Đắk Nông đề nghị đơn giản hoá thủ tục hành chính khi thành lập trường NCL

04/08/2022 06:32
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đắk Nông thừa nhận ở những huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại còn nhiều khó khăn nên chưa thu hút nhà đầu tư.

LTS: Thực hiện loạt bài về quá trình triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP từ năm 2019 đến nay, với mong muốn ghi nhận từ chính các địa phương triển khai, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam gửi công văn tới 63 tỉnh, thành phố đề nghị cung cấp thông tin về những kết quả, thuận lợi, khó khăn sau 3 năm triển khai Nghị quyết cũng như đề xuất, kiến nghị.

Vừa qua, Toà soạn đã nhận được công văn phản hồi của nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Đắk Nông. Để rộng đường dư luận, Toà soạn thông tin tới độc giả một số nội dung chính mà Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông đã cung cấp do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Toàn ký.

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước thông qua đóng góp, đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho phát triển giáo dục đào tạo đã đạt được những kết quả nhất định, thu hút đáng kể nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Đắk Nông hiện nay có 42 cơ sở giáo dục ngoài công lập

Số lượng cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện nay có 42 cơ sở giáo dục ngoài công lập/368 cơ sở giáo dục, chiếm tỉ lệ 11,41%; có 9.545 học sinh ngoài công lập/175.627 học sinh, chiếm tỉ lệ 5,43%. Cụ thể:

Giáo dục mầm non:

Số trường mầm non ngoài công lập: 36/126 trường (chiếm tỉ lệ 28,57%).

Số trẻ em học ngoài công lập: 8.256/32.970 trẻ (chiếm tỉ lệ 25,04%).

Giáo dục phổ thông:

Số trường ngoài công lập: 5/242 trường (chiếm tỉ lệ 2,07%).

Số học sinh theo học ngoài công lập: 1.289/142.707 học sinh (chiếm tỉ lệ 0,9%).

Giáo dục đại học: Không có.

Ảnh minh hoạ: L.T

Ảnh minh hoạ: L.T

Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2025:

Đối với giáo dục mầm non, đặc biệt là những khu vực có tốc độ đô thị hoá nhanh hoặc có số trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non, mẫu giáo tăng nhanh do di dân cơ học, phấn đấu đến năm 2025 số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt 28% với số trẻ em theo học đạt 30%.

Đối với giáo dục phổ thông, phấn đầu đến năm 2025, tỉ lệ cơ sở và số học sinh theo học tại các cơ sở ngoài công lập là 2,7% và 3%.

Để đạt mục tiêu này, Đắk Nông rốt ráo thực hiện một số giải pháp như:

Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội phát triển giáo dục tại địa phương; ưu tiên phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong các chương trình, kế hoạch phát triển phù hợp với điều kiện địa phương, cụ thể:

Hoàn thiện thể chế: Rà soát hệ thống văn bản, chính sách về xã hội hoá đã ban hành, hệ thống hoá các quy định về huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục theo từng lĩnh vực và nhóm vấn đề cụ thể, phát hiện những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn và còn thiếu, đề xuất hướng chỉnh sửa, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp; kịp thời cập nhật những chủ trương định hướng mới về xã hội hoá và có liên quan.

Một trang trong công văn trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam của Sở giáo dục và Đào tạo Đắk Nông.

Một trang trong công văn trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam của Sở giáo dục và Đào tạo Đắk Nông.

Cải thiện môi trường đầu tư bằng cách rà soát các điều kiện đầu tư, các chính sách thuế, đất đai trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đơn giản hoá quy trình thủ tục cho nhà đầu tư…

Bảo đảm đối xử bình đẳng và tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch; không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập, người học đều được tiếp cận cơ hội giáo dục và hưởng lợi từ các chính sách phát triển giáo dục của tỉnh.

Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập.

Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông như:

Tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương, chính sách về xã hội hoá để tất cả đối tượng liên quan nhận thức đúng đắn, đầy đủ và thực hiện có hiệu quả chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục, khắc phục và tiến tới xoá bỏ những định kiến, phên biệt đối xử giữa khối công lập và ngoài công lập;

Chú trọng thực hiện các hình thức ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có đóng góp, tài trợ cho giáo dục; tuyên dương và phát động nhân rộng những gương điển hình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục;

Thực hiện việc bố trí quỹ đất dành cho giáo dục, chú trọng bảo đảm giao đất hoặc cho thuê đất đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư theo các quy định đã ban hành;

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục;

Tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo các cơ sở giáo dục công khai mức học phí, công khai tài chính và cam kết chất lượng theo các văn bản quy định hiện hành của nhà nước;

Đắk Nông gặp nhiều khó khăn, hạn chế khi triển khai Nghị quyết 35

Trong quá trình khai Nghị quyết 35/NQ-CP, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, Đắk Nông cũng gặp một số khó khăn, hạn chế bao gồm:

Tổng các nguồn lực của xã hội thu hút vào khối ngoài công lập và công lập còn thấp.

Cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, nguồn vốn đầu tư hạn chế; ở những huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại còn nhiều khó khăn nên chưa thu hút doanh nghiệp, tổ chức cá nhân vào thực hiện đầu tư các công trình xã hội hoá; trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống tinh thần, vật chất của người dân còn nhiều khó khăn, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Tại khoản 4, Điều 5, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện để trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ hoạt động: “Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục”. Sau khi được cấp phép và đưa vào hoạt động, các cơ sở sử dụng nguồn thu từ phụ huynh học sinh để chi trả lương cho công tác quản lý, giảng dạy. Vì vậy, các cơ sở giáo dục ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trên là do:

Trong quá trình thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục tại địa phương phát triển không đồng đều ở các cấp học, chủ yếu mới chỉ ở bậc học mầm non, đối với các bậc học phổ thông nhà đầu tư chưa quan tâm nhiều. Chính sách ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia xã hội hoá giáo dục, đào tạo; khả năng chi trả cho các dịch vụ chất lượng cao của người dân còn hạn chế.

Còn phổ biến tâm lý coi trọng, tin tưởng trường công hơn trường tư; tâm lý trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước cấp vẫn còn; việc triển khai, thực hiện chủ trương xã hội hoá của các cấp chính quyền, các ngành chưa quyết liệt, thường xuyên.

Trước khó khăn, vướng mắc này, Đắk Nông đề nghị các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật bảo đảm điều chỉnh một cách sâu rộng, toàn diện các mặt của xã hội hoá; đơn giản hoá thủ tục hành chính trong việc thành lập cơ sở giáo dục ngoài công lập; có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và có yếu tổ nước ngoài đầu tư mở cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn sự phối hợp cung cấp thông tin của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông.

Linh Hương