Đào tạo TS là đào tạo tinh hoa, cần có chính sách học bổng thu thu hút người học

24/10/2023 06:20
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng đào tạo tiến sĩ là đào tạo tinh hoa, cần có chính sách học bổng, hỗ trợ kinh phí để thu hút người học.

Đầu tư cho giáo dục đại học nói chung, đào tạo trình độ tiến sĩ nói riêng còn thấp

Vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đưa ra báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ.

Trong báo cáo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ: Vấn đề phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trong đó phát triển đội ngũ tiến sĩ với tư cách là bộ phận tinh hoa trong đội ngũ nhân lực chất lượng cao, luôn được xác định là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược đột phá trong các văn kiện Đại hội Đảng và các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời gian gần đây.

Tuy nhiên, khung pháp lý định hướng cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ tiến sĩ nhằm hình thành lực lượng đầu đàn trong đội ngũ nhân lực chất lượng cao còn chưa đầy đủ. Đồng thời, chưa có định hướng lĩnh vực ngành nghề ưu tiên trong đào tạo trình độ tiến sĩ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0.

Một số ít cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ có tốc độ gia tăng quy mô tuyển sinh, đào tạo lớn nhưng chưa có sự đồng bộ, chưa tương xứng với năng lực, các điều kiện bảo đảm chất lượng. Quy trình tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ của nhiều cơ sở còn thiếu chặt chẽ, chưa tuân thủ nghiêm túc quy chế. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ ở một số cơ sở vẫn để xảy ra sai phạm nhưng chưa được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời.

Cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo trình độ tiến sĩ tại nhiều nơi chưa được đầu tư đúng mức; nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế. Mức đầu tư từ ngân sách thấp, quản lý phân tán thông qua nhiều cơ quan, bộ, ngành. Có sự chênh lệch lớn giữa tỉ lệ nguồn nhân lực nghiên cứu và phân bổ tài chính cho các tổ chức nghiên cứu ở Việt Nam. Chưa có hệ thống chính sách hoàn chỉnh hỗ trợ về tài chính cho nghiên cứu sinh học tập, nghiên cứu.

Tỉ lệ phân bố quy mô ngành nghề đào tạo trình độ tiến sĩ. Nguồn: Số liệu tổng hợp, phân tích từ thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tỉ lệ phân bố quy mô ngành nghề đào tạo trình độ tiến sĩ.

Nguồn: Số liệu tổng hợp, phân tích từ thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc đánh giá chất lượng luận án tiến sĩ còn có bất cập, không đồng đều trong hệ thống. Một vài đề tài, luận án tiến sĩ có hàm lượng khoa học chưa tương xứng với bậc đào tạo trình độ tiến sĩ nhưng vẫn được chấp nhận thông qua, tạo ra những ý kiến lo ngại, bức xúc trong dư luận xã hội. Tinh thần trách nhiệm, tính nghiêm minh, khách quan, việc ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan đối với bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ thể hiện trong quy định còn chưa chặt chẽ.

Đặc biệt, đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đại học nói chung, đào tạo trình độ tiến sĩ nói riêng còn thấp. Mặc dù tỉ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học của Việt Nam giai đoạn 2018-2020 tăng từ 0,25% lên 0,27% GDP, song còn thấp hơn nhiều so với khu vực và thế giới: Thái Lan (0,64%), Trung Quốc (0,87%), Singapore và Hàn Quốc (1%), Malaysia (1,13%).

Chi phí đào tạo 01 tiến sĩ tại các trường đại học công lập trung bình khoảng 16 triệu đồng/năm (trừ lĩnh vực khoa học sức khỏe khoảng gần 32 triệu đồng). Mức này cũng thấp hơn rất nhiều so với thế giới. Như tại Anh, chi phí này khoảng 15-16.000 bảng mỗi năm (450 triệu đồng), Australia khoảng 22-40.000 AUD (340-620 triệu đồng), Singapore khoảng 20-25.000 SGD (357-447 triệu đồng), Mỹ khoảng 28-40.000 USD (688-983 triệu đồng).

Do đó, các cơ sở đào tạo tiến sĩ trong nước gặp nhiều khó khăn trong bảo đảm điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu sinh thực hiện nghiên cứu, tiếp cận với tài liệu, công bố khoa học mới nhất để tham khảo và nâng cao chất lượng luận án.

