ĐH Kỹ thuật CN Thái Nguyên: Đẩy mạnh đào tạo từ xa ngành kỹ thuật gây băn khoăn

28/05/2024 06:37
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên đẩy mạnh đào tạo từ xa, trong đó có ngành kỹ thuật, khiến nhiều ý kiến lo ngại chất lượng. Trường lý giải ra sao?

Theo Nghị quyết số 34/NQ-HĐT ngày 28/4/2021 của Hội đồng trường về việc ban hành Chiến lược phát triển Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, xác định sứ mạng: Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học; tư vấn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế.

Hiện tại, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Trung Hải là Hiệu trưởng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa là Chủ tịch Hội đồng trường.

Vì sao trường tăng quy mô đào tạo dù giảng viên cơ hữu giảm?

Theo báo cáo 3 công khai, từ năm học 2019-2020 đến năm học 2023-2024, quy mô đào tạo đã tăng từ 6.331 lên 8.976 (tăng thêm tổng số 2.645 người học, tương đương gần 41,8%).

Trong đó, từ năm học 2019-2020 đến năm học 2022-2023, tăng thêm 6 nghiên cứu sinh (gần 26,1%); giảm 61 học viên cao học (giảm gần 54,5%); tăng thêm 2.543 sinh viên đại học chính quy (tương đương tăng hơn 42,5%).

Đến năm học 2023-2024, quy mô đào tạo tiến sĩ giảm xuống còn 6 nghiên cứu sinh (giảm gần 74% so với năm học 2019-2020); đào tạo thạc sĩ giảm 88 học viên (giảm 78,6% so với năm học 2019-2020); đào tạo đại học chính quy tăng 2.347 sinh viên (tăng hơn 39,2%).

Quy mô đào tạo.JPG
Đào tạo sau đh.JPG

Về vấn đề tăng quy mô đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) đã có một số lý giải.

Theo đó, thầy Khoa cho hay: “Vì dựa vào các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ của nhà trường trước và trong các giai đoạn năm học 2019-2020 đến năm học 2020-2023 đáp ứng quy mô cũng như chỉ tiêu tuyển sinh là lớn hơn nhiều so với chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh, nên mặc dù tổng số giảng viên cơ hữu của nhà trường có giảm 6 người, nhưng năng lực để đăng ký chỉ tiêu cũng như quy mô là lớn hơn nhiều so với quy mô thực tế.

Nhà trường là một trong số ít các trường gần như không sử dụng đến đội ngũ giảng viên thỉnh giảng (gần 100% là giảng viên cơ hữu).

Hơn nữa, những năm học trước đó do khó tuyển sinh nên nhà trường đăng ký chỉ tiêu ít hơn nhiều so với năng lực thực tế của nhà trường.

đh.JPG

Đến năm học 2020-2021, do có sự cải thiện về công tác tuyển sinh, nhà trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh nên việc mở rộng quy mô đào tạo vẫn đáp ứng đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định”.

Lo ngại chất lượng đào tạo từ xa ngành kỹ thuật, nhà trường lý giải gì?

Trong giai đoạn từ năm học 2019-2020 đến năm học 2022-2023, sinh viên hệ vừa học vừa làm tăng 18 người (gần 8,4%); sau đó giảm xuống còn 153 người học (giảm 28,8% so với năm học 2019-2020).

Năm học 2020 - 2021, hệ đào tạo từ xa từ không có dữ liệu người học. Đến năm học 2023-202, hệ này tăng lên 465 người.

VHVL.JPG

Về vấn đề này, thầy Khoa cho biết: “Đối với hệ đào tạo vừa làm vừa học, mục tiêu hướng tới các đối tượng đang đi làm và cần hoàn thiện bằng cấp cho vị trí công tác hiện tại. Trong xu hướng hiện nay nhóm đối tượng này tương đối hạn chế.

Trong những năm vừa qua, nhà trường cũng tương đối linh hoạt trong công tác tổ chức đào tạo này, nên giai đoạn đầu cũng thu hút được người học quan tâm và quy mô có tăng chút.

Nhưng giai đoạn tiếp theo, người học có nhiều sự lựa chọn hơn cho các hình thức đào tạo khác nên quy mô đào tạo hệ vừa học vừa làm bị sụt giảm. Với hệ đào tạo này, nhà trường chủ yếu duy trì để đáp ứng nguyện vọng học tập của người học, phục vụ kết nối cộng đồng nên hằng năm vẫn duy trì tuyển sinh và tổ chức đào tạo”.

