ĐBQH kiến nghị giảm bớt thậm chí dừng kỳ thi riêng để tránh gây xáo trộn cho HS

20/03/2024 06:27
Nhi Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Các kỳ thi riêng ngày càng nở rộ, song thực tế, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học qua phương thức này còn khá khiêm tốn.

Tỷ lệ nhập học bằng điểm thi đánh giá năng lực/đánh giá tư duy năm 2023 chỉ 2,57%

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường đại học dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực. Tỉ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả các phương thức. [1]

Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2024, Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, năm 2023 có 546.686 thí sinh trúng tuyển đã thực hiện việc nhập học tại các trường trong cả nước, đạt tỷ lệ 82,45% tổng chỉ tiêu đại học và cao đẳng mầm non. Điều đáng nói, chỉ 2,57% thí sinh trúng tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thực hiện thống kê tỉ lệ sinh viên trúng tuyển nhập học bằng phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy ở một vài cơ sở giáo dục đại học.

Đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh có đề cập dữ liệu tuyển sinh năm 2021 và năm 2022. Phóng viên đã tiến hành thống kê dữ liệu chỉ tiêu, số sinh viên trúng tuyển nhập học Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh với phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể như sau:

a6354414-3fe0-4dfd-b1b6-bcdff6c86c9d.jpg

Từ bảng số liệu trên có thể thấy, số sinh viên trúng tuyển nhập học so với số chỉ tiêu Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh tuyển theo phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn. Năm 2021, chỉ có 13/168 sinh viên trúng tuyển nhập học, chiếm 7,73% so với chỉ tiêu. Năm 2022 có 122/252 sinh viên trúng tuyển nhập học, chiếm 48,4% so với chỉ tiêu.

Đa số các ngành học đều không tuyển đủ chỉ tiêu theo phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, ngành Quản trị kinh doanh hai năm liền (2021 và 2022) đều không tuyển được sinh viên nào với phương thức này, dù chỉ tiêu chỉ giữ nguyên là 10 sinh viên.

Về điểm trúng tuyển theo phương thức này, theo thống kê, năm 2022 mức điểm chuẩn của tất cả các ngành có xu hướng giảm.

diem chuan uef.jpg
Điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh theo phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng giảm qua 2 năm. (Số liệu từ đề án tuyển sinh năm 2023 của UEF)

Đề án tuyển sinh năm 2023 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng công khai dữ liệu tuyển sinh của hai năm học liền kề. Trong đó, năm 2022, nhà trường có phương thức xét tuyển dựa vào kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực.

Qua khảo sát, đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, số thí sinh trúng tuyển nhập học năm 2022 được khoảng 68% so với chỉ tiêu được duyệt.

Cụ thể như sau:

BUU C.jpg

Biểu đồ trên cho thấy, hầu hết các ngành học của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đều không tuyển đủ số sinh viên theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Năm 2022, ngành Kế toán chỉ tuyển được 8/40 sinh viên, chiếm 20% so với chỉ tiêu.

Ngành Thương mại điện tử tuyển được 3/10 sinh viên, chiếm 30%. Ngành Kỹ thuật điện tử viễn thông có 28 sinh viên trúng tuyển nhập học, trong khi đó chỉ tiêu là 50 sinh viên. Ngành công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử tuyển được 8/30 sinh viên, chiếm 26,6%. Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa không tuyển được sinh viên nào, chỉ tiêu là 5 sinh viên. Ngành Công nghệ Internet vạn vật cũng chỉ có 1 sinh viên trúng tuyển nhập học với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực/tư duy, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 5 sinh viên.

Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy tại cơ sở đào tạo ở phía Bắc của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, với phương thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực có số sinh viên trúng tuyển nhập học hơn 80%. Trong khi đó, ở cơ sở đào tạo phía Nam, lệ này chỉ có khoảng 40%.

CO SO.jpg

Theo thông tin tuyển sinh năm 2024 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, năm nay nhà trường vẫn giữ nguyên 4 phương thức tuyển sinh như năm ngoái.

Đó là: Xét tuyển thẳng (không giới hạn chỉ tiêu); xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội (dự kiến 20% tổng chỉ tiêu); xét tuyển kết hợp (dự kiến 30% tổng chỉ tiêu); xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 (50% tổng chỉ tiêu).

Xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, thí sinh phải có điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2024 từ 75 điểm trở lên; có điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 từ 600 điểm trở lên; có điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2024 từ 50 điểm trở lên.

