Điểm chuẩn ngành Quản trị kinh doanh ở một số trường phía Nam có xu hướng giảm

21/04/2024 06:26
Đào Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Tại một số trường đại học top đầu khu vực phía Nam, điểm chuẩn ngành Quản trị kinh doanh có xu hướng giảm trong 3 năm trở lại đây.

Với xu thế phát triển hiện nay, ngành Quản trị kinh doanh đang là 1 trong những ngành học “hot” bởi nhu cầu nhân lực cao cùng nhiều cơ hội việc làm, thu hút nhiều sự quan tâm đặc biệt của các thí sinh.

Điểm chuẩn đầu vào ngành học này ở nhiều trường đại học cũng ở mức cao.

gdvn_ điểm chuẩn.jpg

Trường Đại học Ngoại thương cơ sở II Thành phố Hồ Chí Minh xét tuyển 04 tổ hợp với ngành Quản trị kinh doanh, bao gồm A00; A01; D01; D07. Trong 03 năm trở lại đây, điểm chuẩn đầu vào ngành này có xu hướng giảm.

Với tổ hợp A00, ngưỡng điểm cao nhất là vào năm 2021 với 28,55 điểm, sau đó giảm liên tục trong 2 năm tiếp theo, lần lượt qua các năm là 28,25 (năm 2022) và 27,63 trong năm 2023.

Ở 3 tổ hợp A01; D01; D07, mức điểm năm 2021 là 28,05 và giảm nhẹ ở năm 2022 với 27,75 điểm. Năm 2023, điểm chuẩn với các tổ hợp này là 27,13 điểm.

gdvn_diemchuannganh.jpg

Có thể thấy, dù ngưỡng điểm giảm liên tục trong 3 năm gần đây nhưng so với nhiều đơn vị đào tạo khác trong khu vực, điểm chuẩn ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Ngoại thương cơ sở II Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao, trên 27 điểm.

Năm 2024, trường dự kiến tuyển sinh 950 chỉ tiêu cho các ngành/nhóm ngành đào tạo với 6 phương thức xét tuyển bao gồm: Tuyển thẳng; Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024; Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trong năm 2024; Xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập Trung học phổ thông/Chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên; Xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập Trung học phổ thông dành cho thí sinh tham gia/đạt giải Quốc gia/ Tỉnh/Thành phố, thí sinh thuộc hệ chuyên của trường Trung học phổ thông trọng điểm quốc gia/Trung học phổ thông chuyên.

Ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được đào tạo theo nhiều chương trình và có sự thay đổi qua các năm.

Năm 2021 và 2022, trường có 4 chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh bao gồm: chương trình chuẩn, chương trình Chất lượng cao, chương trình Chất lượng cao bằng Tiếng Anh và chương trình chuyên ngành Quản trị du lịch và lữ hành, xét theo 4 tổ hợp A00; A01; D01; D07.

Từ năm 2023, trường đã cấu trúc lại các chương trình đào tạo chuẩn và chương trình đào tạo chất lượng cao chuyển thành “chương trình dạy và học chuẩn”, “chương trình dạy và học bằng tiếng Anh” và “chương trình dạy và học hợp tác với doanh nghiệp”.

Theo đó, năm 2021, điểm cao nhất là ngành Quản trị kinh doanh chương trình chuẩn với 27,10 điểm, sau đó là chương trình chất lượng cao 26,55 điểm, chương trình chất lượng cao bằng Tiếng Anh là 26,10 điểm và Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Quản trị du lịch và lữ hành) là 24,80 điểm (xét theo thang điểm 30).

gdvn_diem chuan.jpg

Năm 2022, đứng đầu vẫn là ngành Quản trị kinh doanh chương trình chuẩn với 26,55 điểm, tiếp đến là chương trình chất lượng cao với 25,85 điểm, chuyên ngành Quản trị du lịch và lữ hành có mức là 25,15 điểm và chương trình Chất lượng cao bằng Tiếng Anh có điểm chuẩn là 24,75.

Trong năm 2023, ngưỡng điểm các ngành đều có dấu hiệu giảm. Cụ thể đối với Quản trị kinh doanh chương trình chuẩn, mức điểm chuẩn là 26,09; chương trình Quản trị kinh doanh Tiếng Anh, điểm chuẩn là 25,15 và chương trình Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Quản trị du lịch và lữ hành), ngưỡng điểm đầu vào là 24,56.

Có thể thấy, ngưỡng điểm chuẩn ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thường trên 24,5 điểm.

Năm 2024, trường áp dụng 05 phương thức xét tuyển bao gồm: Tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuyển học sinh giỏi, tài năng trường Trung học phổ thông theo quy định Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024; Xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế kết hợp kết quả Trung học phổ thông hoặc xét chứng chỉ SAT, ACT/IB/chứng chỉ A-Level.