Đối với việc đẩy mạnh đào tạo từ xa, nhà trường lý giải vì một số lý do sau: “Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và cuộc sống xã hội, thì nhu cầu học tập cũng tăng cao; việc đáp ứng nhu cầu đó cho nhân dân là nhiệm vụ nặng nề đối với ngành giáo dục nói chung và Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) nói riêng, trong điều kiện ngân sách dành cho giáo dục còn hạn chế.

Nghị quyết 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 có nêu “Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho lực lượng lao động nhằm tạo chuyển biến trong xây dựng xã hội học tập”.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng đang được đẩy mạnh; Lĩnh vực giáo dục cũng được Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cụ thể hóa bằng các quy định.

Đặc biệt sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19; Yêu cầu giãn cách xã hội giai đoạn này đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số trong Nhà trường nhằm thích nghi với điều kiện, nhằm đáp ứng nhu cầu và quyền lợi của người học.

Căn cứ vào các lý do trên nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và năng lực thực tế của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) với gần 60 năm trưởng thành và khẳng định chất lượng trước xã hội, Hội đồng trường đã đưa vào chiến lược phát triển nhà trường nội dung mở rộng, đa dạng hóa hình thức đào tạo, tích cực và chú trọng chuyển đổi số trong nhà trường; các cấp có thẩm quyền trên cơ sở đó triển khai đẩy mạnh đào tạo từ xa”.

21.jpg
Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: tnut.edu.vn.

“Để đáp ứng việc tăng quy mô, hình thức đào tạo như trên, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ xây dựng hệ thống văn bản quy chế, quy định; rà soát, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ nhằm thích ứng với chủ trương của cấp có thẩm quyền. Với những yêu cầu chưa đáp ứng được ngay như hạ tầng công nghệ thông tin, nhà trường đã ký hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực, điều kiện để phối hợp thực hiện,…” - thầy Khoa cho biết thêm.

Theo đề án tuyển sinh năm 2023, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) đào tạo từ xa với các ngành: Quản lý công nghiệp; Kinh tế công nghiệp; Kỹ thuật xây dựng.

Trước ý kiến lo ngại việc đào tạo từ xa đối với các ngành kỹ thuật sẽ khó đảm bảo chất lượng, vị Chủ tịch Hội đồng trường cho hay: “Thực tế các khối ngành Khoa học xã hội, Kinh tế, Ngôn ngữ, việc đào tạo từ xa có nhiều thuận lợi hơn như nhu cầu người học lớn, chuẩn chương trình và học liệu thuận lợi hơn khối ngành kỹ thuật.

Nhìn thấy các khó khăn đặc biệt trong việc sản xuất học liệu với chi phí rất lớn, nhưng nhà trường vẫn mạnh dạn đi đầu xây dựng đề án và được phê duyệt đào tạo từ xa ngành Kỹ thuật xây dựng. Với việc đảm bảo chất lượng đào tạo, nhà trường đã đưa vào nhiều giải pháp khi xây dựng chương trình đào tạo ngành kỹ thuật đảm bảo được các yêu cầu về chuẩn đầu ra, như: Hệ thống học liệu chính, học liệu bổ trợ, thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế, các nội dung tương tác giữa giảng viên và sinh viên,… Đặc biệt, hệ thống kiểm tra, đánh giá khách quan, chặt chẽ,…

Ngoài ra, việc quản lý đào tạo cũng được chú trọng, cụ thể: Luôn có sự theo dõi sát sao của giáo viên chủ nhiệm - cố vấn học tập đến từng người học; tiến trình học tập được đánh giá thường xuyên; luôn quan tâm rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo; Công tác quản lý học tập được lưu trữ khoa học và đầy đủ; Công tác khảo sát, tiếp nhận phản hồi của các bên liên quan được quan tâm,…”.

Có ngành nhà trường vẫn phải duy trì dù phải bù kinh phí đào tạo

Theo thông tin trong đề án tuyển sinh các năm 2021, 2022 và 2023 cho thấy: Năm 2020, trường chỉ tuyển được gần 85% chỉ tiêu; năm 2021, trường tuyển vượt 127 thí sinh (tương đương 5,9%); năm 2022, trường chỉ tuyển được gần 75,8% so với chỉ tiêu.

