Ngày 03/06/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT quy định công khai đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (gọi tắt là Thông tư 09). Thông tư có hiệu lực từ ngày 19/7/2024.
Được biết, Thông tư này thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (gọi tắt là Thông tư 36). Theo đó, Thông tư 09 có nhiều điểm mới về quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục đại học.
Quy định công khai tối thiểu 5 năm mang lại nhiều thuận lợi cho cơ sở giáo dục đại học
Một trong những điểm mới của Thông tư là quy định thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử là tối thiểu 05 năm kể từ ngày công bố công khai (theo Khoản 2, Điều 15, Thông tư 09).
Trong khi đó, Thông tư 36 chỉ quy định về thời gian công khai là “Niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục và đào tạo đảm bảo thuận tiện để xem xét. Thời điểm công khai là tháng 6 hằng năm và cập nhật đầu năm học hoặc khi có thay đổi nội dung liên quan. Thời gian thực hiện niêm yết ít nhất 30 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết”.
Đối với điểm mới trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cho rằng, quy định về thời gian công khai trong tối thiểu 5 năm có những ý nghĩa và thuận lợi đối với các cơ sở giáo dục đại học nói chung và Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội nói riêng.
Thứ nhất, việc công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử trong thời gian tối thiểu 05 năm sẽ giúp cho người học, phụ huynh, cán bộ, giảng viên, nhân viên và các tổ chức, cá nhân có liên quan dễ dàng tra cứu, tìm kiếm thông tin từ đó có cái nhìn tổng thể về các hoạt động của nhà trường trong một khoảng thời gian dài, liên tục; tăng cường tính minh bạch trong công tác quản trị đại học với tất cả các bên liên quan.
Thứ hai, việc công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử trong thời gian dài cũng góp phần quảng bá hình ảnh của nhà trường trên nền tảng internet, thu hút sự quan tâm của thí sinh, phụ huynh và các nguồn lực khác phục vụ cho việc phát triển nhà trường.
Thứ ba, các thông tin được công khai trên cổng thông tin điện tử của nhà trường cũng sẽ giúp tổ chức kiểm định dễ dàng tiếp cận, sử dụng làm một trong những căn cứ để thẩm định các báo cáo, đánh giá và công nhận kết quả kiểm định chất lượng; Nhà trường cũng dễ dàng thu thập các thông tin phục vụ cho các tiêu chí đối sánh được yêu cầu trong bộ tiêu chuẩn kiểm định làm cơ sở để đối sánh, cải tiến chất lượng.
Theo Tiến sĩ Khổng Trung Thắng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Nha Trang, trong bối cảnh tự chủ đại học ngày càng được mở rộng, bên cạnh việc trao quyền tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học cũng phải gắn với trách nhiệm giải trình.
Do đó quy định mới này có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý nhà nước của cấp có thẩm quyền cũng như minh bạch các cam kết về chất lượng, điều kiện bảo đảm chất lượng; thu chi tài chính tại các cơ sở giáo dục và các thông tin khác có liên quan của cơ sở giáo dục để viên chức, người lao động, người học, gia đình và xã hội biết và tham gia giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học. Chính vì vậy, việc Thông tư 09 quy định cụ thể hơn về thời gian công khai trên trang thông tin điện từ tối thiểu là 05 năm là rất phù hợp.
Cùng bàn về điểm mới trên trong Thông tư 09, Tiến sĩ Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam bày tỏ, thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử trong tối thiểu 5 năm đối với giáo dục đại học là tương đương với 1 chu kỳ đào tạo từ lúc tuyển sinh đầu vào đến lúc tốt nghiệp ra trường có việc làm của người học cũng thường trong vòng 5 năm.
Do đó, quy định thời gian công khai như vậy sẽ giúp cho các bên liên quan có thể so sánh xem sự phát triển, sự biến động về điều kiện, hoạt động của các trường để đưa ra những quyết định.
