Được sự động viên của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cô Thúy Dương gửi 1 số góp ý

26/10/2022 06:38
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo cô Dương, dường như có một lệch lạc: chúng ta đang dạy để chứng minh cho đổi mới chứ không phải đổi mới để việc dạy trở nên hiệu quả hơn.

Bài viết “Đổi mới phương pháp dạy Văn, giáo viên không cần dạy hết các văn bản trong SGK” , “Chia sẻ trên Tạp chí, tôi bất ngờ nhận được điện thoại Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn” đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của giáo viên nói chung và giáo viên dạy Ngữ văn nói riêng.

Qua trao đổi với cô giáo Đỗ Thị Thúy Dương, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã gợi ý cho cô Dương góp ý từ thực tế bản thân trong triển khai đổi mới dạy và học môn Ngữ văn, giáo viên cần làm gì, gặp khó khăn gì và nên hỗ trợ, thống nhất trong cả nước ra sao.

Cô giáo Đỗ Thị Thúy Dương (hàng trước, bên phải ngoài cùng), giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: NVCC

Cô giáo Đỗ Thị Thúy Dương (hàng trước, bên phải ngoài cùng), giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: NVCC

Từ thực tế của mình và đồng nghiệp, cô Dương đã gửi chia sẻ tới Bộ trưởng với mong muốn thêm tiếng nói từ cơ sở.

Tạp chí xin giới thiệu chia sẻ của cô giáo Đỗ Thị Thúy Dương, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tới Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn:

“Thưa Thầy Kim Sơn!

Em là Đỗ Thị Thúy Dương, giáo viên môn Ngữ văn, trường Trường Trung học phổ thông chuyên Chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu!

Với tư cách là một người triển khai thực tế đổi mới dạy, học và kiểm tra đánh giá (thường xuyên) môn Ngữ văn, em xin có đôi lời gửi tới Thầy ạ!

1. Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH (về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông) ngày 21 tháng 7 năm 2022 chỉ đạo tương đối sáng rõ, mạch lạc, là căn cứ bước đầu để em tiến hành việc dạy trên lớp.

2. Em định hình chương trình mới trên 3 điểm nổi bật: tính mở, kết nối Ngữ văn – đời sống (vận dụng giải quyết các tình huống thực tiễn), chú trọng cách chứ không phải cái.

Cách đây mấy năm, em có một người bạn cùng học lớp K54 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bạn từng than thở, ấm ức vì sao Đề minh họa (thi tốt nghiệp trung học phổ thông) ra vào 2 chi tiết mà Đề thi chính thức lại là dạng khác.

Đáng buồn, đó là tư duy của không ít Thầy/Cô đứng lớp hiện nay – thường chờ đợi làm sẵn, qui giản về một vài công thức để đạt kết quả cao. Câu chuyện này khiến em suy tư: chương trình mở nhưng người triển khai đã thực sự sẵn sàng khai phóng hay chưa?

Khi những mắt xích còn vướng mắc thì bánh xe vận hành có trơn tru?

Điều này dẫn tới một thực tế, nhiều Thầy/Cô khi nhìn vào sách giáo khoa mới, nhất là bộ Kết nối tri thức, cảm giác rất hoang mang.

Làm sao trong vòng hơn mười tiết mà dạy cho được ngần ấy văn bản? Trong khi thực ra với trọng tâm dạy CÁCH thì sách giáo khoa cũng chỉ là một gợi ý, dạy bao nhiêu văn bản không quan trọng mà chủ yếu dạy để học sinh nắm được đặc trưng thể loại.

Suy nghĩ đóng khép, cứng nhắc phải đi qua hết các văn bản khiến chương trình vốn nhẹ nhàng, tự do lại trở nên nặng nề, trói buộc.

Vậy trước tiên, Thầy/ Cô nên thay đổi tư duy PHẢI DẠY HẾT văn bản bằng việc LỰA CHỌN DẠY văn bản nào trong sách giáo khoa (thậm chí ngoài sách giáo khoa), miễn sao phù hợp với đối tượng học sinh của mình.

3. Với thói quen thi gì học nấy vốn hằn sâu, nhiều Thầy/ Cô đang chờ đợi xu hướng ra đề để định vị việc dạy trong nhà trường.

