý, đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên đến khi có quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tính pháp lý của học bạ điện tử thì chúng tôi sẽ cắt giảm học bạ giấy. Và khi đó thì ngành giáo dục Thừa Thiên Huế không còn gì là hồ sơ giấy cả.

Hiện nay, hồ sơ học bạ giấy chỉ là dự phòng và phục vụ khi học sinh chuyển trường ra ngoài tỉnh chứ nếu chuyển trường trên địa bàn tỉnh thì sử dụng hoàn toàn bằng hồ sơ điện tử. Bởi 100% giáo viên ở Thừa Thiên Huế đều được cấp chữ kí số để kí học bạ điện tử nên khi tuyển sinh đầu cấp phụ huynh không phải đến trực tiếp nộp hồ sơ mà chỉ cần chuyển học bạ điện tử và nhà trường tải xuống rồi xét tuyển.

Đến khi các em nhập học mang theo học bạ giấy để nhà trường rà soát lại, tránh sai sót trong quá trình tuyển sinh trực tuyến là xong. Chỗ này cũng nói thêm, liên quan chữ ký số của giáo viên trên học bạ điện tử, khi Đề án 06 thực hiện hoàn thành tích hợp mã định danh cá nhân trên căn cước công dân thì chữ ký số của giáo viên cũng sẽ được giải phóng và lúc đó sẽ thuận lợi hơn.

Học bạ điện tử đã tạo ưu việt gì trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, thưa ông?

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế: Học bạ điện tử có thuận lợi, đây là khâu cơ bản hình thành dữ liệu số, số hóa; đồng thời, đảm bảo sự công khai, minh bạch, hạn chế thấp nhất sai sót. Quản lý giám sát được việc sửa, chỉnh điểm sai quy chế gắn chặt hơn trách nhiệm cho người đứng đầu nhà trường, không để xảy ra sai lệch trong công tác hồ sơ học bạ.

Khi giảm bớt áp lực và việc chuẩn bị hồ sơ giấy thì thầy cô có nhiều thời gian đầu tư nhiều hơn vào kế hoạch môn học, đặc biệt khi thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 22 thì học bạ điện tử càng thuận lợi hơn nữa.

Những điểm thuận lợi khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới tại Thừa Thiên Huế là gì, thưa ông?

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế: Trước tiên, phải nói rằng trong bối cảnh chung cả nước chịu ảnh hưởng dịch COVID 19, trong đó ngành giáo dục hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất khi bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ tập huấn và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tài liệu sách giáo khoa mới; theo đó các hoạt động tập huấn hầu hết qua hình thức online, nhưng may mắn chúng tôi thừa hưởng được tất cả sản phẩm của thời gian dạy học qua truyền hình, trực tuyến trong thời gian dịch COVID đó là kho học liệu điện tử, các bài giảng giúp hỗ trợ thầy cô trong quá trình nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm thực hiện tốt hơn chương trình mới giúp thầy cô sử dụng ngày càng tốt về công nghệ thông tin cũng như sử dụng các thiết bị thí nghiệm ảo, bài giảng E-learning phục vụ cho bài giảng của mình theo hướng giáo dục 4.0.

Đặc biệt, thuận lợi của Thừa Thiên Huế với các địa phương khác là có cơ sở đào tạo của Trường Đại học sư phạm Huế (Đại học Huế) và các cơ sở có đào tạo chuyên ngành sư phạm (Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế và Học viện Âm nhạc) nên đáp ứng kịp thời đội ngũ thầy cô để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Thừa Thiên Huế không thiếu giáo viên, thậm chí còn tuyển được giáo viên giỏi, xuất sắc trong khi nhiều địa phương loay hoay với bài toán không có nguồn tuyển nên đã và sẽ có nhiều thuận lợi trong thực hiện lộ trình đổi mới cũng như quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.