Đặc biệt, đối với những thí sinh đang tìm hiểu các trường đại học có thể căn cứ vào mạch thông tin 5 năm để có thể nắm được những điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của cơ sở mình đang tìm hiểu. Đây sẽ là điều rất tốt nếu các thí sinh biết tìm kiếm và đọc hiểu những thông tin được công bố.
Ngoài ra, đối với các bên, doanh nghiệp hợp tác với trường đại học dựa vào những thông tin được công khai trong 5 năm có thể theo dõi được sự phát triển và thực lực của nhà trường thông qua con số về tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ, …, từ đó nhìn được hướng phát triển của nhà trường ra sao và có sự quyết định tốt hơn trong việc hợp tác với nhà trường.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, không chỉ công khai trong 5 năm, các trường đại học nên giữ nguyên những thông tin họ đã công khai thường xuyên và liên tục kể từ ngày bắt đầu công bố là tốt nhất.
Thuận tiện, đơn giản hóa những thông tin công khai khi sử dụng báo cáo thường niên
Một điểm mới nữa so với Thông tư 36 là Thông tư 09 yêu cầu bố cục của báo cáo cáo công khai rút gọn từ 21 phụ lục xuống còn 02 phụ lục (đối với cơ sở giáo dục đại học là từ 5 phụ lục xuống còn 1 phụ lục) theo hướng tường minh, rõ và gọn hơn, với nội dung công khai gồm 2 phần: (1) phần công khai chung đối với các cơ sở giáo dục và (2) phần công khai riêng đối với từng cấp bậc học, giảm tối đa các biểu mẫu bắt buộc cơ sở giáo dục phải kê khai.
Thầy Hiệp đánh giá, đây là một trong những điểm rất tiến bộ của quy định này trong điều kiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS).
Bởi, việc rút gọn như vậy nhằm để tránh chồng chéo trong việc thực hiện các yêu cầu công khai của nhà trường do thông tin cơ bản cần công khai theo quy định đều được cập nhật trên cơ sở dữ liệu ngành.
Không những vậy, theo thầy Hiệp, điểm mới này cũng đảm bảo thực hiện công khai theo đúng các quy định của pháp luật nhưng đơn giản hóa các thông tin công khai, hạn chế việc cập nhật số liệu chi tiết về kỹ thuật, trùng nội dung, giảm biểu mẫu để góp phần thực hiện cải cách hành chính đồng thời đảm bảo liên thông dữ liệu công khai đến các hệ thống cơ sở dữ liệu nội bộ được vận hành trên nền tảng số do nhà trường đang thực hiện (phần mềm đại học số Dschools). Do đó, thời gian và cách thức thu thập sẽ nhanh gọn, chính xác và đơn giản hơn đối với các đơn vị chức năng trong cơ sở đào tạo.
Còn theo thầy Thắng, do thông tin dữ liệu hầu hết đã cập nhật trên cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục (HEMIS) nên việc Thông tư 09 quy định đối với báo cáo công khai của cơ sở giáo dục đại học chỉ có 01 phụ lục so với 05 phụ lục như quy định tại Thông tư 36 đã giảm đáng kể khối lượng công việc cần triển khai nhưng vẫn đảm bảo đạt được mục đích của việc công khai.
Hơn nữa, việc thực hiện báo cáo thường niên là cần thiết để cơ quan quản lý kiểm soát hoạt động của cơ sở giáo dục, đồng thời thông qua báo cáo thường niên, nhà trường thể hiện được bức tranh toàn cảnh về kết quả hoạt động theo từng năm và qua đó tự kiểm soát rủi ro, có điều kiện để rà soát, phân tích dữ liệu phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, về ý nghĩa, nội dung của điểm mới trên không có thay đổi mấy, tuy nhiên việc trước đây dùng nhiều phụ lục đã dẫn tới trường hợp có trường mỗi phụ lục lại để một chỗ riêng, người xem phải đi tìm kiếm nên khá bất tiện.