Từ đó, Ủy ban Văn hóa Giáo dục cũng cho rằng, cơ chế, chính sách học bổng và hỗ trợ kinh phí đào tạo cho nghiên cứu sinh của Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, nghiên cứu sinh không những không phải đóng học phí mà còn được cấp học bổng với mức đủ bảo đảm chi phí sinh hoạt hằng tháng và kinh phí hỗ trợ cho việc hoàn thiện luận án tiến sĩ, thậm chí còn được nhận lương khi tham gia trợ giảng hoặc nghiên cứu cùng người hướng dẫn (như ở Mỹ, Hàn Quốc, Singapore…). Trong khi đó, nghiên cứu sinh ở Việt Nam vừa phải đóng học phí, vừa bị hạn chế tiếp cận các nguồn tài trợ nghiên cứu từ cơ sở đào tạo.

Ngoài ra, Việt Nam chưa có các chính sách hỗ trợ, thu hút người học tiến sĩ ở các ngành, lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên và công nghệ rất cần thiết nhưng kén chọn người học, không hấp dẫn nghiên cứu sinh (như các ngành vật lý địa cầu, vật lý hạt nhân, các ngành nông nghiệp, chăn nuôi…).

Số lượng nghiên cứu sinh tuyển mới, quy mô đào tạo và số lượng tốt nghiệp tiến sĩ giai đoạn 2000-2021. Nguồn: Tổng hợp từ số liệu thống kê hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Số lượng nghiên cứu sinh tuyển mới, quy mô đào tạo và số lượng tốt nghiệp tiến sĩ giai đoạn 2000-2021. Nguồn: Tổng hợp từ số liệu thống kê hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thúc đẩy tính liêm chính học thuật, đạo đức nghiên cứu, tránh tình trạng dễ dãi

Để nâng cao số lượng và chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, cần triển khai tốt một số định hướng nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ và khả thi trên tinh thần vì mục tiêu chất lượng.

Thứ hai, quán triệt quan điểm coi đào tạo tiến sĩ là đào tạo tinh hoa. Quan tâm phát triển hài hòa về số lượng và chất lượng trong đào tạo tiến sĩ; kiểm soát chất lượng đầu vào, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng đầu ra. Có cơ chế, chính sách ưu tiên đào tạo trình độ tiến sĩ ở các ngành, lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các ngành công nghệ cao, công nghệ cốt lõi.

Thứ ba, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng. Thực hiện tốt các chính sách thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên có năng lực. Nâng cao tiêu chuẩn, tiêu chí và ràng buộc trách nhiệm của người hướng dẫn, người phản biện, người tham gia hội đồng đánh giá chất lượng luận án. Xây dựng, cập nhật chương trình đào tạo theo hướng linh hoạt, hiện đại, hội nhập quốc tế. Xây dựng mạng lưới, ngân hàng dữ liệu về đội ngũ giảng viên, hướng dẫn khoa học theo lĩnh vực chuyên ngành, tạo thuận lợi trong lựa chọn người hướng dẫn, phản biện kín và tham gia hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ.

Tăng cường nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư công cho nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ. Cải tiến cơ chế tài chính, thay đổi phương thức cấp phát kinh phí cho đào tạo, nghiên cứu sang hình thức đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ. Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho các ngành khoa học cơ bản, các lĩnh vực nghiên cứu cần thiết mà Nhà nước có nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng khó thu hút người học.

Xây dựng chính sách hỗ trợ học bổng, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học cho nghiên cứu sinh có kết quả nghiên cứu, học tập xuất sắc, những đề tài/luận án có tính ứng dụng cao. Có cơ chế ưu tiên trong xét duyệt đối với các đề tài nghiên cứu có tuyển dụng, sử dụng nghiên cứu sinh để triển khai thực hiện. Tập trung đầu tư cho các đơn vị đào tạo có uy tín, chất lượng, tránh tình trạng dễ dãi trong tổ chức tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ, nâng cao chất lượng đào tạo.

