Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của độc giả là giáo viên tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ (thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) phản ánh về việc, dù đã sắp kết thúc năm học 2024 - 2025 nhưng nhà trường vẫn chưa tổ chức xong hội nghị viên chức - người lao động năm học này.
Qua trao đổi, một giáo viên tại đây cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại thì đã nhiều lần nhà trường phát đi thông báo mời họp đến toàn thể giáo viên, nhân viên trong trường để tổ chức hội nghị viên chức - người lao động.
Tuy nhiên, chưa một cuộc họp nào diễn ra suôn sẻ và trọn vẹn. Các lần tổ chức đều không tìm được tiếng nói chung khiến hội nghị không thể hoàn thành.
Giáo viên lo lắng rằng, năm học 2024 - 2025 cũng sắp kết thúc, nếu như nhà trường không hoàn thành được hội nghị viên chức - người lao động, liệu việc bình xét, đánh giá cuối năm đối với cán bộ, giáo viên trong trường sẽ được thực hiện ra sao? Các tiêu chí để xếp loại thi đua, khen thưởng sẽ được giải quyết ra sao?".

Theo một số giáo viên cho biết, một trong nội dung gây ý kiến tại cuộc họp là tiêu chí xét thi đua và vấn đề tài chính.
Theo giáo viên này chia sẻ, đơn cử như về tiêu chí đánh giá thi đua giữa các giáo viên chủ nhiệm với nhau. Một trong những tiêu chí xem xét đánh giá là học sinh lên lớp phải đạt ở một mức cụ thể trở lên mới được cộng điểm thi đua. Giáo viên cho rằng điều này là không công bằng với các giáo viên chủ nhiệm khối lớp 9 với các khối lớp còn lại.
"Đối với các khối lớp thấp hơn, việc học sinh được lên lớp 100% là điều dễ dàng. Tuy nhiên với học sinh khối lớp 9, khi các em phải thi chuyển cấp lên lớp 10 thì để đạt được tỷ lệ lên lớp với con số áp cao như vậy là rất khó. Đơn cử một lớp có sĩ số 45 học sinh, chỉ cần 1 đến 2 học sinh không đỗ vào lớp 10 thì giáo viên đó chắc chắc mất điểm thi đua.
Việc học sinh lớp 9 có đỗ vào các trường trung học phổ thông hay không nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố và phải thông qua kỳ thi chuyển cấp chứ không đơn thuần chỉ xét học bạ, đủ điều kiện là được lên lớp chứ các khối lớp thấp hơn.
Khi đó các giáo viên đề nghị bỏ tiêu chí này, nhưng không được chấp nhận và cũng không có lý giải căn cứ thuyết phục. Nhưng chúng tôi nói nếu giữ nguyên thì làm sao để đảm bảo công bằng giữa các giáo viên chủ nhiệm với nhau thì lãnh đạo nhà trường lại không nêu ra được phương án", một giáo viên cho hay.
Ngoài ra, một thành viên trong Ban Thanh tra nhân dân Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ cũng cho biết rằng, có một số rắc rối, chồng chéo khi thay đổi nhân viên kế toán của nhà trường khiến cho việc minh bạch, công khai tài chính còn ý kiến.
Phóng viên đề cập việc bình xét, đánh giá thi đua đối với các cán bộ, giáo viên trong trường sắp tới sẽ diễn ra thế nào, thành viên trong Ban Thanh tra nhân dân cho rằng, đang chưa biết sẽ xử lý ra sao.
Người này bày tỏ: "Hiện tại chúng tôi cũng chưa biết xử lý thế nào vì chưa có sự thống nhất với Ban Giám hiệu. Trong đó, có một số tiêu chí đánh giá thi đua mới không phù hợp với thực tế và không đảm bảo công bằng giữa các giáo viên. Chúng tôi cũng đã có ý kiến đề nghị hiệu trưởng nhà trường bỏ các tiêu chí này nhưng hiện vẫn chưa được đồng ý".

Liên quan đến các nội dung bạn đọc phản ánh, ngày 8/4 phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã nhiều lần liên hệ và để lại tin nhắn qua điện thoại với thầy Nguyễn Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ và ông Ngô Ngọc Hanh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Rạch Giá để có thêm thông tin khách quan. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Phóng viên cũng đã nhiều lần liên hệ cho bà Trần Thị Thu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Rạch Giá nhưng khi đề cập đến nội dung nói trên, vị này nói đang bận họp không tiện trả lời.
Cùng ngày 8/4, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Hồng Linh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Rạch Giá nói, không biết có sự việc như vậy.
"Việc này nếu có họ sẽ báo về Liên đoàn Lao động thành phố, còn Ủy ban nhân dân thành phố Rạch Giá chưa nhận được báo cáo nào. Để tôi cho kiểm tra lại", bà Linh cho hay.
Tại khoản 1 Điều 51 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 quy định về thời gian tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động:
Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần sau khi kết thúc năm công tác của cơ quan, đơn vị nhưng không chậm hơn 03 tháng của năm công tác tiếp theo do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định sau khi lấy ý kiến của Công đoàn cơ quan, đơn vị.
Tại khoản 3 Điều 51 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 quy định về nội dung hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động:
a) Kiểm điểm việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị;
b) Kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trước đó và những quy định về thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị;
c) Đánh giá, tổng kết và kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện kế hoạch công tác hằng năm;
d) Tổng kết phong trào thi đua, xét khen thưởng và bàn, thống nhất nội dung thi đua năm tiếp theo; thống nhất nội dung giao ước thi đua;
đ) Thảo luận và quyết định các nội dung quy định tại Điều 49 của Luật này;
e) Thực hiện các nội dung về công khai thông tin; lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về những nội dung quy định tại Điều 53 của Luật này;
g) Thực hiện các công việc khác theo quyết định của hội nghị. (1)
Tư liệu tham khảo:
(1) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Luat-Thuc-hien-dan-chu-o-co-so-nam-2022-546085.aspx?