ĐBQH đề nghị cần siết chặt quy định về tuyển sinh đối với nhóm ngành Sức khỏe

04/08/2024 07:29
Nhi Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -  Theo Đại biểu Quốc hội, nếu không siết chặt đầu vào trong tuyển sinh nhóm ngành Sức khỏe tại một số trường tư sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực.

Trong những năm gần đây, nhiều trường đại học tư thục bắt đầu tuyển sinh, đào tạo các ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe. Tuy nhiên, điều đáng nói, điểm trúng tuyển các ngành đào tạo nhân lực cho lĩnh vực y tế tại một số trường tư có sự chênh lệch khá xa so với các trường công lập. Có thể thấy, việc tuyển sinh ở trường tư có phần nới lỏng đầu vào, trong khi đó, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành Sức khỏe có bằng xuất sắc, giỏi lại "nhỉnh" hơn.

Đơn cử như ngành Y khoa, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Đại Nam, Trường Đại học Phan Châu Trinh năm 2021, năm 2022 đều lấy 22 điểm; năm 2023 lấy 22,5 điểm. Bên cạnh đó, mặc dù điểm chuẩn ngành Y khoa của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cao hơn 1,45 điểm (lấy 23,45 điểm) so với các trường tư thục nêu trên, nhưng mức điểm đầu vào của cơ sở này đang thấp hơn nhiều so với một số trường đại học công lập khác có cùng ngành đào tạo nhưng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc lại cao.

Tại Trường Đại học Duy Tân, theo tổng hợp số sinh viên tốt nghiệp tại báo cáo ba công khai năm học 2023-2024, số sinh viên khối ngành VI (gồm: Y khoa; Dược học; Điều dưỡng; Răng - Hàm - Mặt) tốt nghiệp loại xuất sắc chiếm 5,08%, loại giỏi chiếm 21,95%, loại khá chiếm 62,69%.

Tại Trường Đại học Đại Nam, theo công khai thông tin về sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm (số liệu tính tới ngày 31/12/2023), khối ngành VI có 433 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 1 sinh viên xếp loại xuất sắc; 40 sinh viên loại giỏi, 188 sinh viên loại khá. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường của khối ngành này là 90%.

Theo công khai thông tin về sinh viên tốt nghiệp tại thông báo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Y Hà Nội năm học 2023-2024, nhà trường có 489 sinh viên Y đa khoa tốt nghiệp, trong đó có 72 người xếp loại giỏi (chiếm 14,7%), 358 người xếp loại khá (chiếm 73,21%), không có xếp loại xuất sắc. [1]

Cùng với đó, vừa qua Tạp chí cũng phản ánh câu chuyện, thí sinh trúng tuyển sớm vào ngành Y khoa một trường đại học tư thục bằng hình thức xét học bạ. Tuy nhiên, điểm thi tốt nghiệp môn Sinh học chỉ được 4.75. [2]

Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn và lo ngại về chất lượng đào tạo.

Cần siết chặt quy định về tuyển sinh, đào tạo nhóm ngành Sức khỏe ở trường tư

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nếu chất lượng đào tạo và đầu vào nhóm ngành Sức khỏe không được kiểm soát chặt thì hậu quả sẽ khó lường vì nó liên quan đến tính mạng, đến sức khỏe con người.

trinh-thi-tu-anh-1396.jpg
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: quochoi.vn

"Tôi cho rằng, chất lượng đầu vào của ngành Y khoa là vô cùng quan trọng và cần được kiểm soát chặt chẽ. Việc có học sinh trúng tuyển ngành Y khoa của một số trường tư thục với hình thức xét học bạ, trong khi đó điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Sinh học không quá 5 điểm là một vấn đề đáng báo động, đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực y tế trong tương lai", Đại biểu Tú Anh nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, Đại biểu Tú Anh cũng nêu ra một số ảnh hưởng của tình trạng đầu vào nhóm ngành Sức khỏe ở một số trường tư đang bị nới lỏng.

