Đề xuất quy đổi diện tích từ doanh nghiệp tham gia đào tạo để gỡ khó cho CSGDĐH

Đề xuất quy đổi diện tích từ doanh nghiệp tham gia đào tạo để gỡ khó cho CSGDĐH

17/04/2025 06:34
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Đánh giá tiêu chuẩn CSVC đang khiến trường tư thục gặp khó, PGS.TS Tô Ngọc Hưng đề xuất, nên cân nhắc cho phép tính quy đổi diện tích của đơn vị tham gia đào tạo.

Theo Quyết định số 452/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch), định hướng đến năm 2030, các cơ sở giáo dục đại học tư thục và tư thục không vì lợi nhuận chiếm khoảng 30% tổng quy mô đào tạo toàn quốc, giữ vai trò quan trọng trong đa dạng hóa dịch vụ giáo dục đại học, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của người học và của thị trường lao động.

Đồng thời, sẽ củng cố, sắp xếp và tăng cường năng lực đối với các cơ sở giáo dục đại học hiện có; chấm dứt hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030 đối với cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn hoặc không hoàn thành xác lập vị trí pháp lý theo quy định của pháp luật.

Chính vì vậy, để thực hiện mục tiêu trên, các trường đại học tư thục cũng đứng trước những khó khăn khi phải đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Thực hiện Thông tư số 01, trường tư thục gặp nhiều khó khăn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Hưng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình bày tỏ: “Trước đây, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006-2020.

Tuy nhiên, đối với Quy hoạch mạng lưới theo Quyết định số 452/QĐ-TTg có một điểm rất khác biệt. Sự khác biệt này thể hiện ở chỗ việc thực hiện quy hoạch góp phần nâng cao chất lượng trong việc tổ chức dạy và học, nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.

Việt Nam hiện đang trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo, vì vậy, hoạt động của các cơ sở giáo dục sẽ không còn chỉ là hoạt động của riêng nhà trường, mà còn là các hoạt động kết nối với các trường ở nước ngoài, nhất là thể hiện qua các chương trình đào tạo liên kết quốc tế. Tôi cho rằng, Quy hoạch mạng lưới được đặt ra trong bối cảnh hiện tại rất đúng đắn và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, quy mô trên 3 triệu người học, đạt 260 sinh viên và 23 học viên sau đại học trên một vạn dân. Điều này cho thấy, Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực, đang rất chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước; đồng thời, sẽ quyết định đến sự thành công trong việc thực hiện các chính sách mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra trong giai đoạn tới đây, nhất là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Hưng cũng chỉ ra, một số vấn đề được đặt ra khi thực hiện Quy hoạch: Đến năm 2030, phải nâng tỉ lệ các cơ sở giáo dục đại học tư thục và tư thục không vì lợi nhuận chiếm khoảng 30% tổng quy mô đào tạo toàn quốc.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tính đến năm 2023), Việt Nam có 238 cơ sở giáo dục đại học; trong đó có 171 cơ sở giáo dục đại học công lập và 67 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập. Như vậy, cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập chiếm hơn 28%.

“Con số này có vẻ cũng không cách quá xa với mục tiêu 30%; tuy nhiên, cái khó là hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập phải phát triển đi kèm với việc thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT. Điều này cũng sẽ đặt ra một số khó khăn, thách thức đối với các nhà trường” - thầy Hưng đề cập.

ĐH Hòa Bình (5).jpg

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Hưng, khó khăn lớn nhất đối với các trường ngoài công lập là tiêu chuẩn về cơ sở vật chất: Cơ sở giáo dục đại học có khuôn viên, cơ sở vật chất, hệ thống thông tin và học liệu đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

Cụ thể, từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m². Diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 2,8 m²; ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt.

“Phải nói rằng, yêu cầu diện tích đất 25 m²/sinh viên không chỉ là thách thức riêng của hệ thống trường ngoài công lập, mà còn là thách thức với cả các trường công lập, nhất là với những trường nằm ở nội đô các thành phố lớn. Dù hệ số vị trí của khuôn viên bằng 2,5 đối với các khuôn viên nằm trong địa giới các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương và bằng 1 đối với các khu vực còn lại.

