Điểm chuẩn vào lớp 10 thấp không phải bức tranh toàn cảnh chất lượng giáo dục

08/07/2021 06:47
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường có đầu vào và đầu ra toàn học sinh khá, giỏi là bình thường. Nhưng một trường vào toàn học sinh yếu, sau ba năm cho ra một thế học sinh giỏi mới đặc biệt.

Đừng vội đánh giá năng lực nhà trường bằng điểm chuẩn

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay diễn ra trong điều kiện khá khó khăn, bởi nhiều địa phương trong cả nước vừa phải gồng mình chống dịch vừa phải đảm bảo cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc.

Sau mỗi kỳ thi, việc bàn tán liên quan đến kết quả thi và công tác tuyển sinh của các trường là điều không thể tránh khỏi. Mùa tuyển sinh năm nay, dư luận cũng quan tâm đến việc, nhiều trường công bố điểm chuẩn đầu vào lớp 10 của đơn vị mình khá thấp. Một số nơi, khi đối chiếu với việc nhân hệ số điểm thi, chia đều cho các môn thì có thí sinh chưa đến 2 điểm/môn cũng trúng tuyển lớp 10 trường phổ thông công lập.

Việc này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu rằng điểm đầu vào của các trường thấp như vậy có phải do chất lượng học tập của học sinh khu vực đó thấp hay không?. Nếu căn cứ theo điểm số đầu vào của trường đó để đánh giá năng lực của nhà trường đó thì liệu có khách quan.

Để có góc nhìn rõ hơn từ những người trong cuộc và trực tiếp quản lý bậc trung học phổ thông, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi và ghi nhận một số ý kiến phân tích, đánh giá từ cô Trần Thị Ngọc Châu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để có thêm góc nhìn về vấn đề này.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cô Trần Thị Ngọc Châu, ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cô Trần Thị Ngọc Châu, ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhận định về nguyên nhân khiến một số trường phải lấy điểm chuẩn đầu vào lớp 10 khá thấp, cô Châu cho biết:

“Về nguyên tắc, khi muốn xác định điểm chuẩn cho một trường thì cần lấy từ cao xuống thấp theo số lượng chỉ tiêu được phê duyệt. Khi có chỉ tiêu thì mỗi địa phương sẽ có một chiến lược phân luồng, với trường nào chưa đủ chỉ tiêu thì cứ xét điểm dần xuống để lấy cho đủ.

Vì thế, điểm chuẩn của một số trường bị lấy xuống thấp một phần là do các trường phải căn cứ theo chỉ tiêu, phần nữa là do độ lệch của về chất lượng học sinh ở vùng khá và vùng “trũng” (vùng có chất lượng học sinh yếu – PV) là rất lớn.

Với những trường nằm trong vùng trũng ấy, các thầy cô cũng muốn cải thiện tình hình lắm chứ. Nhưng phụ huynh trong vùng đó họ không hoặc thiếu đi điều kiện quan tâm đến việc học hành của con cái, không phối hợp tốt với các giáo viên trong việc dạy dỗ, dẫn đến chất lượng học sinh vùng đó cũng thấp hơn trông thấy.

Bên cạnh đó, các trường ngoài việc lấy cho đủ chỉ tiêu thì cũng đang phải từng bước thực hiện lộ trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở nên những trường thuộc vùng trũng lấy điểm chuẩn thấp như vậy cũng là điều dễ hiểu. Trong việc này, dư luận cũng nên thông cảm và có cái nhìn đúng bản chất với những việc làm của họ.

Đồng thời, mọi người cũng cần phân định rõ việc, các trường lấy chuẩn điểm đầu vào thấp không có nghĩa là chất lượng của những học sinh đó thấp và cũng không phải do nhà trường ấy năng lực yếu kém nên không tuyển được học sinh có điểm cao hơn. Muốn đánh giá về năng lực đào tạo của trường nào đó thì cần nhìn nhận vào việc sau ba năm, chất lượng học sinh trường ấy ra trường có tiến bộ hay không.