Còn đối với báo cáo thường niên mới này, các thông tin công khai gồm cả tài chính, quy mô đào tạo, đội ngũ giảng viên,… được trình bày trong 1 phụ lục, người đọc chỉ phải lấy 1 tệp hoặc mở 1 tệp là có thể theo dõi, kể cả muốn sử dụng bên ngoài website của nhà trường cũng không phải lưu nhiều tệp như trước đây nên sẽ tạo sự thuận tiện hơn cho sử dụng dễ dàng đối chiếu thông tin.
Bổ sung thêm nhiều thông tin trong công khai tài chính là rất cần thiết cho thí sinh và người học
Mặt khác, thầy Hiệp cho biết thêm, việc Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT chỉ quy định nội dung, cách thức công khai và nguyên tắc công khai để các cơ sở chủ động xây dựng thông tin theo chủ đề tương thích với cổng thông tin điện tử theo thầy Hiệp cũng là hoàn toàn hợp lý trong điều kiện đẩy mạnh quyền tự chủ và giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.
Điều này sẽ giúp nhà trường chủ động lựa chọn nền tảng công nghệ để thiết lập các hệ thống quản trị dữ liệu công khai phù hợp với sơ đồ, cấu trúc thông tin và giao diện của cổng thông tin điện tử; đồng thời, tích hợp thuận lợi đến các hệ thống phần mềm quản lý đang được vận hành, qua đó thúc đẩy nhanh hơn việc chuyển đổi số trong nội bộ.
Bên cạnh đó, thầy Hiệp thông tin thêm, kết quả khảo sát thí sinh sau nhập học vào Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cho thấy, một trong những thông tin mà thí sinh quan tâm tìm hiểu nhiều đó là các thông tin về tài chính mà cụ thể là về mức học phí. Do đó, việc bổ sung các điều khoản quy định công bố công khai các thông tin chung về cơ sở giáo dục và kết quả của hoạt động thu, chi tài chính là cần thiết cho thí sinh, người học và các bên liên quan.
Hơn nữa, thông qua các quy định công bố thông tin, giúp người học và xã hội có thông tin toàn cảnh để có thể dễ dàng nhận dạng các cơ sở giáo dục đại học. Các thông tin này thể hiện đầy đủ về trách nhiệm giải trình của nhà trường đối với xã hội, phụ huynh, sinh viên đồng thời tăng cường sự hiểu biết của xã hội về hoạt động của nhà trường.
Trong khi đó, theo thầy Thắng, cơ sở giáo dục đại học thực hiện sứ mệnh được Đảng và Nhà nước xác định là "nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài", nói cách khác, các cơ sở giáo dục đang thực hiện sứ mệnh phục sự xã hội, nguồn lực hoạt động cũng là từ nguồn lực xã hội và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
Do đó, việc công khai đầy đủ thông tin chung về cơ sở giáo dục (Điều 4) và công khai việc thu, chi tài chính (Điều 5) của Thông tư 09 là hoàn toàn phù hợp và cũng phù hợp với Luật Tiếp cận thông tin, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cơ quan nhà nước, xã hội, phụ huynh, người học và viên chức, người lao động trong cơ sở giáo dục có quyền được biết các thông tin và cũng chỉ có thể biết thông tin thì mới có khả năng kiểm tra, kiểm soát, yêu cầu cơ sở giáo dục thực hiện trách nhiệm giải trình.
Đối với việc Thông tư 09 yêu cầu có thêm chỉ số đánh giá về tài chính; ngoài tổng thu hoạt động còn yêu cầu phải nêu về tổng chi hoạt động (chi lương, cơ sở vật chất,...), chênh lệch thu chi; yêu cầu về thông tin chung như sơ đồ tổ chức, sứ mệnh, tầm nhìn, thầy Thắng cho rằng, những thông tin công khai này không chỉ là những con số cộng, trừ đơn giản mà là bảng phân tích "sức khỏe" của cơ sở giáo dục, qua đó giúp nhà trường kịp thời đánh giá, điều chỉnh các chủ trương, chiến lược, kế hoạch phù hợp, đồng thời giúp cơ quan quản lý biết được mức độ tự chủ của cơ sở giáo dục để có các chính sách quản lý, hỗ trợ, đặt hàng… phù hợp cho từng trường.