Quy hoạch muốn rút ngắn khoảng cách giữa các trường công lập và các trường ngoài công lập. Tức là, làm sao để các trường tư thục phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cũng như tăng cường đáp ứng những yêu cầu đảm bảo về chất lượng theo quy định.

Tuy nhiên, đối với các trường ngoài công lập, khó khăn lớn nhất là không tiếp cận được “quỹ đất”.

Mặc dù đây là vấn đề khó khăn chung đối với các cơ sở giáo dục, song, đứng trước bối cảnh này, Tập đoàn (nhà đầu tư - phóng viên) đã có những bước chuẩn bị và sắp xếp cho Trường Đại học Hòa Bình với một “quỹ đất” khoảng 7 ha cho việc tổ chức hoạt động của nhà trường (trong đó, bao gồm 5 ha phục vụ việc tổ chức dạy học và khoảng 2 ha cho bệnh viện thực hành) nằm ở khu đô thị Bắc An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội. Ngoài ra, đối với Trường Đại học Hòa Bình, khi thành lập, đã được Nhà nước cấp gần 30 ha đất nằm ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội” - vị Hiệu trưởng cho biết.

ĐH Hòa Bình (4).jpg

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Hưng, khó khăn thứ hai đối với các trường đại học nói chung khi thực hiện Thông tư số 01 chính là yêu cầu về đội ngũ giảng viên: Tỉ lệ người học quy đổi theo trình độ, lĩnh vực và hình thức đào tạo trên giảng viên toàn thời gian không lớn hơn 40; Tỉ lệ giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động trên giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 70%; Tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ (Không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ; Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ).

Vị Hiệu trưởng đánh giá: “Đây là một vấn đề rất khó, nhất là đối với các trường ở địa phương, bởi, thu hút nguồn nhân lực này là rất khó.

Riêng đối với Trường Đại học Hòa Bình, những năm qua, đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng và cho đến nay, có thể đáp ứng được tiêu chuẩn này.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ toàn diện hơn, ngay cả các trường đại học công lập, cũng không có nhiều trường đạt tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ trên 40%. Cho nên, tôi cho rằng, đây cũng là một thách thức mà các nhà trường cần phải được quan tâm”.

Một vấn đề nữa mà thầy Hưng đánh giá là khó khăn đối với các trường đại học tư thục, đó là về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo: Tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%. Số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 0,3 bài/năm; riêng đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ không phải trường đào tạo ngành đặc thù không thấp hơn 0,6 bài/năm trong đó số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus (có tính trọng số theo lĩnh vực) không thấp hơn 0,3 bài/năm.

Thầy Hưng cho rằng: “Nhìn các con số trên có vẻ rất dễ thực hiện, tuy nhiên, làm như thế nào để đổi mới sáng tạo đi vào thực chất, lại không phải là chuyện đơn giản, vì có liên quan đến rất nhiều yếu tố, từ cơ sở vật chất, đội ngũ, những điều kiện để triển khai… Nói đến nghiên cứu, đã là một vấn đề không đơn giản, nhưng nói đến nghiên cứu gắn với đổi mới sáng tạo, thì lại càng khó khăn hơn, nhất là đối với các trường về kinh tế, văn hóa...”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Hưng nhấn mạnh: “Theo lộ trình, sẽ chấm dứt hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030 đối với cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn hoặc không hoàn thành xác lập vị trí pháp lý theo quy định của pháp luật.

Tôi cho rằng, đây là một “bài toán” đang đặt ra đối với tất cả các trường đại học ở Việt Nam nói chung và một “bài toán” rất “hóc búa” đối với các trường đại học tư thục nói riêng. Chính vì vậy, phải tìm được những giải pháp để khắc phục những khó khăn trong thực tiễn hiện nay”.