Trong đó, đối với tỉ lệ nhập học của từng ngành như sau:

Năm 2020, thấp nhất là 2 chương trình tiên tiến: Kỹ thuật cơ khí (3/70 sinh viên nhập học - chiếm 4,29%); Kỹ thuật điện (9/70 sinh viên nhập học - chiếm 12,86%). Các chương trình đại trà như Ngôn ngữ Anh (4/30 sinh viên nhập học - chiếm 13,33%), ngành Kỹ thuật vật liệu (9/50 sinh viên nhập học - chiếm 18%). Ngành Kỹ thuật môi trường (11/45 sinh viên nhập học - chiếm 24,44%).

Một số ngành tuyển vượt chỉ tiêu: Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (tuyển 488 sinh viên/350 chỉ tiêu - vượt 39,43%). Ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô (tuyển 200 sinh viên/150 chỉ tiêu - vượt 33,33%). Ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (tuyển 143 sinh viên/120 chỉ tiêu - vượt 19,17%).

Năm 2021, thấp nhất là chương trình tiên tiến: Kỹ thuật cơ khí (6/60 sinh viên nhập học - chiếm 10%); ngành Kỹ thuật môi trường (9/40 sinh viên nhập học - chiếm 22,5%).

Một số ngành vượt chỉ tiêu lớn như: Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (tuyển 619 sinh viên/420 chỉ tiêu - vượt 47,38%). Ngành Kỹ thuật máy tính (tuyển 66 sinh viên/50 chỉ tiêu - vượt 32%). Ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (tuyển 188 sinh viên/150 chỉ tiêu - vượt 25,33 %). Ngành Kỹ thuật cơ điện tử (tuyển 312 sinh viên/250 chỉ tiêu - vượt 24,8%)...

Đặc biệt, năm 2021, nhà trường tuyển 2.262 sinh viên/tổng chỉ tiêu là 2.135 (tuyển vượt 127 sinh viên - tương đương vượt 5,9%).

Năm 2022, ngành tuyển sinh kém nhất là Kiến trúc (tuyển được 3/45 sinh viên - chiếm 6,67%). Ngành Kỹ thuật môi trường (tuyển được 4/45 sinh viên - chiếm 8,89%)... Nhiều ngành khác cũng chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu.

Ngược lại, một số ngành tuyển sinh cao hơn chỉ tiêu như: Ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (tuyển 173 sinh viên/120 chỉ tiêu - hơn 44,17%). Ngành Kinh tế công nghiệp (tuyển 52 sinh viên/45 chỉ tiêu - hơn 15,56%)...

Năm 2023, hầu hết các ngành tuyển sinh kém. Trong đó, Kỹ thuật cơ khí - chương trình tiên tiến chỉ tuyển được 2/30 chỉ tiêu (chiếm 6,67%). Ngành Kỹ thuật điện - chương trình tiên tiến tuyển được 9/30 chỉ tiêu (chiếm 30%). Ngành Kỹ thuật môi trường tuyển được 9/45 sinh viên (chiếm 20%)...

Đặc biệt, ngành Kiến trúc không tuyển được sinh viên nào.

Năm 2023, có 3 ngành tuyển cao chỉ tiêu: Công nghệ chế tạo máy (tuyển 53 sinh viên/50 chỉ tiêu - tương đương hơn 6%). Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (tuyển 244 sinh viên/210 chỉ tiêu - tuyển hơn 16,19%).

Chi tiết chỉ tiêu và số sinh viên nhập học:

Nhập học.JPG

Thầy Khoa cho rằng: “Thực chất việc chia nhỏ ngành nghề hiện nay là không phù hợp nữa, mà phải tuyển sinh theo khối ngành.

Đối với các trường công lập, tính linh hoạt trong cơ cấu ngành nghề và kèm theo đội ngũ giảng viên (giảng viên cơ hữu) cũng như sứ mạng của trường là không dễ dàng trong việc mở và đóng ngành như đối với các trường dân lập.

Vì thực chất các ngành đào tạo của trường hiện nay đều có nhu cầu xã hội là lớn, song, do bối cảnh xã hội có sự chênh lệch rất lớn về định hướng nghề nghiệp (chưa đúng đắn) dẫn đến có nhiều ngành nghề sẽ dư thừa nguồn nhân lực rất lớn và nhiều ngành nghề đã và sẽ thiếu nguồn nhân lực (nhưng vẫn không có nhiều người học, dẫn đến nhà trường một mặt vẫn phải duy trì ngành đào tạo để phục vụ cộng đồng (ngành Kiến trúc) một mặt vẫn phải bù kinh phí đào tạo).

Đây là “bài toán” cần phải giải quyết một cách vĩ mô, đồng bộ trong cả nước”.

Mộc Trà