Dự án “Học thông qua Chơi” có thiết thực khi dạy học theo chương trình mới?

07/03/2023 06:34
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên đều cho rằng, dự án "Học thông qua Chơi" không mới, thực tế đã sử dụng trò chơi trong các hoạt động giáo dục trên lớp từ rất nhiều năm rồi.

Dự án “Lồng ghép Học thông qua Chơi vào giáo dục tiểu học” của VVOB phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm mục đích đưa phương pháp giảng dạy học mà chơi vào quá trình dạy học thực tế ở các trường tiểu học hiện nay.

Được biết, dự án này chính thức khởi động từ tháng 12 năm 2019. Sau thời gian khảo sát và vận dụng thí điểm ở một số tỉnh thành, giai đoạn này dự án mới bắt đầu triển khai rộng rãi tại nhiều địa phương trong đó có tỉnh Bình Thuận.

Được biết, dự án hướng tới nâng cao năng lực giáo viên thực hiện lồng ghép học thông qua Chơi vào các hoạt động học tập trên lớp, nhằm hỗ trợ học sinh tiểu học Việt Nam phát triển toàn diện và góp phần thực hiện mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Dự án "Học thông qua Chơi" hiện đang được tập huấn ở các trường tiểu học (ảnh tác giả)

Dự án "Học thông qua Chơi" hiện đang được tập huấn ở các trường tiểu học (ảnh tác giả)

Hình thức “Học thông qua Chơi”, không hề mới trong giáo dục hiện nay

Nghe cái tên dự án “Học thông qua Chơi” và mục đích của dự án sẽ thay đổi cách học, cách chơi trong các tiết dạy, tưởng có nhiều điều mới lạ.

Thế nhưng, ngay sau khi được tập huấn, được xem những hoạt động minh hoạ trên băng hình, trao đổi với các thầy cô, người viết - một giáo viên tiểu học nhận được ý kiến chung cho rằng, dự án này không mới, giáo viên đã sử dụng trò chơi trong các hoạt động giáo dục trên lớp từ rất lâu rồi.

Ví dụ, “Học thông qua Chơi” gợi ý cách áp dụng trò chơi khi dạy học hình thành biểu tượng số 5 trong môn toán cho học sinh lớp 1.

Thay vì việc, giáo viên giới thiệu cho học sinh về số 5 và cho học sinh nói “1, 2, 3, 4, 5” thì có thể đưa cho học sinh năm cái kẹo hoặc năm cái bút hoặc 5 cục tẩy… và yêu cầu học sinh đến xem có bao nhiêu đồ vật.

Từ việc tham gia thực hành học tập qua nhiệm vụ thực hành, đố và đoán, học sinh chơi hiểu rõ hơn ý nghĩa của số 5. Với kiểu tổ chức trò chơi như này, trong thực tế giáo viên cũng đã và đang áp dụng vào giảng dạy.

Và hiện nay, để tạo sự hào hứng, sôi nổi cho học sinh, để giúp các em nắm chắc kiến thức, các thầy cô giáo vẫn luôn thiết kế hoạt động trò chơi trong các tiết dạy của mình.

Tổ chức trò chơi thường xuyên nhất và mang lại hiệu quả nhất phải kể đến hoạt động mở đầu và hoạt động củng cố bài học. Phần khám phá kiến thức thì tuỳ vào nội dung kiến thức, tuỳ vào trình độ lớp học để các thầy cô sử dụng hình thức trò chơi gì cho phù hợp.

Khi thiết kế các trò chơi trong tiết học, giáo viên luôn tính toán rất kỹ yếu tố thời gian. Bởi, đây là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng quyết định sự thành, bại của một tiết dạy.

Dự án “Lồng ghép Học thông qua Chơi vào giáo dục tiểu học” mang đến điều gì?

Các tác giả của dự án “Lồng ghép Học thông qua Chơi vào giáo dục tiểu học” cũng đã nêu nhận định (sau khi khảo sát ở bốn tỉnh thành phố bao gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng và Quảng Trị) rằng, một số hoạt động “Học thông qua Chơi” đã được giáo viên áp dụng trên lớp học vào các dịp đặc biệt như thao giảng, thi giáo viên dạy giỏi. Trong các tiết dạy, giáo viên có tổ chức trò chơi và học sinh tham gia vui vẻ.

Tuy nhiên, trong các giờ học đó, giáo viên vẫn giữ vai trò chủ đạo, học sinh thụ động thực hiện theo yêu cầu của giáo viên và học sinh ít có cơ hội thực hành theo nhịp độ của riêng mình và trò chơi chỉ là một trong các loại hình của Học thông qua Chơi.

Vì thế, với dự án “Lồng ghép Học thông qua Chơi vào giáo dục tiểu học”, học sinh sẽ không còn thụ động thực hiện theo yêu cầu của giáo viên mà có cơ hội thực hành theo nhịp độ của riêng mình.

Trong thực tế, khó áp dụng dự án “Lồng ghép Học thông qua Chơi vào giáo dục tiểu học" như kỳ vọng của các tác giả

Trong buổi tập huấn, chúng tôi được xem băng hình dạy mẫu của một lớp học. Điều nhận thấy rõ nhất là lớp học trong video đang minh hoạ cho hoạt động “Học thông qua Chơi” gần như không có thực trong hệ thống các trường học công lập hiện nay.

