Dù có chứng chỉ dạy KHTN, nhưng để GV dạy cả 3 phân môn thì cần có lộ trình

31/05/2023 06:38
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo thầy Tuấn, GV dạy KHTN ở Trường Nguyễn Siêu đều có đủ chứng chỉ dạy KHTN. Tuy nhiên, để GV dạy toàn bộ các phân môn ở 1 khối lớp thì phải có lộ trình.

Môn học tích hợp là một trong những điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, chương trình được xây dựng theo hướng tích hợp sâu ở lớp dưới và phân hoá dần ở các lớp trên.

Mục đích là giúp học sinh phát triển các phẩm chất và năng lực cần thiết, khả năng tổng hợp kiến thức, kỹ năng… thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống. Tuy nhiên, ghi nhận chung ở giai đoạn đầu thực hiện, thầy và trò trên cả nước vẫn còn gặp khá nhiều lúng túng, khó khăn khi triển khai các môn tích hợp.

Môn học mới tạo nên sự cởi mở trong giờ học, giảm áp lực cho học sinh

Trong đó, môn Khoa học tự nhiên (gồm 3 phân môn Vật lý, Hoá học và Sinh học) ở bậc trung học cơ sở là một trong những bài toán khó khi thực hiện chương trình mới này. Trải qua 2 năm chính thức dạy và học môn Khoa học tự nhiên (lớp 6, lớp 7), thầy trò Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (Hà Nội) đã vận dụng nhiều cách làm hay, sáng tạo trong quá trình chinh phục môn học mới này.

Học sinh Trường Nguyễn Siêu trong một tiết học. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường Nguyễn Siêu trong một tiết học. Ảnh: NTCC

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đinh Thị Hòa (Giáo viên môn Khoa học tự nhiên, Trường Nguyễn Siêu) nhận định:

“Môn Khoa học tự nhiên ở chương trình mới với nhiều điểm sáng như tăng cường các hoạt động thực hành, trải nghiệm tạo nên sự cởi mở trong giờ học, giảm áp lực cho học sinh. Nội dung kiến thức được cập nhật với thực tiễn đời sống”.

Tính tích hợp của môn Khoa học tự nhiên được thể hiện qua việc sắp xếp các nội dung kiến thức của 3 môn học riêng rẽ trước đây: Vật lý, Hóa học, Sinh học dựa trên các nguyên lý và khái niệm chung của tự nhiên; đồng thời có thêm một số chủ đề liên môn, tích hợp. Chương trình chú trọng hoạt động thực hành, thí nghiệm, hoạt động trải nghiệm; phát triển năng lực của người học, giản lược được những nội dung nặng về kiến thức.

Tuy nhiên, từ thực tế dạy và học môn Khoa học tự nhiên, cô Hòa thừa nhận rằng “chương trình môn học đã có tính tích hợp nhưng chưa rõ nét”.

Để giáo viên dạy toàn bộ các phân môn thì phải có lộ trình

Cũng như hầu hết các cơ sở giáo dục khác, Trường Nguyễn Siêu cũng đối mặt với bài toán về giáo viên giảng dạy môn học mới này. Được biết, hiện nay việc giảng dạy môn Khoa học tự nhiên chưa có giáo viên nào đảm nhận cả 3 phân môn Vật lý, Hoá học và Sinh học. Theo đó, đối với bài chủ đề chung, tổ bộ môn sẽ họp cùng soạn giáo án và có thể phân bất kì giáo viên nào dạy; đối với chủ đề riêng, giáo viên của từng phân môn dạy sẽ phụ trách giảng dạy.

Học sinh Trường Nguyễn Siêu tại Ngày hội STEM năm 2022. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường Nguyễn Siêu tại Ngày hội STEM năm 2022. Ảnh: NTCC

“Các giáo viên dạy Khoa học tự nhiên cấp trung học cơ sở ở Trường Nguyễn Siêu đều tham gia các khóa học và có đủ chứng chỉ dạy Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, để giáo viên dạy toàn bộ các phân môn ở một khối lớp thì phải có lộ trình.

Cụ thể, giáo viên sẽ tham gia sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học cùng tổ chuyên môn và tham gia giảng dạy từng phân môn ở các năm học”, thầy Nguyễn Anh Tuấn (Giáo viên môn Khoa học tự nhiên, Trường Nguyễn Siêu) chia sẻ với phóng viên.

Cũng theo thầy Tuấn, việc dạy chương trình “nối tiếp” gây ra khó khăn khi xếp thời khóa biểu cũng như ảnh hưởng đến số tiết dạy của giáo viên.

“Có những thời điểm, chương trình các khối lớp chạy cùng một phân môn nên số tiết của giáo viên nhiều và ngược lại, có những thời điểm số tiết dạy của giáo viên ít”, thầy Tuấn chia sẻ thêm.

Đối với kiểm tra đánh giá môn Khoa học tự nhiên, cô Hòa cho biết, các phân môn xây dựng ma trận đề trọng số rồi họp tổ và điều chỉnh lại để thể hiện tích hợp trong đề thi. Hai giáo viên này đều nhận định, nhìn chung việc kiểm tra đánh giá không gặp khó khăn.

Để dạy tốt được môn học tích hợp Khoa học tự nhiên, cô Hòa và thầy Tuấn đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của tập thể, tức là sự vào cuộc của tất cả thầy cô giáo, cùng học tập và nghiên cứu các nội dung mới nhằm chia sẻ cách làm hay.

“Tăng cường thời gian sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học giúp giáo viên hiểu rõ hơn chương trình, cũng như chia sẻ được các thuận lợi và khó khăn khi giảng dạy.

Đồng thời, tăng cường dạy học theo định hướng giáo dục STEM nhằm đảm bảo nội dung chương trình, tăng tính tích hợp và đánh giá được năng lực phẩm chất của học sinh”, hai vị giáo viên thống nhất về giải pháp, kinh nghiệm giúp dạy tốt môn học mới này.

Tuy nhiên, một thách thức đặt ra đối với thầy và trò khi dạy học môn Khoa học tự nhiên đó là sự tiếp nối giữa kiến thức các phân môn. Giáo viên Trường Nguyễn Siêu chia sẻ niềm trăn trở:

“Chương trình được dạy theo các nội dung trong sách giáo khoa, dẫn đến có phân môn kết thúc sớm, ở năm học tiếp theo học sinh không còn nhớ nhiều kiến thức ở phân môn này gây khó khăn cho việc dạy của giáo viên”.

Đây cũng là thách thức chung với thầy và trò cả nước, yêu cầu sự sáng tạo, chủ động của thầy cô giáo từng đơn vị do đó tùy điều kiện từng trường để có kế hoạch dạy học phù hợp, đảm bảo thực hiện mục đích, nội dung chương trình học.

Doãn Nhàn