ĐH Thái Nguyên và trường thành viên xác định đào tạo bán dẫn là ngành mũi nhọn

12/10/2024 06:25
Thu Thuỷ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đại học Thái Nguyên là 1 trong 18 cơ sở giáo dục được ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” với mục tiêu chung đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo và phát triển lực lượng nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Chương trình tập trung vào các khâu như thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử, đồng thời từng bước tiếp cận và làm chủ công nghệ sản xuất bán dẫn.

Chương trình cũng nêu rõ, một trong những nhiệm vụ quan trọng là sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm bán dẫn. Trong đó, Đại học Thái Nguyên là 1 trong 18 cơ sở giáo dục đại học dự kiến được ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.

Trong đó, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên là một trong những cơ sở tiên phong xây dựng đề án mở ngành Công nghệ điện tử, bán dẫn và vi mạch từ cuối năm 2023 được Đại học Thái Nguyên phê duyệt để tổ chức tuyển sinh trong năm 2024.

Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) nhận định, một trong những sứ mệnh chính của nhà trường là đào tạo kỹ sư kỹ thuật, công nghệ cho khu vực Đông Bắc nói riêng và toàn quốc nói chung. Do đó, việc tổ chức đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trước hết là thực hiện sứ mệnh, đồng thời đóng góp thiết thực cho chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” trọng điểm của quốc gia.

444487160_1239217617285760_3939839020783535224_n.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: Website nhà trường)

Để bắt kịp xu hướng phát triển, thầy Khoa cho biết, ngay từ cuối năm 2023, nhà trường đã tổ chức xây dựng đề án mở ngành Công nghệ điện tử, bán dẫn và vi mạch được Đại học Thái Nguyên phê duyệt để tổ chức tuyển sinh trong năm 2024. Đây cũng là ngành được phát triển dựa trên thế mạnh sẵn có của nhà trường về cả kinh nghiệm, tiềm lực đội ngũ và trang thiết bị.

Bởi nhà trường đã có thâm niên hàng chục năm trong công tác đào tạo các ngành gần như Điện tử, Viễn thông; Kỹ thuật máy tính; Điều khiển và tự động hóa; Cơ điện tử; Điện, điện tử; Cơ khí… với hàng chục ngàn kỹ sư đã tốt nghiệp. Trên nền tảng đó, nhà trường vinh dự được hợp tác với các viện nghiên cứu trong nước và các doanh nghiệp FDI tại khu vực Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang để xây dựng chương trình và chuẩn bị cho công tác đào tạo trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn.

“Ngoài ra, với sự quan tâm đặc biệt từ Đại học Thái Nguyên, ngành công nghiệp bán dẫn được xem xét đầu tư là ngành trọng điểm, mũi nhọn và phát triển mạnh trong tương lai gần. Từ đầu năm đến nay, Đại học Thái Nguyên đã đầu tư một không gian tự học và sáng tạo bao gồm phòng thực hành thiết kế, phòng học online để sẵn sàng cho các học phần chuyên ngành do giảng viên từ các nước đối tác giảng dạy. Hơn nữa, nhà trường tiếp tục đầu tư chú trọng vào khu tự học, thảo luận tại thư viện để khai phá niềm yêu thích học tập, tự nghiên cứu cho sinh viên.

Dự kiến trong năm 2024, Đại học Thái Nguyên sẽ tổ chức chương trình hợp tác với các trường đại học danh tiếng của Đài Loan trong đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn theo các nội dung: đào tạo giảng viên, thực tập cho sinh viên và chương trình 3+2. Theo đó, các sinh viên của trường sẽ có 2 năm cuối tu nghiệp tại Đài Loan sau khi hoàn thành chương trình cơ bản, cơ sở ngành và các điều kiện khác tại trường”, thầy Khoa bày tỏ.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), cả nhà trường và Đại học Thái Nguyên đều dành sự quan tâm lớn đến chế độ chính sách khuyến khích cho sinh viên, trong đó đã dành khoảng 30% suất học bổng cho sinh viên trúng tuyển vào ngành từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp.

Việc Đại học Thái Nguyên dự kiến được đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn là sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm của Nhà nước cho công tác đào tạo bán dẫn của quốc gia nói chung và là nguồn động lực quan trọng đối với Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên nói riêng.

“Khi được đầu tư, nhà trường sẽ được tăng cường trang thiết bị thực hành, thực tập và nghiên cứu phục vụ cho các chương trình đào tạo liên quan đến công nghệ điện tử, bán dẫn. Một trong những yếu tố quan trọng được đề cập trong đề án là chính sách miễn, giảm học phí cho sinh viên theo học ngành này. Theo đó, chính sách hỗ trợ học phí trong tương lai này sẽ đặc biệt có ý nghĩa đối với người học đến từ các vùng không có nhiều điều kiện thuận lợi như các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc. Vì thế, ngoài sự đầu tư về trang thiết bị, chúng tôi đặc biệt chờ đón chính sách hỗ trợ người học", thầy Khoa nhấn mạnh.

z5920201507123_fbb5b694d3dde3497ccbe715f7b68acb.jpg
Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp thực hành. (Ảnh: NTCC)

Xây dựng kế hoạch ngắn hạn và dài hạn đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp

Theo thầy Khoa, với sự quan tâm trực tiếp của Đại học Thái Nguyên, nhà trường đã xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cả ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể, đối với nguồn nhân lực ngắn hạn, nhà trường đưa giảng viên các ngành phù hợp đi tập huấn tại các trường đối tác ở Đài Loan (10 giảng viên trong năm học 2024-2025). Với kế hoạch dài hạn, nhà trường cử giảng viên đi đào tạo tiến sĩ tại Đài Loan. Đồng thời xây dựng chương trình tuyển dụng giảng viên trẻ để cử đi học thạc sĩ và tiến sĩ các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp bán dẫn tại nước ngoài”, thầy Khoa nêu quan điểm.