Khi đổi mới chưa diễn ra, chúng ta khao khát đề mở và dạy mở, chúng ta đã quá chán với những văn bản năm nào cũng ra đi ra lại. Thế nhưng lúc chương trình mới thực sự đi vào thời kì thực hành, cũng là chúng ta, lại hoảng hốt - mở tới đâu và mở như thế nào, phải có chuẩn mực chứ…

Khi mỗi trường sử dụng một bộ sách giáo khoa, mỗi trường một đề thi liệu chất lượng có bị thả nổi?

Mặt khác, đối với kiểm tra đánh giá, việc lấy văn bản ngoài sách giáo khoa vào đề thi tập trung cũng có khó khăn, đành rằng phân tích đặc trưng thể loại, nhưng muốn hiểu đúng các đặc trưng thể loại đó cũng cần phải hiểu bối cảnh (hoàn cảnh ra đời, thông tin về chủ thể sáng tạo - tác giả), phải đặt trong chỉnh thể của toàn bộ văn bản.

Trong khi đó, một đề thi cùng lắm chỉ 2 mặt giấy, vậy nếu ra vào truyện thì sao? Sẽ buộc phải trích dẫn, đây cũng là một thách thức trong việc định hình một đề thi theo hướng mới khi vẫn giữ câu nghị luận văn học. Hay chăng về lâu dài, ta sẽ viết bài nghị luận xã hội???

Thêm nữa, phải thừa nhận dạy học là cả một tiến trình, đường dài, mang tính hệ thống, dạy lớp 10 cần đặt được nền tảng cho lớp 11, 12.

Nếu 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết là trục đi xuyên suốt, vậy sau này, thi vào đại học (dẫu có thể Bộ theo phương án giao cho các trường tự chủ tuyển sinh) vẫn cần một định hướng chuẩn mực nào đó để học sinh được đặt gốc rễ, tránh tình trạng trong trường phổ thông không biết gì để hình thành sự tập trung “lò luyện” đã từng xảy ra ở các thập kỉ trước.

Vì vậy, cũng cần một đề minh họa tuyển sinh vào đại học (ngoài các bài đánh giá năng lực đặc thù của từng trường). Chúng ta có lộ trình đổi mới dạy và học thì cũng cần sớm công khai lộ trình kiểm tra đánh giá.

Như vậy, trong bước đầu của thực tế đổi mới, giáo viên rất cần được thống nhất, hỗ trợ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đề minh họa các kì thi tập trung (giữa kì 1, cuối kì 1, giữa kì 2, cuối kì 2, thi đại học) trên toàn quốc để đảm bảo một mặt bằng nhất định giữa các vùng miền.

4. Nhiều Thầy/ Cô bị ngợp, sợ hãi mình không nắm được công nghệ thông tin, kĩ thuật dạy học mới. Em nhớ khi các tác giả bộ Kết nối tri thức chia sẻ trực tuyến, với giờ dạy minh họa của cô giáo một trường, có đồng nghiệp ở tỉnh em đã đưa ra thắc mắc: chưa thực sự thấy phương pháp mới trong giờ dạy (chủ yếu vẫn là đàm thoại, phát vấn).

Dường như có một lệch lạc khác là: chúng ta đang dạy để chứng minh cho đổi mới chứ không phải đổi mới để việc dạy trở nên hiệu quả hơn.

Nhất là với đặc thù Ngữ văn, em hiểu là một môn Khoa học Nghệ thuật, cái cuối cùng là dạy sao cho trẻ sống (được một phần nhờ Ngữ văn), và trẻ thích (sau khi học Ngữ văn), tâm hồn được bồi đắp, thẩm mĩ được phát triển.

Làm sao bước ra khỏi lớp, gấp trang sách lại, trẻ thấy văn lấp lánh trong đời, trẻ hướng thiện tới những vùng thẩm mĩ cộng đồng và kích hoạt, sinh thành vùng thẩm mĩ riêng.

Làm sao để dạy học Ngữ văn góp phần tạo nên một cái tôi thiện lành, độc lập. Đừng để kĩ thuật, phương pháp làm cho xác xơ. Rất mong có một lưu ý rõ ràng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để Thầy/Cô bớt tâm lí nặng nề và hiểu đúng về cái đích sau cuối, giản dị của việc dạy học Ngữ văn.

Trên đây là đôi lời tâm tư của em! Em cảm ơn Thầy đã lắng nghe! Em kính chúc Thầy luôn mạnh khỏe, vững vàng ạ!”.

Sơn Quang Huyến