Đi tìm giáo viên giỏi chỉ qua một hội thi có hợp lý?

18/04/2023 06:35
HÀ ANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Từng có thầy giáo hỏi tôi: "Lợi ích nào có được từ cuộc thi cho những người làm nghề dạy học?". Câu hỏi có lẽ là trăn trở của nhiều người về kỳ thi GV dạy giỏi.

Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, thi giáo viên dạy giỏi là nội dung không thể thiếu trong kế hoạch mỗi năm học. Đơn vị nào không có báo cáo quá trình tổ chức, kết quả thi giáo viên giỏi thì “gay go”.

Ảnh minh họa. Nguồn: hcm.edu.vn

Ảnh minh họa. Nguồn: hcm.edu.vn

Ở góc độ nào đó, ngoài cổ vũ giáo viên đổi mới giảng dạy, phấn đấu thi đua, thì bệnh thành tích từ một số kỳ thi giáo viên dạy giỏi khiến lãnh đạo các trường phổ thông và giáo viên nhiều “ngổn ngang”. Thực trạng đó có thể triệt tiêu mục đích tốt đẹp của kỳ thi giáo viên dạy giỏi. Chẳng hạn, với hiệu trưởng, nhiều khi chỉ cần số liệu, rằng, năm học này, trường có bao nhiêu giáo viên giỏi cấp trường (và cấp cao hơn), vậy là đủ! Còn về chất lượng, thôi thì… động viên phong trào, mà thực ra là động viên... chính hiệu trưởng.

Đối với giáo viên, có người đăng ký thi vì ... nể (tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng), có người thi để cuối năm đặt danh hiệu thi đua bậc cao hơn, có người phấn đấu để được vào nguồn quy hoạch, được bổ nhiệm,… Lợi ích ngắn làm hụt hơi kỳ thi đòi hỏi sự bền bỉ thực sự, đổi mới thực sự, quyết tâm cao thực sự.

Kết quả của các cuộc thi giáo viên dạy giỏi còn "lan" đến phụ huynh, học sinh. Vì những chuyển động có phần ngược nhau trong các "mục đích" gắn với hội thi giáo viên dạy giỏi nên có người mới hỏi: “Lợi ích nào có được từ cuộc thi cho tất cả những người làm nghề dạy học?”.

Một cô giáo từng là giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh nói với tôi: “Vẫn cần tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi và giáo viên dự thi phải vì mục đích phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Phía nhà trường cần chung tay, hướng dẫn để có giáo viên thực giỏi; công tâm từ khâu tuyển chọn, đánh giá, và giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi phải thể hiện vai trò nòng cốt, nhân lên giá trị tích cực trong nhà trường, địa phương”.

Với một cô phó hiệu trưởng một trường trung học phổ thông thì tâm sự: “Qua (thi) mấy tiết dạy để được gọi là giáo viên dạy giỏi, có đánh giá đầy đủ năng lực thầy cô không? Tôi muốn, thầy cô dạy giỏi phải là: giỏi dạy học sinh yếu, giỏi vận động, hỗ trợ, tư vấn cho học sinh, cảm hóa được học sinh cần cố gắng thay đổi thành học sinh ngoan...

Vì thế, nên bỏ thi giáo viên dạy giỏi, thay bằng xét quá trình làm việc từ 3 đến 5 năm, khảo sát trong đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh, cựu học sinh, cựu phụ huynh, đánh giá của cấp trên, để chọn giáo viên dạy giỏi. Tất nhiên quá trình đó, phải công khai, công tâm, minh bạch”.

Chia sẻ của cô phó hiệu trưởng làm tôi nhớ đến những chuyện mà báo chí từng thông tin: có nơi, giáo viên thực sự có năng lực họ không thi dạy giỏi, còn người dự thi thì chưa đủ độ chín. Công nhận kết quả sau kỳ thi chưa hoàn toàn thuyết phục, khiến giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi chỉ dừng lại ở... không gian, thời điểm kỳ thi. Sau đó là so đo, tính toán các mục đích nối tiếp, còn chuyên môn thực sự lại… để đấy!

Tại Singapore, để giáo viên đứng lớp thăng tiến nghề nghiệp, có 3 "kênh": Kênh giảng dạy (giáo viên cao cấp, giáo viên chuyên môn cao), kênh lãnh đạo (phó hiệu trưởng, hiệu trưởng…) và kênh chuyên viên cao cấp (chuyên viên cao cấp 1, chuyên viên cao cấp 2, …). Giữa các kênh này có sự linh hoạt trong chuyển dịch từ kênh này sang kênh kia nếu thỏa mãn được các tiêu chuẩn, tiêu chí của từng kênh, và họ cũng có nguyện vọng chuyển kênh.

Thông tin từ báo chí cho hay, các nước trên thế giới đều có những hoạt động, giải thưởng nhằm vinh danh các nhà giáo nổi bật mà tiêu chuẩn cốt lõi là “vì sự tiến bộ của học sinh”. Thiết nghĩ, giá trị đó, nếu được vận dụng ngay ngắn, linh hoạt, thì dù thi, xét (chọn giáo viên giỏi) hay theo hình thức khác để vinh danh những thầy cô được học trò yêu quý đều góp phần quan trọng thúc đẩy giáo viên trau dồi chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Chính đội ngũ giáo viên “mạnh sức”, “giàu tâm” sẽ thúc đẩy sự nghiệp trồng người ngày càng đáp ứng nguyện vọng cá nhân, gia đình và vì mục tiêu đất nước thịnh vượng.

Một học sinh lớp 11 chia sẻ với người viết: “Con kỳ vọng thầy cô giáo dạy giỏi là người nhiệt huyết, đam mê, giàu tình cảm, hài hước, công bằng, không thiên vị học sinh; trong tiết dạy, cố gắng giảng để đa số học sinh hiểu bài. Nếu có một số bạn yếu, lúc rảnh, thầy cô hỏi han và các bạn được giảng riêng. Nếu học sinh có mắc lỗi thì xử phạt nghiêm minh nhưng vẫn bao dung, nhắc nhở, đôn đốc, coi học trò như con em của mình”.

Một giám đốc một doanh nghiệp tốt nghiệp phổ thông nhiều năm chia sẻ với người viết: "Thời ấy (lúc em còn đi học phổ thông), thầy trò gần gũi, xuất phát từ tình cảm: thầy thương trò, trò quý thầy. Rất nhiều năm xa mái trường mà chúng em vẫn nhớ lớp, nhớ trường, nhớ bạn bè, kính quý thầy cô”.

Vâng, giáo viên giỏi cũng phải là giáo viên được học trò yêu quý, kính trọng. Muốn vậy, phải là nhiều những năm tháng yêu thương trò, trui rèn nghề nghiệp, lắng nghiệp, thấm nghiệp chứ không chỉ qua một hội thi.

Thi hay xét chọn nhà giáo tiêu biểu, nhà giáo dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi không thể, hoàn toàn không thể là quy trình chỉ mang tính thực dụng - không vì mục đích chuyên môn và rèn nghề nghiêm túc!

HÀ ANH