Thứ nhất, chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi trường tư tuyển sinh với điểm chuẩn thấp thì sinh viên liệu có khả năng tiếp thu những kiến thức chuyên ngành phức tạp của ngành Y ở mức độ như thế nào. Hơn thế nữa, nếu sinh viên học yếu môn Sinh học sẽ gặp khó khăn trong việc thực hành các kỹ năng y khoa, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh trong tương lai. Đặc biệt, khi chất lượng đào tạo không bảo đảm, người học không đủ năng lực chuyên môn, sau khi ra trường, có thể tăng nguy cơ sai sót y khoa trong quá trình làm việc.

Thứ hai, việc đào tạo ra những bác sĩ không đủ năng lực sẽ làm giảm chất lượng nguồn nhân lực y tế, gây khó khăn cho hệ thống y tế trong việc đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Chất lượng đào tạo yếu kém sẽ làm giảm uy tín của ngành Y, khiến cho nhiều bạn trẻ không muốn theo đuổi ngành nghề này.

Theo Đại biểu Tú Anh, cần siết chặt quy định về tuyển sinh đối với nhóm ngành Sức khỏe. Theo đó, nâng cao điểm chuẩn đầu vào, xét tuyển đa chiều, tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình tuyển sinh, đặc biệt là các trường tư thục. Song song với đó là xây dựng cơ chế giám sát chất lượng, thực hiện kiểm tra định kỳ chất lượng đào tạo của các trường đại học. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về tuyển sinh và đào tạo.

"Việc đảm bảo chất lượng đầu vào và đào tạo của nhóm ngành Sức khỏe là một vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Chỉ khi có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, chúng ta mới có thể đào tạo ra những thế hệ bác sĩ giỏi, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân", Đại biểu Tú Anh nhấn mạnh.

Theo Đại biểu Tú Anh, trong tuyển sinh các ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe, cần đặt ra những tiêu chí riêng để đảm bảo chất lượng. Đầu tiên, yêu cầu về kiến thức vững chắc đối với môn Sinh học - môn học nền tảng, cũng như các môn khoa học tự nhiên khác. Cần xây dựng tiêu chí riêng cho từng trường, tiêu chí này cần đảm bảo tính công khai, minh bạch và phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng đầu vào, theo Đại biểu, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, các trường đại học và các bệnh viện. Theo đó, cơ quan quản lý cần ban hành những quy định chặt chẽ về tuyển sinh nhóm ngành Sức khỏe, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tuyển sinh, đào tạo của các trường.

Phóng viên băn khoăn, theo khảo sát, điểm chuẩn một số ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe tại một số trường tư như Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Đại Nam, Trường Đại học Võ Trường Toản... đều có mức bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong khi đó, cùng ngành đào tạo tại các trường công lập như Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí MInh… điểm đầu vào rất cao. Bên cạnh đó, số sinh viên tốt nghiệp bằng xuất sắc, giỏi của những ngành thuộc khối Sức khỏe ở trường tư cũng nhiều hơn.

Đại biểu Tú Anh đánh giá: "Điều này đặt ra một vấn đề hết sức đáng quan tâm về chất lượng đào tạo và tuyển sinh của các trường đại học tư, đặc biệt là trong lĩnh vực Y tế. Việc điểm chuẩn của một số ngành Sức khỏe tại các trường tư thục bằng với điểm sàn trong khi các trường tốp đầu có điểm chuẩn cao hơn, cùng với tỷ lệ sinh viên bằng xuất sắc, giỏi cao ở các trường tư, là một thực tế đáng suy ngẫm

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, cần có cơ chế kiểm định chất lượng đào tạo thường xuyên để đảm bảo các trường tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn. Xây dựng cơ chế thông tin minh bạch, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về chất lượng đào tạo của các trường đại học để người học và phụ huynh có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn.

"Chúng ta cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để đảm bảo chất lượng đào tạo của tất cả các trường đại học, đặc biệt là các ngành có liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người", Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh thêm.

