Tu hú là loài xảo quyệt nhất trong thế giới tự nhiên. Đặc tính của loài chim này là không bao giờ làm tổ, đẻ trứng, nuôi con. Vào mùa sinh sản, chúng tìm tổ của các loài chim khác để “đẻ nhờ”.
Tu hú con vừa tách vỏ trứng nở ra, lập tức gồng mình đẩy những quả trứng khác rơi xuống đất để “độc chiếm giang sơn”.
Câu thành ngữ “Nuôi con tu hú” của ông bà ta nhằm nhắc nhở con cháu phải luôn luôn cảnh giác với loại người “tu hú”, từ đời sống gia đình, xã hội cho đến vận mệnh của cả quốc gia, dân tộc…
Đối tượng lợi dụng của loài “tu hú”
Các nhà sinh vật học đã chứng minh, loài tu hú rất tinh ranh và chuyên nghiệp trong “sự nghiệp” đẻ nhờ.
Thế giới tự nhiên có hàng nghìn loài chim, nhưng không phải tổ chim nào tu hú cũng đến đẻ trứng. Chúng thường chọn tổ của những loài chim thường mất cảnh giác và có kích thước, màu sắc tương đồng.
Loài bị tu hú lợi dụng nhiều nhất là chim cưỡng. Trong giới sinh vật cảnh, chim cưỡng rất được ưa chuộng bởi hót hay, có thể luyện cho chúng nói được tiếng người.
Thông minh, giá trị là thế nhưng trong đời sống tự nhiên, chim cưỡng lại thiếu sự nhạy cảm cần thiết để phân biệt thật-giả, trắng-đen.
Bị tu hú lợi dụng từ đời này qua đời khác nhưng không tỉnh ngộ. Chim cưỡng ngày càng hiếm, một phần do bị kẻ thù triệt mất nòi giống mà không hề hay biết…
Bồi dưỡng lý luận chính trị cho các nhà báo để chống các quan điểm sai trái |
Ngẫm chuyện tu hú để thấy rõ hơn đời sống xã hội và quan hệ quốc tế trong môi trường đổi mới, hội nhập, thời cơ đan xen nguy cơ, cơ hội đi kèm thách thức.
Việc nhận diện, phân định đối tượng-đối tác không hề là chuyện đơn giản trong các mối quan hệ của thời đại số.
Trong suốt 45 năm qua, mỗi bước phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng là một giai đoạn trải qua thử thách cam go, phức tạp.
Vị thế đất nước trên trường quốc tế càng cao thì sự cay cú, chống phá của các thế lực thù địch, phản động càng tinh vi, phức tạp.
Văn hóa, tư tưởng là lĩnh vực được các thế lực thù địch, phản động tập trung chống phá mạnh mẽ nhất.
Chúng triệt để lợi dụng tiện ích của công nghệ thông tin, truyền thông, mạng xã hội để tác động, lôi kéo các đối tượng cực đoan, suy thoái chính trị trong nước, ngay trong nội bộ đảng nhằm phục vụ mưu đồ theo cách “tu hú đẻ nhờ”.
Giới nghệ sĩ điện ảnh, sân khấu ở Thành phố Hồ Chí Minh đến nay vẫn hay nhắc đến bài học đắt giá của diễn viên ĐD.
20 năm trước, ĐD được coi là một “át chủ bài” của điện ảnh phía Nam, đảm nhiệm vai chính trong gần 40 phim điện ảnh, trong đó có nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang có giá trị cao về nội dung, nghệ thuật.
Tài năng và nổi tiếng, con đường nghệ thuật của ĐD đang rộng mở thì bị đổ sông đổ biển, khi được điện ảnh Mỹ săn đón, mời sang đóng phim và tham gia vai chính trong một số phim nhưng thực chất, đó là một kiểu “tu hú đẻ nhờ” tinh vi.
Phim ĐD đóng có nội dung xuyên tạc sự thật lịch sử, bôi nhọ cuộc chiến tranh chính nghĩa chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta, làm sai lệch bản chất, méo mó hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.
Những người nổi tiếng trong giới nghệ sĩ, trí thức, cán bộ bị kỷ luật, sa thải có tư tưởng bất mãn với chế độ… là những đối tượng luôn được các thế lực thù địch, phản động săn đón, lợi dụng.
Ai cũng biết, tiếng nói và sự xuất hiện của họ trên truyền thông luôn thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng.
Không ít người vì nhẹ dạ cả tin, vì non kém về nhận thức và bản lĩnh chính trị, vì lóa mắt trước thứ “bánh vẽ” danh tiếng nên đã dễ dàng sa vào cái bẫy giăng sẵn hết sức tinh vi của các thế lực thù địch.
Có không ít bài học nhãn tiền từ những người đi trước, nhưng một số người hiện nay vẫn chưa chịu thức tỉnh.
Thời gian qua, dư luận bày tỏ thái độ bức xúc trước việc, một số trí thức, học giả, nhà nghiên cứu đăng đàn phát biểu những nội dung đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.
Dưới danh nghĩa hội thảo, tọa đàm khoa học do các hội, đoàn, tổ chức phi chính phủ thực hiện, họ cố tình đánh tráo khái niệm, đòi công nhận chính quyền tay sai Sài Gòn trước năm 1975 là một “chính thể quốc gia”.
Họ lập luận, lịch sử độc lập với chính trị; nhà sử học chỉ quan tâm đến lịch sử!?! Thực chất, đây là kiểu tư duy ngụy khoa học, là cái cớ cho “tu hú đẻ nhờ”, tạo cơ hội để các thế lực thù địch xuyên tạc, rêu rao luận điệu phá hoại, thủ tiêu thành quả vĩ đại trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Đảng và nhân dân ta.
Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường, nồng nhiệt chào đón Quân giải phóng tiến vào thành phố. Ảnh tư liệu/TTXVN. |
Mới đây, cái gọi là tổ chức “Ủy ban hành động chống cộng sản” của một số phần tử người Việt Nam tại Mỹ đã sử dụng những em bé đang tuổi học sinh, cho mặc quân phục của quân lực Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975 để trả lời phỏng vấn.
Thực chất, đó là một vài người Việt trẻ tuổi sống xa Tổ quốc bị các phần tử thù địch nhồi nhét tư tưởng hận thù, học thuộc các nội dung do người lớn chuẩn bị sẵn để kích động, xuyên tạc, chống phá đất nước.
Vậy là, bên cạnh những thành phần truyền thống, chúng đã và đang hướng đến đầu độc thế hệ tương lai của đất nước và kiều bào.
Đây là thủ đoạn hết sức nham hiểm, bởi tâm hồn trẻ em như trang giấy trắng. Các cháu sống xa Tổ quốc, biết nói tiếng Việt nhưng lại bị đầu độc bởi tư tưởng thù địch, chống phá đất nước, sẽ để lại những hệ lụy tiêu cực về sau...
Thành trì vững chắc ngăn chặn thủ đoạn “đẻ nhờ”
Được “trải thảm đỏ” săn đón, nhưng khi hết giá trị lợi dụng thì những “ngôi sao” trong giới nghệ sĩ, trí thức trót “nhúng chàm” có được cuộc sống sung túc, giàu sang nơi xứ người không? Hoàn toàn không!
Kết cục của diễn viên ĐD là một dẫn chứng đau buồn. Sau khi đóng máy các bộ phim xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam, những người từng mời ĐD đóng phim cũng… “đóng cửa” luôn với anh ta.
ĐD sống cơ cực trên đất khách, phải nhờ đến sự giúp đỡ của những người thân, rồi qua đời năm 2011 vì bệnh hiểm nghèo; tro cốt được người thân đón về trong lòng Đất mẹ Việt Nam.
Đa phần những người quay lưng với Tổ quốc đều có chung cái kết tương tự. Đó thực là những bài học nhãn tiền…
Âm mưu, thủ đoạn chống phá đất nước của các thế lực thù địch, phản động là không giới hạn. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng rơi vào bẫy của chúng.
Những luận điệu nguy hại hơn dịch bệnh |
Đa số những người nổi tiếng trong giới nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân, khoa học… đều nhận thức đầy đủ trách nhiệm nghề nghiệp và bổn phận với Tổ quốc, nhân dân.
Cố Nghệ sĩ nhân dân Thế Anh trong cuộc gặp gỡ cuối cùng với chúng tôi cũng đã đau đáu nhắn gửi đến thế hệ nghệ sĩ hôm nay rằng, miếng phô mai không mất tiền chỉ có trong cái bẫy chuột. Đừng lóa mắt trước những thứ xa xỉ bên ngoài Tổ quốc mình.
Thời đóng phim “Nổi gió”, “Mối tình đầu”… tên tuổi Thế Anh nổi như cồn. Người ta cũng trải thảm đỏ mời ông qua Mỹ định cư, hứa hẹn cho nhà cao cửa rộng, trả lương cao ngất ngưởng.
Thế Anh từ chối rằng: “Tôi ăn rau muống, cà dầm tương, uống rượu cuốc lủi quen rồi. Rượu tây, nhà lầu, xe hơi… không hợp với tôi”.
Ngay cả những người từng ở bên kia chiến tuyến trước năm 1975, hiện sinh sống tại Mỹ, cũng đã lên tiếng thức tỉnh những cái đầu lệch lạc trong giới kiều bào. Ông Nguyễn Cầm, Việt kiều quốc tịch Mỹ, cựu lính Việt Nam Cộng hòa là một ví dụ.
Trở về quê hương sau mấy chục năm xa cách, ông Cầm hết sức ngạc nhiên, cảm động trước sự phát triển nhanh chóng của đất nước và tình cảm nồng ấm của đồng bào mình.
Trở lại Mỹ, ông đăng đàn trả lời một kênh truyền thông hải ngoại, thẳng thắn bày tỏ thái độ phê phán việc một bộ phận người Việt Nam ở Mỹ tham gia các nhóm, hội chống phá, xuyên tạc sự thật tình hình đất nước.
“Về Việt Nam tôi mới thấy, bên đó (Mỹ), bọn nó toàn bịa đặt vô căn cứ, nói tầm bậy tầm bạ. Tôi về, đi nhiều nơi, đâu đâu cũng thấy đất nước phát triển, yên bình”, ông Cầm nói.
Trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 và chống hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra quyết liệt, công chúng cả nước dành tình cảm và sự mến mộ đối với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
Dù tuổi đời còn trẻ nhưng hành động thiện nguyện, sát cánh cùng các cấp, các ngành phòng, chống dịch, giúp đỡ dân nghèo bằng những việc làm thiết thực, cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật cổ vũ nhân dân, đã cho thấy tinh thần yêu nước đáng trân quý trong trái tim nghệ sĩ.
Hành động nhân văn từ những người nổi tiếng có sức cộng hưởng, lan tỏa lớn trong cộng đồng, tạo thêm động lực sát cánh cùng Đảng, Nhà nước chăm lo tốt nhất cho dân, đồng lòng chiến thắng đại dịch, vượt qua khó khăn, thách thức…
Với tinh thần lấy xây để chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, sự lan tỏa những suy nghĩ, hành động, việc làm nhân ái của những trái tim yêu nước chính là cách để chúng ta xây dựng thành trì tư tưởng vững chắc; triệt tiêu cơ hội "đẻ nhờ” của loài "tu hú"…
(còn nữa)