Việc một trường nhận học sinh đầu vào toàn học sinh khá, giỏi rồi sau khi ra trường cũng toàn thấy những em khá giỏi như thế, điều ấy là bình thường. Nhưng với một trường đầu vào toàn học sinh có điểm số thấp nhưng sau ba năm họ cho ra một thế học sinh khá, giỏi mới là đặc biệt, năng lực đào tạo của trường đó như thế nào thì phải qua thời gian mới biết. Chỉ căn cứ vào điểm chuẩn để đánh giá năng lực cho một trường là chưa khách quan và thiệt thòi cho các trường.

Ví dụ, một trường khi xét từ cao xuống thấp để đưa ra điểm chuẩn, trong quá trình này chỉ thiếu khoảng 3 đến 5 em là đủ chỉ tiêu.

Tuy nhiên, trong số các học sinh này lại có tổng điểm rất thấp, lệch hẳn với các học sinh còn lại thì chắc chắn điểm điểm chuẩn của trường ấy cũng phải căn cứ theo điểm số của những em này.

Như vậy, trong bảng điểm của một trường thì có thể thấy, số lượng học sinh trúng tuyển mà có điểm thấp là rất ít. Như thế sao có thể khẳng định là năng lực và chất lượng của trường đó yếu kém được”.

Cô Châu chia sẻ thêm: “Việc các trường có điểm chuẩn đầu vào thấp không phải năm nay mới có. Những người làm các công tác trong ngành giáo dục ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã sớm nhìn nhận ra vấn đề từ trước.

Trong năm học vừa qua, chúng tôi cũng đã có những buổi làm việc trực tiếp với Phòng Giáo dục Trung học phổ thông, thuộc Sở Giáo dục Bà Rịa – Vũng Tàu, đơn vị phụ trách trực tiếp đối với cấp học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, Giáo dục thường xuyên.

Qua đó, chúng tôi nhận ra vấn đề đó là, vì Sở Giáo dục của một tỉnh sẽ quản lý bậc Trung học phổ thông trực tiếp nên việc kết nối liên thông trong chỉ đạo chuyên môn với các trường trung học cơ sở nó vẫn chưa thật sự ăn khớp.

Vì thế, nhằm hạn chế việc phải đi khắc phục những cái tồn tại năm nào cũng diễn ra thì chúng tôi có phương án là đón đầu sự việc để nắm bắt tình hình. Cụ thể là chúng tôi tập trung bám sát khối Trung học cơ sở để làm sao có được kế hoạch rõ ràng, để có thể đưa ra biện pháp nâng cao chất lượng cho học sinh ở cấp học này. Vì chất lượng của cấp học này là tiền đề quyết định để cho ra những kết quả tốt đẹp khi chúng ta thi tuyển vào cấp Trung học phổ thông.

Những vùng thành thị, các bậc phụ huynh rất quan tâm đến kết quả học tập của con cái, mình không có gì phải quan tâm nhiều nhưng với những vùng trũng, nơi chất lượng học tập của học sinh đang bị xem nhẹ thì mình cần phải vào cuộc và có biện pháp kịp thời.

Từ đó phải làm sao rút ra được nguyên nhân yếu kém đó là từ đâu, để mình có phương án tháo gỡ. Chứ nếu cào bằng trong việc quản lý chung giữa các địa bàn chất lượng cao và các vùng trũng thì không thể nào nhìn ra được những yếu kém đó.

Qua đó, chúng tôi cũng rút ra việc là môn học này cần có cách dạy như thế nào, học sinh kia yếu kém là do đâu, giao trách nhiệm cho các Hiệu trưởng và đặt ra mục tiêu theo từng năm một. Khi đó, mình sẽ xác định được nguyên nhân từ đâu mà chất lượng học sinh của trường đó, hoặc cả khu vực đó lại thấp hơn so với mặt bằng chung với toàn huyện, toàn tỉnh. Đồng thời, chúng tôi cũng áp dụng phương châm “chậm mà chắc” với những bước đi ngắn.

Ví dụ, chúng tôi sẽ đặt ra mục tiêu cho các giáo viên rằng, sẽ không để cho học sinh của mình trong năm học đó có điểm thi dưới 2 điểm. Cứ đi từng bước ngắn như vậy, nếu làm tốt thì năm sau cứ theo hướng đó mình phát huy. Các giáo viên và Hiệu trưởng trường đó muốn được đánh giá xếp loại năm vừa rồi là hoàn thành nhiệm vụ thì người đó cần chứng minh xem năm vừa rồi họ đã làm được những gì”.