Cần có sự kiểm soát chặt chẽ kỳ thi riêng để tránh tình trạng "trăm hoa đua nở"

Về vấn đề tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học bằng phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy có phần khiêm tốn, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa thiên Huế cho rằng, cần có sự xem xét kỹ lưỡng có nên giảm bớt hoặc thậm chí là dừng các kỳ thi riêng vì sự lãng phí không cần thiết.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu bày tỏ: "Rõ ràng việc thi tuyển đầu vào là rất quan trọng, nó tác động trực tiếp đến chất lượng đầu ra; thường đầu vào tốt thì đầu ra cũng sẽ tốt. Về kỳ thi riêng cần có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng "trăm hoa đua nở" gây áp lực thi cử cho thí sinh và cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo.

Theo tôi việc tổ chức các kỳ thi riêng phù hợp với giáo dục mũi nhọn hoặc là nên chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của từng ngành, từng lĩnh vực, chẳng hạn như khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, kỹ thuật chuyên sâu".

nguyen thi suu.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa thiên Huế. Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu, việc nở rộ các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy cũng phần nào khiến người học phân tán tư tưởng, ôm đồm tài liệu về năng lực trong khi lại sao nhãng kiến thức phổ thông cho việc hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

"Mặt khác, nếu các em tham gia quá nhiều kỳ thi riêng cũng khó đảm bảo việc học trên lớp. Thực chất, nguyện vọng sẽ được định hình theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh. Hơn thế nữa, dạng đề thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy các trường đưa ra là khác nhau, nếu không có sự kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tình trạng mọc lên các dịch vụ ôn thi, lò luyện thi. Và nhất thiết phải xác định mục đích cuối cùng của các kỳ thi riêng này là gì, nó mang tính quyết định hay lệ thuộc vào kỳ thi chung (kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông). Nếu kỳ thi riêng mang tính chất song hành, đồng hành cùng kỳ thi chung thì nên cân nhắc, tránh gây áp lực, tốn kém cho người thi, gia đình và xã hội", đại biểu Nguyễn Thị Sửu bày tỏ quan điểm.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, cần có sự đánh giá chất lượng các kỳ thi riêng khi tỷ lệ trúng tuyển theo phương thức này thấp. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét yêu cầu các trường tạm dừng tổ chức kỳ thi riêng để bổ sung các cơ chế, quy chế, tiêu chí thi cử chặt chẽ, đảm bảo chất lượng và quyền lợi cho người học.

unnamed.jpg
Tiến sĩ Lê Đông Phương. Ảnh: Viện

Cùng trao đổi với phóng viên vấn đề liên quan đến các kỳ thi riêng, Tiến sĩ Lê Đông Phương - chuyên gia giáo dục đại học, nguyên cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, nêu ý kiến băn khoăn về sự công bằng, nhất là trong cơ hội được đi thi.

Tiến sĩ Lê Đông Phương lý giải: “Có thể thấy, kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, các điểm thi diễn ra chủ yếu các tỉnh phía Bắc Trung Bộ, đồng bằng sông Hồng còn kỳ thi do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức có độ bao phủ rộng hơn, từ Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đến Tây Nam Bộ. Do đó, những thí sinh muốn sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội mà không nằm ở khu vực thi sẽ gặp khó khăn hơn, phải về địa điểm thi ở Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ dự thi hoặc nếu ở phía Nam phải đến nơi có kỳ thi của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để thi".

Tiến sĩ Lê Đông Phương cũng nhấn mạnh đến sự quan trọng của công tác hậu kiểm. Theo chuyên gia, nên xem xét làm rõ các kỳ thi riêng đã đảm bảo công bằng hay chưa? Tính chất học thuật của các kỳ thi này được đảm bảo như thế nào?

"Ngay hai kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có cấu trúc đề thi khác nhau, kết quả thi và phổ điểm khác nhau. Vậy các kỳ thi vừa mới công bố kế hoạch tổ chức lần đầu rất cần có sự kiểm chứng về chuyên môn để đảm bảo tính khả dụng và phù hợp tính chất thi.

Những kỳ thi nào không hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của việc xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học có lẽ phải được loại trừ ra khỏi hệ thống xét tuyển, ít nhất là bên ngoài cơ sở đào tạo tổ chức kỳ thi đó để tránh hiện tượng mất công bằng, tránh lãng phí và gây ra áp lực không đáng có", Tiến sĩ Lê Đông Phương nêu kiến nghị.

Tài liệu tham khảo:

[1]. https://giaoduc.net.vn/thoi-gian-le-phi-dia-diem-cua-cac-ky-thi-danh-gia-nang-luc-tu-duy-nam-2023-post232851.gd

Nhi Anh