Đề xuất bổ sung chế độ với GV, giảng viên trường nghề tại dự thảo Luật Nhà giáo

15/09/2024 07:16
ĐÀO HIỀN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo chuyên gia, bổ sung thêm các chính sách, chế độ phúc lợi cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp là việc làm phù hợp và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục nghề nghiệp có vai trò đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nhân lực có kỹ năng, góp một phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước.

Tại phiên họp thẩm định Dự án Luật Nhà giáo do Bộ Tư pháp tổ chức, Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nêu ý kiến về việc các chế độ, chính sách đối với giáo viên và giảng viên giáo dục nghề nghiệp tại dự thảo Luật Nhà giáo hiện còn đang “mờ nhạt”.

Trên cơ sở đó đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu thêm các chế độ, chính sách đối với nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo quyền lợi và tạo động lực cho những nhà giáo yên tâm thực hiện công tác.

2023-05-11-16-07-425-1349.png
Chế độ, chính sách đối với giáo viên và giảng viên giáo dục nghề nghiệp tại dự thảo Luật Nhà giáo hiện còn đang “mờ nhạt”. Ảnh minh hoạ: tcncamranh.edu

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo ưu tú, Thạc sĩ Lâm Văn Quản - Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

Bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã tạo nhiều điều kiện cho nền kinh tế quốc dân, dẫn đến nhu cầu về nguồn lực lao động trình độ cao trong mọi lĩnh vực.

Trên thực tế, chất lượng giảng dạy giữa các cơ sở giáo dục hiện nay tại Việt Nam còn chưa đồng đều, áp lực công việc đối với đội ngũ nhà giáo còn lớn và tình trạng thiếu liên kết giữa chương trình đào tạo với nhu cầu thực tế của thị trường lao động chính là những nguyên nhân, hạn chế khiến chất lượng giáo dục chưa đạt được như kỳ vọng.

Mặc dù giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học hay giáo dục nghề nghiệp có nhiệm vụ đào tạo khác nhau nhưng khi thực tiễn còn tồn tại những hạn chế và bất cập thì tất cả mọi loại hình đào tạo đều sẽ bị ảnh hưởng.

Vậy nên, theo thầy Quản, dự thảo Luật Nhà giáo cần có sự điều chỉnh và cụ thể hơn trong hoạt động giảng dạy ở tất cả các cấp học, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Có như vậy mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, từ đó xây dựng một hệ thống giáo dục phát triển toàn diện và bền vững.

Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thầy Quản cho rằng Nhà nước cần chú trọng và quan tâm nhiều hơn khi vai trò, nhiệm vụ của lĩnh vực này là cung cấp nhân lực cho các ngành công nghiệp, công nghệ và dịch vụ của quốc gia.

Theo đó, cần xây dựng thêm những nội dung nhằm đẩy mạnh hình thức hợp tác đào tạo với doanh nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Chẳng hạn như bổ sung thêm những điều kiện khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật trong các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn lớn, các nghệ nhân, người lao động có tay nghề cao tham gia phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cùng nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo nội dung học tập và các kỹ năng đáp ứng được yêu cầu từ thị trường lao động.

"Khi đặc thù của giáo dục nghề nghiệp là định hướng phát triển kỹ năng thực hành thì việc phối hợp trực tiếp giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả rất cao đối với chất lượng đào tạo trong nhà trường cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến trình độ tay nghề của nguồn nhân lực cho xã hội.

Đối với quyền lợi nhà giáo cần xây dựng các chính sách đãi ngộ hấp dẫn để thu hút và giữ chân đội ngũ nhà giáo có trình độ cao, có các chương trình đào tạo chuyên sâu về kiến thức và kỹ năng công nghệ số cho giáo viên ở mọi cấp học.

Riêng đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì rất cần sự ưu tiên và hỗ trợ trong việc cập nhật kiến thức mới nhất để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt với các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ để đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tích cực mở rộng cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề, giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt nam có thêm cơ hội học hỏi từ các mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới. Qua đó tiếp thu những thành tựu và tự đánh giá, phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo ở từng đơn vị mình quản lý", thầy Lâm Văn Quản chia sẻ.

z5733415584516_07ff04d16354ff7f427f2946c2dc6779.jpg
Nhà giáo ưu tú, Thạc sĩ Lâm Văn Quản - Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn ảnh: khoahocphothong.vn

Bổ sung thêm phúc lợi để nhà giáo có động lực nâng cao trình độ

Cùng đánh giá về nội dung dự thảo Luật Nhà giáo, ông Đặng Minh Sự - nguyên trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến quyền lợi cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, ông đã có một số đề nghị bổ sung thêm cho đội ngũ này để các giáo viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thêm tâm huyết và động lực cống hiến cho nghề.