Điểm chuẩn đầu vào lớp 10 năm nay của một số trường khá thấp

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 – 2022 ghi nhận điểm chuẩn vào các trường Trung học phổ thông hệ công lập khá thấp. Cụ thể, tại tỉnh Bình Thuận chỉ có duy nhất 1 trường có điểm chuẩn trên 30 điểm.

12 trường điểm chuẩn trên 10, hai trường điểm chuẩn dưới 10 là Trường Trung học phổ thông Hàm Tân và Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền thuộc huyện đảo Phú Quý. Đáng nói, điểm số này được tính theo việc nhân hệ số (Toán, Văn x 2 +Tiếng Anh). Vì thế, thực chất các em chỉ cần đạt mỗi môn chưa tới 2 điểm đã trúng tuyển [1].

Điểm chuẩn vào lớp 10 của một số trường năm nay khá thấp. Có trường nếu tính điểm theo cách nhân hệ số thì mỗi môn chưa đến 2 điểm học sinh đã trúng tuyển. Ảnh minh họa: Thùy Linh

Điểm chuẩn vào lớp 10 của một số trường năm nay khá thấp. Có trường nếu tính điểm theo cách nhân hệ số thì mỗi môn chưa đến 2 điểm học sinh đã trúng tuyển. Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ngoài ra, năm nay Cần Thơ cũng là địa phương được ghi nhận là có điểm chuẩn đầu vào lớp 10 khá thấp. Trường Trung học phổ thông Giai Xuân có điểm chuẩn là 6, trong đó điểm Toán, Văn nhân hệ số 2, tiếng Anh nhân hệ số 1. Như vậy, thí sinh chỉ cần đạt trung bình 1,2 điểm/ môn là có thể trúng tuyển.

Ngoài ra, một số trường khác cũng lấy điểm thấp dưới 10 như Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh, Trường trung học phổ thông Thạnh An có điểm chuẩn là 7, tức trung bình mỗi môn 1,4 điểm. Trường Trung học phổ thông Thạnh Thắng có điểm chuẩn là 7,2, tức trung bình mỗi môn 1,44 điểm.

Các Trường Trung học phổ thông Thới Long, Trần Ngọc Hoằng, Trường Xuân cũng có điểm chuẩn thấp, dao động 9,1 – 9,9 điểm, tức trung bình mỗi môn 1,82 – 1,98 điểm là trúng tuyển vào lớp 10 công lập.

Không chỉ riêng miền Tây Nam Bộ, một số địa phương khác ở miền Bắc cũng có tình trạng tương tự. Tại Thái Nguyên, một số trường cũng lấy điểm chuẩn ở mức rất thấp. Có thể kể tới như Trường Trung học phổ thông Yên Ninh (Phú Lương) lấy điểm chuẩn là 6, tức trung bình 1,2 điểm/ môn. Hay Trường Trung học phổ thông Võ Nhai có mức điểm trúng tuyển là 8, tức trung bình 1,6 điểm/ môn.

Ở Hà Nội thì “đỡ hơn” vì chỉ hai trường có mức điểm chuẩn thấp nhất năm nay là Trường Trung học phổ thông Bất Bạt và Trường Trung học phổ thông Minh Quang, đều lấy 18,05 điểm.

Theo cách tính điểm xét tuyển của Hà Nội với Toán và Ngữ văn hệ số 2; Lịch sử và Ngoại ngữ hệ số 1), nếu thi vào những trường này, thí sinh chỉ cần đạt điểm trung bình mỗi môn 3,01 là có thể trúng tuyển.

Hay các Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi và Trung học phổ thông Mỹ Đức C với điểm chuẩn 20, Trường Trung học phổ thông Bắc Lương Sơn và Trung học phổ thông Lưu Hoàng có mức điểm chuẩn chỉ là 21. Thí sinh chỉ cần đạt bình quân điểm mỗi môn chưa tới 3,5 điểm là trúng tuyển [2].

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chua-day-2-diem-mon-cung-do-lop-10-truong-cong-chat-luong-that-boc-lo-post219073.

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hon-1-diem-mon-van-do-cap-3-cong-lap-ki-thi-vao-10-ton-kem-va-hinh-thuc-nen-bo-post219093

Trung Dũng