Cần rà soát công tác tuyển sinh, đào tạo nhóm ngành Sức khỏe ở trường tư

Cùng bàn về vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, việc tuyển sinh các ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe trong một số năm gần đây ở một số trường đại học ngoài công lập có phần dễ đã được dư luận xã hội lên tiếng rất nhiều.

QHOI.jpeg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn

"Trước đây, khối ngành Sức khỏe chỉ có một số trường truyền thống, có uy tín đào tạo trong lĩnh vực này tuyển sinh. Có thể thấy điểm chuẩn các ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe tại các trường như vậy cũng rất cao.

Ở những thời điểm đó, khi mà con cái đỗ được vào các trường Y, Dược trở thành một niềm hãnh diện cho cả gia đình. Bởi vì đã có sự sàng lọc rất kỹ càng, khắt khe. Những em trúng tuyển thực sự có khả năng vượt trội.

Tuy nhiên, những năm gần đây, có thêm nhiều trường đại học, kể cả trường tư thục mở các ngành khối ngành Sức khỏe. Điều này dẫn đến tình trạng có những sinh viên không đỗ được các trường công tốp trên, thì sẽ chọn vào trường tư đào tạo cùng ngành với điểm chuẩn thấp hơn rất nhiều. Dư luận lo ngại cũng là điều dễ hiểu.

Tôi cho rằng chúng ta cần có sự rà soát lại về tuyển sinh, đào tạo vì những sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành này sẽ làm việc trong lĩnh vực y tế - liên quan trực tiếp không những đến sức khỏe mà cả tính mạng của người dân", Đại biểu Việt Nga nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo Đại biểu Việt Nga, quá trình đào tạo của các ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe cũng là một quá trình rất cẩn trọng và lâu dài.

Đại biểu Việt Nga nhìn nhận: "Các ngành khác bậc học đại học ở hầu hết các trường là 4 năm, nhưng mà với ngành Y tối thiểu là 6 năm. Ngoài ra còn chưa tính đến việc các em học thêm chuyên khoa nữa thì quá trình đào tạo một bác sĩ rất là dài chứ không giống như các ngành khác. Các em còn có một thời gian thực tập rất dài ở các bệnh viện lớn thì mới đủ năng lực, đủ khả năng để đảm đương phần nhiệm vụ của mình.

Chính vì vậy, nếu như chúng ta không chú ý đúng mức đến đầu vào khi tuyển sinh nhóm ngành Sức khỏe thì tôi e rằng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Tại sao nó ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo? Bởi vì nếu chất lượng đầu vào thấp thì chất lượng đầu ra cũng khó có thể bảo đảm được".

Theo Đại biểu Việt Nga, đối với giáo dục đại học, dù ở bất kỳ ngành nào cũng đều không được phép dễ dãi trong tuyển sinh, đặc biệt nhất là nhóm ngành Sức khỏe. Đại biểu kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Y tế nên có giải pháp tổng thể, rà soát về điều kiện tuyển sinh, trúng tuyển của nhóm ngành này tại các trường.

Nếu có sự dễ dãi trong khâu tuyển sinh thì nhất thiết là chúng ta cần phải chấn chỉnh lại. Một mặt là thiết lập điểm sàn của khối các Sức khỏe phải cao hơn điểm sàn của các ngành khác. Bởi vì đối với khối ngành này thì yêu cầu khắt khe hơn là điều chắc chắn.

Thứ hai, phải rà soát xem phương thức tuyển sinh của khối ngành Sức khỏe. Đại biểu dẫn ví dụ, có một số trường tư thục tuyển sinh nhóm ngành này bằng phương thức xét học bạ.

"Có trường lấy điểm số của cả 3 năm học trung học phổ thông nhưng có những trường chỉ lấy điểm số của năm lớp 12, thậm chí có những trường chỉ lấy điểm số của học kỳ 2 lớp 12 chẳng hạn. Cộng thêm đủ điều kiện để tốt nghiệp trung học phổ thông là các em có thể được vào học với khối ngành Sức khỏe.

