Đào tạo lái xe ô tô có còn thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp?

29/07/2023 06:35
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Trung
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo cách “học gì, thi nấy” thì hầu như không thể cấu trúc chương trình đào tạo lái xe theo mô-đun như quy định của giáo dục nghề nghiệp.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2023 quy định “cơ sở đào tạo lái xe là đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo lái xe” khác với “cơ sở đào tạo lái xe là loại hình cơ sở dạy nghề” của Luật Giao thông đường bộ 2008.

Đây là một thay đổi đáng chú ý, hàm ý rằng đào tạo tạo lái xe ô tô có thể sẽ không còn là giáo dục nghề nghiệp. Trong khi trên thực tế, hai loại hình này có nhiều khác biệt khó dung hòa.

Mục tiêu khác nhau

Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, đào tạo trình độ sơ cấp (dưới 1 năm) có mục tiêu chung là “đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo;...” và mục tiêu cụ thể là “có năng lực thực hiện được các công việc đơn giản của một nghề”.

Các yêu cầu năng lực bao gồm (a) Kiến thức, (b) Kỹ năng và (c) Năng lực tự chủ và trách nhiệm, được chia thành 3 bậc từ I đến III theo số lượng mô-đun được học.

Ảnh minh hoạ: Dangcongsan.vn

Ảnh minh hoạ: Dangcongsan.vn

Trong khi đó, đầu tiên có thể thấy rất nhiều người học lái xe ô tô chỉ để phục vụ nhu cầu đi lại của cá nhân và gia đình, kể cả các hạng Giấy phép lái xe “chuyên nghiệp” như B2 và D. Nghĩa là không hoàn toàn phù hợp với mục tiêu chung.

Mặt khác, theo quy định pháp luật hiện hành, người lái xe ô tô còn phải được doanh nghiệp tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cấp giấy chứng nhận trước khi tham gia hoạt động kinh doanh vận tải và sau đó là định kỳ không quá 03 năm/lần.

Nội dung tập huấn theo chương trình của Bộ Giao thông vận tải. Phần tập huấn này mới phù hợp với mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp.

Mục tiêu đào tạo lái xe châu Âu (đào tạo lái xe Việt Nam chưa có mục tiêu) được sử dụng phổ biến trên thế giới gồm (a) Kiến thức và kỹ năng, (b) Nhận thức nguy cơ và (c) Khả năng tự đánh giá, chia thành 4 cấp độ từ thấp đến cao là (1) Vận hành xe, (2) Làm chủ các tình huống giao thông, (3) Mục tiêu và bối cảnh lái xe và (4) Mục tiêu sống và kỹ năng sống.

Mục tiêu này cũng khác hoàn toàn với yêu cầu năng lực của trình độ sơ cấp nêu trên và không thể chỉ là “thực hiện được các công việc đơn giản.”

Cấu trúc chương trình đào tạo khác nhau

Chương trình đào tạo trình độ sơ cấp được chia thành các mô-đun, mỗi mô-đun là một đơn vị học tập “được tích hợp giữa kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp một cách hoàn chỉnh.”

Còn chương trình đào tạo lái xe ô tô, tại nước ta cũng như trên thế giới, thường được chia thành hai phần lý thuyết và thực hành riêng biệt. Không học kết hợp kiến thức và kỹ năng thực hành như giáo dục nghề nghiệp.

Tại Việt Nam, phần lý thuyết lái xe (hạng B2) gồm 6 môn học, thời lượng cao nhất là Pháp luật Giao thông đường bộ (90 giờ) và thấp nhất là Học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông (4 giờ).

Phần thực hành lái xe là 84 giờ/học viên với 12 khoa mục, từ Tập lái tại chỗ không nổ máy đến Bài tập lái tổng hợp.

Tương ứng với các nội dung đào tạo trên, kỳ sát hạch cấp Giấy phép lái xe được tiến hành theo trình tự (1) Lý thuyết, (2) Mô phỏng trên máy vi tính, (3) Thực hành lái xe trong hình và (4) Thực hành lái xe trên đường giao thông công cộng.

Theo cách “học gì, thi nấy” thì hầu như không thể cấu trúc chương trình đào tạo lái xe theo mô-đun như quy định của giáo dục nghề nghiệp.

Giáo viên hướng dẫn lái xe không phải là nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

Theo Danh mục nghề nghiệp Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020, giáo viên hướng dẫn lái xe có mã nghề là 5165, thuộc nhóm Nhân viên dịch vụ cá nhân khác (516) - Nhân viên dịch vụ cá nhân (51) - Nhân viên dịch vụ và bán hàng (5).

Nhóm này ở “Cấp độ kỹ năng 2: Nhiệm vụ đòi hỏi biết về chuyên môn của công việc, có trình độ chuyên môn nhất định tương đương sơ cấp.”

Còn giáo viên sơ cấp có mã 3641 thuộc nhóm Giáo viên khác (364) - Giáo viên bậc trung (36) - Nhà chuyên môn bậc trung (3).

Cấp độ kỹ năng của nhóm này là 3 với "Nhiệm vụ phức tạp hơn, đòi hỏi chuyên môn cao hơn cấp độ kỹ năng 2, tương ứng với trình độ trung cấp hoặc cao đẳng."

Danh mục nghề nghiệp Việt Nam cũng phù hợp với Phân loại Tiêu chuẩn Quốc tế về Nghề nghiệp (ISCO-08) của ILO năm 2012.

Như vậy, giáo viên hướng dẫn lái xe không phải là giáo viên sơ cấp, tức nhà giáo giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ sơ cấp, về cả phân nhóm lẫn cấp độ kỹ năng.

Tuy khác với giáo dục nghề nghiệp, nhưng tương tự Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, cần quy định mục tiêu đào tạo lái xe trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bởi đây là yếu tố ảnh hưởng tiên quyết đến chất lượng đào tạo, sát hạch và cả chất lượng giáo viên hướng dẫn lái xe.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Trung