Về cơ sở vật chất, ngoài việc được ưu tiên xem xét xây dựng các phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu trong ngành công nghiệp bán dẫn, nhà trường đang lên kế hoạch đầu tư thêm nhiều hạng mục quan trọng nhằm đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho quá trình giảng dạy và nghiên cứu.

Một trong những ưu tiên hàng đầu là đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số toàn diện. Hạng mục này bao gồm việc phát triển các tài nguyên học liệu số, đổi mới phương pháp giảng dạy số nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cả giảng viên lẫn sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu. Bởi, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ số đang diễn ra mạnh mẽ, việc trang bị hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến là yếu tố thiết yếu để nhà trường có thể theo kịp xu hướng giáo dục toàn cầu.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng xác định nhu cầu cấp thiết về việc đầu tư thư viện số hiện đại. Đây là bước đột phá nhằm đổi mới toàn diện nội dung giảng dạy và học tập, tạo ra môi trường học tập tiên tiến và chất lượng hơn cho sinh viên. Thư viện số sẽ cung cấp một kho học liệu phong phú, từ đó sinh viên có thể tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng hơn với các tài liệu nghiên cứu, nâng cao năng lực tự học và nghiên cứu độc lập.

z5910839396864_b9eab86c300cf54d2a7e5c03e14c9a5d.jpg
Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên được thực hành với bàn thí nghiệm điện tử số trong giờ học. (Ảnh: NTCC)

Về định hướng dài hạn trong việc phát triển chương trình đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, nhà trường đã có những kế hoạch cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ nhất, tập trung xây dựng và triển khai tốt chương trình đào tạo liên kết quốc tế theo mô hình 3+2. Đây là một chương trình giúp sinh viên vừa có cơ hội học tập trong nước, vừa được trải nghiệm môi trường giáo dục tiên tiến tại nước ngoài. Ngoài ra, nhà trường cũng phát triển các chương trình đào tạo ngắn hạn, đào tạo chuyển đổi cho sinh viên các ngành gần, nhằm tạo thêm nhiều cơ hội học tập linh hoạt và đa dạng, giúp sinh viên dễ dàng thích nghi với những thay đổi của ngành công nghiệp bán dẫn.

Thứ hai, việc đào tạo đội ngũ giảng viên và kỹ thuật viên, cùng với đầu tư cơ sở vật chất cũng được xem là trọng tâm trong chiến lược phát triển dài hạn. Để có thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà trường cần đầu tư vào việc nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên và các cán bộ kỹ thuật, đồng thời đảm bảo các trang thiết bị, phòng thí nghiệm đạt chuẩn phục vụ cho quá trình giảng dạy và nghiên cứu. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tạo điều kiện để sinh viên có thể tiếp cận trực tiếp với công nghệ và các thiết bị hiện đại nhất trong lĩnh vực bán dẫn.

Thứ ba, nhà trường cũng triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn, chuyển đổi cho sinh viên các ngành gần, đồng thời xây dựng các chuyên ngành của các ngành gần theo hướng đào tạo nhân lực kỹ thuật cho các công đoạn sản xuất và đóng gói vi mạch bán dẫn. Đây là một bước đi quan trọng để chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh cho sinh viên Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế.

z5910881337299_18042fa7bc88a35d867e11615f46c379.jpg
Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên chú trọng đến tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo để sinh viên cọ xát thực tế. (Ảnh: NTCC)

Trong quá trình thực hiện các kế hoạch này, nhà trường cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm đảm bảo việc đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn diễn ra một cách hiệu quả. Một trong những đề xuất quan trọng là việc đầu tư vào phòng thí nghiệm bán dẫn cần có sự hỗ trợ toàn diện từ phía Nhà nước. Hiện tại, các cơ sở giáo dục đại học trong nước chưa đạt mức độ chuyên sâu trong nghiên cứu và phát triển công nghệ bán dẫn. Do đó, nếu Nhà nước có thể tổ chức và hỗ trợ xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm một cách bài bản và đồng bộ, sẽ giúp cho các trường có thể lập kế hoạch đầu tư hiệu quả hơn.

“Đơn cử việc tổ chức các chương trình tham quan, tập huấn tại các trường đại học tiên tiến ở nước ngoài sẽ là cơ hội để cán bộ, giảng viên và sinh viên tiếp cận với những công nghệ mới nhất, từ đó áp dụng vào công tác giảng dạy và nghiên cứu trong nước. Đồng thời, nhà trường cũng mong muốn có sự hỗ trợ trong việc lựa chọn đối tác đủ tiềm lực để tư vấn cho các trường trong quá trình xây dựng và phát triển dự án đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn. Đây là một yếu tố quan trọng để đảm bảo phòng thí nghiệm bán dẫn tại trường được xây dựng và vận hành một cách hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho công tác đào tạo và nghiên cứu.

Với những định hướng phát triển cụ thể cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước, nhà trường hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu của lĩnh vực này”, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) bày tỏ.

Thu Thuỷ