ĐH Công nghệ Đồng Nai hỗ trợ tiền để làm lại 12 căn nhà ở Cao Bằng sau lũ quét

24/09/2024 08:55
Ngọc Huệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - "Khi hoàn thành nhà mới, chúng tôi sẽ quay trở lại để hỗ trợ thêm kinh phí cho bà con mua sắm những vật dụng cần thiết, ổn định cuộc sống mới”, thầy Sơn chia sẻ.

Cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, nhất là đối với các tỉnh miền núi phía Bắc.

Xuất phát từ truyền thống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, đồng thời, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động ủng hộ đồng bào khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã nhanh chóng quyên góp, ủng hộ 260 triệu đồng cho người dân ở một số tỉnh miền núi phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề của bão.

Cụ thể, từ ngày 14-20/9/2024, thay mặt cán bộ, giảng viên, nhân viên, người lao động và sinh viên Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội đồng trường và cô Võ Thị Thanh Hoa - Phó Chủ tịch Hội đồng trường đã trao tặng 260 triệu đồng hỗ trợ các thôn, xã, huyện tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lào Cai.

Chi tiết các địa bàn nhận hỗ trợ như sau:

Tỉnh Lào Cai: thôn Cầu Cóc (xã Phúc Khánh), thôn Hàm Rồng (xã Việt Tiến), thôn Mỏ Đá (xã Tân Dương), thôn Cuông 2 (xã Xuân Hòa), huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Tỉnh Cao Bằng: thôn Lũng Lỳ (xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).

Nguồn tiền ủng hộ của nhà trường đến từ sự chung tay, quyên góp của tập thể cán bộ, nhân viên, giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai.

Mặc dù chuyến đi đến các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai để trao hỗ trợ của Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã kết thúc cách đây vài ngày, nhưng thầy Sơn vẫn cảm thấy rất trăn trở về những hình ảnh người dân mất nhà cửa, tài sản, các em nhỏ trở thành trẻ mồ côi sau trận bão,...

“Trực tiếp đi đến vùng lũ các tỉnh miền Bắc, được chứng kiến tận mắt những thiệt hại nặng nề mà thiên tai gây ra mới thật sự thấm thía nỗi khó khăn vất vả, thiếu thốn của người dân ở khu vực bị ảnh hưởng bởi bão, lũ quét”, Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai xúc động chia sẻ.

IMG_20240919_084707.jpg
Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn (ngoài cùng, bên trái) trao tiền mặt để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu bão. (Ảnh: NTCC)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Sơn cho biết, thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền gây ảnh hưởng nhiều đến các tỉnh miền núi phía Bắc, tập thể nhà trường đã dự tính vận động quyên góp ủng hộ bằng hình thức chuyển khoản vào các tài khoản ngân hàng theo khuyến cáo của Ban Cứu trợ Trung ương - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tuy nhiên, khi theo dõi những hình ảnh người dân phải oằn mình chống bão, lũ quét, Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai (đại diện gồm thầy Sơn và cô Hoa) không khỏi xót xa và quyết định sẽ thay mặt nhà trường di chuyển đến một số tỉnh chịu ảnh hưởng của bão để động viên, trao tặng hỗ trợ.

Chia sẻ về việc nhà trường hỗ trợ bằng tiền mặt cho bà con vùng lũ thay vì những suất quà, bánh, nhu yếu phẩm, thầy Sơn cho hay, ban đầu, nhà trường cũng dự kiến mua sắm một số mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết để ứng cứu bà con. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị, thầy Sơn nhận thấy một thực tế là rất nhiều mạnh thường quân, đoàn cứu trợ đã mang đồ ăn, thức uống tới vùng thiên tai nhưng do địa hình hiểm trở ngập lụt nghiêm trọng nên nếu không có sự chuẩn bị chu đáo thì đoàn từ thiện không thể di chuyển đến nhà dân để đưa được đồ cứu trợ; hoặc mất nhiều thời gian mới chuyển được đồ đến tay người dân; hoặc khi nhận được thì lại hết thời hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn vệ sinh.

Hơn nữa, với những địa bàn ngập sâu hay lầy lội, bùn đất, muốn tiếp tế thực phẩm cho bà con thì phải có phương tiện (thuyền, bè,...) mới vào được...

“Trong thiên tai bão lũ, sự kết nối cộng đồng đã được lan tỏa và sẻ chia. Những vật phẩm cứu trợ như quần áo, chăn màn, đồ ăn, uống thật sự rất cần thiết đối với người dân bị cô lập trong dòng nước lũ. Tuy nhiên, với nhiều khu vực miền núi, chỉ một cơn lũ quét qua có thể khiến cho nhà cửa, tài sản, hoa màu bị vùi trong bùn đất, nhiều căn nhà của hộ dân bị xóa sổ nên khó khăn chồng chất khi họ gần như phải gầy dựng lại từ đầu. Thấu hiểu nỗi vất vả, nhà trường chuyển từ hỗ trợ vật phẩm thiết yếu sang ủng hộ bằng tiền mặt cho các hộ dân vùng lũ, giúp họ có kinh phí để mua sắm vật liệu xây dựng nhà cửa, sớm ổn định nơi ăn, chỗ ở sau lũ”, thầy Sơn tâm sự.