Ngoài ra, thầy Thắng thông tin thêm, quy định mở của Thông tư 09 sẽ tạo điều kiện cho các trường xây dựng thông tin theo chủ đề tương thích với cổng thông tin điện tử, khắc phục được việc dữ liệu, bảng biểu không tương thích gây khó khăn cho người truy cập.
Một số khó khăn, thách thức đặt ra khi thực hiện công khai theo Thông tư 09
Cũng theo thầy Hiệp, mặc dù việc ban hành và đưa vào thực hiện Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT về thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đem lại nhiều thuận lợi nhưng đồng thời cũng đặt ra một số khó khăn, thách thức cho các cơ sở giáo dục đại học nói chung.
Thứ nhất, khi thực hiện quy định về thời gian công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử tối thiểu 05 năm sẽ phát sinh các yêu cầu bổ sung nguồn lực về trang thiết bị, phần mềm, nhân lực để duy trì và quản lý cổng thông tin điện tử đối với nhà trường. Đơn cử như cán bộ, giảng viên, nhân viên cần được tập huấn để sử dụng thành thạo công nghệ thông tin; đồng thời, có nguy cơ phát sinh nguy cơ rò rỉ thông tin nếu biện pháp bảo mật thông tin không tốt. Ngoài ra, cũng cần thời gian, nhân lực để cập nhật thông tin thường xuyên, đảm bảo tính chính xác.
Đối với người học, phụ huynh và các bên liên quan, khả năng tiếp cận thông tin không đồng đều do không phải ai cũng có khả năng truy cập internet và sử dụng công nghệ thông tin. Khả năng đánh giá thông tin, phân tích dữ liệu theo chuỗi thời gian yêu cầu người đọc cũng phải có kỹ năng để đánh giá tính chính xác và tin cậy của thông tin được công khai.
Thứ hai, vấn đề phát sinh các vấn đề về chuẩn hóa và tương thích dữ liệu khi yêu cầu các định dạng và biểu mẫu được tiêu chuẩn hóa. Điều này có thể làm các trường đại học phải điều chỉnh lại các hệ thống thông tin và phương pháp quản lý dữ liệu hiện có của mình. Từ đó, có thể gây khó khăn đối với các trường đại học có hệ thống quản lý thông tin truyền thống hoặc nguồn lực công nghệ thông tin hạn chế.
Thứ ba, có khả năng diễn giải thông tin sai lệch khi các bên liên quan hiểu sai hoặc sử dụng sai mục đích. Các trường đại học có thể cần phát triển các chiến lược truyền thông hiệu quả để đảm bảo rằng thông tin công bố sẽ được hiểu rõ ràng và được sử dụng một cách thích hợp.
Thứ tư, khó khăn trong việc đảm bảo sự cân bằng giữa tính minh bạch và tính bảo mật, đặc biệt là nhu cầu bảo mật thông tin liên quan đến dữ liệu cá nhân của đội ngũ cán bộ quản lý.
Thứ năm, có thể phát sinh khối lượng công việc và yêu cầu về nguồn lực do việc thu thập và cập nhật thông tin toàn diện, chi tiết, từ đó có thể tăng yêu cầu về mặt thời gian cho khối nhân viên hành chính. Việc này cũng có thể làm chuyển hướng nguồn lực khỏi các hoạt động học thuật cốt lõi trong quản trị đại học.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, các thông tin về thu, chi là những câu chuyện rất phức tạp có thể dẫn tới cách thể hiện thông tin mỗi người hiểu mỗi khác, đặc biệt là giữa cách hiểu của nhà trường và cách hiểu của người đọc.
Vậy nên, các nhà trường cần lưu ý khi thực hiện công khai những thông tin trong báo cáo thường niên mới theo Thông tư 09, tránh dẫn đến những những hiểu nhầm không đáng có.