Hiện tượng lớp học có 42/43 là học sinh giỏi ở trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình, thành phố Vũng Tàu đã được phản ánh khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng qua nhiều góc nhìn khác nhau trong những ngày gần đây.
Ngày 30/5/2019, trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết Lạm phát học sinh giỏi 42/43 em 1 lớp vì làm trái Nghị quyết Trung ương của tác giả Nguyễn Cao.
Trong bài viết này, tác giả đã phân tích về những phát ngôn của một số lãnh đạo nhà trường, Phòng Giáo dục khi tổ chức "lớp chọn" trong trường Trung học cơ sở là trái với Nghị quyết Trung ương.
Học sinh Trường trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình, thành phố Vũng Tàu (Ảnh: Website nhà trường) |
Tiếp theo bài viết của tác giả Nguyễn Cao là bài viết của tác giả Phương Linh thông tin về những phản hồi của thầy Phạm Văn Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vũng Tàu.
Đọc bài viết Lớp có 42/43 học sinh giỏi không phải là lớp chọn của trường, chúng tôi thấy băn khoăn với những thông tin phản hồi của thầy Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vũng Tàu.
Bởi, lớp học có 42/43 học sinh giỏi được khẳng định "không phải là lớp chọn", nếu không phải là lớp chọn thì nên gọi là lớp gì cho phù hợp đây?
Chúng tôi cho rằng, thầy Phạm Văn Ngọc khẳng định lớp 6/2 của Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình có 42/43 học sinh giỏi không phải là lớp chọn của trường là chưa dám thừa nhận sự thật và nó thực sự mâu thuẫn với những chia sẻ trước đây của chính thầy Ngọc.
Bởi, trong bài viết Lạm phát học sinh giỏi 42/43 em 1 lớp vì làm trái Nghị quyết Trung ương thì tác giả Nguyễn Cao đã đưa ra những dẫn chứng khá cụ thể để làm sáng tỏ từng luận điểm cho việc làm trái với Nghị quyết Trung ương và những hướng dẫn lâu nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó, có việc thầy Phạm Văn Ngọc và cô Nguyễn Thị Miền, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình đã tự nhận là lớp 6/2 của nhà trường có số lượng học sinh đầu vào cao, đa phần là học giỏi toàn diện suốt 5 năm tiểu học.
Lớp có 42/43 học sinh giỏi không phải là lớp chọn của trường |
Bởi, đầu vào của lớp 6/2 có lớp 43 em thì đã có 35 em giỏi toàn diện và 8 em loại khá- là lời chia sẻ của cô Hiệu trưởng nhà trường!
Đặc biệt, kết quả học tập khối 6 của nhà trường được cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Miền dẫn chứng: “Ngoài lớp 6/2 có 42/43 học sinh giỏi, các lớp còn lại có rất ít học sinh giỏi, chỉ khoảng 7-8 em, thậm chí nhiều lớp có học sinh xếp loại trung bình.
Tỷ lệ học sinh giỏi của khối 6 là 176/452 em”. Những con số này càng minh chứng rõ nhất để chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo.
Không phải lớp chọn sao lại xếp những em học sinh giỏi vào một lớp?
Thầy Phạm Văn Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vũng Tàu khẳng định lớp 6/2 của trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình không phải là lớp chọn.
Vậy nhưng, chính thầy Phạm Văn Ngọc lại phản hồi kiểu "nước đôi" với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong bài viết Lớp có 42/43 học sinh giỏi không phải là lớp chọn của trường như sau:
“Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho phép tổ chức trường chuyên, lớp chọn ở cấp học tiểu học, trung học cơ sở, nhưng cũng không có văn bản nào cấm các em học lực giỏi, khá được bố trí học cùng một lớp với nhau”.
Không thừa nhận lớp chọn nhưng thầy Ngọc lại nói: “Việc bố trí lớp học kiểu như vậy nhằm để thuận tiện cho giáo viên sử dụng các phương pháp dạy học, tiết kiệm thời gian trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục trong lớp mà thôi”.
Lạm phát học sinh giỏi 42/43 em 1 lớp vì làm trái Nghị quyết Trung ương |
Không hiểu thầy Trưởng phòng Giáo dục nghĩ gì về những phát ngôn của mình như thế này mà lại không phải là lớp chọn?
Đã là lớp học bình thường thì phải có những em học giỏi, những em học chưa giỏi, phải có em thế này, em thế khác chứ. Làm gì có chuyện 42/43 học sinh xếp loại học lực giỏi, chỉ có 1 em xếp loại khá?
Giáo viên giỏi là người phải biết vận dụng nhiều phương pháp giảng dạy phù hợp cho từng đối tượng học trò chứ sao lại nói: “nhằm để thuận tiện cho giáo viên sử dụng các phương pháp dạy học, tiết kiệm thời gian trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục” nhỉ?
Và, nếu không phải là lớp chọn sao Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình lại đã từng khẳng định: “Đây là lớp tạo nguồn để giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi cho các cuộc thi”?
Chính cách trả lời “giấu đầu hở đuôi” của thầy Trưởng phòng Giáo dục thành phố Vũng Tàu và cô Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình đã cho ta thấy nhiều góc khuất của việc tổ chức “lớp chọn” hiện nay của một số trường Trung học cơ sở hiện nay.
Dù cho tên gọi khác nhau nhưng bản chất của lớp chọn là không hề thay đổi, cho dù nó được che đậy, núp bóng bằng các hình thức khác nhau.
Dù cho những lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo ngành giáo dục địa phương cố gắng thanh minh, cố gắng ngụy biện vấn đề và không dám thừa nhận nhưng sự thật vẫn là sự thật bởi nó đã quá rõ ràng.
Chính tư tưởng xem trọng thành tích, xem trọng các cuộc thi của một số lãnh đạo nhà trường và ngành giáo dục nên vẫn luôn tồn tại những lớp “gà nòi” trong trường Trung học cơ sở nhằm bồi dưỡng để chinh phục các cuộc thi của ngành.
Dĩ nhiên, những học trò sẽ trở thành những “gà nòi” để đem lại những thành tích cho nhà trường đã đầu tư! Tuy nhiên, đây lại sự cạnh tranh chất lượng không lành mạnh giữa các trường và đang đi ngược với các chỉ đạo hiện hành.