Tại tỉnh Cao Bằng, mưa lũ đã khiến 2.239 ngôi nhà bị thiệt hại; trên 2.076 ha lúa, hoa màu bị ngập; 28,95 ha cây trồng lâu năm bị bị đổ, gãy.

Theo chia sẻ của thầy Sơn, ngoài quan sát của bản thân, trước khi đưa ra quyết định ủng hộ tiền mặt cho một số hộ dân để xây dựng nhà cửa sau khi bão qua, thầy Sơn đã được nghe chia sẻ về những khó khăn, cũng như nguyện vọng của bà con vùng lũ thông qua trường thôn, làng. Chỉ khi lắng nghe nguyện vọng của người dân vùng lũ, biết được người dân cần gì, mong muốn ra sao, công tác hỗ trợ, chia sẻ của mạnh thường quân, tổ chức mới phát huy được tính hiệu quả.

“Để trao tiền hỗ trợ cho hộ dân vùng lũ, do đường mưa trơn, bùn đất, đoàn từ thiện của nhà trường được chính quyền thôn, xã và dân làng hỗ trợ di chuyển bằng xe máy để vào được khu vực nhà dân. Có những đoạn đường, chúng tôi phải đi bộ vì đường xá chỉ đảm bảo cho 1 người, 1 xe máy di chuyển.

Sau những ngày cố gắng, nỗ lực của đoàn từ thiện, nhà trường đã trao số tiền để làm lại 12 căn nhà mới ở một số thôn, bản vùng lũ của tỉnh Cao Bằng và được chính quyền thôn, xã cam kết sẽ sử dụng số tiền này để xây dựng nhà cho người bị mất mát. Khi hoàn thành nhà mới, chúng tôi sẽ quay trở lại để hỗ trợ thêm kinh phí cho bà con mua sắm những vật dụng cần thiết, ổn định cuộc sống mới”, thầy Sơn chia sẻ.

IMG_20240919_084801.jpg
Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn (bên trái) trao tiền hỗ trợ cho người dân vùng lũ quét. (Ảnh: NTCC)
IMG_20240919_084637.jpg
Một nhà lán bị đổ do sạt lở bởi bão số 3 ở tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: NTCC)
IMG_20240913_215542.jpg
IMG_20240913_215813.jpg
Một đoạn đường di chuyển đến nhà dân khá lầy lội do mưa bão. (Ảnh: NTCC)
IMG_20240919_084646.jpg
Khu ở tạm của người dân vùng lũ quét. (Ảnh: NTCC)

Kết thúc chuỗi ngày hỗ trợ người dân vùng lũ đã để lại trong thầy Sơn nhiều câu chuyện xúc động. Thầy kể, dù phải chịu nỗi đau mất người thân, thiệt hại về tài sản sau trận bão nhưng người dân vùng lũ ở một số tỉnh miền núi phía Bắc vẫn luôn nghị lực, vươn lên, khắc phục hậu quả của bão.

“Khi chuẩn bị trở về thành phố, một em nhỏ nhìn chúng tôi và nói “con cảm ơn ông, bà, bao giờ thì con được gặp lại ông bà?” đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ và cảm xúc cho đến tận bây giờ.

Với số tiền ủng hộ vùng lũ, nhà trường hy vọng được sẻ chia, động viên khích lệ và giúp người dân mất nhà do bão sớm ổn định đời sống, sinh kế sau lũ.”, thầy Sơn bày tỏ.

Có thể thấy, với giá trị cốt lõi “Trung thành - Trách nhiệm - Sáng tạo”, hành trình Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đến với đồng bào vùng bão, lũ không chỉ mang theo sự giúp đỡ về vật chất, mà còn là sẻ chia, động viên tinh thần sâu sắc. Các thầy cô đã trao tặng hỗ trợ, trò chuyện và động viên bà con vượt qua giai đoạn khó khăn. Những nụ cười, lời cảm ơn từ người dân chính là nguồn động lực đối với đoàn từ thiện của nhà trường.

Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng dựa trên nền tảng công nghệ và trải nghiệm; nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao tri thức đáp ứng nhu cầu xã hội, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Đến năm 2035, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đặt mục tiêu trở thành Trường Đại học nghiên cứu ứng dụng có uy tín ở trong nước và khu vực, với môi trường giáo dục hiện đại tất cả vì người học và phục vụ cộng đồng.

Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai còn có nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng, thu hút sự quan tâm của sinh viên. Có thể kể đến các hoạt động của các khoa và nhà trường trong năm 2024 như: Tổ chức chương trình “Mùa hè Xanh năm 2024” để sinh viên của nhà trường có 2 tuần tham gia hỗ trợ dọn dẹp cảnh quan xanh, sạch tại xã Đắc Lua (huyện Tân Phú, Đồng Nai); Hoạt động trao 30 phần quà gồm sữa, bánh, kẹo cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Nhi Đồng Nai; Tổ chức dọn dẹp đường dẫn nước tại địa phương;...

Ngọc Huệ