Đề xuất cho phép tính quy đổi diện tích của đơn vị tham gia đào tạo

Bàn về các giải pháp khắc phục khó khăn về vấn đề “quỹ đất”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Hưng cho rằng, bên cạnh việc tiến tới sử dụng cơ sở vật chất dùng chung, các cơ sở sở giáo dục đại học còn có thể tận dụng, khai thác phần diện tích phục vụ công tác đào tạo từ các đơn vị đối tác, doanh nghiệp, công ty, bệnh viện…

Theo đó, mục đích Quy hoạch mạng lưới là tạo điều kiện phát triển “giáo dục mở”, tức là tổ chức đào tạo không nhất thiết phải cố định trong khuôn khổ của một nhà trường.

“Ở các quốc gia phát triển cũng đang hướng tới giáo dục xuyên biên giới, sinh viên có thể học tập từ những thầy cô, những nhà khoa học giỏi ở các quốc gia khác nhau. Như vậy, rõ ràng, phương thức đào tạo trực tiếp giữa thầy và trò cùng trên một giảng đường có thể biến đổi linh hoạt thành thầy và trò ở hai địa điểm hoàn toàn khác nhau, mà vấn đề ở đây là sử dụng công nghệ.

Như vậy, việc quy định diện tích trên mỗi sinh viên như hiện nay liệu có còn phù hợp, khi chúng ta đang chuyển dịch dần phương thức đào tạo mang tính truyền thống sang phương thức đào tạo mang tính hiện đại và đặc biệt là phương thức đào tạo có sự giao thoa giữa các nhà trường với nhau, để người học được thụ hưởng những phương pháp đào tạo tiên tiến, thụ hưởng những kiến thức của các thầy cô từ các trường khác nhau cả trong và ngoài nước?” - vị Hiệu trưởng bày tỏ.

Thầy Hưng cũng đánh giá cao phương án nếu cho phép sử dụng hệ thống cơ sở vật chất dùng chung, song, phải có sự đồng thuận giữa bên cung cấp và bên khai thác dịch vụ, đặc biệt là phải có chính sách, quy định cụ thể trong việc sử dụng cơ sở vật chất dùng chung và cách tính tỉ lệ cơ sở vật chất này trong định mức yêu cầu đối với các cơ sở giáo dục.

Cụ thể, thầy Hưng chỉ ra: “Để làm được điều này, Nhà nước cần có cơ chế chính sách rõ ràng, bởi điều này liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công. Tức là, Nhà nước cần có sự quan tâm để tháo gỡ những khó khăn cho các cơ sở giáo dục khi muốn đưa cơ sở vật chất cho các đơn vị khác cùng khai thác, sử dụng.

Nếu đã có cơ chế, tôi tin rằng, giữa bên thuê và bên cho thuê sẽ có những thỏa thuận cụ thể bằng hợp đồng, đó là sự ràng buộc, trách nhiệm của hai bên. Việc các cơ sở giáo dục đại học được sử dụng cơ sở vật chất của đơn vị khác chính là phục vụ mục đích về giáo dục đào tạo, còn bên cho thuê nhằm khai thác, tận dụng triệt để những khả năng mà đơn vị đó có thể cung cấp cho xã hội”.

ĐH Hòa Bình (8).jpg

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình cũng phân tích: “Đối với các cơ sở giáo dục đại học, khi hoạt động, có thể sử dụng những cơ sở vật chất của xã hội, cơ sở vật chất của các doanh nghiệp, cơ sở vật chất của các nhà đầu tư… tham gia vào hoạt động đào tạo dành cho sinh viên.

Tôi lấy ví dụ, ở Trường Đại học Hòa Bình hiện nay, khi đào tạo khối ngành sức khỏe, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tạo điều kiện một phòng cho sinh viên của nhà trường qua đó để triển khai những nội dung trước khi thực hành khám, chữa bệnh. Cho nên, diện tích đó mặc dù là phòng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhưng lại dành cho Trường Đại học Hòa Bình để tổ chức việc dạy học tại bệnh viện. Thực chất, cũng có thể coi đó là một dạng diện tích để tổ chức đào tạo của nhà trường.