Bên cạnh kế hoạch tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo chương trình ETEP, ngành đã tích cực tham mưu lãnh đạo tỉnh bố trí nguồn lực và tổ chức nhiều hình thức tập huấn hiệu quả hỗ trợ giáo viên chủ động thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về cơ sở vật chất, nhờ tỉnh quan tâm ưu tiên đầu tư và chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiều chương trình hiệu quả như: Chương trình nhà vệ sinh trường học, Kế hoạch kiểm định và xây dựng trường chuẩn quốc gia… nên các điều kiện dạy học của giáo viên và học sinh có nhiều cải thiện thuận lợi đáng kể.

Chỉ có điều, hiện nay nhu cầu danh mục thiết bị tối thiểu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới rất nhiều trong khi nguồn lực thì có hạn nên khi chỉ đạo và phối hợp các huyện chỉ đạo các , Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục về trang bị trang thiết bị thì cũng phải tính toán, rà soát lại cơ sở vật chất hiện có trên cơ sở đó ưu tiên lựa chọn thiết bị tối thiểu phù hợp để trang bị. Song song với đó, tăng cường tổ chức và khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động trang bị thiết bị tự làm trong giáo viên.

Là người đứng đầu ngành giáo dục Thừa Thiên Huế, ông có mong muốn, kỳ vọng gì trong năm 2023?

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế: Thừa Thiên Huế đang thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng Huế là thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên nền tảng phát huy các giá trị di sản và trên cơ sở phát huy thế mạnh 4 trụ cột: giáo dục – y tế chuyên sâu- khoa học công nghệ - văn hoá đặc sắc.

Theo đó, giáo dục được Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết 05-NQ/TƯ xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 với 12 chương trình dự án ưu tiên.

Ngoài ra, Thừa Thiên Huế đồng hành cùng các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương.

Theo đó: Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt Nghị quyết phát triển giáo dục Thừa Thiên Huế đến năm 2030- định hướng 2045 trong đó tập trung vào sắp xếp hệ thống trường lớp phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh, xây dựng đội ngũ nhà giáo và đầu tư cơ sở vật chất đặc biệt là trường học đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo điều kiện tổ chức dạy học cho thầy cô và học sinh.

Kỳ vọng lớn, mong muốn nhiều nhưng tôi thấy khó khăn trước mắt là điều kiện tạo động lực làm việc cho đội ngũ thầy cô, dù đã có nhiều giải pháp được quan tâm nhưng đối với thầy cô vùng sâu, xa, vùng khó khăn, để có tính bền vững lâu dài , đặc biệt là giữ chân giáo viên gắn bó lâu dài với trường lớp, học sinh và bản làng, để giữ chân họ, gắn bó chăm lo cho sự nghiệp giáo dục ở đó thì còn đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa.

Do đó, mong muốn của tôi là có chính sách riêng đủ mạnh đối với đội ngũ thầy cô này, bởi đòi hỏi người học ngày càng cao hơn thì đòi hỏi tâm huyết, sức lực của giáo viên cũng ngày càng nhiều, chừng nào có chính sách riêng thì mới giúp rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với các huyện vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vấn đề cơ hội việc làm cho các vùng này cũng là động lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như tạo cơ hội phát triển chất lượng giáo dục vùng miền núi, hạn chế học sinh bỏ học, giảm bớt gánh nặng xã hội, về lâu dài giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước thông qua các chương trình an sinh, giảm nghèo bền vững.

Ngoài ra, điều kiện kiên cố hoá trường lớp học, đảm bảo thiết bị tối thiểu, đảm bảo trường đạt chuẩn quốc gia ở từng cấp độ cũng là điều tôi trăn trở bởi phải có điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất thì giáo dục mới phát triển được, việc đổi mới cách dạy, cách học, cách đánh giá, đổi mới thi cử trong giáo dục hướng đến mục tiêu phát triển năng lực mới thực hiện thành công được.

Trân trọng cảm ơn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế.

Linh An (thực hiện)