Dù là thầy- trò hay nhà quản lý nếu không biết tận dụng AI thì sẽ bị thay thế

04/04/2024 06:27
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Cần đánh giá nghiêm túc khoảng cách giữa chủ trương/tư duy và chính sách/hành động để giáo dục nước ta đạt những chuyển đổi như kỳ vọng.

Tại buổi tọa đàm khoa học “Bối cảnh và những vấn đề mới đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; định hướng và những giải pháp đột phá”, nhiều chuyên gia đã có những góp ý, phân tích, thảo luận những vấn đề quan trọng đặt ra đối với giáo dục Việt Nam sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Doãn Nhàn
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Doãn Nhàn

Đề cập tới những bất cập trong việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực giáo dục, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến chia sẻ, năm 2009, tại Thông báo Kết luận 242-TB/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (Khoá VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020, Bộ Chính trị nhận định: “Công tác quản lý giáo dục còn nhiều yếu kém và nguyên nhân chủ yếu của nhiều yếu kém khác… Các cơ quan chức năng chậm cụ thể hoá những quan điểm của Đảng thành cơ chế, chính sách của Nhà nước… một số chính sách về giáo dục còn chủ quan, duy ý chí, xa thực tế, thiếu sự đồng thuận của xã hội".

Tại Nghị quyết 29, Ban Chấp hành Trung ương nhận định: “Việc thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu" còn chậm và lúng túng".

Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến khẳng định, Nghị quyết 29 đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. Minh chứng cụ thể là những quan điểm của Nghị quyết 29 với những định hướng về chuyển đổi giáo dục mà mới đây Liên Hợp Quốc đưa ra có sự tương thích với nhau. Ảnh: Doãn Nhàn
Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến khẳng định, Nghị quyết 29 đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. Minh chứng cụ thể là những quan điểm của Nghị quyết 29 với những định hướng về chuyển đổi giáo dục mà mới đây Liên Hợp Quốc đưa ra có sự tương thích với nhau. Ảnh: Doãn Nhàn

Hội nghị thượng đỉnh chuyển đổi giáo dục của Liên Hợp Quốc tháng 9/2022 ra tuyên bố: “Cùng nhau chuyển đổi giáo dục vì tương lai công bằng và bền vững".

Hệ thống giáo dục mới được đề xuất là sự chuyển đổi từ hệ thống giáo dục truyền thống sang hệ thống giáo dục suốt đời, cùng với việc xây dựng xã hội học tập đích thực.

“Định hướng về hệ thống giáo dục mới này cũng tương thích với định hướng về một hệ thống giáo dục Việt Nam được thể hiện qua các quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 29 và được phát biểu tường minh qua một số quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, mặc dù được ban hành cách đây 10 năm, nhưng Nghị quyết 29 có tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam trong giai đoạn mới, khi đất nước đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến đánh giá.

Đến nay, việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đã được triển khai 10 năm trên cả hệ thống cũng như tại từng cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc đánh giá lại không dễ dàng bởi Nghị quyết 29 là chủ trương lớn, có tính chiến lược, nhưng đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa thành một Kế hoạch tổng thể làm cơ sở đối sánh cho việc đánh giá.

Điều đó dẫn đến một khoảng cách, đó là khoảng cách giữa chủ trương và chính sách trong việc thực hiện Nghị quyết 29.

Bàn về những khoảng cách giữa chủ trương và chính sách trong việc thực hiện Nghị quyết 29, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến chia sẻ, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong Nghị quyết 29 được thể hiện tập trung ở các quan điểm chỉ đạo.

Theo đó, tính căn bản và toàn diện của công cuộc đổi mới này thể hiện ở các quan điểm chỉ đạo về chuyển đổi giáo dục sau đây:

Một là chuyển từ giáo dục chủ yếu theo tiếp cận nội dung sang giáo dục theo tiếp cận năng lực;

Hai là chuyển giáo dục từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả;

Ba là chuyển giáo dục từ một hệ thống kín sang hệ thống mở, linh hoạt và liên thông;

Bốn là chuyển từ giáo dục có chiều hướng "hư học" sang thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, gắn với xây dựng xã hội học tập.

Chuyên gia này cho rằng, khi triển khai thực hiện Nghị quyết 29, sự phát triển chính sách, từ các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương chủ yếu tập trung vào nhóm các nhiệm vụ, giải pháp; coi đó là mục đích chứ không phải phương tiện hướng tới thực hiện các chuyển đổi giáo dục được quy định trong các quan điểm chỉ đạo.