Lớp học không bàn ghế, chỉ có hơn hai chục em nhưng có tới 2 giáo viên hướng dẫn (Ảnh chụp màn hình).

Lớp học không bàn ghế, chỉ có hơn hai chục em nhưng có tới 2 giáo viên hướng dẫn (Ảnh chụp màn hình).

Những lớp học như thế này, gần như chỉ ở những trường học quốc tế. Bởi, lớp học không có bàn ghế, chỉ hơn 20 học sinh trong lớp nhưng có tới 2 giáo viên hướng dẫn.

Trong khi bên ngoài, lớp học ít nhất đạt chuẩn đã có 35 học sinh/lớp, nhiều vùng sĩ số học sinh còn ở mức 60 em/lớp, và dù học sinh một lớp đông thế nào cũng chỉ có 1 giáo viên giảng dạy.

Nhìn vào tiết học minh hoạ trong video thì quả thật học sinh đã có cơ hội thực hành theo nhịp độ của riêng mình, thực hiện trò chơi một cách tự nhiên, thong thả. Chúng tôi dễ dàng nhận thấy, hoạt động chủ đạo là “Chơi mà Học”, hoàn toàn không phải “Học mà Chơi”.

Có những trò chơi được đề xuất rất khó khi áp dụng vào giảng dạy các bài học trên lớp. Ví như khi dạy cho học sinh về cách đọc, viết các số trong phạm vi 100 ( lớp 1), giáo viên có thể tổ chức cho học sinh nghe một đoạn thông tin về dự báo thời tiết.

Trong đó, có chứa các số nhiệt độ số người bị bệnh do ảnh hưởng của thời tiết. Học sinh vừa nghe bản tin, vừa viết ra phiếu học tập những con số mà mình nghe được.

Học sinh lớp 1, đọc chưa thông, viết chưa thạo mà yêu cầu vừa nghe và viết lại từ một bản tin là yêu cầu khá cao đối với các em.

Hay như bài “Ngôi nhà của em” (lớp 1). Trò chơi được đề xuất tổ chức là cho các em sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có như lá, vải, giấy, que nhỏ, bìa cát tông, sỏi đá, khối gỗ nhỏ để xây căn nhà theo cách các em muốn mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của giáo viên.

Hoặc, bài về bão lũ lụt hạn hán môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2 trên lớp thành nhiều nhóm, mỗi nhóm có bốn học sinh. Từng nhóm, tìm hiểu một trong các hiện tượng thiên tai (có thể viết, vẽ, làm Bộ sưu tập tranh tiếp…).

Tiếp theo, cho học sinh sẽ đếm theo thứ tự từ 1 đến 4, những học sinh có cùng số đếm sẽ ngồi cùng nhau tạo thành một nhóm mới, các thành viên nhóm mới chia sẻ với nhau về những nội dung mình đã tìm được hiểu được từ nhóm ban đầu.

Các thành viên nhóm mới tổng hợp các ý kiến và trình bày trước lớp về cả bốn hiện tượng thiên tai; so sánh, tìm mối quan hệ giữa các hiện tượng thiên tai. Một tiết học thông thường có biết bao hoạt động mà yêu cầu tổ chức hoạt động trò chơi như thế, gần như là điều không thể thực hiện.

Nếu mang kiểu dạy học “Học thông qua Chơi” như này vào thực tế thì sao? Một tiết học với thời lượng chỉ 35 đến 40 phút, nếu tổ chức hoạt động trò chơi thế này dạy đến bao giờ mới hoàn thành xong yêu cầu một bài học?

Do đó, dù tổ chức cho học sinh trò chơi gì thì yếu tố thời gian luôn được đặt lên hàng đầu. Học sinh vẫn sẽ chơi trong yêu cầu của giáo viên.

Chúng tôi nghĩ rằng, để mang tính thuyết phục về hiệu quả mà dự án “Học thông qua Chơi” mang lại, cần đưa vào một lớp học thông thường (có đủ bàn ghế, số lượng học sinh, giáo viên) và đưa vào giảng dạy trong một bài học cụ thể của chương trình.

Tránh kiểu lớp dạy minh hoạ quá lý tưởng như thế để rồi khẳng định dự án rất phù hợp và hiệu quả cần đưa vào giảng dạy ngoài thực tế như mô hình trường học mới VNEN, như phương pháp Bàn tay nặn bột…Và lúc đó, sự đối phó trong giáo dục tiếp tục được lên ngôi.

Dự án “Học thông qua Chơi” có thiết thực trong dạy học theo chương trình mới?

Không riêng người viết, nhiều đồng nghiệp cũng cùng chung ý kiến dự án “Lồng ghép Học thông qua Chơi vào giáo dục tiểu học” cũng không có gì mới. Bởi việc đưa trò chơi vào các tiết dạy, giáo viên đã thực hiện từ rất lâu rồi.

Nay ngành giáo dục lại triển khai, lại tổ chức tập huấn phân cấp (tập huấn riêng cho các chuyên viên, cốt cán cấp tỉnh, cấp huyện thị và cuối cùng triển khai đại trà ở cấp trường) không chỉ tốn thời gian, công sức, kinh phí ăn ở cho người hướng dẫn, triển khai mà còn gây khó khăn cho việc soạn giảng, kiểm tra đối với giáo viên sau này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết