Dạy môn tích hợp, thầy cô có cần biết mười dạy một?

10/12/2022 06:36
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kiến thức, kĩ năng, phẩm chất, năng lực, của học trò lĩnh hội, phát triển được qua tiết học, chính là thành công, hạnh phúc của người thầy.

Chương trình giáo dục 2018 có môn học mới Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên đã nhận được ý kiến trái chiều của dư luận ngay từ khi lấy ý kiến xã hội.

Các bài báo phản ánh vấn đề này với tiêu đề như: “Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn có dạy được Vật lý, Hóa học không? Nếu không, đừng ép”, “Kiến nghị ĐBQH, Đoàn giám sát làm rõ bất cập, than phiền về môn tích hợp”, “Giáo viên đang trực tiếp dạy môn tích hợp: "Thực sự chúng tôi đang rất khổ!"”,..

“Giáo viên chứng minh môn tích hợp chỉ là sự lắp ghép cơ học”, “GV dạy tích hợp: Chuyên môn Sinh-Hóa, HS hỏi hóc búa về Vật lý là tôi "bó tay"”, “Nhiều kỳ vọng môn tích hợp nhưng thực tế phần lớn là ghép cơ học 2-3 môn học”….

“Nhiều than phiền về dạy học môn tích hợp, mong GS Thuyết và cộng sự lên tiếng”, dư luận xã hội rất muốn chủ biên và cộng sự có giải đáp thỏa đáng, nhưng dường như mọi thứ vẫn đang rơi vào im lặng.

Ảnh minh họa Nguyễn Nhật Minh

Ảnh minh họa Nguyễn Nhật Minh

Có chứng chỉ tích hợp loại Giỏi có dạy tốt môn tích hợp không?

Người viết xin chia sẻ của cô giáo Minh Trang, có bằng Đại học Sư phạm Sinh loại Giỏi, chứng chỉ tích hợp loại Giỏi, thâm niên 17 năm dạy trung học cơ sở, nay đang dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 7 ở một thành phố phía nam:

“Kiến thức phổ thông môn Hóa sau 17 năm công tác, giờ chỉ còn 2 hay 3, nay dạy 1, nên tôi cùng học với học sinh, làm bạn với học sinh.

Một số kiến thức các em hỏi trong bài, nói thật, tôi không dám chắc hiểu biết của mình đúng, nên đành "nợ” các em.

Trước đây, có học sinh hỏi “Sao không chia nhóm trong bảng tuần hoàn thành nhóm I, II, III, … từ trái sang phải cho dễ nhớ, dễ hiểu, mà chia IA, IB… chi cho rối rắm cô ơi?”, tôi không trả lời được, tôi biết các em đã mất niềm tin với tôi.

Tôi đã đề nghị nhà trường phân giáo viên dạy theo môn, nhưng nhà trường bảo tôi có chứng chỉ dạy tích hợp rồi, phải dạy môn Khoa học tự nhiên 7 theo tuyến tính, không thể phân chia giáo viên dạy theo môn được.

Tôi mong từng ngày sao cho qua phần kiến thức môn Hóa học, chứ đi dạy mà “sợ” học sinh hỏi bài thế này thì xấu hổ lắm.

Phần kiến thức hóa học đã khổ, chưa biết phần kiến thức môn Lý sao đây, nghĩ đến là thấy áp lực quá.

Muốn dạy tốt, phải biết 10 dạy 1, nếu không, dù có chứng chỉ tích hợp cũng không thể dạy tốt môn tích hợp”, cô Trang tâm sự.

Dạy môn tích hợp, thầy cô có cần biết mười dạy một?

Thực tế là vậy, phải biết 10 dạy 1 mới tự tin, nếu không, dù có chứng chỉ tích hợp cũng không thể dạy tốt môn tích hợp, đã và đang nằm trong tư duy của chính giáo viên.

Giáo viên không tự tin với kiến thức của chính mình, không thể có phương án để tổ chức dạy học tích cực, tiết dạy không thể tốt là điều chắc chắn. Vậy dạy môn tích hợp, thầy cô có cần biết mười dạy một?

Nhiều ý kiến cho rằng, học sinh trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay đã có thể tiếp cận, học hỏi với những "ông thầy" biết tuốt, biết cả triệu lần, tỷ lần chứ không phải biết 10. Vì vậy giáo viên phải cởi bỏ được "cái khuôn" đã và đang tự làm khổ mình, làm khổ trò.

Cái học sinh cần ở thầy cô giờ đây không đơn thuần là kiến thức, mà cần nhất chính là thầy cô hướng dẫn phương thức tìm ra kiến thức, hình thành kĩ năng.

Thực tế, mỗi thầy cô có thói quen khó bỏ, khó thay đổi trong dạy học. Đã đến lúc mỗi giáo viên phải tự đổi mới chính mình, lấy áp lực làm động lực, chuyển đổi tư duy “không thầy đố mày làm nên” thành “không trò đố thầy làm nên”.

Giáo viên phải coi những thắc mắc, câu hỏi khó của học sinh đưa ra với mình, là thành công, mình đã gợi mở đúng hướng, học sinh đã biết tự học, tự tìm tòi và sáng tạo.

Tuy nhiên, qua thực tế dạy học cũng như ghi nhận ý kiến của các thầy cô trên cả nước, người viết thấy rằng, giáo viên đang “cô đơn”, khốn khổ khi dạy môn tích hợp, cần sự đồng hành của lãnh đạo, chứ không nên chỉ ở khâu chỉ đạo.

Và một thực tế khác, người biên soạn sách giáo khoa, người làm chương trình cũng chỉ là những người được đào tạo đơn môn, vì vậy khi “lắp ghép” kiến thức, những “mối nối” rõ ràng, rạch ròi, tích mà không hợp.

Vì vậy, giáo viên chúng tôi muốn các tác giả viết sách dạy tiết học không phải là chuyên môn của mình để thị phạm cho giáo viên.

Ví dụ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Cự Giác - Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 6, Bộ Chân trời sáng tạo (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) dạy 1 vài tiết kiến thức môn Sinh, Lý, trong sách Khoa học tự nhiên 8, 9 cho giáo viên thị phạm.

Và ngược lại, các tác giả viết phần kiến thức môn Sinh, Lý hãy dạy phần kiến thức Hóa. Trăm nghe không bằng một thấy, từ ví dụ cụ thể của mình, các tác giả giúp định hướng phương pháp, giáo viên chúng tôi rất cảm ơn.

Hơn nữa, trong sách giáo viên môn tích hợp nói chung, môn Khoa học tự nhiên nói riêng, các tác giả hãy đặt mình là giáo viên trái chuyên môn đào tạo, đề xuất các phương án dạy học để giáo viên tham khảo, học tập, áp dụng.

Có như thế mới có sự thống nhất giữa chỉ đạo, hướng dẫn từ Bộ, đến Nhà xuất bản, đến tác giả viết sách giáo khoa, đến giáo viên.

Bên cạnh đó, cần cung cấp đầy đủ các thiết bị dạy học để giáo viên, học sinh có cơ sở “chuyển đổi số”, từ thực tế rút ra kiến thức, đừng để thầy dạy “chay”, trò học “chay”, đã khó lại chồng thêm khó.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/bo-truong-gd-dt-mo-hinh-bac-thay-uyen-bac-biet-10-day-1-khong-con-phu-hop-2082445

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh