Đề xuất cách tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực mà không gây bất cập cho học sinh

02/04/2024 06:21
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Các giáo viên có những đề xuất, giải pháp để kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức tốt hơn giúp thuận lợi cho thí sinh.

Tháng 4 này, các thí sinh đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tham dự đợt thi 402 và 403 (ngày 6-7/4 và 20-21/4). Theo ghi nhận của phóng viên, dự kiến có những em ở khu vực Hà Nội phải đến các địa điểm thi được tổ chức ở Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... do khi đăng ký, mạng bị nghẽn, không còn suất thi ở Hà Nội.

Vậy cần có những giải pháp nào để giải quyết tình trạng trên ở những đợt thi/năm học tới đây đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ học sinh hơn nữa trong kỳ thi đánh giá năng lực?

Về nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Thiều Trần Trung (Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phùng Khắc Khoan, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, năm nay nhà trường có một số thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực.

Trước việc nhiều thí sinh phải đi thi xa nhà do nghẽn mạng, "hết suất" đăng ký, thầy Trung cho rằng đơn vị tổ chức nên mở thêm nhiều địa điểm thi đánh giá năng lực tại các trường đại học có đủ cơ sở vật chất, từ đó sẽ tạo điều kiện cho thí sinh trong việc đi lại.

Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức cần có sự định hướng cho thí sinh phương pháp ôn luyện kỳ thi đánh giá năng lực. Đồng thời, cũng có thể nghiên cứu tổ chức thi theo tổ hợp môn, để các em có thể nhẹ nhàng hơn trong việc ôn luyện.

"Với thí sinh ở vùng ngoại thành, nông thôn, không có điều kiện để có chứng chỉ IELTS làm phương thức xét tuyển vào các trường đại học, đó cũng là sự thiệt thòi. Bởi vậy, nhiều em tham gia kỳ thi đánh giá năng lực để thêm cơ hội vào trường đại học", thầy Trung nhận định.

nangluc11-16812885787301672193592.jpg
Thí sinh thi đánh giá năng lực tại Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: VGP/Nhật Nam)

Chia sẻ quan điểm về nội dung trên, thầy Vũ Khắc Ngọc (giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI) cho hay, trước sức ép xét tuyển vào cánh cửa đại học, nhiều thí sinh đã lựa chọn kỳ thi đánh giá năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển.

"Tình trạng nghẽn mạng xảy ra, đơn vị tổ chức có thể chưa lường hết được sự quá tải của hệ thống khi đáp ứng số lượng lớn thí sinh đăng ký. Vì vậy, ban tổ chức cần có giải pháp cho những lần thi sau", thầy Ngọc nói.

Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, thực tế, có những thí sinh ở tỉnh lẻ nhưng vẫn muốn đăng ký thi đánh giá năng lực tại Hà Nội bởi lẽ các em muốn có dịp được đi chơi, tham quan nơi đây.

Trước thực trạng trên, thầy Ngọc đề xuất, ban tổ chức có thể nghiên cứu, mở rộng địa điểm thi tại Hà Nội, việc này có thể giúp đơn vị tổ chức thuận lợi hơn trong công tác quản lý. Hoặc cũng có thể giới hạn phạm vi thi dựa trên nơi cư trú của thí sinh.

"Ví dụ, thí sinh ở Nghệ An sẽ không được hệ thống cho phép lựa chọn địa điểm thi ở Hà Nội", thầy Ngọc cho hay.

Bên cạnh đó, thầy Ngọc cho rằng, hình thức tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội trên phương tiện máy tính cũng đòi hỏi các tiêu chuẩn về cấu hình máy, đây cũng là hạn chế trong việc mở rộng địa điểm tổ chức thi.

Tuy nhiên, thầy Ngọc nhận định, việc làm bài thi đánh giá năng lực trên máy tính cũng có điểm ưu điểm, khi thí sinh làm xong bài thi sẽ có kết quả luôn, như vậy sẽ khách quan.

"Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh cũng là xu hướng chung trong chuyển đổi số, vì vậy tôi ủng hộ việc thi đánh giá năng lực trên máy tính của Đại học Quốc gia Hà Nội", thầy Ngọc nhận định.

Trong khi đó, thầy Đặng Hoài Trung (giáo viên Trường Trung học phổ thông năng khiếu, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh) cho hay, cách tổ chức kỳ thi của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có sự khác biệt với Đại học Quốc gia Hà Nội. Điều này đã tạo sự thuận lợi hơn cho thí sinh.

Cụ thể, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tổ chức cho thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực trên giấy và được tổ chức tại nhiều điểm thi.

"Việc tổ chức cho thí sinh làm bài trên giấy, đơn vị tổ chức không phải kén chọn địa điểm thi phải đáp ứng về cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, việc chỉ tổ chức hai đợt thi (tháng 4 và tháng 6) sẽ giảm áp lực về tạo ngân hàng câu hỏi", thầy Trung nói.

Thầy Đặng Hoài Trung cho rằng, trong tương lai, đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nên nghiên cứu để chuẩn hóa kỳ thi này như các kỳ thi quốc tế. Khi đó, học sinh đang học lớp 10 cũng có thể đi thi và dùng điểm số đó để xét tuyển vào đại học sau này. Điều này sẽ giảm bớt áp lực cho học sinh khi lên lớp 12.

"Được biết, hai Đại học Quốc gia đang ngồi bàn bạc với nhau để xây dựng thang điểm chung, giúp cho thí sinh tiện lợi cho quá trình xét tuyển. Năm nay, một số ít thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp tình trạng nghẽn mạng, khi lượng thí sinh đăng ký đông đảo", thầy Đặng Hoài Trung chia sẻ thêm.

Mạnh Đoàn