Quy mô nghiên cứu sinh giai đoạn 2020-2022 phân theo khối ngành. Nguồn: Báo cáo số 571/BC-BGDĐT ngày 03/4/2023; Báo cáo tổng kết năm học 2022-2023 về giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quy mô nghiên cứu sinh giai đoạn 2020-2022 phân theo khối ngành. Nguồn: Báo cáo số 571/BC-BGDĐT ngày 03/4/2023; Báo cáo tổng kết năm học 2022-2023 về giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ tư, đào tạo tiến sĩ phải gắn chặt với chương trình, hoạt động nghiên cứu khoa học của cơ sở đào tạo; xây dựng, phát triển quan hệ hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với các viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, mũi nhọn bên trong, giữa các cơ sở đào tạo. Có chính sách hỗ trợ nghiên cứu sinh, người hướng dẫn trong công bố quốc tế về kết quả nghiên cứu. Thúc đẩy hợp tác giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển, đẩy mạnh khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Có chính sách và định hướng khuyến khích nâng tầm chất lượng hệ thống tạp chí khoa học trong nước; thúc đẩy việc công khai, minh bạch trong xuất bản, công bố công trình nghiên cứu khoa học.

Thứ năm, mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo tiến sĩ. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm đẩy mạnh triển khai các chương trình liên kết nghiên cứu khoa học, hợp tác trong đào tạo trình độ tiến sĩ giữa các cơ sở đào tạo trong nước với các cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng cao trên thế giới. Có chính sách khai thác các cơ hội của việc xây dựng không gian giáo dục đại học ASEAN để định hướng việc đào tạo tiến sĩ của Việt Nam đạt chuẩn chất lượng của khu vực và quốc tế. Có chính sách thu hút các nhà khoa học nước ngoài có uy tín tham gia hoạt động đào tạo tiến sĩ trong nước; đẩy mạnh hình thức đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh bởi chuyên gia, nhà khoa học trong nước và nước ngoài.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng quản lý và tổ chức đào tạo; phát huy tự chủ, nâng cao trách nhiệm công khai, giải trình trong đào tạo trình độ tiến sĩ. Hoàn thiện, nâng cao năng lực bộ máy quản lý đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý đào tạo trình độ tiến sĩ. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát, có chế tài ràng buộc trách nhiệm, xử lý nghiêm các vi phạm trong tổ chức, quản lý đào tạo, trong đánh giá chất lượng luận án tiến sĩ.

Xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn đánh giá về chất lượng hoạt động đào tạo tiến sĩ, tiêu chuẩn tối thiểu đánh giá chất lượng của các luận án tiến sĩ ở từng ngành theo hướng tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế. Quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu, có sự chia sẻ, sử dụng chung dữ liệu này để kiểm soát tình trạng sao chép, thúc đẩy tính liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu.

Kiến nghị có chính sách hỗ trợ học bổng, kinh phí nghiên cứu khoa học

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đề cập đến một số kiến nghị, đề xuất.

Đối với Quốc hội: Có nghị quyết chuyên đề về định hướng chính sách thúc đẩy, khuyến khích phát triển đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, trong đó có những quy định định hướng mục tiêu chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong xây dựng và phát triển đội ngũ tiến sĩ với tư cách là bộ phận tinh hoa trong đội ngũ nhân lực chất lượng cao; có cơ chế, chính sách sử dụng, trọng dụng đội ngũ trí thức trình độ tiến sĩ.

Nghị quyết cũng cần làm rõ lộ trình nâng tỉ trọng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học tính trên GDP đạt mức trung bình của các nước trong khu vực; tăng định mức đầu tư cho đào tạo tiến sĩ nói riêng và đào tạo sau đại học nói chung, bảo đảm hiệu quả và chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao. Có định hướng đầu tư tập trung cho các cơ sở giáo dục đại học có tiềm lực và chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trong hệ thống, nhất là ở một số ngành, lĩnh vực ưu tiên để hình thành một số cơ sở giáo dục đại học đẳng cấp quốc tế, có vai trò tiên phong, nhiệm vụ dẫn dắt hệ thống, tạo động lực phát triển khoa học công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với Chính phủ: Xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển đội ngũ tiến sĩ trong mối quan hệ với phát triển khoa học công nghệ và phát triển nhân lực chất lượng cao; trong đó, ưu tiên phát triển đào tạo tiến sĩ ở các ngành, lĩnh vực công nghệ cốt lõi phục vụ trực tiếp cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tăng đầu tư nguồn lực cho giáo dục đại học nói chung, trong đó có đào tạo trình độ tiến sĩ. Sớm ban hành quy hoạch mạng lưới các trường đại học làm căn cứ xây dựng các đại học, trường đại học định hướng nghiên cứu để ưu tiên đầu tư. Hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa giáo dục đại học, đặc biệt là cơ chế hợp tác công - tư. Xem xét, ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho hoạt động đào tạo tiến sĩ; chính sách hỗ trợ học bổng nghiên cứu cho nghiên cứu sinh; chính sách gắn việc giao đề tài, nhiệm vụ khoa học với đào tạo tiến sĩ.

