Phát triển đào tạo gắn với nhu cầu xã hội là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược hàng đầu mà các cơ sở đào tạo trên cả nước đang nỗ lực thực hiện, nhất là trong xu hướng toàn cầu hóa cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra ngày càng sâu rộng, tác động lên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo, thông qua đổi mới nội dung chương trình, công cụ hỗ trợ đào tạo, hơn lúc nào hết cần có sự liên kết giữa các đơn vị đào tạo, giữa đơn vị đào tạo với doanh nghiệp tuyển dụng nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, vấn đề chung đáng lo nhất của giáo dục đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay là sự cách biệt không nhỏ giữa đào tạo và sử dụng, giữa cung và cầu của nguồn nhân lực.
Đây là vấn đề được các nhà quản lý giáo dục, các nhà quản lý chuyên môn, doanh nghiệp sử dụng lao động quan tâm và đề cập không ít trong thời gian qua.
Không nằm ngoài vấn đề chung đó, đào tạo mỹ thuật ứng dụng cũng đang gấp thiết tìm lời giải đáp cho vấn đề đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Tọa đàm “Đào tạo đại học, cao đẳng ngành mỹ thuật ứng dụng gắn với thực tiễn xã hội, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp”. |
Để có được những đánh giá khách quan và đưa ra được các giải pháp đào tạo mỹ thuật ứng dụng gắn với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội, ngày 16/5/2019 thực hiện sự chỉ đạo của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, sự đồng ý của lãnh đạo Trường đại học Mở Hà Nội, Câu lạc bộ khối trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Khoa tạo dáng Công nghiệp Trường đại học Mở Hà Nội tổ chức hội thảo tọa đàm “Đào tạo đại học, cao đẳng ngành mỹ thuật ứng dụng gắn với thực tiễn xã hội, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp”.
Đến tham dự buổi hội thảo có Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Quý – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lan Oanh – Phó hiệu trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia; Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình – Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học, Viện Hàn Lâm khoa học Việt Nam; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nghị - Nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Chủ nhiệm câu lạc bộ khối các trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng…
Về phía Trường đại học Mở Hà Nội có Tiến sĩ Trương Tiến Tùng – Phó bí Thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường đại học Mở Hà Nội; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung – Phó hiệu trưởng Trường đại học Mở Hà Nội; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lan Hương – Trường khoa tạo dáng công nghiệp Trường đại học Mở Hà Nội… cùng đông đảo các quý vị đại biểu, thầy cô giáo công tác trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng đã tới tham dự.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nghị - Nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Chủ nhiệm câu lạc bộ khối các trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng phát biểu tại buổi hội thảo. |
Tại buổi hội thảo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nghị - Nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Chủ nhiệm câu lạc bộ khối các trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng đã có những chia sẻ:
“Đối với lĩnh vực đào tạo mỹ thuật ứng dụng hay còn gọi là mỹ thuật công nghiệp, từ nhiều năm qua mỹ thuật ứng dụng luôn đóng vai trò quan trọng, góp phần vào sự nghiệp phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của đất nước.
Các cơ sở đào tạo mỹ thuật ứng dụng có sự phát triển không ngừng cả về số lượng cũng như chất lượng và đang được bàn luận ở nhiều góc độ khoa học khác nhau.
Với nội dung tọa đàm “Đào tạo đại học, cao đẳng ngành mỹ thuật ứng dụng gắn với thực tiễn xã hội, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp” là chủ đề của hội thảo lần thứ 4 được câu lạc bộ khối các trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng và Trường đại học Mở Hà Nội tổ chức ngày 16/5/2019.
Tại buổi hội thảo này, nội dung hội thảo đề cập đến những vấn đề liên quan đến công tác đào tạo, liên kết đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực giữa nhà trường với doanh nghiệp trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng.
Thứ nhất, đánh giá thực trạng việc đào tạo mỹ thuật ứng dụng hiện nay.
Thứ hai, giải pháp nào để đổi mới chương trình đào tạo của các trường có thể linh hoạt với những biến đổi của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu xã hội trong việc tiếp nhận nguồn nhân lực có hiệu quả.
Thứ ba, đâu là điểm hạn chế của sinh viên mỹ thuật ứng dụng khi làm việc tại doanh nghiệp, kĩ năng cứng, kiến thức chuyên môn hay kĩ năng mềm, khả năng giao tiếp, làm việc nhóm.
Thứ tư, cơ sở đào tạo mỹ thuật luôn thay đổi nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, hình thức tổ chức hoạt động cần kết hợp như thế nào với doanh nghiệp để đảm bảo được chất lượng đào tạo trong các trường đại học.
Thứ năm, với thực tiễn xã hội luôn thay đổi, các phân ngành đào tạo theo truyền thống của các cơ sở đào tạo có còn phù hợp. Các cơ sở đào tạo cần phải thay đổi mình.
Thứ sáu, trong bối cảnh khoa học kĩ thuật có những bước phát triển mạnh mẽ, máy vi tính và các phần mềm đồ họa đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế và ứng dụng mỹ thuật…
Thứ bảy, mỹ thuật ứng dụng là một ngành nghề đa dạng với những chuyên ngành khác nhau. Hiện có nhiều chuyên ngành nghề mới xuất hiện dẫn đến nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp khác nhau.
Thứ tám, hàng năm các cơ sở đào tạo mỹ thuật ứng dụng đều dành thời lượng cho sinh viên đi thực tập tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã đi vào thực chất…
Thứ chín, việc sinh viên đi làm thêm tại các doanh nghiệp về mỹ thuật ứng dụng nhà trường và doanh nghiệp gặp những khó khăn gì khi sinh viên vừa đi học, vừa đi làm.
Thứ mười, lĩnh vực nào hiện nay đang thiếu nguồn nhân lực mà nhà trường cần tập trung đào tạo để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Mười một, những kĩ năng nào mà cơ sở đào tạo cần trang bị cho sinh viên học, thực hiện đồ án tốt nghiệp.
Mười hai, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực mỹ thuật ứng dụng.
Mười ba, phân tích và định hướng yêu cầu doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Mười bốn, những định hướng cho việc đào tạo mỹ thuật ứng dụng gắn với hoạt động của doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội.
Mười lăm, doanh nghiệp có thể đồng hành cùng nhà trường về những nội dung nào trong công tác đào tạo".
Trao cờ đăng cai tổ chức hội thảo cho đơn vị kế tiếp. |
Có thể khẳng định rằng mối gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường có mối quan hệ đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp.
Tọa đàm sẽ trở thành những khuyến nghị về đào tạo đại học, cao đẳng ngành mỹ thuật ứng dụng để việc đào tạo gắn với thực tiễn xã hội, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Đồng thời, qua buổi Hội thảo sẽ tăng cường các mối liên hệ giữa các cơ sở đào tạo Mỹ thuật ứng dụng trên cả nước.