“Điều đó khiến cho trong đánh giá hiện nay thì nhìn từ góc độ các nhiệm vụ, giải pháp đã được tổ chức thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 29, có thể thấy giáo dục nước ta đã có bước tiến nhất định.

Nhưng nếu nhìn từ góc độ đổi mới căn bản và toàn diện theo các quan điểm chỉ đạo nêu trên thì có thể thấy các bước chuyển đang diễn ra khá chậm và lúng túng”, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến phân tích.

Cụ thể, giáo dục theo tiếp cận năng lực mới chỉ tập trung bước đầu ở giáo dục phổ thông, chưa có chuyển biến mới thực chất ở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên; Sự chuyển biến về chất lượng trong so sánh quốc tế đã được hiện thực hoá ở giáo dục phổ thông, nhưng vẫn yếu kém ở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên; Bước chuyển sang giáo dục thực học, thực nghiệp còn lúng túng vì khung trình độ quốc gia vẫn chưa được thực hiện; Bước chuyển sang giáo dục mở vẫn dừng lại chủ yếu trên văn bản.

Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, khoảng cách nêu trên giữa chủ trương và chính sách trong thực hiện Nghị quyết 29 là một bất cập khá phổ biến trong giáo dục nước ta.

Về nguồn lực chính sách này, ngoài vấn đề khoảng cách, trước yêu cầu chuyển đổi giáo dục theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng vẫn còn hai thách thức cần quan tâm:

Thứ nhất, trong một thế giới ngày càng biến đổi, bất định và khó lường, gây nên bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì phản ứng chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục còn chậm, và nếu có thì nhiều chính sách còn nặng về mong muốn, thiếu sự hỗ trợ của các phân tích chuyên sâu.

Thứ hai, việc tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá chính sách còn nhiều yếu kém, bất cập.

Nguyên nhân của các vấn đề còn tồn tại là hạn chế về nhận thức và hạn chế về năng lực trong xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách.

Đưa ra khuyến nghị về việc xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục, theo Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến: Cần đảm bảo có sự thống nhất nhận thức về chủ trương đối với từng vấn đề đặt ra, từ những khái niệm cơ bản, đến lợi ích và rủi ro, cơ hội và thách thức, lý luận và thực tiễn. Đồng thời, cần khảo sát đánh giá đúng hiện trạng để có sự nhận dạng đúng khoảng cách giữa hiện trạng với mục tiêu mong muốn để có giải pháp thực hiện phù hợp.

Bên cạnh đó, có sự lựa chọn ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, đảm bảo cân bằng giữa nhiệm vụ, giải pháp với nguồn lực để đảm bảo tính khả thi. Cuối cùng, nâng cao trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành trong quan hệ phối hợp đi đôi với cơ chế giám sát và đánh giá dựa trên hệ thống dữ liệu khách quan, tin cậy và minh bạch để đảm bảo chính sách được thực hiện đến nơi đến chốn.

Đề cập đến một trong những xu hướng hiện nay, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin chia sẻ, xu hướng phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm trí tuệ nhân tạo đã "trù mật" trong mọi hoạt động, mọi khía cạnh.

Khi nói đến cách mạng công nghiệp lần thứ ba thì đối với lĩnh vực về giáo dục đào tạo thường nói đến vai trò kết nối internet. Tuy nhiên, đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thay vì kết nối internet nó là kết nối số và các sản phẩm trí tuệ nhân tạo sẽ có sự thay đổi và tác động rất mạnh mẽ.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin. Ảnh: Doãn Nhàn
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin. Ảnh: Doãn Nhàn

Bàn về những quan sát liên quan đến nhân lực, theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy, trong thế kỷ 21 trên những vấn đề có liên quan đến khoa học công nghệ cách mạng trí tuệ nhân tạo, có thể nói một cách đơn giản là vấn đề không phải là AI lấn át thay thế con người mà dù là thầy hay trò hay nhà quản lý nếu không biết sử dụng và không biết tận dụng AI thì sẽ bị thay thế bởi người biết sử dụng AI.

Cuối cùng, theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng cần chú trọng đến giáo dục CPS (Cyber Physical System). CPS kết nối giữa thế giới thực và thế giới bàn giao số. Bên cạnh đó, CPS tạo ra những hành vi của người học trong một xã hội hiện đại, chính vì vậy, đây là một trong những đặc trưng rất quan trọng cần chú ý đến.

Thu Trang