Đào tạo cử tuyển: Nên tiếp tục hay dừng lại?

07/08/2023 06:36
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-“Địa phương cử đi thì anh phải có chỉ tiêu, có nhu cầu thì mới đưa đi, không phải cứ cử người đi học ào ào được!”, chuyên gia nhận định.

Vấn đề lãng phí đào tạo cử tuyển đã được bàn suốt nhiều năm nay, tuy nhiên, tình trạng sinh viên cử tuyển thất nghiệp vẫn “nhan nhản” tại các địa phương. Đào tạo cử tuyển không gắn với nhu cầu sử dụng tại địa phương không chỉ gây lãng phí nguồn lực cho nhà nước mà còn tạo ra gánh nặng và lãng phí cơ hội của chính những người được cử đi học.

Trách nhiệm thuộc về địa phương

Sinh viên hệ cử tuyển là người dân tộc thiểu số được cử đi học đại học, cao đẳng, trung cấp (qua phương thức xét tuyển). Người học sẽ được cấp học bổng, miễn học phí và hưởng các chế độ ưu tiên khác theo quy định hiện hành của Nhà nước trong thời gian đào tạo. Ra trường, người đi học theo chế độ cử tuyển được xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.

Ảnh minh họa: Báo Tuyên Quang

Ảnh minh họa: Báo Tuyên Quang

Mục đích của chính sách cử tuyển là để đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.

Tuy nhiên, thực tế sau nhiều năm triển khai, chính sách này đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa và mục đích của chính sách cử tuyển, tuy nhiên ông cũng bày tỏ lo ngại và bức xúc vì việc thực thi tại các địa phương tồn tại nhiều bất cập.

“Chính sách cử tuyển là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là chính sách nhân văn, đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên, việc các đơn vị triển khai không đúng đã khiến dư luận hiểu sai, “méo mó” về chính sách”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.

Trước lý giải của một số địa phương cho rằng việc bố trí việc làm cho sinh viên hệ cử tuyển sau tốt nghiệp gặp khó khăn chủ yếu do không có chỉ tiêu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định đây là do lỗi của chính địa phương cử đi.

Theo ông Khuyến, khi cử người đi học diện cử tuyển, nghĩa là đơn vị phải xác định nhu cầu địa phương đang cần gì, từ đó có kế hoạch tổng thể về đào tạo và sử dụng cán bộ phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Người được cử đi học phải đúng yêu cầu chính sách, đúng mục tiêu, học xong trở về đúng địa phương và làm đúng công việc được cử đi.

“Địa phương cử đi thì phải có chỉ tiêu, có nhu cầu thì mới đưa đi, không phải cứ cử người đi học ào ào được!”, ông Khuyến nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Nhà nước cần thanh tra, kiểm tra chặt chẽ về việc thực hiện đào tạo cử tuyển tại các địa phương, nơi nào chưa bố trí được việc làm cho sinh viên cử tuyển thì phải có chế tài xử phạt. “Phạt cả địa phương cử đi lẫn người được đưa đi học nếu thực hiện không đúng quy định của chính sách”, ông nói.

Có nên tiếp tục chính sách cử tuyển?

Thực tế chính sách cử tuyển còn tồn tại nhiều bất cập như: Sinh viên tốt nghiệp nhiều năm nhưng vẫn không được địa phương bố trí việc làm, hay những lo ngại về chất lượng cán bộ cử tuyển,... Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định, đây vẫn là một chính sách nhân văn và cần phải tiếp tục tồn tại để tiếp tục hỗ trợ công tác bổ sung nguồn nhân lực cán bộ cho vùng miền núi.

Với đặc thù những khu vực vùng miền núi còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, việc thu hút cán bộ từ vùng đồng bằng lên công tác tại đây không phải là một bài toán dễ. Sử dụng nguồn nhân lực tại chính địa phương là vẫn là giải pháp khả thi nhất trong điều kiện hiện nay. Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh, vấn đề không nằm ở chính sách mà ở cách làm của các đơn vị.

Theo đó, để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đào tạo cử tuyển, ông đề nghị các địa phương cần thắt chặt đầu vào tuyển chọn sinh viên đi học diện cử tuyển, đảm bảo đúng theo quy định tại Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 8/12/2020 của Chính phủ, cũng như xuất phát từ nhu cầu vị trí, việc làm tại địa phương.

Cũng nhận định trách nhiệm thuộc về các địa phương khi để tình trạng sinh viên cử tuyển thất nghiệp, gây rối loạn trật tự xã hội, một chuyên gia giáo dục bày tỏ:

“Theo tôi đây là sự thiếu trách nhiệm của địa phương khi cử người đi học cử tuyển, không tính toán đến vấn đề sử dụng nhân lực dẫn đến lãng phí nguồn lực nhà nước, tạo cả gánh nặng cho người đi học”, vị chuyên gia nêu quan điểm.

Nhận định đào tạo cử tuyển là một chính sách nhân văn, tuy nhiên chuyên gia cho rằng đây không phải là chính sách thực hiện vĩnh viễn. Đặt trong bối cảnh ngày nay, các địa phương, bộ, ban, ngành cần có sự rà soát và đánh giá lại vai trò, sứ mệnh của chính sách đào tạo cử tuyển để có những quy định phù hợp với thực tiễn.

Theo ông, hiện nay, nhân lực cán bộ phục vụ ở khu vực vùng miền núi đã không còn quá “thiếu thốn” như trước đây. Bên cạnh đó, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú đã phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện từng địa phương, do vậy nên hạn chế tối đa việc thực hiện đào tạo cử tuyển.

“Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta xem xét dừng chế độ đào tạo cử tuyển. Thay vào đó, đẩy mạnh lựa chọn qua các kỳ thi tuyển, hoặc mở rộng hệ thống các trường dự bị đại học để đào tạo, nâng cao chất lượng người học, giúp học có đủ năng lực để đào tạo tiếp bậc đại học”, vị chuyên gia đề xuất ý kiến.

Theo quy định tại khoản 3, điều 7 Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 8/12/2020 quy định về chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, quy trình xây dựng cử tuyển được quy định như sau:

Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo đề xuất chỉ tiêu cử tuyển lên Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc thị xã; Sau đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp tục tổng hợp báo cáo đề xuất chỉ tiêu cử tuyển lên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào báo cáo đề xuất của các địa phương và quy định về đối tượng cử tuyển để xây dựng, đề xuất chỉ tiêu cử tuyển lên trung ương.

Kinh phí đào tạo người học theo chế độ cử tuyển được cân đối trong dự toán chi ngân sách nhà nước của lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp hằng năm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

Bắc Sơn