Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Bưu điện Hoa Nam ngày 14/4 dẫn phân tích của giới chuyên gia cho hay, Nga hy vọng có thể thúc đẩy các quyền tự trị nhiều hơn cho miền Đông Ukraine chứ không hẳn ưu tiên lặp lại vụ sáp nhập Crimea.
Tổng thống Vladimir Putin đã điều hàng chục ngàn quân đến áp sát biên giới Ukraine, một lời nhắc nhở Kiev về cam kết của ông để bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga ở nước láng giềng này. Tuy nhiên sử dụng quân đội can thiệp vào Ukraine có lẽ là phương án B của Putin.
Kremlin không muốn tiếp tục sáp nhập lãnh thổ phía Đông Ukraine, mà chỉ muốn giữ quốc gia này liên tục phải cân bằng ảnh hưởng giữa Moscow và phương Tây. Tăng tính tự chủ cho miền Đông Ukraine sẽ cung cấp cho Nga quyền phủ quyết thông qua ảnh hưởng của mình tại cộng đồng nói tiếng Nga ở đây.
Một số nhà phân tích cho rằng ý tưởng về tự chủ cho miền Đông Ukraine phản ánh sự phức tạp địa chính trị của quốc gia này. Tới Donetsk hôm Thứ Sáu vừa rồi, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk hứa sẽ cải cách hiến pháp và cung cấp quyền tự chủ nhiều hơn cho miền Đông.
Moscow cũng đang đẩy mạnh cách tiếp cận của mình trong các cuộc họp ngoại giao, chẳng hạn như kế hoạch đàm phán 4 bên tại Geneva vào Thứ Năm này. Với mong muốn lấy lại ảnh hưởng ở Ukraine mà không làm dấy lên một cuộc chiến tranh và các biện pháp trừng phạt nhiều hơn, Moscow đã chấp nhận để Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsia tham gia cuộc họp mặc dù vẫn coi chính phủ Kiev là bất hợp pháp.
Quân đội Nga tập trung gần biên giới với Ukraine, hình minh họa. |
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp gần đây tại Paris với người đồng cấp Mỹ John Kerry đã nhắc lại mong muốn của Nga để Ukraine duy trì tình trạng "trung lập", có nghĩa là không bao giờ tìm cách gia nhập NATO.
Nga cũng khẳng định sự hiện diện quân sự sát biên giới Ukraine chỉ là hoạt động huấn luyện thông thường và Moscow hoàn toàn không có ý định và kế hoạch vượt qua biên giới sang Ukraine.
Tuy nhiên, một chuyên gia về Nga từ đại học Georgetown, William Pomeranz phân tích, Putin muốn sử dụng đe dọa quân sự để áp đặt một giải pháp đối với Ukraine. Nhưng việc xây dựng và viết lại hiến pháp Ukraine là một quá trình rất chậm.
"Câu hỏi lớn đặt ra là, có thể ông Putin duy trì áp lực này và sẵn sàng chờ đợi hay ông sẽ cảm thấy bắt buộc phải di chuyển khi ông có lợi thế quân sự trên mặt đất? Đó là một quyết định mà một người đàn ông sẽ phải đưa ra."
Những người biểu tình ủng hộ Nga đã chiếm giữ trụ sở chính quyền ở các thành phố miền Đông gồm Donetsk, Luhansk và Slavyansk, nhưng đã không thành công để châm ngòi cho 1 cuộc nổi dậy rộng lớn hơn, Pomeranz bình luận.
Lực lượng quân sự Nga áp sát biên giới Ukraine theo tờ Daily Mail của Anh. |
Putin nhận thức được rằng một cuộc xâm lược vũ trang sẽ phải đối mặt với sự kháng cự lớn hơn nhiều ở miền Đông Ukraine so với Crimea. Một cuộc khảo sát hôm Thứ Tư vừa rồi của Viện nghiên cứu xã hội học Donetsk cho thấy chỉ có 16% người được hỏi ủng hộ ly khai Ukraine để sáp nhập Nga.
Một cuộc thăm dò khác do Viện Cộng hòa quốc tế thực hiện hồi tháng trước cho thấy chỉ 4% người dân được hỏi muốn ly khai khỏi Ukraine.
"Điện Kremlin có một ý tưởng về cách thức nhà nước Ukraine nên xem xét trong tương lai và quyết tâm biến ý tưởng này thành hiện thực", Sergei Utkin, người đứng đầu Trung tâm phân tích Viện Hàn lâm khoa học Nga cho biết.
Nếu dự án biến Ukraine thành liên bang thất bại, Putin có thể bị buộc phải thực hiện kế hoạch B, trong đó 40 ngàn quân áp sát biên giới đã được chuẩn bị.