Đại biểu Quốc hội: Nâng phụ cấp lên 70% góp phần “giữ chân” và thu hút GVMN

02/11/2022 06:37
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo ĐBQH Nguyễn Thị Hà, nâng mức phụ cấp ưu đãi từ 35% lên 70% là một trong những giải pháp góp phần tích cực vào việc “giữ chân” và thu hút giáo viên.

Tăng phụ cấp ưu đãi lên 70% là cần thiết

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên quan đến kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non từ 35% lên tối thiểu 70%, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Trong Phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nêu ra nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng nghỉ việc, chuyển việc ở nhiều giáo viên, hoặc chuyển từ môi trường công sang môi trường tư.

Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, tiền lương chưa tương xứng với công sức hằng ngày giáo viên bỏ ra và những áp lực từ phụ huynh, môi trường làm việc và xã hội là nguyên nhận chính dẫn đến số lượng giáo viên bỏ việc hoặc chuyển môi trường làm việc nhiều.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã kiến nghị nâng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, đặc biệt với giáo viên mầm non, tăng lên ngang với mức phụ cấp ưu đãi của y tế cơ sở, hoặc tối thiểu là tăng từ 35% lên 70%.

Theo tôi, kiến nghị này rất hợp lý, sẽ góp phần tích cực vào việc “giữ chân” và thu hút giáo viên”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà - đoàn Bắc Ninh đánh giá, kiến nghị nâng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm non lên 70% rất hợp lý, sẽ góp phần tích cực vào việc “giữ chân” và thu hút giáo viên. (Ảnh: NVCC).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà - đoàn Bắc Ninh đánh giá, kiến nghị nâng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm non lên 70% rất hợp lý, sẽ góp phần tích cực vào việc “giữ chân” và thu hút giáo viên. (Ảnh: NVCC).

Nữ đại biểu phân tích: “Với giáo viên nói chung, để có một bài giảng chất lượng trên lớp, giáo viên cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị giáo án, thiết bị dạy học, sau đó, là chấm bài, sửa bài cho học sinh sau giờ lên lớp. Thời gian làm việc của giáo viên không phải chỉ là số giờ, số tiết được tính trên hồ sơ, mà gồm nhiều thời gian trước và sau mỗi bài giảng.

Chưa kể đến những công việc khác trong quản lý học sinh, ngay cả khi học sinh đã tan học, đặc biệt với những giáo viên làm công tác chủ nhiệm, trách nhiệm càng lớn hơn khi những “đầu việc không tên” lại càng nhiều.

Đối với giáo viên mầm non, thường có giờ làm việc kéo dài liên tục trong một ngày trong môi trường đặc thù, nhiều áp lực. Giáo viên mầm non hằng ngày làm việc với đối tượng học sinh nhỏ tuổi - cũng là đối tượng dễ tổn thương, nên nhận được sự chú ý đặc biệt từ phụ huynh và xã hội. Từ đó, cũng tạo ra những áp lực vô hình với đội ngũ giáo viên mầm non”.

“Ngoài ra, còn có những ý kiến trái chiều trong dư luận, cho rằng, nhiều giáo viên sử dụng giáo án, bài dạy từ lớp này qua lớp khác, từ năm này qua năm khác. Như vậy là chưa đúng. Giáo viên phải thay đổi nội dung và phương pháp tiếp cận cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Chưa kể, giáo viên vẫn đang hằng ngày cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, tham gia nhiều lớp tập huấn, đào tạo cũng như tự nghiên cứu để đáp ứng đòi hỏi đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đây sẽ là một chính sách kịp thời ổn định tâm lý và chăm lo đời sống cho giáo viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên mầm non, nếu được triển khai” - Đại biểu Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Đổi mới công việc, không đổi mới thù lao, khiến giáo viên mệt mỏi

Trao đổi thêm về những giải pháp “giữ chân” nhà giáo, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết: “Bài toán tăng lương để “giữ chân” nhà giáo cũng đã rất nhiều đại biểu, rất nhiều chuyên gia đề cập đến.

Tôi cùng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng có những cuộc giám sát, khảo sát thậm chí với những cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề, khi gặp gỡ riêng với các cử tri là giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương, chúng tôi nhận được phản ánh, việc giáo viên bỏ nghề xuất phát từ hai lý do chủ yếu, chứ không phải chỉ một lý do.

Thứ nhất, được nhắc đến rất nhiều, đó là lương của ngành giáo dục hiện nay là quá thấp so với áp lực công việc. Vậy, làm sao đảm bảo lương của giáo viên phải tương xứng với công sức mà họ bỏ ra. Thứ hai, giáo viên cũng phản ánh, do áp lực công việc ngày càng cao, khiến họ cảm thấy không thiết tha với nghề”.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phân tích thêm: “Như chúng ta đã thấy, cùng với việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, phần công việc của giáo viên tăng lên rất nhiều, phải bỏ rất nhiều công sức, thời gian để đáp ứng chương trình mới. Chính vì vậy, áp lực công việc tăng lên rất nhiều, mà lương thì vẫn ở mức cũ.

Đổi mới công việc nhưng không đổi mới thù lao, dẫn đến việc giáo viên cảm thấy mệt mỏi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, để “giữ chân” nhà giáo, cần một giải pháp tổng thể hơn là tập trung vào một giải pháp. (Ảnh: NVCC).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, để “giữ chân” nhà giáo, cần một giải pháp tổng thể hơn là tập trung vào một giải pháp. (Ảnh: NVCC).

Thêm nữa, còn rất nhiều áp lực khác đến từ phụ huynh, đến từ học sinh... nên giáo viên nói rằng, nếu chỉ đi làm những công việc lao động đơn giản, thu nhập còn nhiều hơn giáo viên và không chịu những áp lực tương tự như thế.

Giáo viên rất khao khát với nghề nhưng giáo viên đã phải bỏ việc, tôi cho rằng, họ đang ở trong tình thế cực chẳng đã, họ mới phải bỏ nghề. Hiện tượng này cũng diễn ra ngày càng nhiều nên chúng ta cần suy nghĩ thật nghiêm túc”.

Vị đại biểu cũng chia sẻ thêm: “Chúng ta cần một giải pháp tổng thể hơn là tập trung vào một giải pháp.

Bên cạnh chính sách tiền lương, bên cạnh chế độ ưu đãi thu hút, thì giáo viên cũng cần có sự ổn định.

Chẳng hạn, nếu nghiên cứu đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình sách giáo khoa là cần thiết, cũng nên quan tâm đến việc đổi mới như thế nào, lộ trình ra sao, bởi nếu đổi mới diễn ra quá nhiều, quá thường xuyên, sẽ tạo không ít áp lực cho giáo viên. Ngay việc dạy như thế nào, đánh giá và thi như thế nào, thay đổi nhiều sẽ xáo trộn, không tốt đối với học sinh và giáo viên.

Thậm chí, tôi nghĩ rằng, đổi mới cũng cần có sự ổn định trong một giai đoạn nhất định. Chứ không thể hôm nay có quy định này, ngày mai có quy định khác, mỗi lần thay đổi lại dội những áp lực lên đầu giáo viên.

Tiếp theo, làm sao nâng cao đạo đức học sinh trong nhà trường và văn hóa ứng xử của phụ huynh với giáo viên cũng cần được quan tâm, tránh những trường hợp cực đoan, thái quá, dẫn đến tạo áp lực cho giáo viên...

Chính vì vậy, tôi cho rằng, cần nhất là nhìn nhận một cách tổng thể để có những giải pháp đồng bộ”.

Ngân Chi