Tương tự, đối với sinh viên ngành du lịch, bên cạnh những hoạt động trải nghiệm trên giảng đường, sinh viên có thể xuống các cơ sở thực hành để thực hiện hoạt động chuyên môn và có thể sử dụng toàn bộ những cơ sở vật chất mà hiện nay đơn vị đó đang cung cấp để sinh viên nhà trường thực hành.

Ở mỗi trường đại học, có thể sẽ phải đầu tư rất nhiều vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, mới có được môi trường thực hành chuyên nghiệp như vậy. Nhưng thay vào đó, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng môi trường đó từ việc hợp tác với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp để phục vụ mục đích đào tạo.

Cho nên, theo tôi, đó cũng là một nội dung mà chúng ta cần nghiên cứu để có sự linh hoạt trong yêu cầu về mặt diện tích tổ chức đào tạo cho sinh viên.

Để có một quy định cho các nhà trường khi có chủ trương kết nối với các doanh nghiệp, kết nối với các cơ sở thực hành, nhằm triển khai các hoạt động đào tạo và khai thác được những cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động đào tạo của nhà trường, tôi cho rằng, nên xem xét vấn đề đó để đưa vào tính diện tích đào tạo trên một sinh viên, có thể quy đổi cho hợp lý và cũng là để tháo gỡ những khó khăn cho các nhà trường.

Đối với việc làm sao để các trường có thể dễ dàng khai thác cơ sở vật chất của doanh nghiệp, đầu tiên, phải xuất phát từ phương thức đào tạo, chương trình đào tạo của các nhà trường. Các trường phải xây dựng chương trình đào tạo kết hợp lý thuyết với thực hành trở thành điều kiện bắt buộc và gắn với định hướng đào tạo của trường. Chẳng hạn, đối với sinh viên Trường Đại học Hòa Bình, các em không chỉ học ở giảng đường, mà còn có thể tham gia hoạt động trải nghiệm ngay từ năm thứ nhất tại các doanh nghiệp, tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tại chính những nơi mà sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ khởi nghiệp và gia nhập thị trường lao động”.

ĐH Hòa Bình (9).jpg

Nên tính toán phương án chuyển mục đích quản lý từ Nhà nước sang tư nhân

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình, để thực hiện mục tiêu của Quy hoạch mạng lưới, điều quan trọng nhất là phải tháo gỡ được các “điểm nghẽn” giữa quy hoạch phát triển mạng lưới đi kèm với Thông tư số 01 về chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Vị Hiệu trưởng lý giải: “Hai nội dung này có một mối quan hệ rất khăng khít với nhau. Muốn quy hoạch phát triển mạng lưới, thì chuẩn cơ sở giáo dục đại học là tiền đề, khi các trường không đáp ứng chuẩn, ngay lập tức sẽ bị loại bỏ. Tức là, phải tháo gỡ được những “điểm nghẽn” để làm sao cho các nhà trường phát triển thuận lợi cả trong giai đoạn hiện tại và tương lai.

Mục tiêu đặt ra chính là khuyến khích các trường tư thục quan tâm đến việc đầu tư và nâng cao chất lượng để đáp ứng được những yêu cầu đối với một cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, nếu để các trường tư thục “tự thân vận động” đầu tư vào cơ sở vật chất thì rất khó. Bởi vậy, rất cần có sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn của Nhà nước trong việc hỗ trợ các trường tư thục phát triển nhà trường”.

ĐH Hòa Bình (10).jpg

Ngoài ra, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Hưng, việc để các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào để “đỡ đầu” các trường đại học công lập đang hoạt động khó khăn, cũng được xem là một giải pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu trong Quy hoạch mạng lưới.

Thầy Hưng cho rằng: “Việc mở mới một trường đại học không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng khi đã có một trường đại học, việc chuyển từ mục đích quản lý này sang mục đích quản lý khác, chỉ còn là câu chuyện cơ chế. Đó cũng là cơ sở để chúng ta tận dụng, khai thác các nguồn lực hiện có của một cơ sở giáo dục đại học, chỉ là chuyển đổi từ mục đích quản lý của Nhà nước sang quản lý của một doanh nghiệp. Tất nhiên, vấn đề này phải có cơ chế một cách rõ ràng”.

Mộc Trà