Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Sẽ có thêm dạng thức trắc nghiệm mới

29/12/2023 09:13
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có một số thay đổi mới trong cấu trúc và định dạng đề thi, trong đó sẽ có thêm một số dạng thức trắc nghiệm mới.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ bên lề hội nghị về tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực – tuyển sinh đại học năm 2024 và định hướng đổi mới từ năm 2025, do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 28/12/2023.

Năm học 2024-2025, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được áp dụng cho học sinh tất cả các khối, lớp trên cả nước. Theo đó, năm 2025, lứa học sinh đầu tiên học chương trình mới sẽ chính thức tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Doãn Nhàn

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Doãn Nhàn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, một vài ngày tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có công bố đề thi minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025, như đúng kế hoạch đã thông báo trước đó.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho hay, đề thi sẽ có một số thay đổi trong cấu trúc và định dạng đề thi so với hiện nay.

Đáng chú ý, đề thi tốt nghiệp từ năm 2025 sẽ có thêm một số dạng thức trắc nghiệm mới. "Hiện nay, các câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông đang ở định dạng nhiều lựa chọn (chủ yếu định dạng đề thi gồm 4 phương án lựa chọn và trong đó có một phương án đúng).

Chúng tôi đang nghiên cứu thêm một số định dạng trắc nghiệm mới và các em sẽ thấy trong đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố tới đây", ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết.

Nói thêm về điểm mới trong định dạng đề thi trắc nghiệm, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết những thay đổi này nhằm đánh giá đa dạng các năng lực khác nhau của thí sinh, phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh đó, kỳ thi cũng sẽ có sự thay đổi trong cách đánh giá, đó là chuyển từ đánh giá chú trọng về nội dung kiến thức sang định hướng chú trọng đánh giá năng lực người học.

Dự kiến các môn thi được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm, trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Doãn Nhàn

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Doãn Nhàn

Trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề làm sao để đảm bảo sự đồng đều về phổ điểm giữa các môn thi, đại diện Cục Quản lý chất lượng chia sẻ đây là vấn đề lớn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhìn thấy và đang rất quan tâm.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu các phương án để sớm có giải pháp tạo được sự cân bằng về phổ điểm giữa các môn thi, tuy nhiên đây cũng là vấn đề cần có thời gian và sự nghiên cứu kỹ lưỡng.

Về cách thức tổ chức kỳ thi, với phương án thi 4 môn (trong đó gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn), như vậy về mặt lý thuyết sẽ có tới 36 cách lựa chọn môn thi khác nhau. Ông Nguyễn Ngọc Hà thừa nhận với số lượng môn thi nhiều như vậy, khối lượng công việc mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn bị rất lớn và đầy khó khăn. Song, phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những dự kiến về phương án tổ chức, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi.

Bàn thêm về vấn đề làm sao để hạn chế những tranh cãi liên quan đến đề thi như những năm vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ, với một kỳ thi có quy mô lên đến hàng triệu thí sinh, với nhiều môn, đòi hỏi sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, theo ông Hà, đối với công tác làm thi, không thể đảm bảo chắc chắn rằng làm đúng quy trình sẽ không có sai sót, do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cố gắng hạn chế tối đa những sai sót có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, hàng năm sau mỗi kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều tổ chức họp đánh giá và rút kinh nghiệm chung cho các khâu tổ chức.

Đưa ra lời khuyên về việc ôn tập cho các thí sinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nhấn mạnh học sinh phải nắm vững nội dung, kiến thức trong quá trình học, thay vì học tủ, học mẹo để đối phó.

“Đề thi sẽ ngày càng được chuẩn hóa để tránh vấn đề học tủ, học lệch, với mục tiêu giúp học sinh thay đổi từ việc học để biết đến học để làm”, ông Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh. Ông cũng cho biết thêm, trong định dạng, cấu trúc đề mà Bộ Giáo dục và Đào tạo sắp công bố cũng sẽ có những định hướng quan trọng về các nội dung, năng lực học sinh cần chú ý - đây là một cơ sở quan trọng để học sinh xây dựng kế hoạch học tập phù hợp.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ gồm 4 môn, trong đó có hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và hai môn do học sinh lựa chọn trong số các môn học còn lại, gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc xét công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo phương thức kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Doãn Nhàn