Chỉ đạo xây dựng, ban hành chính sách sử dụng, trọng dụng trí thức, nhân lực chất lượng cao; có cơ chế, chính sách, quy định tạo điều kiện cho các giáo sư, phó giáo sư đã nghỉ chế độ nhưng có uy tín, kinh nghiệm đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn được tiếp tục tham gia các hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ các cấp.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn, điều chỉnh công tác đào tạo trình độ tiến sĩ theo hướng áp dụng các chuẩn khu vực và quốc tế đối với các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Xác lập rõ lộ trình nâng cao chất lượng dài hạn, ổn định. Nhanh chóng xây dựng, thẩm định, ban hành chuẩn chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ nói riêng, các trình độ giáo dục đại học nói chung làm căn cứ để cơ sở đào tạo xây dựng, cập nhật, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu, đảm bảo chất lượng đầu ra.

Tiếp tục triển khai các đề án về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; hoàn thiện đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao các ngành công nghệ cao.

Có cơ chế linh hoạt, đặc thù về tuyển sinh, về các điều kiện bảo đảm chất lượng, nhất là lộ trình thực hiện quy định về giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy, hướng dẫn, tham gia hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ đối với một số ngành nghề đặc thù (như nghệ thuật truyền thống…), cơ sở đào tạo đặc thù (như Học viện Khoa học và Công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Có giải pháp, phương án kiểm soát chất lượng đầu vào về ngoại ngữ, năng lực chuyên môn của nghiên cứu sinh.

Bổ sung quy định ràng buộc trách nhiệm của người hướng dẫn, của phản biện độc lập và của thành viên các hội đồng trong bảo đảm chất lượng, giá trị khoa học của luận án tiến sĩ. Đề cao liêm chính học thuật, tránh nể nang, dễ dãi trong hướng dẫn, đánh giá, phản biện luận án. Phân biệt rõ yêu cầu về công trình khoa học công bố quốc tế đối với từng ngành, lĩnh vực. Cập nhật, công khai danh mục tạp chí khoa học uy tín được công nhận theo từng khối ngành; có chiến lược phát triển, nâng tầm chất lượng hệ thống tạp chí khoa học trong nước đáp ứng theo các tiêu chí, chuẩn mực quốc tế.

Giám sát chặt chẽ việc mở ngành đào tạo tiến sĩ đáp ứng nhu cầu xã hội. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, thẩm định chất lượng luận án tiến sĩ của các cơ sở đào tạo theo quy định. Công bố công khai thông tin về cơ sở đào tạo không đáp ứng yêu cầu, điều kiện trong tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ để định hướng dư luận xã hội và người học có lựa chọn chính xác khi đăng ký tuyển sinh trình độ tiến sĩ. Kiên quyết đình chỉ đào tạo các ngành hoặc những cơ sở đào tạo không đảm bảo các điều kiện về đội ngũ giảng viên, người hướng dẫn và cơ sở vật chất hoặc để xảy ra những sai phạm trong quá trình đào tạo tiến sĩ.

Nghiên cứu đề xuất cấp học bổng đào tạo tiến sĩ trong nước, trước hết ưu tiên các ngành cơ bản, mũi nhọn.

Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động chất lượng cao, trong đó có lao động trình độ tiến sĩ làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo tiến sĩ một cách bài bản. Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ: (i) xây dựng chiến lược phát triển ngành và lĩnh vực đào tạo trọng điểm, xây dựng nhu cầu quốc gia về nguồn lực lao động có trình độ tiến sĩ, phục vụ tốt cho nhu cầu sử dụng, phát triển khoa học công nghệ quốc gia; (ii) xem xét, đánh giá, đề xuất tái cơ cấu Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) theo hướng phân bổ thống nhất bởi một cơ quan.

Ngoài ra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng có một số đề xuất, kiến nghị khác đối với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương; đối với các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ.

Huệ Phương