Tôi cho rằng rằng chúng ta không nên áp dụng hình thức tuyển sinh đó mà cần thực chất hơn. Cần có những tiêu chí riêng của trường trong việc tuyển sinh, đào tạo nhóm ngành đặc thù này. Có như thế thì chúng ta mới tuyển được những sinh viên mà chất lượng đầu vào tốt, đảm bảo các đội ngũ y bác sĩ trong tương lai sẽ đảm đương được nhiệm vụ y tế", Đại biểu Việt Nga nhấn mạnh.

Ngoài ra, Đại biểu Việt Nga cho rằng, không chỉ siết đầu vào mà quản lý chất lượng đào tạo cũng như chất lượng đầu ra là việc hết sức cần thiết.

Vì sao tỷ lệ tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi nhóm ngành Sức khỏe trường tư cao hơn cả trường công tốp đầu?

Cùng trao đổi về vấn đề tuyển sinh, đào tạo các ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe tại một số trường tư thục, một giám đốc trung tâm tuyển sinh của trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, các trường trung học phổ thông cũng có một phần trách nhiệm trong định hướng nghề nghiệp cũng như đánh giá kết quả học tập của học sinh một cách thực tế hơn.

hoc phi y khoa.jpg
Học phí ngành Y khoa năm học 2024-2025 ở một số trường đại học.

“Có trường hợp học sinh trúng tuyển Y khoa bằng phương thức xét học bạ, trong khi điểm thi tốt nghiệp môn Sinh học thấp thì cũng cần nhìn nhận lại quá trình học tập, cho điểm ở trường trung học phổ thông. Liệu điểm trong học bạ đã phản ánh thực chất năng lực của học sinh hay chưa? Đáng nói, một số trường đại học tư thục tuyển sinh ngành Y thì “nhắm mắt làm ngơ", có trường tuyển chỉ xét điểm của năm học lớp 11, lớp 12 mà không nhìn nhận đến quá trình. Người ta muốn nhận hết thí sinh đăng ký xét tuyển, chưa thực sự quan tâm đến chất lượng đầu vào. Có một thực tế nữa là nếu không có sinh viên theo học thì trường không có chi phí để “đầu tư", vì học phí các ngành này rất cao, nên mới có chuyện nới lỏng đầu vào như thế.

Trong khi đó, rõ ràng, nhóm ngành Sức khỏe có đặc thù hơn các nhóm khác vì nó liên quan đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người. Thế nên quá trình tuyển sinh cần có sự chặt chẽ, quá trình đào tạo cần thực chất và khách quan”.

Vị cán bộ tuyển sinh này cũng nhìn nhận, quá trình tuyển sinh ngành Y ở một số trường tư có phần dễ dãi, nhưng khi tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên xuất sắc, giỏi lại cao hơn cả trường công tốp đầu đào tạo cùng ngành.

Vị này đặt ra băn khoăn, vậy chương trình đào tạo nhóm ngành Sức khỏe tại một số trường tư như thế nào, để dẫn đến kết quả tốt nghiệp loại giỏi có phần “nhỉnh" hơn so với trường công. Chẳng hạn, tại Trường Đại học Duy Tân, theo tổng hợp số sinh viên tốt nghiệp tại báo cáo ba công khai năm học 2023-2024, số sinh viên khối ngành VI (gồm: Y khoa; Dược học; Điều dưỡng; Răng - Hàm - Mặt) tốt nghiệp loại xuất sắc chiếm 5,08%, loại giỏi chiếm 21,95%, loại khá chiếm 62,69%.

Trong khi đó, thông báo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Y Hà Nội năm học 2023-2024 cho thấy, nhà trường có 489 sinh viên Y đa khoa tốt nghiệp, trong đó có 72 người xếp loại giỏi (chiếm 14,7%), 358 người xếp loại khá (chiếm 73,21%), không có xếp loại xuất sắc.

Do đó, theo chuyên gia tuyển sinh đại học, cần có sự kiểm định chặt chẽ về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo thực tế của những trường này.

