ĐH Lương Thế Vinh: Hỗ trợ 50% học phí vẫn không có SV học song bằng Ngôn ngữ Anh

14/06/2024 06:19
Hồng Đại
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường Đại học Lương Thế Vinh hỗ trợ 50% học phí toàn khóa cho SV học bằng phụ ngành Ngôn ngữ Anh nhưng chưa có em nào theo học. 

Theo thông tin trên website, Trường Đại học Lương Thế Vinh là cơ sở đào tạo đa ngành, đa hệ, đa trình độ; trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao và nghiên cứu khoa học của khu vực châu thổ sông Hồng và cả nước.

Giảng viên trình độ thạc sĩ chiếm gần 60% giảng viên toàn trường

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, trong đề án tuyển sinh một số năm gần đây cho thấy, từ năm 2021-2023, tổng giảng viên toàn thời gian của Trường Đại học Lương Thế Vinh tăng mạnh.

Giảng viên.png
Thống kê số lượng giảng viên theo Đề án tuyển sinh năm 2023 và Đề án tuyển sinh năm 2021 của Trường Đại học Lương Thế Vinh. Đơn vị: người. (Bảng: Hồng Đại)

Cụ thể, theo bảng số liệu trên cho thấy về số lượng giảng viên trình độ thạc sĩ tăng từ 63 người (năm 2021) lên 121 người (năm 2023), tức tăng 58 người. Còn về số lượng giảng viên trình độ tiến sĩ tăng từ 17 người (năm 2021) lên 48 người (năm 2023), tức tăng 31 thầy cô. Từ năm 2021-2023 số lượng thầy cô có chức danh giáo sư, phó giáo sư có biến động (cụ thể, số lượng phó giáo sư tăng từ 10 lên 16, số lượng giáo sư giảm từ 3 xuống 2).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Hồng Khanh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Lương Thế Vinh chia sẻ rằng, để phục vụ cho việc mở mã ngành trình độ tiến sĩ trong tương lai và mở các ngành học mới khác trình độ đại học, Hội đồng trường đã có nghị quyết về chính sách thu hút nhân tài đối với các ngành. Trong đó ưu tiên giảng viên có trình độ tiến sĩ, có chức danh phó giáo sư, giáo sư. Do đó, tỷ lệ tuyển dụng thầy cô có trình độ tiến sĩ tăng cao hơn so với trình độ thạc sĩ.

Thầy Khanh cũng cho hay, nhờ áp dụng chính sách thu hút nhân tài, tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ của nhà trường hiện nay là 32%/tổng giảng viên (tỷ lệ này được tính theo số giảng viên trình độ tiến sĩ là 66 người (năm 2023) vì bao gồm cả giảng viên chức danh giáo sư và phó giáo sư-PV).

Cũng theo thầy Khanh, tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ 32%/tổng giảng viên đã hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ: “Không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ”.

Để thực hiện việc mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, nhà trường vẫn đang tuyển dụng các giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên có chức danh phó giáo sư, giáo sư để đáp ứng tỷ lệ này không thấp hơn 40% từ năm 2030 (Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT quy định giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ: "Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ" - PV).

"Chính sách thu hút nhân lực trình độ cao trong đó ưu tiên giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên có chức danh phó giáo sư, giáo sư của nhà trường là phù hợp với Thông tư 01 về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo", thầy Khanh chia sẻ thêm.

Về tổng thu hợp pháp, theo đề án tuyển sinh của nhà trường một vài năm gần đây cho thấy, tổng thu của năm 2021 và năm 2022 giống hệt nhau (cùng là 4,745 tỷ đồng).

Tổng thu.PNG
Tổng thu hợp pháp của Trường Đại học Lương Thế Vinh. Đơn vị: tỷ đồng

Về nội dung này, thầy Khanh cho biết, Trường Đại học Lương Thế Vinh là trường tư thục nên doanh thu của trường đến từ nhiều nguồn thu khác nhau gồm từ học phí, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ phục vụ giáo dục.

