Địa phương cần tiêu chí nào để chọn sách giáo khoa mới?

13/02/2020 06:18
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Ngoài hai tiêu chí của Bộ, mỗi địa phương cần có tiêu chí chọn sách giáo khoa do Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định.

Ngày 30/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư số 01/2020/TT-BGDDT hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. 

Thế nhưng hiện nay có không ít cơ sở giáo dục vẫn chưa thấy sách giáo khoa đâu. Không có bản mẫu sách giáo khoa, khó khăn lớn nhất cho hội đồng chọn sách. 

Bên cạnh đó, khó khăn không kém, các tỉnh chưa có tiêu chí chọn sách giáo khoa cho địa phương mình. 

Địa phương cần tiêu chí nào chọn sách giáo khoa mới? (Ảnh minh họa: Báo Quân đội nhân dân)
Địa phương cần tiêu chí nào chọn sách giáo khoa mới? (Ảnh minh họa: Báo Quân đội nhân dân)

Bộ Giáo dục và Đào tạo có hai tiêu chí chung cho chọn sách ghi tại Điều 3 của Thông tư: 

1. Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Ngoài hai tiêu chí của Bộ, mỗi địa phương cần có tiêu chí chọn sách giáo khoa do Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định.

Địa phương cần tiêu chí nào chọn sách giáo khoa? 

Tham khảo tại địa phương, người viết giới thiệu cho bạn đọc tham khảo: Hình thức và nội dung Sách giáo khoa phải đạt các tiêu chí:

Tiêu chí 1: Phù hợp năng lực học tập của học sinh: 

- Sách giáo khoa được trình bày hấp dẫn, cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, đảm bảo tính thẩm mĩ, tạo được sự hứng thú cho học sinh và phù hợp với đặc trưng môn học.

Các nhà trường mỏi mòn đợi sách giáo khoa đến bao giờ?
Các nhà trường mỏi mòn đợi sách giáo khoa đến bao giờ?

- Nội dung sách giáo khoa đảm bảo tính khoa học, hiện đại, thiết thực, dễ sử dụng, thuận lợi cho việc triển khai hoạt động dạy - học, đảm bảo các yêu cầu cần đạt của chương trình.

- Nội dung sách giáo khoa chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, vận dụng kiến thức thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong mỗi bài học.

- Cấu trúc sách giáo khoa tạo cơ hội học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn kỹ năng hợp tác, phát huy tiềm năng và khả năng tư duy độc lập củahọc sinh.

Tiêu chí 2: tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá

-  Các bài học/chủ đề trong Sách giáo khoa được thiết kế, trình bày với đa dạng các hoạt động, tạo điều kiện cho giáo viên linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực.

- Nội dung sách giáo khoa có các chủ đề, nội dung chú trọng tới việc thực hiện tích hợp kiến thức liên môn, giúp giáo viên có thể thực hiện dạy học gắn kết với thực tiễn cuộc sống.

- Nội dung sách giáo khoa với các yêu cầu cụ thể, giúp giáo viên có thể đánh giá được mức độ cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh, đánh giá được kết quả giáo dục.

- Mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá nêu trong bài học phải liên quan và hỗ trợ cho nhau.

- Nội dung sách giáo khoa tạo điều kiện để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Tiêu chí 3: Phù hợp với yếu tố đặc thù của địa phương

- Nội dung sách giáo khoa đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương.

Thầy Khang lo lắng không biết bao giờ sách giáo khoa mới đến tay giáo viên!
Thầy Khang lo lắng không biết bao giờ sách giáo khoa mới đến tay giáo viên!

- Cấu trúc nội dung sách giáo khoa tạo cơ hội để các nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên bổ sung những nội dung thích hợp, gắn với thực tiễn của địa phương.

- Hệ thống câu hỏi, bài tập và yêu cầu hoạt động được thể hiện với các mức độ khác nhau phù hợp với đặc điểm, trình độ đối tượng học sinh và đặc điểm kinh tế, xã hội vùng miền.

- Nhà trường có thể chủ động, linh hoạt xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục 2 buổi/ngày hoặc 1 buổi/ngày theo nội dung Sách giáo khoa.

Tiêu chí 4: Phù hợp với kế hoạch đảm bảo chất lượng giáo dục địa phương

- Nội dung sách giáo khoa đảm bảo tính mềm dẻo, tính phân hóa, có thể điều chỉnh phù hợp với nhiều nhóm đối tượng học sinh tại địa phương.

- Nội dung sách giáo khoa đảm bảo tính khả thi, phù hợp với trình độ của học sinh, năng lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục tại địa phương.

- Nội dung sách giáo khoa có thể triển khai tốt với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại địa phương.

- Nội dung sách giáo khoa giúp nhà trường và giáo viên tự chủ, sáng tạo trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục.

Học sinh nghỉ học vì phòng chống dịch nCoV, đây là dịp thuận lợi cho cơ sở giáo dục chọn sách giáo khoa. Chỉ còn khoảng 3 tháng cho việc chọn sách giáo khoa mới, đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải tăng tốc thực hiện để niêm yết kết quả tại trường học trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là 04 (bốn) tháng.  

Chọn đúng bộ sách phù hợp với giáo viên và học sinh là nhiệm vụ và hạnh phúc của hội đồng chọn sách mỗi trường học.

Tài liệu tham khảo:

1:bariavungtau.edu.vn/Default.aspx?sname=SoGDDT&sid=4&pageid=3048&p_steering=12870

2:luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-01-2020-tt-bgddt-huong-dan-lua-chon-sach-giao-khoa-180213-d1.html

Sơn Quang Huyến