Dạy học qua truyền hình, cơ hội tuyệt vời thầy trò trải nghiệm Chương trình mới

08/09/2021 06:59
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đây là cơ hội rất tốt để Bộ Giáo dục và Đào tạo tập hợp các vị tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới thực hành dạy theo Chương trình GDPT 2018.

Đã có nhiều ý kiến bàn ra, bàn vào về dạy học trực tuyến giữa mùa dịch Covid, “Dạy và học trực tuyến lúc này chỉ nên bàn “tiến”, đừng bàn “lùi””.

Đúng hay sai, lùi hay tiến, chỉ kiểm chứng trên thực tế, mới rút ra cách làm hay nhất cho chiến lược dạy và học giữa đại dịch Covid nói riêng và có thể có đại dịch, thiên tai khác nói chung.

Sau một ngày, thực tế dạy trực tuyến như thế nào?

Dạy học trực tuyến hiện nay đang gặp nhiều khó khăn về thiết bị đầu cuối, cơ sở hạ tầng công nghệ,... Đã có địa phương “Học trực tuyến nhiều nơi bất khả thi, Quảng Bình điều chỉnh thời gian dạy học”; “Khoảng 75.000 học sinh TP Hồ Chí Minh không đủ điều kiện học trên internet”;...

Qua một ngày học chính thức (06/9), sau một lễ khai giảng “có một chưa hai” đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước nhà, mạng xã hội “rực rỡ sắc màu” sẻ chia của thầy cô giáo sau khi dạy trực tuyến.

Chia sẻ của giáo viên sau ngày đầu dạy trực tuyến trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Chia sẻ của giáo viên sau ngày đầu dạy trực tuyến trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Mỗi cơ sở giáo dục khác nhau, sử dụng phần mềm dạy trực tuyến khác nhau; có phí, không phí; nhưng nói chung, khi sử dụng đồng loạt trên bình diện rộng đã xảy ra hiện tượng “tắc đường”, không có “lực lượng cảnh sát giao thông” nào hỗ trợ được.

Hiện tượng “tắc đường” khi dạy trực tuyến không chỉ xảy ra ở nông thôn mà cả các thành phố cũng có “Đường truyền không ổn định, "đứng mạng" khiến thầy trò học trực tuyến chật vật”.

Sau ngày đầu thực hiện dạy trực tuyến, phần đông thầy cô đều vui vẻ và mừng rỡ vì “mất mạng” nhưng cả cô và trò đều... còn sống; nhưng vô cùng lo ngại nếu tình trạng nghẽn mạng không được khắc phục.

"Dạy học qua truyền hình là phương án ưu việt nhất”

Sự thật, dạy trực tuyến hiện nay cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, đã được thực tế kiểm chứng, “Đại trà dạy học trực tuyến chỉ mang lại thuận lợi cho một bộ phận nhỏ học sinh” đó là một thực tế.

Vì vậy, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về giải pháp ưu tiên cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở được chuyển sang học đại trà qua các kênh truyền hình cả nước trong mùa dịch COVID. Đây là một ý kiến thể hiện tâm huyết, trách nhiệm với giáo dục phổ thông.

Ý kiến của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã được “Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với một số đài truyền hình tổ chức dạy học qua truyền hình”.

Đôi điều kiến nghị

Việc dạy học qua truyền hình đã và đang được một số kênh truyền hình địa phương thực hiện riêng lẻ, thế nhưng cần một giải pháp mang tính tổng thể trên cả nước. Muốn làm được điều đó Bộ Giáo dục phải thể hiện vai trò thủ lĩnh về chuyên môn, điều phối việc dạy và học trên truyền hình.

Với các lớp từ lớp 3 đến lớp 12, cần 9 kênh truyền hình, dạy học theo thời khóa biểu chung (lúc này, các trường chấp nhận thực hiện chỉ đạo chuyên môn, kế hoạch dạy học của Bộ); các chương trình nay có chức năng xem lại, giúp học sinh có thể xem lại cho hiểu bài.

Với các lớp đã thực hiện chương trình mới, mỗi tỉnh có 1 bộ sách khác nhau, nên cũng không ít nhà giáo và cha mẹ học sinh băn khoăn là dạy học theo bộ sách nào, như thế nào?

Tuy nhiên đây chính là cơ hội để chứng minh giá trị ưu việt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018: dạy theo chương trình, không dạy theo sách giáo khoa.

Hầu hết giáo viên đều được nghe như vậy, nhưng mới chỉ nghe nói, mới biết chủ trương, còn dạy theo chương trình như thế nào thì chưa từng thực mục sở thị. Đây là cơ hội rất tốt để Bộ Giáo dục và Đào tạo tập hợp các nhà giáo tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới thực hành dạy theo chương trình trên tinh thần "chương trình" là pháp lệnh, sách giáo khoa là học liệu để cả thầy và trò cùng học tập.

Nhà trường cần thông báo đến học sinh, tránh sự bỡ ngỡ, bất ngờ, khi học sinh thấy học không giống sách giáo khoa. Trong dịch bệnh, có thể thấy điểm tích cực ở chỗ này, giúp giáo viên và học sinh dạy và học theo chương trình, không cần... theo sách giáo khoa.

Tuy nhiên, nếu các địa phương có giải pháp nâng cao tốc độ đường truyền, học sinh vừa được học trực tuyến, vừa được học qua truyền hình, chất lượng giáo dục sẽ tốt hơn, khắc phục được ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến giáo dục.

Sơn Quang Huyến