Ở năm học 2020-2021, do chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu của nhà trường chủ yếu đến từ nguồn thu học phí (cả trình độ đại học và thạc sĩ). Với mức thu theo tín chỉ là 470.000 đồng/tín chỉ nên năm 2021 tổng thu của trường khi đó dự kiến trong đề án tuyển sinh là 4,745 tỷ đồng.

Năm 2022, đề án tuyển sinh của nhà trường dự kiến tuyển sinh với số lượng người học phải đạt mức tối thiểu để duy trì hoạt động (tức là số tuyển sinh vào trường phải lớn hơn, hoặc bằng số sinh viên tốt nghiệp và thôi học) nên trường vẫn dự kiến tổng thu trong đề án tuyển sinh năm 2022 giống như năm 2021.

Thầy Khanh cho biết thêm, tổng thu trong đề án tuyển sinh năm 2021 và 2022 chỉ là mức dự kiến. Còn tổng thu thực tế của nhà trường ở 2 năm này dao động trong khoảng trên dưới 4 tỷ đồng.

Theo bảng số liệu trên, từ năm 2022 (4,745 tỷ đồng) đến năm 2023 (6,623 tỷ đồng), tổng thu hợp pháp của nhà trường tăng gần 2 tỷ đồng. Thầy Khanh chia sẻ: "Năm 2023, sau khi kết thúc đại dịch COVID-19, công tác tuyển sinh có nhiều điều kiện khách quan thuận lợi, do vậy, doanh thu của nhà trường dự kiến trong đề án về cơ bản là gần sát đúng với thực tế".

Không có sinh viên chọn học Ngôn ngữ Anh bằng phụ dù được giảm 50% học phí

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong Đề án tuyển sinh năm 2023, nhà trường áp dụng chính sách khuyến khích sinh viên chính quy học song bằng chính - phụ. Trong đó, nếu chọn học ngành Ngôn ngữ Anh là bằng phụ, sinh viên sẽ được giảm 50% học phí ngành Ngôn ngữ Anh toàn khóa học.

Thầy Khanh chia sẻ, chuẩn đầu ra ngoại ngữ chương trình đào tạo tất cả các ngành của nhà trường được quy định như sau:

Các ngành có trình độ bậc 6 (tức bậc đại học-PV) theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam của nhà trường gồm ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Ngôn ngữ Anh đều có chuẩn đầu ra tiếng Anh bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Các ngành tương đương với trình độ bậc 7 (tức là bậc đại học-PV) theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam gồm ngành Thú y, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện - điện tử có chuẩn đầu ra tiếng Anh bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Sinh viên tốt nghiệp cử nhân Ngôn ngữ Anh tại các đơn vị giáo dục ở Việt Nam được nhà trường xác định đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ bậc 5/6 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo thầy Khanh, sinh viên được phép học 2 chương trình đào tạo của trường nếu đáp ứng yêu cầu tại Khoản 2, 4 và 6, Điều 18, Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT về quy chế đào tạo trình độ đại học.

Cụ thể, sinh viên được đăng ký học chương trình thứ hai sớm nhất khi đã được xếp trình độ năm thứ hai của chương trình thứ nhất. Tại thời điểm đăng ký, sinh viên phải đáp ứng 01 trong 02 điều kiện sau và các điều kiện khác của cơ sở đào tạo: Học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và đáp ứng ngưỡng bảo đảm chất lượng của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh; Học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại trung bình và đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.

Như vậy, thầy Khanh cho rằng, việc Trường Đại học Lương Thế Vinh khuyến khích người học học chương trình thứ 2 ngành Ngôn ngữ Anh khi đáp ứng điều kiện là hoàn toàn phù hợp với các quy định của Thông tư 08. Tuy nhiên, hiện tại, tính đến hết năm 2023, mặc dù nhà trường đã có rất nhiều chính sách khuyến khích nhưng chưa có sinh viên trình độ đại học nào học cùng lúc hai chương trình.

Hồng Đại