Theo chia sẻ của ông Đặng Minh Sự, để đảm bảo chất lượng giảng dạy và quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp ngày càng hiệu quả và chất lượng hơn, Nhà nước cần có các quy định về việc đào tạo liên tục và cập nhật kiến thức mới, đặc biệt là trong các ngành nghề đang có sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và kỹ thuật.

Mặt khác, nên có các chính sách đãi ngộ cho cả nhà giáo và cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sao cho phù hợp với tính chất công việc và yêu cầu của ngành; bổ sung thêm chế độ thưởng và phúc lợi để khuyến khích nhà giáo không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng giảng dạy.

Đối với nhà giáo luân chuyển làm công tác quản lý thì cần bảo lưu các chế độ của nhà giáo (suốt giai đoạn họ được hưởng) và được cộng vào 05 năm cuối khi giải quyết chế độ hưu trí (đối với những trường hợp tham gia Bảo hiểm xã hội từ năm 1995 trở về trước ).

Bên cạnh đó cần cụ thể hóa vai trò và trách nhiệm của cán bộ quản lý trong việc đảm bảo chất lượng giảng dạy, tạo môi trường học tập hiệu quả cũng như việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho nhà giáo.

cđ công nghệ cao HN.jpg
Luật Nhà giáo cần bổ sung thêm quy định về việc đào tạo ngành nghề liên quan đến công nghệ và kỹ thuật. Ảnh minh họa: HHT

Ngoài ra, ông Đặng Minh Sự còn nhấn mạnh đến việc chú trọng, quan tâm sát sao công tác quản lý các hoạt động đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và với doanh nghiệp bên ngoài để mở rộng cơ hội thực tập, thực hành cũng như đảm bảo công việc cho người học sau tốt nghiệp.

"Trong bối cảnh lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều thay đổi, dự thảo Luật Nhà giáo cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ sở đào tạo như cung cấp cơ hội học tập, nghiên cứu và thăng tiến trong công việc cho đội ngũ giáo viên, giảng viên. Xây dựng các chương trình phát triển nghề nghiệp liên tục, hỗ trợ nhà giáo cập nhật kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Mặt khác, dự thảo Luật cần quy định rõ ràng về chương trình đào tạo và bồi dưỡng đối với cán bộ quản lý, tích cực xây dựng các khóa đào tạo thực tế liên kết với doanh nghiệp để giúp nhà giáo có thể áp dụng kiến thức vào thực tế giảng dạy.

Tuy nhiên, để những nội dung nêu trong dự thảo khi được thực thi, áp dụng trong thực tiễn sẽ đạt hiệu quả và mang lại nhiều điều tích cực thì rất cần đến cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo các quy định tại dự thảo Luật Nhà giáo được thực hiện đúng, đủ”, ông Đặng Minh Sự đề xuất.

Đồng tình với quan điểm trên, Nhà giáo ưu tú Lâm Văn Quản cũng cho rằng, việc bổ sung thêm các nội dung về hình thức đào tạo liên tục và bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo giáo dục đặc biệt là điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Theo đó, cần có thêm những nội dung yêu cầu giáo viên tham gia các khóa đào tạo nâng cao định kỳ, đặc biệt chú trọng đến các khóa đào tạo chuyên sâu về công nghệ mới và kỹ thuật số.

Song song với đó là tạo điều kiện cho giáo viên được trang bị kỹ năng mềm như tư duy phản biện, quản lý lớp học và giao tiếp hiệu quả.

Trên thực tế, những kỹ năng này không chỉ quan trọng với giáo dục phổ thông mà còn đặc biệt quan trọng đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học khi yêu cầu khả năng ứng dụng thực tiễn cao.

Khi tính chất công việc đặc thù của đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường phải đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình giảng dạy nên sẽ rất cần đến những chính sách liên quan đến quyền lợi, chế độ đãi ngộ, chính sách bảo hiểm, phúc lợi xã hội.

Đây sẽ là điều kiện và cơ sở để thu hút, giữ chân nhà giáo với nghề cũng như tạo thêm niềm tin cho nhà giáo yên tâm công tác.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/chi-thi-21-ct-tw-2023-nang-cao-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep-252787-d1.html

ĐÀO HIỀN