“Nếu đầu vào không kiểm soát chặt, quá trình đào tạo không chuẩn, tỷ lệ tốt nghiệp loại giỏi, thậm chí xuất sắc tại trường tư còn cao hơn cả trường công tốp đầu thì cần có sự xem xét, đánh giá và quản lý chặt chẽ hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Điều này giúp đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực y tế. Ngoài ra, phụ huynh, học sinh cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi “chốt" theo học ngành Y ở trường nào, vì nếu không đủ năng lực, điểm đánh giá không đủ cao thì sẽ rất khó theo, lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc", vị cán bộ lưu ý thêm.

Chia sẻ với phóng viên, một cựu sinh viên ngành Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, anh trúng tuyển vào trường với mức điểm gần chạm ngưỡng tuyệt đối. Tuy nhiên, để có thể hoàn thành chương trình đào tạo và trở thành một bác sĩ, anh cũng đã trải qua một quá trình học tập, rèn luyện "trầy da tróc vảy" ở giảng đường, cơ sở y tế. Do đó, theo anh, việc kiểm soát đầu vào trong tuyển sinh nhóm ngành Sức khỏe là điều quan trọng, giúp sàng lọc những người có đủ năng lực, đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như chất lượng nguồn nhân lực y tế trong tương lai.

Cựu sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội đánh giá: "Ở hai môi trường khác nhau đào tạo cùng một ngành thì sẽ có các cách khác nhau để đánh giá năng lực đào tạo khác nhau. Theo kinh nghiệm học tập của tôi tại Trường Đại học Y Hà Nội, các chương trình học, thi đánh giá... đều chuẩn theo khung chương trình đào tạo và điểm số hay xếp loại tốt nghiệp phản ánh một cách khách quan năng lực thực chất của người đó.

Chẳng hạn, thi lâm sàng với hình thức vấn đáp, chỉ cần qua một vài câu hỏi là thầy cô đã có thể đánh giá được năng lực, sự hiểu biết của sinh viên rồi, và trong lớp tôi thì không có ai đạt được điểm 10, điểm tối đa giỏi nhất là 9 điểm.

Y khoa là một trong những ngành rất đặc thù, đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên sâu cũng như sự chủ động của chính người học. Ngay từ khi vào trường, nếu không có kiến thức nền tảng tốt cũng như không "nhập cuộc đua" thì sẽ rất khó để theo kịp chương trình".

Người này cũng cho biết, để hoàn thành chương trình học ngành Y hầu như các sinh viên trúng tuyển ban đầu đều có năng lực rất tốt, với mức điểm đầu vào rất cao. Nếu sinh viên có đầu vào thấp cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đào tạo và bản thân người học đôi khi cũng dễ rơi vào trạng thái muốn bỏ cuộc.

Cựu sinh viên ngành Y khoa cho rằng, ngay từ ngưỡng cửa chọn nghề nghiệp tương lai, học sinh cần nghiêm túc nhìn nhận năng lực bản thân, đừng chỉ chú ý đến điểm chuẩn ở một số trường tư với mức thấp mà "tặc lưỡi" theo học. Ngoài ra, cần đặt những câu hỏi về chất lượng đào tạo ở một số trường có điểm chuẩn thấp như vậy liệu có đảm bảo hay không.

Anh nhấn mạnh, học Y là theo đuổi cả đời, hoàn thành chương trình đào tạo 6 năm ở trường đại học xong còn phải trải qua một quá trình dài thực hành ở cơ sở y tế, vượt qua những kỳ thi với lượng kiến thức phức tạp. Do đó, nếu không đủ năng lực, đam mê, yêu nghề thì sẽ rất dễ "đứt gánh giữa đường", tốn thời gian, công sức và cả tiền bạc.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/linh-vuc-suc-khoe-dh-tu-diem-chuan-thap-ty-le-tot-nghiep-xuat-sac-lai-cao-post244500.gd

[2] https://giaoduc.net.vn/do-nganh-y-khoa-bang-xet-hoc-ba-diem-tot-nghiep-sinh-lai-duoi-5-gay-lo-ngai-post244340.gd

Nhi Anh