Tại Trường Đại học Tài chính-Marketing , ngành Quản trị kinh doanh được đào tạo theo 03 chương trình: Chương trình chuẩn; Chương trình Tiếng Anh toàn phần; Chương trình chất lượng cao.

Đến năm 2023, trường cấu trúc lại tên gọi cho Chương trình chất lượng cao đổi thành Chương trình tích hợp.

Trong 3 năm gần đây, ngưỡng điểm có sự biến động với mỗi chương trình đào tạo.

gdvn_diemchuan (3).jpg

Năm 2021, chương trình chuẩn ở mức cao nhất với 25,6 điểm, giảm trong 2 năm tiếp theo còn 25 điểm (năm 2022) và 24,6 điểm (năm 2023), xét tuyển các tổ hợp A00; A01; D01; D96.

Đối với chương trình Tiếng Anh toàn phần, năm 2021 ngưỡng điểm cao nhất là 24 điểm sau đó giảm về mức 23 điểm trong năm 2022. Năm 2023, điểm chuẩn tăng nhẹ ở mức 23,3 điểm.

Năm 2021, chương trình chất lượng cao có điểm chuẩn là 25,3 điểm, điểm chuẩn giảm trong năm 2022 với 23,50 điểm. Năm 2023, chương trình tích hợp ngành Quản trị kinh doanh có điểm chuẩn là 23,4 .

Năm nay, trường dự kiến tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 4300 cho các ngành/nhóm ngành đào tạo. Trong đó, ngành Quản trị kinh doanh chương trình chuẩn có 340 chỉ tiêu bao gồm các chuyên ngành: Quản trị kinh doanh tổng hợp, Quản trị bán hàng, Quản trị dự án.

Với chương trình tích hợp, chỉ tiêu dự kiến là 40 cùng 2 chuyên ngành: Quản trị kinh doanh tổng hợp và Quản trị bán hàng.

Ở chương trình Tiếng Anh toàn phần, năm nay trường dự kiến tuyển 40 chỉ tiêu, giữ nguyên các tổ hợp xét tuyển.

Trường áp dụng 06 phương thức để xét tuyển bao gồm: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển học sinh có kết quả học tập tốt bậc Trung học phổ thông; Xét tuyển kết quả học tập Trung học phổ thông theo tổ hợp môn; Xét tuyển dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực do trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2024; Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào của các trường tham gia ký kết với Trường Đại học Tài Chính - Marketing; Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024.

Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh là một trong số những trường có điểm chuẩn tương đối cao tại khu vực phía Nam.

Xét theo thang điểm 30, năm 2021 và năm 2022, điểm chuẩn ngành Quản trị kinh doanh cao nhất trường. Với chương trình chuẩn, mức điểm lần lượt theo năm là 26,25 (năm 2021) và 25,35 (năm 2022). Đến năm 2023, điểm tiếp tục giảm nhẹ ở ngưỡng 25,05 với tổ hợp xét tuyển là A00; A01; D01; D07.

gdvn_diemchuan (4).jpg

Với chương trình chất lượng cao, năm 2021 mức điểm cao nhất là 25,25 điểm, năm 2022 điểm chuẩn là 23,10. Năm 2023, chương trình định hướng E. Business có điểm chuẩn là 24,10.

Năm 2021, điểm đầu vào của chương trình quốc tế song bằng là 25,25 sau đó giảm còn 23,10 trong năm 2022. Đến năm 2023, ngưỡng điểm cho chương trình này là 24,50 điểm.

Năm nay, trường tuyển sinh 4366 chỉ tiêu cho các ngành/nhóm ngành, các chương trình đào tạo. Theo đó, ngành Quản trị kinh doanh xét tuyển theo các tổ hợp A00; A01; D09; D10 áp dụng với tất cả các chương trình đào tạo.

Trường sử dụng 05 phương thức để xét tuyển bao gồm: Tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tổng hợp - Kết hợp kết quả học tập và thành tích bậc Trung học phổ thông; Xét kết quả thi đánh giá đầu vào của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; Xét học bạ Trung học phổ thông và phỏng vấn (chỉ áp dụng cho chương trình đại học chính quy quốc tế do đại học đối tác cấp bằng); Xét kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Trong Đề án tuyển sinh năm 2024, trường lưu ý đến thí sinh không sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ và điểm thi được bảo lưu theo quy định tại Quy chế xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển đối với phương thức dựa trên kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024; Không quy định chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp; các điều kiện phụ sử dụng trong xét tuyển được nêu cụ thể tại nguyên tắc xét tuyển theo từng phương thức.

Nếu xét tuyển theo từng phương thức trước đó không đủ chỉ tiêu, chỉ tiêu còn lại được chuyển sang xét tuyển theo các phương thức tiếp theo.

Đào Hiền